Hiện sản phẩm vải thiều Lục Ngạn là một trong ba nông sản của Việt Nam đang được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) làm thủ tục, hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý vào thị trường Nhật Bản. Trước mắt, Cục sẽ tiến hành đối với sản phẩm quả vải thiều tươi.
Để được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, hồ sơ đăng ký sẽ phải đáp ứng 12 danh mục tài liệu liên quan như: Tờ khai, bản mô tả sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, quy chế quản lý quá trình sản xuất sản phẩm; chứng minh thẩm quyền của tổ chức, đại diện sở hữu công nghiệp; bản cam kết đáp ứng và tuân thủ các điều kiện quy định đối với tổ chức đăng ký chỉ dẫn…
Theo ông Lê Bá Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Lục Ngạn có khoảng 20 nghìn ha canh tác vải thiều, mỗi năm cho tổng sản lượng ước đạt hơn 150 nghìn tấn.
Việc hoàn thiện hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý vải thiều tại Nhật Bản nhằm khẳng định thương hiệu hàng hóa, tạo điều kiện đưa vải thiều xuất khẩu thuận lợi sang thị trường Nhật Bản, nâng cao giá trị kinh tế hàng hóa, thu nhập cho người dân…
Để hoàn thiện hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn vào Nhật Bản cần bổ sung thêm các thông tin như: Chủ sở hữu nhãn hiệu; tên sản phẩm đăng ký nhãn hiệu tại Nhật; danh tiếng của sản phẩm; giống vải trồng ở Lục Ngạn, phân loại trái vải; bao gói và bảo quản quả vải; quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc; điều tiết sinh trưởng của quả vải; các yếu tố tác động của tự nhiên đến cây trồng; quy trình cung ứng và kiểm soát chất lượng sản phẩm; trọng lượng quả loại đặc biệt (30-45 quả/kg); mẫu mã; không có tỷ lệ sâu cuống.
Nhật Bản là thị trường khó tính, đòi hỏi có những quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm. Để có thể xây dựng chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn vào Nhật Bản, thời gian qua, Cục Sở hữu trí tuệ đã nỗ lực cùng với tỉnh Bắc Giang tích cực đàm phán với phía Nhật Bản.
Nếu xây dựng chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn vào Nhật Bản thành công thì đây sẽ là sản phẩm đầu tiên của Bắc Giang có chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài, tạo cơ hội rất lớn cho vải thiều ở thị trường Nhật Bản.
Đồng thời, đây cũng là công cụ để chống lại hành vi xâm hại tài sản trí tuệ khi mà mọi quả vải thiều không phải của Lục Ngạn, Bắc Giang mà lại gắn mác để tiêu thụ tại thị trường này.