Đẩy mạnh xúc tiến, đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu

Trong bối cảnh nhiều thị trường xuất khẩu có sự điều chỉnh chính sách, quy định, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu nhằm tận dụng các cơ hội thị trường mới và tránh được các rủi ro, ảnh hưởng tác động.

giao ban thị trường

Chiều ngày 31/10, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 10/2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tham dự Hội nghị có gần 300 đại biểu, bao gồm Lãnh đạo Các Vụ/Cục liên quan thuộc Bộ Công Thương, đại diện 66 Thương vụ/Chi nhánh Thương vụ/Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài; 34 Sở Công Thương, Sở NN & PTNT, Trung tâm Xúc tiến thương mại địa phương, 12 Hiệp hội ngành hàng, đại diện gần 120 doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm tới các hoạt động xuất nhập khẩu.

Hội nghị nhằm cập nhật thông tin, tình hình thị trường nước ngoài; cập nhật cá́c yêu cầu xúc tiến xuất khẩu của các địa phương, Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp. Trao đổi các vấn đề địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp quan tâm liên quan đến việc xuất khẩu, phổ biến thông tin, chính sách, cơ hội thị trường nước ngoài phục vụ công tác điều hành hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cơ hội thị trường xuất khẩu.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, 10 tháng vừa qua, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, tình hình kinh tế, thương mại nước ta đã tiếp đà phục hồi với nhiều điểm sáng.

Nổi bật là kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 616 tỷ USD, tăng 14,1%, xuất siêu 9,4 tỷ USD, riêng tháng 10 xuất siêu 2,27 tỷ USD. An ninh lương thực được đảm bảo, xuất khẩu lương thực đạt 45 tỷ USD, trong đó có trên 6 triệu tấn gạo.

Thương mại, dịch vụ sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành. Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 ở mức từ 7,5-8,2%.

Phú XTTM
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương

"Những kết quả đạt được cho tới tháng 10 này, ngoài sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, tổ chức, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp còn có sự nỗ lực cao độ của hệ thống các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài", ông Vũ Bá Phú nhận định.

Mặc dù nền kinh tế tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, nhưng theo nhận định của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, những bất định gia tăng liên quan đến nền kinh tế toàn cầu đang chững lại, lạm phát trong nước gia tăng, điều kiện huy động tài chính toàn cầu bị thắt chặt.

Trong điều kiện nền kinh tế chưa phục hồi đầy đủ và tăng trưởng ở những thị trường xuất khẩu chủ lực dự kiến sẽ chậm lại, chúng ta cần chủ động các biện pháp ứng phó với sự biến động của thị trường thông qua việc thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin thị trường, điều chỉnh kế hoạch xuất nhập khẩu nhằm tận dụng các cơ hội thị trường mới và tránh được các rủi ro, đặc biệt là các ảnh hưởng tác động từ sự điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước.

Nhiều cơ hội hợp tác giao thương tại thị trường Châu Phi

Cập nhật những thông tin, chính sách mới của các thị trường sở tại, ông Nguyễn Quốc Chính - Phụ trách Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc (kiêm nhiệm Bờ Biển Ngà) cho biết, việc tăng cường mở rộng đối tác thương mại ra tất cả các khu vực thị trường, trong đó có các thị trường châu Á, thị trường ASEAN là xu hướng rõ ràng của Chính phủ Marốc trong những năm gần đây.

Về thu hút đầu tư, Maroc ngày càng cho thấy định hướng rõ rệt về việc xây dựng một nền kinh tế cởi mở, hội nhập sâu, tạo những cơ chế thuận lợi để thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến kinh doanh tại đây. Các lĩnh vực Chính phủ Marốc ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài có thể kể đến như: khai khoáng, du lịch, xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng kho cảng, sản xuất các sản phẩm viễn thông, hàng hóa tiêu dùng, đồ gia dụng…

Riêng về xuất nhập khẩu với Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022 kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Marốc là 172 triệu USD và nhập khẩu từ Marốc 6,7 triệu USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 tuy nhiên kết quả này còn khá khiêm tốn so với các thị trường khác.

Đánh giá thị trường Marốc còn nhiều tiềm năng cho hàng xuất khẩu Việt Nam, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Marốc đã thông tin về những chính sách mới liên quan đến nhập khẩu hàng hóa vào thị trường này.

Theo đó, do các lo ngại về tình trạng thiếu thịt đỏ tại thị trường trong nước, ngày 19/10, Hội đồng Chính phủ Marốc đã thông qua dự thảo Nghị định số 2.22.818 đình chỉ việc thu thuế nhập khẩu đối với gia súc nhập khẩu trong nước có trọng lượng từ 550 kg trở lên, với hạn ngạch 200.000 con.

