Nếu bạn chưa một lần đến Đà Lạt tôi khuyên bạn đừng bao giờ lên thành phố cao nguyên này. Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên vì lời khuyên của tôi, nhưng quả thật tôi không muốn bạn lại như tôi, sẽ thất vọng vì Đà Lạt của 10 năm sau không còn là Đà Lạt của ngày lần đầu bạn đặt chân đến. Lý do đơn giản, tất cả những gì thuộc về quá khứ dường như bao giờ cũng đẹp hơn, đẹp hơn rất nhiều, và tôi, hình như thuộc típ người hoài cổ, hoài cổ một cách hơi thái quá.
Tôi vẫn giữ nguyên suy nghĩ đó cho đến tận ngày hôm qua, khi thực sự trở lại và đặt chân trên đường phố Đà Lạt. Thành phố vẫn trong vòng xoáy của sự phát triển, dù nhanh, dù chậm. Ngày xưa người Đà Lạt còn vất vả, thành phố còn nhiều những ngôi nhà bằng gỗ thông. Tôi yêu những căn nhà ấy, những căn nhà bạc thếch màu sơn, những căn nhà còn thơm mùi nhựa thông, những căn nhà đã tạo cho tôi một cảm giác gần gũi với rừng.
Giờ cuộc sống khá lên người ta đã tháo bỏ những căn nhà gỗ và xây cho mình những ngôi nhà kiên cố, những ngôi nhà bằng xi măng, sắt, thép. Vẫn biết trong những ngôi nhà xi măng sắt thép ấy người ta sẽ không còn phải mất ngủ vì những cơn mưa đập vào mái tôn suốt cả đêm, người ta không còn phải sợ những cơn gió lạnh mùa đông luồn qua khe gỗ, người ta không còn lo lắng chống đỡ những cơn bão gió giật ầm ầm muốn bay cả mái nhà, hay vơi hẳn đi những nỗi lo thần lửa. Trong những căn nhà ấy giờ đây là sự bình yên, sự no ấm. Nhưng… không hiểu sao, có thể tôi sai, nhưng tôi vẫn nặng lòng với những căn nhà gỗ xưa cũ ấy.
Đã lâu lắm tôi mới có lại cảm giác thê lương như vậy khi đứng trên đỉnh quả đồi, trong một đêm tối mênh mông, bên ngoài hiên của quán cà phê âm nhạc Căn nhà xưa. Gió vi vu thổi, trên cao là ngàn thông cười cợt cùng gió, rồi hòa với tiếng mưa, với cái lạnh buốt, ẩm ướt lép nhép của mùa mưa khiến không khí càng đậm mầu hoang dã.
Rùng mình tôi cài kín chiếc cúc cuối cùng của chiếc áo len mua vội lúc chiều ở chợ Đà Lạt. Rồi cùng những người bạn trẻ tuổi, ồn ào, lặng lẽ tôi vào quán. Ấm áp đến nao lòng. Chủ quán là ca sĩ, nghệ sĩ Thu Minh cùng tuổi với tôi nhan sắc đã nhạt phai, cách giao đãi với khách ngọt ngào, mềm mỏng, lúng liếng và tiếng đàn cùng tiếng hát thì vẫn nồng nàn như vậy. Những tình khúc của Phạm Duy, Từ Công Phụng, Trầm Tử Thiêng, Trịnh Công Sơn xúc động vào từng tâm can nhờ hòa tiếng đàn piano, tiếng ghi ta gỗ, tiếng loa thùng… đầy ắp căn nhà nhỏ bé giữa đêm mưa giá rét, nó chỉ như những đóm lửa, nhỏ thôi nhưng có sức mạnh đủ để sưởi ấm tâm hồn lữ khách trong những đêm Đà Lạt đẹp và buồn. Tôi thấy hồn mình như bay lên cao, bay về xa tít tắp những ngày tháng còn thơ trẻ, hồn nhiên, vô tư lự…
Đó là Đà Lạt của ký ức và hiện tại đan xen, yêu thương và nhớ nhung. Nhưng Đà Lạt hiền quá, dịu dàng quá. Bước chân vô định đưa tôi đến một điểm mới là Ma Rừng lữ quán, trong lòng vẫn không tin về một Đà Lạt mới hơn, lạ hơn.
Đi qua Đèo Cù Lần, rẽ tay phải đi xuống một con đường hẹp, vòng vèo, gập ghềnh một lúc thì xe dừng. Bóng tối đổ ập xuống khi tôi vừa ra khỏi xe ô tô, nhìn không rõ mặt người nữa. Nhờ ánh đèn pha của chiếc xe hai cầu, loại xe dã chiến chuyên trèo đèo lội suối, cảnh tượng rợn tóc gáy phơi bày: ngay phía trước mặt là một con suối chảy xiết và muốn vào được Ma Rừng lữ quán, mọi người phải men theo con đập nhỏ bắc qua suối mà giờ này nước lên cao đã xóa đi ranh giới giữa con đập và khoảng không.
Cùng lúc đó có đến một tốp khoảng độ ba mươi chàng trai hai người một chiếc xe máy phân khối lớn trong trang phục dã chiến của dân phượt cũng đang đổ bộ trước con suối. Tiếng xe máy gầm rú, ánh đèn pha loang loáng ồn ĩ cả một góc rừng. Trời bắt đầu mưa lắc rắc. Chứng kiến chiếc xe hai cầu do đích thân ông chủ của lữ quán cầm lái chênh vênh, dò dẫm từng bước, tiếng máy gầm rú, chiếc xe nhồi lên nhồi xuống trên một con đường mà chỉ có thể định hướng bằng giác quan và bởi một người nhiều kinh nghiệm, hiểu con đường như lòng bàn tay, sự lo sợ trong tôi dồn nén bóp nghẹt lấy con tim.
Không thể quay đầu lại vì xe ô tô đã quay về, mọi người thì đều sẽ đi, ở lại có nghĩa là một mình đối mặt với đêm tối mịt mù và cơn mưa rừng sầm sập có thể đổ đến bất cứ lúc nào. Phải nhắm mắt lên xe thôi. Giây phút đi qua con đập tràn, nước bắn roàn rọat lên trên nắp capo, chiếc xe dựng đứng lên rồi bỗng thụt xuống trong màn mưa, càng cố mở mắt để nhìn càng như có ai che mắt mình thực sự không khác gì trong những bộ phim kinh dị mà ít khi tôi thích.
Xe đã qua suối, bác tài lại quay lại đón những người tiếp theo. Mùi xăng dầu đặc quánh cả một khu rừng, trời bỗng dưng hết mưa, và trong lòng tôi bỗng bừng lên sự phấn chấn của một người vừa tử cửa tử trở về. Tôi ăn, tôi uống, tôi hát hò say sưa trước đống lửa trại tưng bừng thơm mùi khoai và bắp nướng. Ma Rừng lữ quán và sự đón tiếp người xa xứ theo cách rất riêng dường như đã làm con người thờ ơ, nghi hoặc trong tôi có một sự thay đổi lớn…
Nếu bạn chưa đến Đà Lạt lần nào bạn hãy thử đến một lần, tôi không ngăn bạn nữa đâu, vì nếu bạn thích sự thay đổi thì chắc chắn bạn sẽ thấy Đà Lạt thay đổi. Còn nếu bạn là người hay hoài niệm như tôi bạn sẽ có cái “vỡ” ra hết sức thú vị và ngọt ngào. Thời gian sẽ đánh bóng những hoài niệm ấy như những giọt nhựa thông và cũng chính thời gian sẽ biến những giọt nhựa thông thành những viên hổ phách đẹp đến lạ kỳ.