Chuyện chiều thứ 6: Người xứ Bắc ở Phú Quốc

Đảo Phú Quốc đón chúng tôi trong cái nắng chang chang đến váng vất cả đầu óc sau chuyến bay mất trọn vẹn buổi sáng. Thuần là lái xe đồn biên phòng thuê giúp chúng tôi. Đẹp trai như tài tử điện ảnh, chàng trai có nước da ngăm ngăm và hàm răng rất đều rất trắng gây được mối thiện cảm với cả đoàn khách Hà Nội ngay từ khi cất lời nói đầu tiên. Mọi người ồ lên: Hóa ra là giai Bắc.

Ra đảo vẫn gặp người quen

Không khó để nhận ra rằng trong vô vàn những chằng chịt của các cuộc di cư lập nghiệp thì người Bắc được xem là có cách hòa nhập, mưu sinh bền vững hơn cả. Để có thể đặt chân ở hòn đảo ngọc Phú Quốc, không biết bởi vì chặng đường quá xa hay tại vì hòn đảo quá xinh đẹp khiến cảm xúc dâng trào nên ai cũng ngỡ như mình vừa… xuất ngoại, cho nên khi người bản xứ đầu tiên được tiếp cận lại nói giọng Bắc kỳ với âm hưởng quen thuộc ai cũng ồ lên sung sướng. Thuần là lái xe, nhưng chuyến đi này anh được phân công làm phụ xe để nhường cho một “tập sự” vừa từ Bắc vào đây ngày hôm qua. Vậy nên chúng tôi được trò chuyện với chàng hướng dẫn viên “bất đắc dĩ” đẹp trai nhiều hơn.

Người xứ Bắc ở Phú Quốc
Cảnh Phú Quốc đẹp như cổ tích nức lòng nhiều đoàn khách du lịch

 

Thuần quê Thái Bình, đã làm tài xế ở Phú Quốc sang năm nay là năm thứ 7. Trước đó, anh ta đã có gần 11 năm đi xuất khẩu lao động ở Uzbekistan nhưng xa vợ con mãi không đành, Thuần mạnh dạn quay về và đưa cả nhà vào tuốt Phú Quốc. Cuộc sống quăng quật thế, thảo nào trên khuôn mặt rắn rỏi của anh phảng phất nét ngang tàng, đôi mắt to rất ướt nhưng nhìn kỹ khá liều lĩnh và không đơn giản, duy phong cách trò chuyện thì rất khéo léo cho thấy sự từng trải.

Cách cung cấp thông tin của anh ta cũng khá đặc biệt. Khi các bà các cô đang háo hức chuẩn bị vào thăm quan cơ sở nuôi cấy ngọc trai thì Thuần dội nguyên cả gáo nước lạnh: không nên mua, chỉ nên vào ngắm cho biết thôi vì toàn là ngọc trai dỏm. Đúng là khác hẳn cách tiếp thị “ăn phần trăm” lộ liễu nhan nhản bây giờ. Nhưng nhờ vậy mà ai cũng dễ dàng nhìn ra màn kịch lấy ngọc từ trai lộ liễu đến đâu. Nhìn mấy con trai rã rời vì bị chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần lại thấy nghĩ ngợi về cách làm du lịch chưa chuyên nghiệp ngay trên hòn đảo mà có đến hơn 80% cơ cấu kinh tế là du lịch này. Thuần cho biết giờ mua ngọc trai thật ở Phú Quốc khó còn hơn đi mò trai hồi xa xưa của ông bà ta…

