Ethiopia muốn thành công như Việt Nam trong phát triển năng lượng

Ethiopia có nhiều nét tương đồng với Việt Nam 20 năm trước về trình độ phát triển kinh tế, xã hội. Ethiopia mong muốn học hỏi kinh nghiệm thành công của Việt Nam trong việc phát triển năng lượng.

Ngày 3/4/2018, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đã có buổi làm việc với ông Frehiwot Woldehanna, Bộ trưởng Quốc Vụ khanh Bộ Nước, Thủy lợi và Điện cùng đoàn đại biểu Ethiopia để trao đổi về kinh nghiệm phát triển trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam.

Trong buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng vui mừng thông báo những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt là mức tăng trưởng ấn tượng 7,38% trong Quý I/2018. Đây là mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây, đặc biệt là bước tiến mạnh mẽ so với mức tăng 5,15% của năm 2017.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chia sẻ những kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam với đoàn đại biểu Ethiopia

Chia sẻ những kinh nghiệm thành công của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, Thứ trưởng cho biết, đó là do các chính sách, chiến lược phát triển phù hợp theo từng thời kỳ nhằm đảm bảo sự tăng trưởng sản xuất công nghiệp, phát triển nông nghiệp, phát triển ngành năng lượng, tăng cường xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI). Ngoài ra những chính sách, chiến lược đó còn đáp ứng được những yêu cầu của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Frehiwot Woldehanna đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong công cuộc đổi mới đất nước trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là phát triển lĩnh vực năng lượng.

Bộ trưởng Ethiopia mong muốn học hỏi kinh nghiệm thành công của Việt Nam trong phát triển ngành năng lượng

Theo Bộ trưởng Frehiwot Woldehanna, Ethiopia có diện tích rộng lớn 1,2 triệu km2 với khoảng 100 triệu dân, trong đó 80% sống ở các vùng nông thôn và rải rác ở vùng sâu vùng xa. 95% nguồn điện của nước này là từ thủy điện, còn lại là từ điện gió, điện mặt trời, điện địa nhiệt và sinh khối. Công suất điện trung bình đạt 4200MW.

Hiện nay tỷ lệ cấp điện ổn định ở Ethiopia chỉ đạt từ 30-35%, tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị. Ethiopia đang đặt mục tiêu cấp điện cho 1 triệu hộ dân mỗi năm để đến năm 2025, 100% người dân Ethiopia có điện. Do vậy, Chính phủ và người dân Ethiopia rất quan tâm đến vấn đề điện khí hóa nông thôn.

Bộ trưởng Quốc Vụ khanh cho rằng Ethiopia có nhiều nét tương đồng với Việt Nam 20 năm trước về trình độ phát triển kinh tế, xã hội nên mong muốn học hỏi kinh nghiệm thành công của Việt Nam trong việc phát triển năng lượng.

Chính vì vậy, mục tiêu của chuyến công tác lần này của đoàn là nhằm học hỏi những kinh nghiệm của Việt Nam trong việc thu hút nhà đầu tư tư nhân, vai trò của đơn vị phát điện độc lập, chương trình điện khí hóa nông thôn, trợ giá cho người dân, các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo... Bộ trưởng Frehiwot Woldehanna nhấn mạnh.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, để đưa điện đến 100% người dân vào năm 2025, Chính phủ Ethiopia cần trợ giá cho người dân nông thôn như cách mà Việt Nam đã và đang triển khai

Chia sẻ những khó khăn của Ethiopia, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng việc đưa điện đến 100% người dân vào năm 2025 của Chính phủ Ethiopia là mục tiêu đầy thách thức, đòi hỏi nỗ lực lớn của Ethiopia và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Trong 20 năm qua, Việt Nam đã đầu tư từ 5 đến 7 tỷ USD mỗi năm cho việc phát triển hệ thống điện từ việc xã hội hóa và vay từ các tổ chức quốc tế. Thứ trưởng tin tưởng rằng với sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới, Ethiopia có thể rút ngắn thời gian hơn so với Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đang cấp điện đến 100% người dân nông thôn. Ngành điện cơ bản đáp ứng được nhu cầu điện của cả nước đang tăng từ 10-12%/năm. Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện cho nhiều thành phần kinh tế và nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các nhà máy phát điện.

Các dự án nhà máy điện tại Việt Nam thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng và chuyển giao) và IPP (nhà máy phát điện độc lập), trong đó IPP phù hợp với phát triển thủy điện vừa và nhỏ. Thứ trưởng cho rằng để tăng tỷ lệ tiếp cận điện năng thì Chính phủ Ethiopia cần trợ giá cho người dân nông thôn như chính sách mà Việt Nam đã và đang triển khai.

Với những kinh nghiệm của Việt Nam nói trên, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng kỳ vọng, Ethiopia sẽ có được những chính sách, chiến lược phù hợp, nắm bắt được xu thế để xây dựng phát triển ngành năng lượng bền vững trên đất nước Ethiopia.

Hạ Vũ