Chính sách quản lý tập trung kinh tế theo Luật cạnh tranh 2018 và thực trạng giao dịch tập trung kinh tế tại Việt Nam

Luật cạnh tranh 2018 đã có những quy định chi tiết kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế trên thị trường, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh.

Chính sách quản lý tập trung kinh tế hiện nay

Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) hay hoạt động tập trung kinh tế là các hành vi pháp lý được thực hiện khá phổ biến ở Việt Nam trong thời gian gần đây, đặc biệt là khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

Mặc dù phần lớn các giao dịch tập trung kinh tế mang lại hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế, tuy nhiên, cũng có những thương vụ mua bán – sát nhập ở mức đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp khác, hay còn gọi là tập trung kinh tế có thể làm thay đổi đáng kể cấu trúc thị trường của một hàng hóa, dịch vụ nhất định, dẫn đến hình thành các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hoặc sự liên kết, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ tác động hạn chế cạnh tranh, từ đó suy giảm hiệu quả kinh tế cũng như xâm hại lợi ích người tiêu dùng.

Xuất phát từ sự cần thiết phải kiểm soát các hoạt động tập trung kinh tế để tránh tình trạng hình thành các doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đáng kể hoặc gia tăng nguy cơ thông đồng, phối hợp giữa các doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh trên thị trường, Luật cạnh tranh 2018 đã có những quy định chi tiết cho phép các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế trên thị trường.

Tuy nhiên, Luật cạnh tranh 2018 không kiểm soát tất cả các hoạt động tập trung kinh tế mà chỉ tập trung vào các trường hợp doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam dựa trên đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của việc tập trung kinh tế và tác động tích cực của việc tập trung kinh tế.

Cạnh tranh công bằng
Luật cạnh tranh 2018 đã có những quy định chi tiết kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế trên thị trường, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh.

Luật Cạnh tranh 2018 đã quy định chi tiết về kiểm soát việc tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam. Đối tượng điều chỉnh của luật bao gồm: (1) Tổ chức, cá nhân kinh doanh (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; (2) Hiệp hội ngành, nghề hoạt động tại Việt Nam; và (3) Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan.

Hình thức tập trung kinh tế

Theo Luật Cạnh tranh 2018, tập trung kinh tế bao gồm các hình thức dưới đây:

a) Sáp nhập doanh nghiệp là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập.

b) Hợp nhất doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của các doanh nghiệp bị hợp nhất.

c) Mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại.

d) Liên doanh giữa các doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp cùng nhau góp một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới.

Trong đó, việc kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp khác là khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Doanh nghiệp mua lại giành được quyền sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc trên 50% cổ phần có quyền biểu quyết của doanh nghiệp bị mua lại;

b) Doanh nghiệp mua lại giành được quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng trên 50% tài sản của doanh nghiệp bị mua lại trong toàn bộ hoặc một ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp bị mua lại đó;

c) Doanh nghiệp mua lại có một trong các quyền sau: (1) Trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp bị mua lại; (2) Quyết định sửa đổi, bổ sung điều lệ của doanh nghiệp bị mua lại; (3) Quyết định các vấn đề quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị mua lại bao gồm việc lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; lựa chọn điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh; lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Nhóm doanh nghiệp liên kết về tổ chức và tài chính là nhóm các doanh nghiệp cùng chịu sự kiểm soát, chi phối của một hoặc nhiều doanh nghiệp trong nhóm hoặc có bộ phận điều hành chung.

Ngưỡng thông báo tập trung kinh tế

Theo Điều 13, Nghị định 35/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh, các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế (trừ các doanh nghiệp tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán) theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật Cạnh tranh 2018, phải thông báo cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trước khi thực hiện tập trung kinh tế nếu thuộc trong một trong các trường hợp sau đây:

a) Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;

b) Tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;

c) Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế từ 1.000 tỷ đồng trở lên;

d) Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.

