Chuyện chiều thứ 6: Còn thương tô bún nước lèo quê em

- Hai! Tiếng Út Hồng gọi. - Cuối tuần mình về quê nghen Hai! - Ưm. Con nhỏ lại nhớ quê rồi. Tiếng Hai thở dài.
bun nuoc leo
Đậm đà, nhớ thương

Tội nghiệp con bé. Lên Sài Gòn ngót cũng đã mươi năm rồi. Vậy mà, vẫn cứ đau đáu một niềm nhớ quê. Đã trải qua không biết bao nhiều lần thay đổi công việc từ tiếp thị, bán hàng, quảng cáo… nhưng không tuần nào nó không chạy từ Sài Gòn về về tận miệt Bãi Xàu, cũng chỉ vì nhớ cái bánh xầy, lang thang trong cái chùa Miên nhỏ nhỏ ở giữa đồng, nấu một tô bún nước lèo cá đồng thơm mùi ngải bún. Nó nhớ tiếng ai hò những đêm trăng nghiêng dưới vạc rừng tràm ngoài Vàm Tây của một thời thơ dại. 

Hôm trước, bận công việc không đưa nó về được, Hai chở nó vô Nguyễn Trãi ăn tô bún nước lèo Sóc Trăng cho đỡ nhớ. Ăn có mấy muỗng, nó bỏ ngang, mắt rơm rớm. Hai biết, con nhỏ lại dỗi hờn nữa rồi. Dỗi rồi nín nhịn như là ai ức hiếp tô bún nước lèo Sóc Trăng của nó. Ừm, cái nín nhịn kiểu Khơ me giận bỏ lộ quay mặt vào vườn xây nhà không thèm làm cửa quay ra đường. Vậy thôi mà mắt nó đã rơm rớm rồi.  

Có lần nó nói với Hai, tô bún nước lèo Sóc Trăng không nấu bò hóc như ở Trà Vinh, nên không mặn mà như nguyên gốc Khơ me. Bún nước lèo Sóc Trăng nấu bằng con mắm cá sặc nên thanh và dịu hơn. Trong tô bún nước lèo có đủ phẩm vật của đất trời, có con mắm, con cá, con tôm của sông biển, có cọng bún trắng ngần từ cánh đồng quê Mỹ Xuyên. Tô bún nước lèo cá đồng Sóc Trăng còn là hồn cốt bao đời từ sự chăm chút chọn cọng ngải bún khử mùi, con cá đồng để nấu, cọng rau thơm, sợi gỏi chuối. ..

Mà đâu chỉ có vậy.  

Tô bún trắng ngần chan ngập nước lèo ngày đầu, theo bao năm tháng mở cõi, giờ đã có thêm miếng heo quay vàng ươm, da giòn rụm, có miếng lóc vàng khô, thịt trắng bóc, có con tôm tươi roi rói hồng như muốn nói về một vùng đất lành chim đậu, hiền hòa giao thoa văn hóa của gốc người Khơ me, với người Kinh, người Hoa chan hòa bên nhau, hòa quyện mà nên xứ Sóc Trăng, mà nên tô bún nước lèo cá đồng Sóc Trăng! 

bun ca
Bình dân mà sao quá đỗi thân thương

Hai thương nó. Thương tình nghĩa đậm đà sâu nặng mà nó dành cho xứ quê. Thương cái sự say sưa, chăm chút đến quặn lòng với từng tô bún nước lèo của nó. Nó giảng cho Hai nghe rằng, tô bún nước lèo có gốc gác từ người Khơ me, dù có trải qua bao đời, có biến tấu vẫn giữ nguyên hồn cốt của nó. Vẫn phải là nền tảng đậm đà, ẩn sâu như sự chịu đựng của tính cách người Khơ me. Tô bún nước lèo cũng không thể trở thành lẩu mắm như người Kinh đã biến đổi. Cọng ngải bún chứ không phải là gừng, không ăn nhiều tương ớt... tô bún vẫn phải giữ cái tính âm trầm chứ không cân đối kiểu âm dương như người Việt, người Hoa. 

