Giá dầu thô 5/4: Hướng đến phiên tăng giá thứ 4 liên tiếp, tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ giảm

Trong sáng nay ngày 5/4, giá dầu thô hướng đến phiên giao dịch tăng thứ 4 liên tiếp sau thông tin tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ giảm và tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản đạt mức cao nhất trong vòng 9 năm trở lại đây.
Giá dầu thô thế giới
 Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong 30 ngày gần đây (Nguồn: Oil Price)

Vào lúc 9h00 sáng nay (ngày 5/4, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đạt 85,34 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 81,03 USD/thùng. Giá dầu thô đang hướng đến phiên giao dịch tăng thứ 4 liên tiếp.

Đà tăng của giá dầu thô tiếp tục được hỗ trợ từ báo cáo mới nhất của Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã giảm 4,3 triệu thùng. Hãng tin Reuters dẫn lời một nguồn tin cho biết lượng tồn trữ xăng dầu tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã giảm 4 triệu thùng và các sản phẩm tinh chế từ dầu thô giảm 3,7 triệu thùng. Báo cáo chính thức về tình hình tồn trữ xăng dầu của nước này sẽ được Bộ Năng lượng Hoa Kỳ công bố vào chiều ngày 5/4 (theo giờ địa phương).

Bên cạnh đó, giá dầu thô còn được hỗ trợ từ dữ liệu cho thấy tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ tại Nhật Bản trong tháng 3/2023 đã đạt mức cao nhất trong vòng 9 năm trở lại đây. Cụ thể, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực dịch vụ tháng 3/2023 tại Nhật Bản đã đạt 54 điểm, qua đó cho thấy nhu cầu tiêu dùng và niềm tin tiêu dùng tại nước này đang hồi phục mạnh mẽ. Đồng thời, số lượng đơn đặt hàng mới và nhu cầu từ nước ngoài đối với lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản đã chạm mức cao nhất trong vòng 7 tháng trở lại đây. Dữ liệu này giúp củng cố triển vọng kinh tế của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Giá dầu thô đã tăng đáng kể trong những phiên giao dịch gần đây sau khi liên minh OPEC+ bất ngờ thông báo sẽ cắt giảm sản lượng khai thác thêm 1,16 triệu thùng/ngày kể từ tháng 5/2023. Như vậy, tổng sản lượng khai thác được các quốc gia thành viên OPEC+ cắt giảm lên tới 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,7% tổng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu. Điều này khiến nguồn cung dầu thô trở nên căng thẳng hơn, thậm chí có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nửa cuối năm nay.

Nhiều tổ chức kinh tế lớn trên thế giới đã đồng loạt nâng dự báo giá dầu thô trong năm nay lên ngưỡng từ 90 USD – 100 USD/thùng sau động thái của OPEC+. Thậm chí, hãng tư vấn năng lượng hàng đầu thế giới Rystad Energy (Na Uy) dự báo giá dầu thô Brent lên tới 110 USD/thùng trong mùa hè này khi nhu cầu di chuyển bằng xe ô tô tăng vọt.

Nhiều nhà phân tích cảnh báo việc giá dầu thô tăng quá cao sẽ gia tăng áp lực lạm phát và khiến nhiều quốc gia đối mặt với rủi ro suy thoái cao hơn.

Tường Vy