Dự báo nhu cầu tiêu thụ hạt điều toàn cầu sẽ tăng trưởng bình quân 4,6%/năm giai đoạn 2021 - 2026.

Theo thông tin từ https://www. mordorintelligence.com, nhu cầu tiêu thụ hạt điều toàn cầu dự báo tăng trưởng bình quân 4,6%/năm trong giai đoạn 2021 – 2026.

Đại dịch Covid-19 có tác động trực tiếp và bất lợi đến thị trường hạt điều trên toàn cầu. Việc giãn cách xã hội để kiềm chế và ngăn chặn đại dịch ảnh hưởng tiêu cực đến các kênh phân phối. Xuất khẩu hạt điều của Tây Phi sang Việt Nam và Ấn Độ để chế biến gặp khó khăn. Kênh phân phối bị gián đoạn làm giảm khả năng cung cấp các sản phẩm cuối cùng của hạt điều trên thị trường.

Trong khi đó, xu hướng toàn cầu đang ưa chuộng chế độ ăn thuần chay và thực vật. Những người áp dụng chế độ ăn thuần chay dựa trên thực vật ưu tiên các nguồn protein thay thế cho các nguồn protein từ động vật, dẫn đến nhu cầu tăng cao đối với các loại hạt và thực phẩm chế biến từ hạt.

Nhu cầu ngày càng tăng đối với hạt điều có hương vị tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ hạt điều ở khu vực châu Phi. Năm 2018, trong số tất cả các quốc gia sản xuất hạt điều, các quốc gia châu Phi đóng góp 56,5% vào sản lượng điều toàn cầu, trong khi các quốc gia châu Á đóng góp 44%. Trong khi đó, Việt Nam là nhà cung cấp hạt điều lớn nhất cho Hoa Kỳ, Trung Quốc, Úc, Ca-na-đa và Niu-Di-Lân.

Bắc Mỹ là nhà nhập khẩu hạt điều lớn nhất toàn cầu. Do yếu tố địa hình, khí hậu không thuận lợi cho việc sản xuất hạt điều, do đó khu vực này phụ thuộc vào nhập khẩu. Tương tự, châu Âu cũng phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, trong khi nhu cầu tiêu thụ hạt điều có xu hướng ngày càng tăng.

Châu Á - Thái Bình Dương là thị trường tiêu thụ hạt điều lớn nhất thế giới. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều sự quan tâm đến việc sử dụng hạt điều trong chế độ ăn uống thông thường và các món nhẹ ăn liền lành mạnh. Sự gia tăng số lượng các nhà sản xuất thực phẩm dựa trên hạt điều đã khiến cả người tiêu dùng trẻ tuổi và người lớn tuổi quan tâm tới sản phẩm; ví dụ, hạt điều rang và tẩm gia vị, hấp dẫn khẩu vị địa phương, đã được giới thiệu ở Ấn Độ. Nhu cầu đối với hạt điều ở châu Á liên tục tăng, nhập khẩu hạt điều có vỏ tăng mạnh từ 2.317 tấn năm 2016 lên 10.771 tấn năm 2018 tại Trung Quốc. Trung Quốc dẫn đầu khu vực về nhập khẩu hạt điều, tiếp theo là Nhật Bản, Thái Lan và Ấn Độ.

Các loại hạt đã trở thành một thành phần chính trong chế độ ăn uống của người Trung Quốc kể từ khi Chính sách Y tế Quốc gia ra đời có tên là “Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người dân Trung Quốc”, nhấn mạnh đến việc tiêu thụ các loại hạt hàng ngày. Nhập khẩu hạt điều tăng cũng có thể là do chiến dịch bán sản phẩm mới “các loại hạt hàng ngày”, bao gồm hạt điều, đóng gói ăn liền, của các nhà sản xuất hạt điều Trung Quốc, do đó đã thúc đẩy thị trường hạt điều trong nước.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 8/2021, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 20,4 nghìn tấn, trị giá 137,44 triệu USD, giảm 21,6% về lượng và giảm 18,5% về trị giá so với 15 ngày đầu tháng 7/2021; giảm 1,2% về lượng, nhưng tăng 14,5% về trị giá so với 15 ngày đầu tháng 8/2020. Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/8/2021, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 348,7 nghìn tấn, trị giá 2,14 tỷ USD, tăng 21,5% về lượng và tăng 15,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Dự báo xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sẽ thuận lợi trong thời gian tới do nhu cầu tiêu thụ hạt điều của châu Âu, Hoa Kỳ tăng theo yếu tố chu kỳ. Nhiều doanh nghiệp lớn đã có đơn hàng giao năm 2022.

Thanh An