Ngưỡng thông báo tập trung kinh tế của các doanh nghiệp là tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán dự định tham gia tập trung kinh tế theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật Cạnh tranh 2018 như sau:

a) Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp bảo hiểm liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên, của công ty hoặc nhóm công ty chứng khoán liên kết mà công ty đó là thành viên đạt 15.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế; tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của tổ chức tín dụng hoặc nhóm tổ chức tín dụng liên kết mà tổ chức tín dụng đó là thành viên đạt 20% trở lên trên tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng trên thị trường Việt Nam trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;

b) Tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp bảo hiểm liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 10.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế; tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của công ty hoặc nhóm công ty chứng khoán liên kết mà công ty đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế; tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam của tổ chức tín dụng hoặc nhóm tổ chức tín dụng liên kết mà tổ chức tín dụng đó là thành viên đạt từ 20% trở lên trên tổng doanh thu của hệ thống các tổ chức tín dụng trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;

c) Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế của doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán từ 3.000 tỷ đồng trở lên; giá trị giao dịch của tập trung kinh tế của tổ chức tín dụng từ 20% trở lên trên tổng vốn điều lệ của hệ thống các tổ chức tín dụng trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;

d) Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan trong năm tài chính liên kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.

Trường hợp hoạt động tập trung kinh tế được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam, ngưỡng thông báo tập trung kinh tế được áp dụng theo điểm a, b hoặc d của khoản 1, điểm a, b hoặc d của khoản 2, Điều 13 của Nghị định 35/2020/NĐ-CP.

Thực trạng giao dịch tập trung kinh tế thời gian vừa qua

Tính riêng trong năm 2021, Cục Cạnh Tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã tiếp nhận 130 hồ sơ thông báo về giao dịch tập trung kinh tế thuộc ngưỡng phải thông báo, tăng khoảng 94% so với năm 2020. Các giao dịch được thực hiện ở đa dạng các lĩnh vực, từ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ đến lĩnh vực tài nguyên như bất động sản, năng lượng.

Trong số 130 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, số lượng giao dịch được thực hiện tại Việt Nam chiếm đa số với 92 giao dịch, khoảng 71%, trong khi đó, 29% số giao dịch còn lại tương đương 38 giao dịch được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tỷ lệ này tương đương với giai đoạn 2019 - 2020.

Toàn bộ hồ sơ thông báo tập trung kinh tế được Cục Cạnh Tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tiếp nhận, thẩm định theo đúng quy trình, thủ tục. Trong đó, 03 giao dịch không thuộc trường hợp phải thông báo tập trung kinh tế và hồ sơ thông báo đối với các giao dịch này đã được trả lại cho doanh nghiệp.

124 giao dịch được kết thúc quá trình xem xét ở giai đoạn thẩm định sơ bộ (trong vòng 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ). Các trường hợp kết thúc ở giai đoạn thẩm định sơ bộ là các giao dịch tập trung kinh tế không có tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường liên quan và không tiềm ẩn quan ngại về cạnh tranh trên thị trường nói chung. Các doanh nghiệp tham gia giao dịch tập trung kinh tế này đều có thị phần hoặc thị phần kết hợp dưới 20% (dưới ngưỡng an toàn theo quy định tại Điều 14 của Nghị định số 35/2020/NĐ-CP).

Trong số này, có khoảng 12% các giao dịch tập trung kinh tế có mức thị phần kết hợp khá thấp (dưới 5%) và thậm chí có trường hợp mức thị phần kết hợp nhỏ hơn 1% hoặc mức thị phần là 0% (do doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh nhưng chưa phát sinh doanh thu).

03 giao dịch còn lại thuộc trường hợp phải thẩm định chính thức, chiếm chưa tới 2% tổng số giao dịch thông báo tập trung kinh tế. Đây là các giao dịch có tiềm ẩn tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường liên quan. Cụ thể, các giao dịch tập trung kinh tế này đều có thị phần hoặc thị phần kết hợp trên 20% (trên ngưỡng an toàn).

