Đưa Tây Nguyên thoát khỏi “vùng trũng” trong phát triển ngoại thương

Dù Tây Nguyên đã trở thành vùng sản xuất nhiều nông sản chủ lực với quy mô lớn, tỷ trọng cao thế nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng vẫn còn rất khiêm tốn, xếp thứ 6/6 vùng về quy mô xuất nhập khẩu…

Nhận diện "điểm nghẽn" trong phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên

Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên đã và đang tập trung phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hoá với nhiều sản phẩm nông sản chủ lực truyền thống như cà phê, cao su, hồ tiêu, sầu riêng… xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, EU…

Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp nên xét về quy mô xuất nhập khẩu vẫn còn nhiều hạn chế. Điển hình như trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cả vùng Tây Nguyên chỉ đạt 4,65 tỷ USD, chiếm 1,36% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, xếp thứ 6/6 vùng về quy mô xuất nhập khẩu.

Đưa Tây Nguyên thoát khỏi “vùng trũng” trong phát triển ngoại thương
Các tỉnh Tây Nguyên đã và đang tập trung phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hoá với nhiều sản phẩm nông sản chủ lực truyền thống như cà phê, cao su, hồ tiêu, sầu riêng… xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, EU…

Lý giải về điều này, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, các địa phương trong vùng Tây Nguyên chưa phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh. Phần lớn các doanh nghiệp trong vùng là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế về năng lực sản xuất, trình độ công nghệ, năng lực cạnh tranh cũng như công tác phối hợp xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư chưa được thực hiện thường xuyên và chưa tận dụng hết được lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại. Nhiều mặt hàng giá trị xuất khẩu chưa cao, mặt hàng xuất khẩu chưa phong phú đa dạng, tính cạnh tranh chưa cao, chủ yếu là xuất khẩu các sản phẩm thô, gia công, ít sản phẩm mang thương hiệu riêng vững chắc.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản vùng Tây Nguyên vẫn còn nhỏ lẻ, phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống, không ổn định, thiếu các bạn hàng lớn. Khi các thị trường này có biến động sẽ ảnh hưởng rất lớn và tiêu cực đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông sản vùng Tây Nguyên.

Đồng thời, hệ thống logistics của vùng còn nhiều hạn chế. Toàn vùng Tây Nguyên hiện chỉ có duy nhất quốc lộ 14 là con đường kết nối hầu hết các tỉnh trong vùng với một số vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Duyên hải miền Trung nhưng đang bị quá tải. Kết nối Tây Nguyên với các tỉnh miền Trung hiện dựa vào những tuyến quốc lộ đã có từ lâu, xuống cấp, quá tải khiến việc lưu thông hàng hoá, vận tải trở nên khó khăn…

Đưa Tây Nguyên thoát khỏi “vùng trũng” trong phát triển ngoại thương
Hiện toàn vùng Tây Nguyên chỉ có duy nhất quốc lộ 14 là con đường kết nối hầu hết các tỉnh trong vùng với một số vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Duyên hải miền Trung nhưng đang bị quá tải

Nhận diện được những khó khăn, thách thức này, theo ông Nguyễn Tuấn Hà, để thu hẹp dần khoảng cách về thu nhập và trình độ phát triển thương mại của vùng so với trung bình cả nước trong thời gian tới, Đắk Lắk và các tỉnh trong khu vực cần đẩy mạnh tăng cường liên kết vùng; tích cực tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi phát triển hạ tầng công nghiệp, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Đồng thời, cần tận dụng tối đa giá trị lợi thế, chính sách ưu đãi của Nhà nước để đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư các dự án vào các cụm công nghiệp; làm đòn bẩy phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cao của địa phương.

Tăng cường liên kết vùng, đồng hành phát triển sản phẩm thế mạnh

Đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, vùng Tây Nguyên có tiềm năng rất lớn cho phát triển các ngành nghề sản xuất, chế biến một số loại nông sản giá trị cao khai thác khoáng sản. Trong đó, lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản tập trung đầu tư phát triển theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, theo chuỗi giá trị; chú trọng phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và cả vùng để thu hút đầu tư nước ngoài, sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm nông sản, cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, cây gia vị, trái cây đặc sản…

Với lợi thế của vùng có một số tỉnh có các cửa khẩu tiếp giáp với nước bạn Lào và Campuchia nên có thể thấy rõ tầm quan trọng của việc đẩy mạnh phát triển các khu kinh tế cửa khẩu theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, có mạng lưới trung tâm thương mại - dịch vụ, trung tâm logistics với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, hướng tới các sản phẩm dịch vụ phức hợp, ứng dụng công nghệ cao, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn vùng.

Đưa Tây Nguyên thoát khỏi “vùng trũng” trong phát triển ngoại thương
Các địa phương trong vùng Tây Nguyên cần liên kết với nhau đẻ vùng thống nhất đồng hành phát triển các sản phẩm thế mạnh chủ lực cho từng nhóm sản phẩm của vùng

Để hỗ trợ, thúc đẩy Vùng Tây Nguyên có sự chuyển mình khởi sắc trong hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cần thực hiện quyết liệt một số biện pháp sau:

Đối với các địa phương trong Vùng, cần tính toán, liên kết với nhau để cùng thống nhất đồng hành phát triển các sản phẩm thế mạnh chủ lực cho từng nhóm sản phẩm của Vùng, từ đó xác định các mô hình chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị phù hợp để khai thác các giá trị sản phẩm tốt nhất.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Công Thương và các Bộ/ngành liên quan đẩy mạnh, xúc tiến xuất khẩu trọng tâm cho từng giai đoạn, từng khu vực thị trường mục tiêu, Xây dựng tốt nhất mô hình liên kết phù hợp, khi đó mỗi mắt xích trong các chuỗi này đều được hưởng lợi, từ đó từng bước cân bằng phát triển kinh tế nội Vùng.

Đối với các doanh nghiệp trong Vùng, cần kịp thời cập nhật thông tin về thị trường nước ngoài để nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng tại từng thị trường, từ đó điều chỉnh sản phẩm phù hợp theo từng thị trường, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tích cực tìm hiểu các ưu đãi đem lại từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia để xác định các thị trường xuất khẩu tiềm năng nhất cho sản phẩm của mình, hoặc các thị trường xuất khẩu tiềm năng để đa dạng hóa thị trường, tránh rủi ro trong trường hợp 1 thị trường xuất khẩu nào đó gặp bất ổn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nên nghiên cứu, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tìm kiếm cơ hội kinh doanh, trong đó có các chương trình của địa phương hoặc của Bộ Công Thương. Các doanh nghiệp cần đầu tư xác đáng cho việc bồi dưỡng kiến thức, năng lực của nhân sự tham gia thương mại quốc tế, cập nhật các xu hướng công nghệ, thương mại điện tử từ đó có thể mở ra nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng, cắt giảm chi phí trung gian, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.

 “Với vai trò là cơ quan quản lý kinh tế đa ngành, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghiệp, thương mại, Bộ Công Thương luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của các địa phương Vùng Tây Nguyên hỗ trợ các doanh nghiêp trong vùng phát triển thị trường xuất nhập khẩu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của vùng ở thị trường trong và ngoài nước, tận dụng các cơ hội quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực của vùng, góp phần thúc đẩy thương mại của vùng phát triển hiệu quả, năng động hơn nữa.” - Ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Huyền My