Bên cạnh đó, theo thông báo của Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Nadia Fettah Alaoui, trong cuộc làm việc của Hội đồng Bộ trưởng do Vua Mohammed VI chủ trì ngày 18/10 về định hướng chung của dự luật tài chính cho năm 2023, một số sửa đổi về thuế được đề xuất thực hiện trong năm 2023 liên quan đến hoạt động thương mại.

Cụ thể, đối với biểu thuế xuất nhập khẩu, cơ cấu lại Chương 30 liên quan đến thuốc để sửa đổi thuế nhập khẩu (DI) áp dụng cho một số nguyên liệu đầu vào được sử dụng trong sản xuất. Nội dung của vị trí thuế quan 34.02 liên quan đến các chế phẩm để làm sạch và cách định danh của chúng trong danh pháp hải quan; Giảm thuế nhập khẩu từ 17,5% xuống 10% đối với giấy in hai mặt; Giảm thuế nhập khẩu từ 10% xuống 2,5% đối với cà phê chưa rang; Giảm thuế nhập khẩu áp dụng cho các sản phẩm đầu vào để sản xuất bộ lọc cho xe ô tô.

Đối với thuế tiêu dùng nội địa (TIC), áp dụng đối với các sản phẩm có đường, với cơ chế đánh thuế tăng dần trong 3 năm kể từ ngày 01/01/2023, tùy thuộc vào hàm lượng đường được thêm vào sản phẩm.

Ngoài ra, do diễn biến căng thẳng thương mại trên thị trường thế giới cũng như  tình trạng nguồn cung nguyên liệu đối với nhà sản xuất mặt hàng này của Marốc được nhận xét khá bất ổn nên thị trường Marốc đang có nhu cầu tìm nguồn cung cấp để thay thế một phần chè nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc (chè thuốc súng). Thương vụ đã phối hợp với Đại sứ quán đã gửi thông tin về trong nước cũng như gửi thông tin, mẫu về Hiệp hội Chè để tìm kiếm các doanh nghiệp có năng lực sản xuất và cung cấp đúng chủng loại mặt hàng này. 

Bên cạnh thị trường Marốc, ông Chính cũng cho biết, nhiều đối tác tại thị trường Bờ Biển Ngà mong muốn được kết nối, xúc tiến giao thương với doanh nghiệp Việt Nam. 

Theo đó, Bờ Biển Ngà là thị trường có sức tiêu thụ hàng hóa khá mạnh, yêu cầu đối với các sản phẩm không quá khắt khe và hiện có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa khá lớn từ Việt Nam.

Một điểm đáng chú ý khác là Bờ Biển Ngà nằm trong Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi (gồm 8 nước), sử dụng đồng tiền chung Franc Tây Phi nên việc lưu chuyển hàng hóa giữa các thị trường này có nhiều thuận lợi. Đây cũng là nền kinh tế năng động trong khu vực và đều có quan tâm tới việc đẩy mạnh thương mại với Việt Nam. Gần đây nhất, phía Bờ Biển Ngà đã phối hợp với Bộ Công Thương Việt Nam tổ chức một Hội nghị xúc tiến thương mại vào tháng 08/2022 và tới đây tổ chức 02 đoàn doanh nghiệp Bờ Biển Ngà vào Việt Nam để tìm hiểu cơ hội hợp tác kinh doanh vào tháng 11/2022.

Do đây là thị trường có kim ngạch thương mại khá lớn với Việt Nam nên Thương vụ đề nghị nghiên cứu mở Chi nhánh Thương vụ hoặc Văn phòng Xúc tiến thương mại tại đây để kịp thời khai thác các tiềm năng của khu vực thị trường này.

Trước mắt, trong điều kiện Việt Nam chưa có đại diện thương mại tại các địa bàn, Thương vụ khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần thường xuyên tổ chức đi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tại khu vực để nắm bắt tình hình chung cũng như nhu cầu cụ thể của khách hàng và khai thác các cơ hội tiềm năng, đồng thời giảm thiểu rủi ro do thiếu hiểu biết về đối tác.

giao ban
Các đại biểu tham dự Hội nghị giao ban tháng 10/2022

Thận trọng với những biến động mới của thị trường xuất khẩu

Thông tin tại Hội nghị, ông Phùng Văn Thành - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Philipines cho biết, hiện có khoảng 35 mặt hàng/ngành hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Philippines, bao gồm nhiều mặt hàng/ngành hàng quan trọng như nông nghiệp, thủy sản, bánh kẹo, thức ăn gia súc, xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng, hàng dệt may, máy móc, điện thoại... Trong đó, các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là gạo, luôn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Philippines.

Theo thống kê, tính đến tháng 9/2022, xuất khẩu của Việt Nam vào Philippines đạt hơn 3,95 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2021. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Philippines trong 9 tháng đầu năm đạt trên 2 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2021. Mặt hàng nhập khẩu chính bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ.

Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Philippines trong tháng 9/2022 chỉ đạt trên 352,5 triệu USD, giảm 30% so với tháng 8/2022. Thực tế, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Philippines đã có dấu hiệu giảm từ tháng 8/2022. Điều này do những định hướng thay đổi lớn trong chính sách nhập khẩu của Philippines dưới thời tân Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr.

Do đó, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Philippines khuyến nghị một số khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang thị trường này cần lưu ý.

Thứ nhất, Tổng thống mới của Philippines ngày đầu nhậm chức đã phát biểu “một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế và gia tăng việc làm sẽ là ngành nông nghiệp”, nhấn mạnh về tầm quan trọng và vai trò của ngành nông nghiệp trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm tại Philippines. 

Mặc dù hiện nay chính quyền Tổng thống Marcos chưa đưa ra các chính sách điều hành kinh tế chính thức mà chủ yếu mới chỉ là những tuyên bố, nhưng có thể sẽ có những ảnh hưởng đến các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, nhất là mặt hàng trọng điểm là gạo.

Trong thời gian vừa qua, có hiện tượng các cơ quan của Philippines không thông quan hoặc đặt thêm nhiều yêu cầu, điều kiện, giấy tờ cho các lô hàng nhập khẩu, đặc biệt là mặt hàng nông sản, trong đó có mặt hàng gạo chủ lực của Việt Nam. Bên cạnh đó cũng có thông tin rằng Philippines sẽ hạn chế nhập khẩu các mặt hàng nông sản đặc biệt là gạo trong đó có gạo Việt Nam trong những tháng cuối năm nhằm chờ đợi xây dựng xong một cơ chế mới.

"Các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý đối với các hợp đồng đã ký, chuẩn bị ký với các đối tác Philippines, cần xác minh khả năng thực hiện hợp đồng của đối tác để tránh trường hợp đổ bể hợp đồng gây thiệt hại cho cả hai bên", đại diện Thương vụ khuyến nghị.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm nông sản của Việt Nam sang Philippines, đặc biệt doanh nghiệp xuất khẩu gạo, cần chủ động tìm hướng đi và thị trường mới để phòng tránh rủi ro quá phụ thuộc vào thị trường Philippines với những chính sách chưa rõ ràng và nguy cơ bất ổn, khó khăn.

Thứ hai, hiện nay đồng peso của Philippines mất giá cao so với đồng USD, giai đoạn tháng 9 và tháng 10 năm 2021, một đồng USD chỉ đổi được không quá 50 peso, nhưng nay một USD đổi được gần 60 USD. Điều này dẫn tới việc nhập khẩu hàng hóa và bán tại thị trường Philippines không còn nhiều hấp dẫn bởi khi quy giá đô sang tiền peso thì giá hàng hóa nhập khẩu bị đẩy lên cao, làm cho tiêu dùng giảm. Đây là một trong những khó khăn thách thức mà cả doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và doanh nghiệp nhập khẩu của Philippines đang phải trải qua.

Chuỗi Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài hàng tháng dù mới được triển khai thực hiện từ tháng 7/2022 đến nay ngày càng phát huy được vai trò cầu nối cập nhật kịp thời thông tin thị trường ngoài nước cũng như nắm bắt những nhu cầu xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp trong nước.

Theo Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại, Hội nghị giao ban tháng 9/2022 đã nhận được 14 kiến nghị/yêu cầu của các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài (Áo, Anh, Ấn Độ, Bulgaria, Houston (Hoa Kỳ), Pakistan, Pháp, Trùng Khánh (Trung Quốc) tới các cơ quan thuộc Bộ Công Thương (gồm Cục XTTM, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số), các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp. Đến ngày 30/10/2022, Cục XTTM đã phản hồi 05 đề xuất. Hiệp hội Dệt may Việt Nam phản hồi đã tiếp nhận thông tin và sẽ chuyển tới các doanh nghiệp thành viên nắm và lưu ý các giao dịch liên quan.

Hội nghị giao ban tháng 9/2022 cũng nhận được 27 đề xuất của các Địa phương (Bắc Giang, Hà Giang, Hải Phòng, Long An, Quảng Nam, Yên Bái), Hiệp hội (Cà phê ca cao, Phần mềm và Dịch vụ CNTT, Hồ tiêu, Gỗ và lâm sản, Chè, Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp Hồ Chí Minh) tới Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ Thương mại, Cục XTTM và một số Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài). Các đề xuất của các đơn vị này đã được giải đáp ngay tại Hội nghị, số còn lại đang được các cơ quan liên quan phối hợp xem xét, thực hiện.

Với Hội nghị giao ban tháng 10/2022 này, Ban tổ chức tổ chức cũng đã nhận được gần 30 nhóm đề xuất của các cơ quan Thương vụ tại nước ngoài thông qua 45 báo cáo của Thương vụ phục vụ Hội nghị và một số đề xuất từ các địa phương, hiệp hội. 

[Quảng cáo]

Việt Hằng