Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS) họp Đại hội bất thường về gói thầu trị giá 11.800 tỷ đồng

Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS) chuẩn bị họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 về kế hoạch triển khai gói thầu EPCI#1 của Dự án phát triển mỏ Lô B.
Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam
Giá trị hợp đồng tạm tính của gói thầu EPCI#1 là 493 triệu USD.

Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS - sàn HNX) dự kiến sẽ tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 vào ngày 02/02 tới đây theo hình thức bỏ phiếu điện tử.

Nội dung chính của Đại hội là trình cổ đông thông qua kế hoạch triển khai hợp đồng “Thiết kế, mua sắm, thi công và lắp đặt giàn công nghệ trung tâm, giàn nhà ở và tháp đuốc” đối với chi nhánh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - Công ty điều hành Dầu khí Phú Quốc (PQPOC).

Đây là hợp đồng nằm trong gói thầu EPCI#1 của Dự án phát triển mỏ Lô B, thuộc chuỗi dự án điện khí Lô B - Ô Môn với tổng giá trị đầu tư 12 tỷ USD. Gói thầu EPCI#1 do liên danh Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí và McDermott Asia Pacific Sdn. Bhd. thực hiện.

Giá trị hợp đồng tạm tính của gói thầu này đạt 493 triệu USD, tương đương khoảng 11.800 tỷ đồng, và lợi nhuận dự kiến là 4% giá trị hợp đồng, khoảng 472 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện gói thầu là 38 tháng với mục tiêu đón dòng khí đầu tiên (First Gas) vào cuối tháng 12/2026, với thời gian ân hạn là 08 tháng. Hợp đồng được bảo lãnh thực hiện 10% giá trị và bảo hành 3% giá trị hợp đồng.

Xem thêm: "Đối tác Ørsted lỗ ròng 2,9 tỷ USD, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS) liệu có bị ảnh hưởng?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Ngoài gói thầu EPCI#1, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) - công ty con của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí cũng đã trúng gói thầu EPCI#2 của Dự án phát triển mỏ Lô B về việc thiết kế, mua sắm, chế tạo và lắp đặt giàn thu gom/ giàn đầu giếng và hệ thống đường ống nội mỏ.

Giá trị gói thầu EPCI#2 hiện chưa được công bố nhưng được ước tính cũng lên tới hàng trăm triệu USD. Các gói thầu EPCI#1 và EPCI#2 đóng vai trò định hình các mốc quan trọng trong quá trình thực hiện chuỗi dự án điện khí Lô B - Ô Môn.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong năm 2023, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí ước tính tổng doanh thu hợp nhất đạt 20.224 tỷ đồng, tương đương 153% kế hoạch cả năm và tăng 18% so với mức thực hiện của năm 2022. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế cả năm 2023 ước tính là 1.098 tỷ đồng, đạt 141% kế hoạch năm 2023.

Đáng chú ý, tỷ trọng doanh thu cung cấp dịch vụ ra nước ngoài của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong năm 2023 đạt trên 55%, tăng mạnh so với những năm trước đây, cho thấy những kết quả trong việc phát triển các thị trường mới.

Dự án khí Lô B là dự án trọng điểm quốc gia với tổng mức đầu tư gần 7 tỷ USD, do các bên gồm: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP), Công ty Thăm dò Dầu khí Mitsui (MOECO Nhật Bản), Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí PTT (PTTEP Thái Lan) cùng tham gia đầu tư theo Hợp đồng phân chia sản phầm dầu khí (PSC).

Chuỗi dự án khí Lô B bao gồm các dự án thành phần là: Dự án phát triển mỏ Lô B và Dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn (do các đối tác trên và Tổng Công ty Khí Việt Nam tham gia đầu tư thông qua Hợp đồng hợp tác kinh doanh - BBC).

Với tầm quan trọng chiến lược trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nam bộ, Chuỗi dự án khí, điện Lô B được yêu cầu có dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2026, đầu năm 2027.

Duy Quang