Cục Cạnh Tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết cả 03 giao dịch này (trong lĩnh vực hàng không, nhựa và năng lượng) mặc dù đều tiềm ẩn nguy cơ gây tác động hạn chế cạnh tranh trênthị trường nhưng chưa đến mức độ “đáng kể” nên không thuộc trường hợp bị cấm theo quy định tại Điều 30 của Luật Cạnh tranh 2018.

Tuy nhiên, các giao dịch này thuộc trường hợp tập trung kinh tế có điều kiện theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 41 của Luật Cạnh tranh 2018. Do vậy, Bộ Công Thương đã đưa ra một số khuyến nghị đối với các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh cũng như giảm thiểu các nguy cơ gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường.

Phân loại các giao dịch tập trung kinh tế được thông báo tới Cục Cạnh Tranh và Bảo vệ người tiêu dùng theo dạng thức tập trung kinh tế thì có 78 giao dịch tập trung kinh tế theo chiều ngang (giao dịch giữa các doanh nghiệp hoạt động trên cùng thị trường liên quan). Dạng tập trung kinh tế này chiếm đến 61% tổng số giao dịch.

Tập trung kinh tế theo chiều dọc và tập trung kinh tế dạng hỗn hợp lần lượt chiếm tỷ lệ 9% và 24% trong tổng số hồ sơ được thông báo. Trong đó, tập trung kinh tế dạng chiều dọc là giao dịch giữa các doanh nghiệp hoạt động trên các thị trường sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau. Tập trung kinh tế dạng hỗn hợp là giao dịch giữa các doanh nghiệp hoạt động trên các thị trường liên quan khác nhau.

Tập trung kinh tế dạng cả chiều ngang và chiều dọc chỉ chiếm khoảng 6% với 7 giao dịch trong tổng số các giao dịch được thông báo đến Cục Cạnh Tranh và Bảo vệ người tiêu dùng báo trong năm 2021.

Với những kết quả đạt được, có thể nhận thấy, Luật Cạnh tranh 2018 đã được triển khai thực hiện và dần đi vào cuộc sống, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra trên thế giới, hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp có xu hướng gia tăng, đặc biệt là xu hướng gia tăng các giao dịch mua bán, sáp nhập có vốn đầu tư nước ngoài.

Việc thực hiện tốt công tác giám sát thị trường, kiểm soát các hoạt động tập trung kinh tế trên cơ sở những quy định mới về điều kiện, quy trình, thủ tục… góp phần tạo lập môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh và một lần nữa khẳng định, phát huy vai trò, chính sách mới của Luật Cạnh tranh 2018 trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội.

Quy trình điều tra và xử lý vụ việc tập trung kinh tế

Các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tập trung kinh tế phải áp dụng tố tụng cạnh tranh theo Điều 44, Luật Cạnh tranh 2018. Hồ sơ khiếu nại được quy định tại Khoản 3, Điều 77, Luật Cạnh tranh 2018.

Các hành vi vi phạm về kiểm soát tập trung kinh tế

Điều 44, Luật Cạnh tranh 2018 quy đinh các hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế gồm:

a) Doanh nghiệp không thông báo tập trung kinh tế theo quy định của luật;

b) Doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế khi chưa có thông báo kết quả thẩm định sơ bộ của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia quy định tại khoản 2, Điều 36 của Luật Cạnh tranh 2018 trừ trường hợp quy định tại khoản 3, Điều 36 của Luật Cạnh tranh 2018;

c) Doanh nghiệp thuộc trường hợp phải thẩm định chính thức việc tập trung kinh tế mà thực hiện việc tập trung kinh tế khi Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chưa ra quyết định quy định tại Điều 41 của Luật Cạnh tranh 2018;

d) Doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ điều kiện được thể hiện trong quyết định về tập trung kinh tế quy định tại điểm b khoản 1 Điều 41 của Luật Luật Cạnh tranh 2018;

e) Doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế trong trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 41 của Luật Cạnh tranh 2018;

f) Doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế bị cấm quy định tại Điều 30 của Luật Cạnh tranh 2018.

Uyên Chi