Cái có thể gọi là “tiếp thị” duy nhất ở Thuần chính là rất chịu khó cung cấp những thông tin về người xứ Bắc tới Phú Quốc làm ăn. Anh bảo lượng dân Bắc sinh sống và làm việc ở Phú Quốc khá đông và đều rất thành công, nhất là trong lĩnh vực du lịch và thương mại “bởi vì người Bắc du lịch Phú Quốc cũng đông, kỹ tính và có tiền nên khi được đồng hương của mình chăm sóc họ sẽ phần nào cảm thấy tin tưởng hơn”. Trong suốt hành trình, Thuần luôn đến sớm hơn giờ hẹn 15 phút, vui vẻ chờ đông đủ cả đoàn, hào hiệp phát mũ nan rộng vành cho mỗi người một cái để che đi cái nắng như rang người trên hòn đảo ngọc. Người ta chỉ có thể thấy rõ chất “lạnh” của Thuần mỗi khi có một vài hành khách có những yêu cầu lố bịch. Không hiểu sao ánh mắt của anh có thể khiến mọi hành vi quá đà đều nhanh chóng tự mình trở về khuôn khổ.

Người xứ Bắc ở Phú Quốc
Cáp treo ra đảo Hòn Thơm

 

Chơi ở Phú Quốc khó có thể không ghé ngang qua Chợ Đêm. Hồi trước đây là chợ đêm Dinh Cậu, sau dời về gộp chung với chợ đêm Bạch Đằng và đổi tên thành chợ đêm Phú Quốc. Chợ rất dễ tìm, đến ngã ba Bạch Đằng – Nguyễn Đình Chiểu là đã thấy đèn đóm sáng trưng, người người ra vào nhộn nhịp rồi. Có một điều khá đặc biệt khi đến chợ đêm Phú Quốc đó là tiếng “cạch cạch” đầy mời gọi của các xe kem cuộn Thái Lan. Ở đâu không biết chứ ở đây thứ đồ ăn ngọt ngào này đặc biệt nhiều, cứ đi chục mét lại có 1 xe kem, khiến cho khắp chợ không lúc nào ngớt những giai điệu “băm chặt” rộn ràng. Phú Quốc hầu như không ngủ đêm! Tại đây người ta lại gặp một chàng trai gốc Bắc.

Ngược hẳn với chất thâm trầm của chàng lái xe là gã “nghệ sĩ đường phố” này. Thoạt nhìn trông cậu ta rất bé còi nhưng với mồm miệng khéo léo và chút tài lẻ rất kiểu “Sơn Đông mãi võ” đã làm cái chợ ồn ào như vỡ thêm xôm tụ. Hôm đó cậu vào quán Ra Khơi hành nghề. Quê gốc Hải Dương, cậu ta tự xưng danh là “Michael” và chứng minh cho mọi người luôn bằng màn tuyệt kỹ breakdance đôi chân bước trên sàn đất mà như đang lướt giữa khoảng không. Thân hình gầy gò, mồm miệng liến thoắng, ai cũng gọi là anh là chị ngọt như mía lùi cùng nụ cười xả láng trên khuôn miệng rộng như miệng cái bát… nhìn cậu thật khó đoán tuổi, chỉ biết chiêu kiếm tiền chính của cậu là biểu diễn các màn ảo thuật như làm tụt nắp bia vào chai, giấu khăn giấy… Đi du lịch, du khách ai cũng có phần dễ tính ham vui nên sau màn vỗ tay mọi người đều cho cậu một hai trăm ngàn. Một buổi tối nhất là vào cuối tuần mùa du lịch, thu nhập của cậu không hề nhỏ. Thi thoảng quán đông khách quá cậu lại kiêm thêm chân phụ việc đỡ đần quán. Một cuộc sống cộng sinh cộng hưởng rất thường có tại khắp các địa điểm du lịch trên mảnh đất hình chữ S. Mấy cô bán quán kem cuộn Thái Lan tiết lộ thêm “nhìn vậy thôi mà nó sắp kiếm đủ tiền đưa bố mẹ ở quê ra Phú Quốc sống cùng nó đó…”