Út Hồng trịnh trọng đặt tô bún trước mặt Hai. Thái độ của nó hôm nay là lạ. Không như những cuối tuần ở xứ nhà trước khi chuẩn bị quay lên Sài Gòn. Tô bún hôm nay cũng có gì khác khác. Không phải cái khác của bộ tô chén mà có lẽ từ cái cảm nhận khang khác với hàng trăm lần Hai đã từng ngồi đây thưởng thức trước đó. 

Hai chậm rãi hớp từng hớp nhỏ để cảm nhận trọn vẹn thanh vị của muỗng nước lèo thơm nồng mùi ngải bún. Cọng bún trắng ngần như tan biến. Hai chợt nhận ra, miếng heo quay mỏng và giòn hơn, vừa đủ béo, miếng cá lóc đồng trắng nõn, cháy cạnh vàng ươm thơm phức và săn chắc. Một chút gỏi chuối, một chút rau thơm nhân nhẩn đắng, chan chát đủ để Hai thực sự hài lòng. 

Đã nhiều lần thưởng thức món bún cá đồng Sóc Trăng, nhưng có lẽ hôm nay, Hai mới nhận được đầy đủ, trọn vẹn những gì con Út đã kể về câu chuyện tô bún cá đồng. 

Mãi cho đến khi con Út dọn dĩa bánh pía ra bàn, Hai mới hiểu lý do của những sự khác lạ. Hai không khỏi giật mình khi con Út bày tỏ sẽ ở lại, không lên Sài Gòn nữa. Trong khoảnh khắc, Hai như trôi đi trong những giấc mơ ủ kín bao nay của Út. Mươi năm ở Sài Gòn hóa ra nó chưa một lần xa quê. Vẫn mãi đó ước mơ đưa món bún nước lèo cá đồng Sóc Trăng đi xa, mãi đó một tình yêu quê nhà. Nó đã âm thầm tìm hiểu cách người ta làm thương hiệu, cách mở chuỗi, cách makerting… nó cũng đã âm thầm dành những giờ phút hiếm hoi mỗi tuần về lê la học từng bí quyết, học từng cách lựa con cá, con tôm. 

nho que
Quê mình giờ đã đổi thay

Con Út vẫn đang say sưa nói, đó không còn là con Út ít nói, lầm lì hàng ngày. Hai như miên man trôi theo những gì con Út nói, về quê mình giờ đã đổi thay, nhiều người biết và đang tìm đến Sóc Trăng, xứ mình vừa mở con tàu ra Côn Đảo, khách du lịch giờ đông lắm, xứ mình giàu có phẩm vật, giàu có lịch sử, văn hóa, mình sẽ làm nên câu chuyện du lịch cho cả vùng....

Loang loáng phía trước, gương mặt Út rạng ngời. Đôi mắt nó cháy rực lên như có lửa. Giọng nó vẫn thoang thoảng trong Hai. Ừ út ơi! Quê mình thật giàu, thật đẹp. Mình sẽ khởi nghiệp dựng xây xứ Đại Ngãi này. Không chỉ bánh Pía, bún nước lèo mà mình sẽ phục hồi lại con cá Cháy, mình sẽ không chỉ có con đường đi Côn Đảo, mà mình sẽ phục dựng lại con đường đưa khách hành hương các nước từ Vàm Tấn lên miệt Đế Thiên Đế thích, mình sẽ… Hai cảm thấy tim mình đập nhanh hơn, hình ảnh con Út sáng ngời, tươi cười như nhòa đi trước mắt.

Ừ, quê mình rồi sẽ giàu đẹp. Hai tin và Hai tin rằng em sẽ thành công. Bởi, có gì cần cho thành công hơn tình yêu từ tận đáy lòng, con tim suốt cuộc đời, phải không em? 

Nước mắt ràn rụa trên mặt Hai lúc nào hông biết.

Huỳnh Tước