Đọc “Cà phê cùng Tony” của Tony Buổi Sáng thấy rất vui vì có câu chuyện về nhỏ về Phú Yên. Hóa ra đã có rất nhiều người phải lòng mảnh đất vàng da diết này.
Lâu nay bài hát mình vẫn hay ngâm nga và tưởng tượng mình là chàng trai hoặc cô gái trong câu chuyện tình “Anh còn nợ em” của nhạc sĩ Anh Bằng để luôn thấy một nỗi thổn thức không đâu chính là bài hát có nhắc đến núi Nhạn của Phú Yên. Chợt nhận ra hình như mình chưa bao giờ có một tình yêu trắc trở đến độ “Anh còn nợ em – chim về núi Nhạn – trời mờ mưa đêm – trời mờ mưa đêm”. Nên việc rất có thiện cảm với núi Nhạn giống như những ao ước được nếm mùi “trắc trở” của tình yêu cùng những tò mò, háo hức về một vùng đất chưa từng được qua cứ khắc khoải mãi.
Lướt mạng thì biết Phú Yên còn có tên gọi đặc biệt là xứ Nẫu. Theo sử sách giải thích phức tạp lắm, liên quan đến lịch sử hình thành mảnh đất Phú Yên. Nhưng nôm na Nẫu là biến âm từ Nậu. Nậu là tổ chức quản lý một nhóm nhỏ cùng làm một nghề người đứng đầu gọi là đầu nậu.
Ngôn ngữ của người xứ Nẫu có nhiều từ, nhiều câu rất độc đáo cũng không lẫn vào đâu được đã trở thành phương ngữ xứ Nẫu. Chẳng hạn: "dẫy ngheng" là vậy nghen, "dẫy á" là vậy đó, "dẫy na" là vậy à, "chu cha" có tính chất cảm thán kiểu như "trời ơi"... Đã nghe "nẫu" "dẫy ngheng" "dẫy á"... vài lần người ta có thể nhớ mãi như ngấm vào máu thịt không quên được bởi có quá nhiều ngữ nghĩa sắc thái tâm tư tình cảm.
Thật may, tôi cũng được đến Phú Yên, cách đây 4 năm. Theo cơ quan, tôi về công tác tại một xã ven biển. Ở đó tôi đã chứng kiến một chuyện tình thật đẹp, thật cảm động giữa một anh bị khuyết tật đôi chân với một thôn nữ hiền lành. Thương anh ngày ngày lê lết ở bến cá để xin cá nhặt cá rơi vãi mỗi khi thuyền về chị chấp nhận về nâng khăn sửa túi cho anh lại còn phải cáng đáng thêm một bà mẹ chồng đã lọm khọm. Chị nghèo, gia đình anh cũng vậy lại là thân nhân liệt sĩ nên nương tựa vào nhau để sống. Tôi hỏi lý do tại sao chị lại dũng cảm lấy một người chồng khuyết tật, chị ậm ừ giải thích vài câu rồi thẹn thùng "kết luận": "Dẫy á!".
Cái câu "dẫy á" của chị tuy chỉ hai từ nhưng trong ngữ cảnh này mới đắt làm sao. "Dẫy á" đã nói lên được bao điều và tôi không cần hỏi gì thêm cũng hiểu được tấm lòng của chị.
Người Nam trung Bộ, từ Bình Định trở vào Phan Thiết, có kiểu phát âm là lạ mà đáng yêu vô cùng, nghe nhiều “nghiện” luôn: Âm “a” nghe hơi giống âm “en” kiểu Nam Bộ. Ở bên này là Quảng Ngãi, đang uống “Cô Coa Cô Loa” thì qua bên kia Bình Định biến thành “Cô Ce Cô Le”. Một khi bị bất ngờ họ nói “trầu quâu” có nghĩa là “trời ơi”. Dân vùng quê thì nói nặng hơn thành phố, nhưng ai cũng thật thà, chất phác, dễ thương.
Ghé Phú Yên lần gần đây nhất tôi ở khu Vietstart resort. Đang đi dạo quanh đó thì thấy mấy bà, mấy mẹ da đen thui rám nắng quẩy gánh bún cá đi tới hàm răng cười trắng bóng hỏi: “Bún cé hông em?” Ăn liền ba bát, quay trở về khách sạn cô tiếp tân gọi lên phòng: “Anh ơi anh có bẹn tới tìm nè. Ảnh rủ đi uống trè đẹo nè”. May bạn đã nhắn tin trước rủ đi uống trà đạo, nếu không chắc tôi phải hỏi không biết khi nào mới ra, “trầu quâu”… Gặp bạn, kể chuyện này cho bạn nghe, bạn bảo ăn thua gì, bạn kể có một lần đi dự khai trương cái resort ven biển, một anh công nhân địa phương được mời lên phát biểu cảm nghĩ trong lễ khánh thành. Anh này phát biểu xong cả resort lăn ra cười, còn đoàn quan khách Hà Nội và Sài Gòn vào dự thì tái mặt. Anh nói: “Chúc công ty làm ăn tấn tài tấn lộc, mã đéo thành công”!
Lại tình cờ nữa. Gần đây, vào giữa trưa lúc đang thiu thiu ngủ thì chuông điện thoại bàn reo, tôi bật dậy. Bực mình nhưng tôi vẫn phải "A lô...". Đầu dây là một giọng nói đậm chất Nẫu: "Anh Bảy hé anh Bảy. Ủa không phải na? Cho tui gặp anh Bảy chút coi!". "Dạ đây không phải nhà anh Bảy có lẽ chị nhầm số". "Ủa lộn số hén? Thâu (thôi) dẫy ngheng". Rồi cúp máy.
Cái câu "dẫy ngheng" rất tròn vành rõ chữ lại kéo dài âm "eng" như một lời xin lỗi mong được thông cảm. Tan giấc nghỉ trưa nhưng tôi cũng chẳng còn cảm giác bực mình bởi dư vị của hai chữ "dẫy ngheng" cứ ngọt ngào mãi trong tâm tưởng.
Phú Yên thật thà, đáng yêu đến thế!