Công ty FECON (FCN): Lượng backlog vượt 5.000 tỷ đồng, dòng tiền kinh doanh dương trở lại

Theo chia sẻ mới đây của ban lãnh đạo công ty FECON (mã cổ phiếu FCN), tổng giá trị hợp đồng ký mới trong quý 3/2023 cao gấp 2,5 lần trong quý 2/2023 và nhiều phần việc tại các dự án lớn đã hoàn thành 80% - 99%.

Kết thúc chuỗi 5 quý liên tiếp có dòng tiền kinh doanh âm

Công ty FECON
Kết quả kinh doanh của công ty FECON qua các quý. (Nguồn: FECON, PSI tổng hợp)

Kết thúc quý 3/2023, Công ty Cổ phần FECON (mã cổ phiếu FCN - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần hơn 547 tỷ đồng, giảm 17,6% so với quý 3/2022 và giảm 18,7% so với quý 2/2023. Dù có nguồn công việc tốt với nhiều gói thầu lớn, tốc độ thi công nhiều dự án bị đình trệ đã dẫn tới việc công ty FECON chưa thể ghi nhận doanh thu theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp của công ty FECON trong quý 3/2023 cũng đã giảm nhẹ về mức 14,6% do chi phí thực hiện dự án phát sinh tăng.

Tuy nhiên, áp lực từ các khoản vay đối với công ty đã giảm bớt khi ảnh hưởng của lãi suất cao hồi cuối năm 2022 và đầu năm 2023 đã được phản ánh vào kết quả kinh doanh những quý trước.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, công ty FECON ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.830 tỷ đồng và lãi ròng 1,56 tỷ đồng, lần lượt giảm 17% và 22,3% so với cùng kỳ năm trước. Điều này phản ánh đúng thực trạng của toàn ngành xây dựng thời gian qua khi các nhà thầu gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các dự án.

Thực tế cho thấy nhiều nhà thầu xây dựng không thể triển khai công việc dù đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực, máy móc thi công do các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và thiếu nguyên vật liệu san lấp. Ngoài ra, nhiều dự án bất động sản vẫn đang tạm ngừng triển khai do các vấn đề về vốn và điều chỉnh quy hoạch.

Nguồn vốn
Cơ cấu nguồn vốn của công ty FECON. (Nguồn: FECON, PSI tổng hợp)

Đáng chú ý, dòng tiền kinh doanh của công ty FECON đã đạt mức dương trở lại với mức +40,3 tỷ đồng trong quý 3/2023, so với mức -101,9 tỷ đồng trong 2 quý đầu năm nay. Như vậy, doanh nghiệp xây dựng này đã kết thúc chuỗi 5 quý liên tiếp có dòng tiền kinh doanh âm.

Đồng thời, trong 12 tháng gần nhất, dòng tiền từ hoạt động tài chính của công ty chỉ tăng 54 tỷ đồng, cho thấy doanh nghiệp này vẫn không phụ thuộc quá nhiều vào đòn bẩy tài chính tại thời điểm hiện tại.

Lượng backlog vượt 5.000 tỷ đồng, kỳ vọng bứt phá trong quý 4/2023

Về triển vọng kinh doanh trong thời gian tới, theo chia sẻ của ban lãnh đạo công ty FECON, công ty đã và đang tập trung nguồn lực tối ưu thực hiện thi công các dự án lớn theo đúng tiến độ hợp đồng đã ký kết.

Trong đó, đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 & 4 (Đồng Nai) hiện đạt tiến độ thi công 80%. Công ty FECON đang có nhiều gói thầu tại Dự án này với tổng giá trị khoảng 400 tỷ đồng. Đối với Dự án Khu liên hợp Nhà máy Hòa Phát Dung Quất (Giai đoạn 2), tiến độ chung đạt khoảng 80% trong đó có nhiều gói thầu tại dự án đã được công ty FECON hoàn thành xong.

Đáng chú ý, đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2, công ty đã hoàn thành 99% khối lượng thi công và dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành để bàn giao cho chủ đầu tư.

Giá cổ phiếu FCN Fecon
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu FCN của công ty FECON từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Mảng xây lắp của Giao thông Đèo Cả (HHV) có thể tăng trưởng 64% trong năm sau" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Tổng giá trị các gói thầu ký mới của công ty FECON trong quý 3/2023 là khoảng 1.058 tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần so với quý 2/2023. Như vậy, tổng giá trị các gói thầu ký mới trong 9 tháng đầu năm nay của doanh nghiệp này đạt khoảng 2.088 tỷ đồng, nâng tổng giá trị khối lượng công việc tồn đọng (backlog) lên hơn 5.000 tỷ đồng; giúp đảm bảo nguồn công việc trong cả năm sau.

Theo đánh giá hiện tại của một số tổ chức tài chính, với nguồn backlog lớn và nền tảng tài chính tốt, ít phụ thuộc vốn vay, công ty FECON đang có lợi thế lớn trong việc chủ động kế hoạch kinh doanh và triển khai dự án trong các quý tới. Kết quả kinh doanh của công ty kỳ vọng sẽ bứt phá trong quý 4/2023 nghiệp bởi đây thường là mùa cao điểm của ngành xây dựng.

Đặc biệt, mặc dù, giá nguyên vật liệu biến động mạnh nhưng công ty FECON đã kịp thời có các biện pháp nhằm quản lý tốt chi phí nguyên vật liệu đầu vào. Đồng thời, công ty này có lợi thế chuyên môn và năng lực thi công, nhất là trong lĩnh vực xử lý nền móng và thi công công trình ngầm, đặc biệt là các công trình xây dựng có sức nặng lớn đòi hỏi kĩ thuật chuyên môn cao cũng như công nghệ thi công tiên tiến. Những yếu tố này sẽ giúp công ty FECON duy trì biên lợi nhuận gộp hàng năm quanh mức 15% - 20%.

Duy Quang