Dệt may TNG: Doanh thu tháng 7/2023 lên mức cao nhất từ đầu năm

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG vừa cho biết doanh thu tháng 7/2023 tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay.

Doanh thu tháng 7 lên mức cao nhất từ đầu năm đến nay

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Dệt may TNG, cổ phiếu TNG – sàn HNX) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 7/2023 với doanh thu tiêu thụ đạt 782 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù tốc độ tăng trưởng doanh thu tính theo hàng tháng ở mức thấp hơn so với những tháng trước đo nhưng doanh thu tháng 7/2023 của Dệt may TNG đã chạm mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay.

Dệt may TNG Tạp chí Công Thương
Trong 7 tháng đầu năm nay, doanh thu xuất khẩu chiếm tới 98% tổng doanh thu của Dệt may TNG.

Tính chung 7 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu của Dệt may TNG đạt 4.116 tỷ đồng, tăng 109 tỷ đồng tương ứng tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu từ xuất khẩu chiếm đến 98% tổng doanh thu của doanh nghiệp dệt may này. Các thị trường chủ lực hiện nay của Dệt may TNG là Hoa Kỳ (chiếm 47% tổng doanh thu), Pháp (15%), Canada (8%), Nga (7%) và Tây Ban Nha (6%); phần còn lại là đến từ các nước khác trong khu vực EU và khu vực châu Á.

Kết quả kinh doanh của Dệt may TNG được đánh giá ở mức tích cực trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam đang chịu tác động nghiêm trọng từ việc sức mua thấp, thiếu đơn hàng xuất khẩu tại tất cả các thị trường trọng điểm, đặc biệt là Hoa Kỳ và EU. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam chỉ đạt 18,6 tỷ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2023 sang các thị trường lớn hầu hết đều giảm: Hoa Kỳ giảm 27,1%, EU giảm 6,2%, Nhật Bản tăng 6,6%, Hàn Quốc giảm 2%, Canada giảm 10,9%...

Trong năm nay, Dệt may TNG đặt mục tiêu doanh thu ở mức 6.800 tỷ đồng, tương đương năm ngoái, và lãi ròng ở mức 299 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với mức thực hiện của năm 2022. Như vậy, sau 7 tháng đầu năm nay, công ty đã thực hiện được 60,5% kế hoạch doanh thu của cả năm.

Xem thêm: "Nhu cầu chững, giá bán giảm tiếp tục thách thức ngành thép trong quý 3/2023" trên Tạp chí Công Thương.

Báo cáo tài chính quý 2/2023 cho thấy lãi ròng 6 tháng đầu năm nay của Dệt may TNG đạt 98,5 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái và tương đương 33% mục tiêu lợi nhuận cả năm. Ban lãnh đạo công ty cho biết hoạt động kinh doanh kém tích cực chủ yếu do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, đơn giá giảm so với cùng kỳ, nhưng chi phí trả cho người lao động vẫn đảm bảo, chi phí sản xuất không giảm dẫn đến lợi nhuận giảm.

Chấp nhận đơn hàng với biên lợi nhuận thấp để duy trì sản lượng

Giá cổ phiếu TNG Tạp chí Công Thương
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu TNG của Dệt may TNG từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Dệt may TNG, để đảm bảo đơn hàng cho sản xuất, doanh nghiệp này đã tạo kết nối và khai thác thêm các khách hàng mới, định hướng chiến lược dòng hàng, thu hút khách hàng trực tiếp. Doanh nghiệp này cũng tập trung vào phát triển kho phụ liệu thông minh, tối ưu hoá sản xuất thông qua tự động hoá nhằm tiết giảm chi phí. Bên cạnh đó, công ty đã xây dựng và phát triển website bán hàng ODM để thúc đẩy thêm doanh thu.

Ngoài ra, theo đánh giá của Vietcombank Securities, việc Dệt may TNG vẫn duy trì ổn định các đơn hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ và EU là nhờ doanh nghiệp này chấp nhận đơn hàng với biên lợi nhuận thấp để duy trì sản lượng. Điều này được phản ánh qua việc biên lợi nhuận gộp của Dệt may TNG trong nửa đầu năm nay thấp hơn so với mặt bằng chung.

Xem thêm: "Tăng trưởng ngành dệt may Việt Nam giảm tốc, vướng điểm nghẽn Dệt nhuộm" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Ngoài ra, Dệt may TNG cũng là một trong các doanh nghiệp tiên phong trong ngành dệt may áp dụng công nghệ tự động hóa vào quản trị cũng như hệ thống, thông qua quy trình quản trị đơn hàng hiện đại, tiện lợi cũng tăng sự gắn kết với thị trường, tệp khách hàng tiềm năng cũng sẽ được cải thiện. Nhờ việc tích cực đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại, chi phí SG&A (bán hàng trực tiếp, gián tiếp và các chi phí quản lý doanh nghiệp) của Dệt may TNG đã giảm dần từ năm 2021 và duy trì ổn định ở mức thấp tầm 6-7% trên tổng doanh thu, theo Vietcombank Securities.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 7/8, giá cổ phiếu TNG đạt 21.000 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm, giá cổ phiếu TNG đã tăng 62%.

Năm 2022, ngành dệt may đã xuất khẩu đạt 44,4 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Từ kết quả này, ngành dệt may đã đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt từ 45-47 tỷ USD trong năm 2023. Tuy nhiên, tình trạng thiếu đơn hàng đã tác động mạnh tới các doanh nghiệp và ảnh hưởng chung tới toàn ngành.

Dự báo trong các tháng còn lại của năm 2023, thị trường dệt may và thời trang vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn. Tại Hội nghị giao ban với thương vụ Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VITAS dự báo tổng cầu dệt may trên toàn thế giới năm nay chỉ đạt khoảng 700 tỷ USD giảm 8 - 10% so với năm 2022. Kéo theo đó kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam cả năm nay ước đạt  36-37 tỷ USD, toàn ngành nỗ lực ở mức cao nhất để đạt 40 tỷ USD, ông Trương Văn Cẩm chia sẻ.

Duy Quang