Chuỗi cung ứng thực hiện “mục tiêu kép”

Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Bằng nhiều giải pháp phù hợp, Bộ Công Thương đã hỗ trợ các doanh nghiệp giữ vững chuỗi cung ứng, bảo đảm phục vụ hàng hóa thiết yếu cho nhân dân.

chuoi cung ung

Trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, ngành Công Thương đã làm được 2 việc quan trọng là: không để nguồn cung hàng hóa thiết yếu gián đoạn và kiểm soát được giá cả trên thị trường. Nhưng, cái được lớn hơn, qua hoạt động hỗ trợ đảm bảo hàng hoá thiết yếu cho TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam, ngành Công Thương đã nhận diện được những nguy cơ, thách thức đối với các chuỗi cung ứng, từ đó xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép 19 tỉnh Đông, Tây Nam Bộ áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, hai Bộ trưởng - Công Thương và Nông nghiệp đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường các địa phương để bàn các giải pháp, phương án về nguồn hàng, phương thức cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa bàn dân cư. Cuộc họp đã thống nhất về quan điểm, trong mọi tình huống, hai Ngành chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân các địa phương không được để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.

hang viet

Có thể nói, việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu và kiểm soát được giá trên thị trường tại các tỉnh áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cũng là do chúng ta được thừa hưởng một nền tảng khá vững chắc trong hệ thống phân phối nhiều năm gần đây.

Nền tảng này không chỉ là kết cấu hạ tầng thương mại; mà còn là các chương trình phát triển thương mại nội địa như Chương trình bình ổn thị trường, Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn, Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… Những chương trình này đã xây dựng nên những chuỗi cung ứng hàng hóa mà ở đó, sự kết nối giữa các bộ, ngành trung ương với chính quyền địa phương; doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, hộ nông dân với doanh nghiệp phân phối đã tạo thành dòng chảy thương mại vững chắc, có khả năng điều tiết thị trường

Sự hưởng ứng mạnh mẽ của người dân, doanh nghiệp có nền tảng vững chắc từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, và việc triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” từ năm 2014 đến nay.

Các chương trình thực hiện Đề án giai đoạn 2014 – 2020 với 3 nhóm Chương trình. Một là Nhóm chương trình hỗ trợ nhằm thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi của cộng đồng; Hai là hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững; và Ba là hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam và hàng Việt Nam.

 

Đối với Nhóm chương trình hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững, Bộ Công Thương đã áp dụng các biện pháp thích hợp để tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm.

Qua 5 năm, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước và hệ thống siêu thị nước ngoài tại Việt Nam duy trì ở mức cao, từ 80% đến 95%; tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Tại hơn 9.000 điểm bình ổn thị trường có tới gần 90% là hàng sản xuất trong nước.

Hội nghị giao thương kết nối cung cầu giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh thành phố năm 2017 thu hút gần 400 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của 50 tỉnh, thành phố trên cả nước
Các hội nghị giao thương kết nối cung cầu đã tạo ra những chuỗi cung ứng bền vững

Những hoạt động trong Nhóm chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam và hàng Việt Nam hết sức phong phú từ kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại nội địa, đưa hàng Việt về nông thôn, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới;

Cùng với đó là đào tạo kỹ năng bán hàng đã tạo dựng một môi trường sinh thái kết nối để các doanh nghiệp lớn và nhỏ, các doanh nghiệp sản xuất cùng doanh nghiệp phân phối trở thành những đối tác của nhau.

Đồng thời, một số ngành hàng sản xuất Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm. Tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, của ngành da giày chiếm khoảng 40-50%.

Triển khai thực hiện Đề án đã góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, đảm bảo cân đối cung cầu với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hằng năm tăng khoảng 10%.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, dưới tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư khiến nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy thị trường xuất khẩu, đứt gãy nguồn nguyên liệu, các đơn hàng bị ngừng trệ thì với những chuỗi cung ứng đã được hình thành bền vững đủ sức phục vụ quy mô gần 100 triệu người tiêu dùng cho thấy thị trường nội địa là không gian rộng lớn cho doanh nghiệp khai thác, vượt qua khó khăn trước bất cứ biến động nào.

Các doanh nghiệp đã đề cao trách nhiệm đối với người tiêu dùng; chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới quản lý, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; coi trọng quảng bá sản phẩm, phát triển hệ thống phân phối, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng...

Không chỉ chinh phục người Việt, hiện diện trong từng ngôi nhà, ngõ xóm, mà hàng Việt đủ bản lĩnh theo chân các con tàu đi khắp các đại dương, đến với những thị trường mới, khách hàng mới, chia sẻ những xu hướng tiêu dùng mới. Hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước và hệ thống siêu thị nước ngoài tại Việt Nam duy trì ở mức cao, từ 80% đến 95%.

Nhưng điều quan trọng hơn, mỗi khi thị trường thế giới có biến động, như bị gián đoạn nguồn cung do đại dịch Covid-19 vừa qua, thì hàng Việt với tỷ lệ bao phủ cao đã hiện diện mạnh mẽ trên thị trường nội địa, như một bức tường thành vững chắc, bảo vệ nền kinh tế trước những con sóng bất định từ bên ngoài.

hàng viet

Từ các chương trình, đề án về hàng Việt, chúng ta có một cộng đồng thương mại gắn kết, hỗ trợ nhau xử lý một cách linh hoạt trong những kịch bản mới. Như cơ quan quản lý nhà nước phối hợp với các hệ thống phân phối lớn thu mua nông sản cho nông dân bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh; phối hợp với các sàn thương mại điện tử triển khai các chương trình đặt hàng nông sản, hàng thiết yếu, thực phẩm tươi sống tạo điều kiện mua sắm cho người dân trên các kênh trực tuyến.

Việc kế thừa, phát huy sức mạnh của kết cấu hạ tầng thương mại, các chương trình phát triển thương mại nội địa trong bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu và kiểm soát được giá trên thị trường thông qua các chuỗi cung ứng đã được chứng minh, thể hiện mạnh mẽ trong những thời khắc nước sôi lửa bỏng, ở những địa bàn “nóng” nhất về dịch Covid-19, trước đây là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, sau đó là  TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam. Đây cũng có thể coi là một trong những bài học kinh nghiệm giúp ngành Công Thương cơ cấu lại hoạt động thương mại  gắn với một chương trình tổng thể về thích ứng, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tăng tính tự chủ của nền kinh tế, tăng cường khả năng chống chịu, thích ứng trước những cú “sốc” do bất ổn kinh tế vĩ mô bên ngoài, hoặc dịch bệnh, biến đổi khí hậu.

Sức sống mãnh liệt của hàng Việt đã vượt qua câu chuyện về kích cầu, về hỗ trợ sản xuất kinh doanh, để trở thành một kinh nghiệm quý báu về cách thức mà một nền kinh tế phải đối mặt ra sao với những biến động từ bên ngoài.

Triệu Phong và nhóm phóng viên