Chatbot AI sẽ là xu hướng cho thương mại điện tử Việt Nam bứt phá trong năm 2019?

Với sự dẫn dắt của 5 xu hướng đến từ 2 động lực chính, nền thương mại điện tử Việt Nam năm 2019 được dự báo sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ, nếu giải quyết được hạn chế về chênh lệch tăng trưởng giữa các địa phương hiện nay.

Năm 2019, quy mô thị trường thương mại điện tử toàn cầu ước đạt 3,453 tỷ USD và dự báo sẽ đạt tới 4,878 tỷ USD vào năm 2021, theo số liệu của Statista. Thị trường tiềm năng này cũng được dự đoán sẽ ghi nhận mức tăng trưởng trung bình hàng năm 25% trong giai đoạn 2017 - 2021.

Trong đó, Trung Quốc là quốc gia có nền kinh tế Internet lớn nhất với 718 tỷ USD, theo sau là Mỹ với 547 tỷ USD vào năm 2019. Bên cạnh đó, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được cho là động lực tăng trưởng chính khi chiếm tới 14,6% trong quy mô thương mại điện tử toàn thế giới.

Tại Việt Nam, nền kinh tế Internet đạt 9 tỷ USD năm 2018 về quy mô, tăng trưởng gấp 2 lần so với năm 2017 ở mức 2,8 tỷ USD, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm 38% trong giai đoạn 2015-2018.

Một số sàn thương mại điện tử có doanh thu tăng đột biến tới 300% - 400%, trong khi quảng cáo số và game trực tuyến chỉ tăng trưởng 50% mỗi năm.

 

Năm 2019, 5 xu hướng và 2 động lực sẽ dẫn dắt thương mại điện tử Việt Nam

Theo ông Đỗ Hữu Hưng - CEO ACCESSTRADE, có 5 xu hướng đang và sẽ dẫn dắt thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2019, đó là Chatbot AI (Trợ lý ảo), Apps (Ứng dụng điện thoại), Multi-Channel (Đa kênh), Customer Experience (Trải nghiệm người dùng) và D2C (Direct-to-Customer, hiểu là bán hàng trực tiếp thẳng từ người bán đến người tiêu dùng thông qua website, cửa hàng chính hãng mà không qua các kênh trung gian như nhà phân phối, đại lý,…).

Đại diện ACCESSTRADE cũng khẳng định, cốt lõi của 5 xu hướng nói trên đến từ 2 động lực: lấy công nghệ và lấy người tiêu dùng làm trung tâm.

Ông Đỗ Hữu Hưng - CEO ACCESSTRADE tại Họp báo Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2019
CEO ACCESSTRADE Đỗ Hữu Hưng khẳng định thương mại điện tử Việt Nam 2019 sẽ được dẫn dắt bởi 5 xu hướng đến từ 2 động lực chính

 

Theo đó, công nghệ không chỉ còn là một câu chuyện bên lề, mà đã trở thành trọng tâm trong mọi định hướng, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Trong bối cảnh thế giới đang biến đổi từng ngày với sự xuất hiện liên tục của những tiến bộ khoa học - công nghệ mới, nền tảng thương mại điện tử hoạt động trên cơ sở kỹ thuật số của doanh nghiệp sẽ lạc hậu bất cứ lúc nào nếu không kịp cập nhật và thay đổi theo xu thế chung.

Cũng trong xu thế ấy, có thể thấy chưa bao giờ người tiêu dùng, hay khách hàng, lại đóng vai trò trung tâm và có tiếng nói quan trọng trong nền kinh tế số như hiện nay. Mỗi trải nghiệm, đánh giá, phản hồi tích cực hay tiêu cực của người dùng đều ảnh hưởng mạnh mẽ tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thương mại điện tử, đặc biệt khi thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt đến từ nhiều thương hiệu tầm cỡ.

 

Tăng trưởng thương mại điện tử cần gắn liền với thu hẹp khoảng cách chênh lệch

Phát biểu tại buổi Họp báo Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2019 chiều 12/3/2019, ông Nguyễn Kỳ Minh - Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử (EcomViet), thuộc Bộ Công Thương khẳng định, trải qua 3 giai đoạn từ khi hình thành (1997-2005) đến khi phổ cập (2006-2015) và giờ bước vào giai đoạn bứt phá (2016-2025), nền thương mại điện tử Việt Nam đã cho thấy mức tăng trưởng vượt trội.

Đặc biệt, năm 2018 được coi là năm sôi động nhất của kinh doanh trực tuyến với tốc độ tăng trưởng đạt trên 30%. Với điểm xuất phát thấp khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015 nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong ba năm liên tiếp cao nên quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2018 lên tới khoảng 7,8 tỷ USD.

Ông Nguyễn Kỳ Minh - Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử EcomViet tại Họp báo Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2019
Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử EcomViet Nguyễn Kỳ Minh bày tỏ sự lạc quan về tiềm năng tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2019

 

Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD. Quy mô này sẽ cao hơn mục tiêu nêu trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016- 2020, theo mục tiêu này thì quy mô thương mại điện tử bán lẻ (B2C) đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.

“Vậy nếu vẫn với tốc độ 30% mỗi năm, đến 2025, con số này có thể lên tới 33 tỷ USD, đưa thương mại điện tử Việt Nam lên đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á về quy mô, theo dự báo của Google, chỉ sau Indonesia với ước tính 100 tỷ USD và Thái Lan với 43 tỷ USD”, đại diện EcomViet phân tích.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Kỳ Minh thẳng thắn chỉ ra, hạn chế của thương mại điện tử Việt Nam hiện nay là vẫn tồn tại sự chênh lệch giữa hai đầu cầu kinh tế nước ta là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh so với 61 tỉnh, thành phố còn lại.

Theo đó, năm 2018, chỉ 2 thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh đã chiếm đến 70% doanh thu thương mại điện tử của cả nước, cho thấy sự chênh lệch quá lớn trong tỷ trọng theo địa phương của thương mại điện tử Việt Nam.

Đại diện EcomViet cho biết, Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử VOBF 2019 tổ chức vào cuối tháng 3 tới đây, với sự tham gia của hơn 30 diễn giả và 2.000 đại biểu, được kỳ vọng sẽ thảo luận, tìm ra nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề chênh lệch này, góp phần phát triển thương mại điện tử Việt Nam ổn định và bền vững trong các năm tới.

Cũng tại buổi Họp báo, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cùng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã có phần chia sẻ kinh nghiệm, giải đáp một số thắc mắc liên quan tới các nền tảng, xu hướng thương mại điện tử và kinh doanh trực tuyến cho báo chí và các doanh nghiệp trong nước trước thềm VOBF 2019.

Họp báo Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2019
Các chuyên gia lắng nghe ý kiến của đại diện doanh nghiệp và báo chí về thương mại điện tử và kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam
Thy Thảo