Cổng FTAP - Những tài liệu hệ thống, thiết thực cho doanh nghiệp

Trong cổng FTAP, phần Ấn phẩm - Tài liệu khá phong phú. Đó là những cuốn sách mang tính tra cứu, hoặc như tài liệu hướng dẫn đối với thị trường và ngành hàng.
cổng FTAP

Thông tin hệ thống

Cổng FTAP được xây dựng xây dựng như một Cổng thông tin điện tử để cung cấp các thông tin, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của các đối tác FTA cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân Việt Nam.

Theo các khảo sát ý kiến doanh nghiệp và kết quả tổng hợp về thực thi các FTA của các địa phương cho thấy, số lượng doanh nghiệp có giao dịch xuất nhập khẩu với các nước CPTPP từng có lô hàng được hưởng ưu đãi thuế quan theo các FTA như: CPTPP, EVFTA, hay số lượng tỉnh, thành phố có hoạt động xuất nhập khẩu với các nước có FTA còn khá thấp.

Thêm vào đó, hoạt động xuất nhập khẩu của nhiều tỉnh, thành phố hiện nay còn tập trung vào các thị trường truyền thống, chưa đẩy mạnh sang các thị trường mới có FTA trong CPTPP hay EVFTA. Có những địa phương kim ngạch xuất khẩu rất lớn nhưng tỷ trọng các thị trường quan trọng trong các FTA còn tương đối khiêm tốn.

Nguyên do của tình hình trên có nhiều, nhưng một nguyên nhân cơ bản là doanh nghiệp thiếu thông tin. Doanh nghiệp có thể nắm thông tin về thị trường này một ít, ngành hàng kia một ít, nhưng thông tin một cách có hệ thống không có.

Với việc hình thành Cổng thông tin điện tử về các FTA của Việt Nam (FTAP), đây là lần đầu tiên Việt Nam có được một công cụ tra cứu các cam kết FTA và các thông tin liên quan với một hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin, kiến thức đầy đủ, hệ thống, hoàn chỉnh và liên tục được cập nhật.

Cổng FTAP - Tài liệu tra cứu, hướng dẫn

Trong cổng FTAP, phần Ấn phẩm - Tài liệu khá phong phú. Đó là những cuốn sách mang tính tra cứu, hoặc như tài liệu hướng dẫn đối với thị trường và ngành hàng. Tiêu biểu như cuốn Sổ tay Tìm hiểu thị trường mua sắm công Việt Nam qua lăng kính CPTPP. Sổ tay được xây dựng bởi Chuyên gia tư vấn của Bộ Ngoại giao New Zealand và Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam trên cơ sở nghiên cứu thực trạng công tác đấu thầu tại Việt Nam, cam kết của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP, đồng thời tham khảo ý kiến chuyên môn của Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm cung cấp các thông tin cơ bản cần thiết cho các nhà thầu trong nước, nước ngoài muốn tìm hiểu cơ hội tham gia đấu thầu các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP.

Nội dung của Sổ tay hướng đến những thông tin thiết thực như: Tóm tắt nội dung chính về cam kết Mua sắm Chính phủ trong CPTPP; Các cách thức tìm kiếm thông tin đấu thầu trong lĩnh vực mua sắm công tại Việt Nam; Nguyên tắc xác định gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP; Cách thức tham gia đấu thầu tại Việt Nam và Một số điều cần lưu ý khác.

Theo giới thiệu trên Cổng FTAP, do đây là Hiệp định đầu tiên Việt Nam mở cửa thị trường mua sắm chính phủ (MSCP) và CPTPP có nhiều khác biệt so với pháp luật trong nước về phạm vi áp dụng, nguyên tắc trong lựa chọn nhà thầu…, quá trình thực thi các cam kết MSCP trong CPTPP sẽ xuất hiện không ít thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh kiến thức và năng lực của các cán bộ làm công tác đấu thầu trong nước còn hạn chế, nhận thức và sự chuẩn bị của nhà thầu chưa đầy đủ, hạ tầng công nghệ thông tin còn chưa ổn định.

Trên cơ sở tổng hợp các văn bản pháp luật hiện hành về đấu thầu của Việt Nam và các cam kết trong CPTPP, tài liệu hướng dẫn này sàng lọc một số thông tin cơ bản và quan trọng mà nhà thầu cần biết khi có quan tâm tới các gói thầu tại Việt Nam thuộc phạm vi điều chỉnh của CPTPP, trong đó nhấn mạnh các quy định đấu thầu của Việt Nam áp dụng đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của CPTPP – những quy định có thể tác động đáng kể tới cơ hội kinh doanh của nhà thầu hay cơ hội xuất khẩu hàng hóa của nhà thầu nước ngoài vào Việt Nam.

Một cuốn sách khác được lưu giữ trên Cổng FTAP là Cẩm nang về các biện pháp phòng vệ thương mại đối với doanh nghiệp xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu và Liên hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ai-len.

Với việc đi vào thực hiện hai Hiệp định EVFTA và UKVFTA, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị, hướng dẫn về lĩnh vực phòng vệ thương mại để có ứng phó phù hợp trong trường hợp bị các nước thành viên của Hiệp định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng một cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại do EU, Vương quốc Anh và Bắc ai-len điều tra áp dụng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là rất cần thiết.

Theo cổng FTAP, Bộ Công Thương đã chủ động xây dựng cuốn sách trên với những tài liệu cần thiết phải trang bị các thông tin cần thiết để các doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó hiệu quả với các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của các thị trường đối tác có liên quan.

Với các ngành hàng, doanh nghiệp có thể tham khảo những cuốn sách trên cổng FTAP như: Cẩm nang CPTPP cho ngành da giầy: Bình luận của người trong cuộc; Cẩm nang CPTPP với Ngành Thủy sản: Bình luận của người trong cuộc; Làm thế nào để xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Ca-na-đa hiệu quả; Phát triển thị trường UK đối với ngành hàng dệt may; Phát triển thị trường UK đối với ngành thủy sản.

Bên cạnh các ấn phẩm là các báo cáo về thị trường và ngành hàng, với số lượng khá lớn: Báo cáo xuất khẩu vào thị trường EU ngành hàng cà phê; Báo cáo xuất khẩu ngành hàng cao su và sản phẩm cao su vào thị trường EU; Báo cáo xuất khẩu ngành hàng dệt may vào thị trường EU; Báo cáo xuất khẩu ngành hàng gạo vào trị trường EU; Báo cáo xuất khẩu ngành hàng da giày vào trị trường EU; Báo cáo xuất nhập khẩu một số mặt hàng chính sang các nước thành viên CPTPP; Báo cáo xuất nhâp khẩu một số mặt hàng chính sang Vương quốc Anh; Báo cáo xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Vương quốc Anh; Báo cáo xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và thị trường CPTPP; Báo cáo xuất khẩu dệt may sang các nước CPTPP…

Thái Sơn