Người đi đâu hồn theo đến đó

Trên trục đường 30/4 trên đảo ngọc khách du lịch không ai không biết quán Cơm Bắc cũng do một ông chủ người chính cống Hải Dương làm chủ, đó là anh Trung. Nghe nói sau khi làm ăn ngoài Bắc thất bát, Trung vào Phú Quốc khoảng năm 2010 với hai bàn tay trắng chưa kể một khoản nợ kếch sù để lại. Anh vay bạn bè từng triệu bạc mua một cái ao với cái giá rẻ như cho rồi bắt tay vào lấp ao mở nhà hàng. Sau hai năm khởi sự, rồi 5 năm, giờ quán Cơm Bắc đã không chỉ mang lại cho Trung một thu nhập tốt và mà còn giúp anh có một cơ sở vốn liếng cho những kế hoạch đầu tư đa ngành đa nghề sinh lời khác. Nhưng dù thế nào, cái quán cơm vẫn được người chủ quan tâm đầu tư hơn cả vì ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế, nó còn là một thước đo cho thấy Phú Quốc đã chào đón người tha phương có ý chí làm giầu đến như thế nào.

Người xứ Bắc ở Phú Quốc
Tác giả tại đồn biên phòng An Thới

 

Anh Nguyễn Văn Hải, Đồn phó đồn biên phòng An Thới, Thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc, tỉnh Tiền Giang, người có hẹn với chúng tôi từ trước chuyến đi cũng là một người con đất Bắc, nhưng lại theo một “chất” hoàn toàn khác. Hải quê ở Hải Phòng.

Cao to, rắn rỏi và giọng nói thì vẫn đặc Hải Phòng, đen như bức tượng đồng làm nổi bật hàm răng trắng đều khỏe mạnh, anh Hải đón chúng tôi vào thăm quan Đồn biên phòng An Thới. Lần đầu được đặt chân vào một đồn biên phòng, nhìn các chiến sỹ đang trần lưng thi đấu cùng trái bóng tròn trên sân cỏ trong một buổi chiều muộn nắng đã dịu trên đảo Phú Quốc ai cũng nghe trong bình cảm giác bình yên. Hải đã gắn bó với Phú Quốc 7 năm nay rồi, trước đó anh đã có đến 10 năm công tác ở Đồn biên phòng Pò Hèn, Quảng Ninh, một địa danh gắn liền với cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Với nền tảng như vậy, chuyên môn chính lại là tuyên huấn, Hải đã tạo phong cách nói chuyện không giống như kiểu “rót mật vào tai” mà là rất đơn giản, chắc chắn, dễ hiểu. Hải cho biết chức năng của lực lượng biên phòng trên các đảo có phần “hơn” công an bởi còn phải quản lý cả dưới mặt biển. Đảo Phú Quốc gồm 5 đồn biên phòng và một tiểu khu. Riêng đồn biên phòng An Thới đang quản lý 1 thị trấn và 2 xã với tổng số 43 ngàn dân. Đồn có quân số gần 80 cán bộ chiến sĩ chia làm 9 đội trong đó có 3 trạm rải rác và 1 đội tầu thuyền đang làm nhiệm vụ trên biển kiểm tra tất cả các cửa sông cửa biển cùng các đội chức năng có tên tương ứng với nhiệm vụ gồm đội tàu thuyền, hành chính, an ninh, kỹ thuật, trinh sát, ma túy, đội phong trào, quần chúng… Trên cạn dưới nước, các chiến sĩ biên phòng có địa bàn hoạt động rất rộng, từ các sự vụ vi phạm pháp luật trên đất liền cho đến các khu vực cửa sông cửa biển, kiểm tra các phương tiện người ra vào khu vực… tất thảy đều phải quản lý.

Người xứ Bắc ở Phú Quốc
Du lịch giữa vườn hồ tiêu

 

Hải vừa cho biết là tất cả các cán bộ chiến sĩ của đồn đều là người ngoài miền Bắc và miền Trung vào đây công tác thì vừa đúng lúc đó đồng chí Danh- Đồn trưởng vừa đi dự hội nghị của hội phụ nữ thị trấn An Thới về. Anh hồ hởi bắt tay từng người trong đoàn chúng tôi. Anh Danh có vợ làm giáo viên cùng các con hiện vẫn đang ở quê sinh sống, giống hệt hoàn cảnh của Hải chỉ có điều là anh Danh ở Nam Đàn, Nghệ An còn Hải thì ở Hải Phòng mà thôi. Có một vài cán bộ may mắn được gia đình ủng hộ đã đón vợ con ra Phú Quốc để cùng sinh cơ lập nghiệp, thảo nào trong đồn chúng tôi thấy có mấy bạn nhỏ đang chơi đùa với nhau. Phần còn lại là sống xa gia đình, lâu lâu mới được về thăm, mãi rồi thành quen, ai cũng thích nghi hết rồi. Nói là nhớ thì đó luôn là nỗi nhớ cồn cào, nhưng với họ, Phú Quốc đã là quê hương thứ hai.

Tiễn chúng tôi ra về sau bữa cơm chiều mang đầy hương vị biển được các chiến sĩ đãi ngay tại đồn, Đồn phó Hải lại đích thân lên xe đưa chúng tôi quay về khách sạn. Đến một đoạn đường tắc, Hải phải chạy xuống hoa tiêu cho lái xe, bỗng thấy mấy em nhỏ cất tiếng chào vui vẻ “Con chào chú Hải“, lên xe Hải giải thích: “Đồn An Thới từ mấy năm nay đã nhận nuôi dưỡng 5 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đây là chủ trương của Đảng và cũng là ý nghĩa xã hội của lực lượng biên phòng chúng tôi. Đó là ngoài đảm bảo an ninh trật tự theo nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thì còn phải giúp dân phát triển kinh tế và văn hóa xã hội. Đồn cũng đã xây dựng được hũ gạo tình thương để ngay cổng, đồng thời thu gom nhựa, sắt phế phẩm… bán đi ủng hộ Chương trình ngôi nhà 100 đồng để xây nhà cho gia đình nghèo”.

Người xứ Bắc ở Phú Quốc
Hạt tiêu tươi là đặc sản của Phú Quốc

 

Cùng với lái xe Thuần, ông Trung - chủ quán Cơm Bắc và chàng nghệ sĩ đường phố “Michael”, đồn phó Hải và các chiến sĩ biên phòng, những người dân xứ Bắc đã tự mình thực hiện những cuộc di cư đầy cảm hứng song cũng không kém chiến lược. Đảo Phú Quốc – một hòn đảo đẹp mê hồn 5 - 10 năm trở lại đây đã phát triển như vũ bão “một ngày bằng mấy trăm năm”. “Thổ dân” Phú Quốc thật ra rất ít, phần lớn là những người tứ xứ đến đây sinh sống và lập nghiệp. Nhờ du lịch, đất đai đảo ngọc lên hương khiến cho nhiều người đổi đời, thức dậy qua một đêm từ một mảnh đất khô cằn nắng cháy mà người nông dân bỗng chốc trở thành tỷ phú. Trong làn sóng di dân tự phát này, người dân xứ Bắc tỏ ra nhạy bén và dễ thích nghi hơn cả.

Người ta đã nhận định rằng dân Nam 100 người ra Bắc chỉ có dăm bảy người trụ lại, còn người Bắc, với bản tính thích nghi tốt, thông minh, sức chịu đựng lớn, họ đi đến đâu cắm rễ ở đó, sinh sôi nảy nở và đó đã trở thành quê hương. Phú Quốc là một mảnh đất tốt như vậy, không bão mưa lũ lụt, quanh năm mưa thuận gió hòa, người dân thì an yên, hiền lành như lá như hoa, du lịch dịch vụ quanh năm đua nở càng khiến ai đó đã đến đều không thể không quay lại, đã ở là khó nói lời chia tay. Khi được đặt trong tầm ngắm kinh tế, cộng đồng người xứ Bắc “ngụ cư” đã chọn Phú Quốc là quê hương thứ hai. Giống như Phú Quốc đã ôm trọn họ trong vòng tay từ trong những ngày tháng khó khăn nhất.

Thuy Miny - tháng 6/2018