Báo cáo mới được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố ngày 17/3 cho thấy giá dầu thô khó có thể duy trì đà tăng bùng nổ như giai đoạn vừa qua trong dài hạn. IEA cũng nhấn mạnh các dữ liệu và phân tích của cơ quan này cho thấy giá dầu thô sẽ không tạo ra một “siêu chu kỳ tăng giá” mới như những đồn đoán gần đây khi giá dầu thô bật mạnh lên vùng 70 USD/thùng.
Trước đó, nhiều dự báo nhận định nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ nhanh chóng phục hồi vào cuối năm nay khi các nền kinh tế trên thế giới sớm mở cửa trở lại và giá dầu thô có thể đạt lại ngưỡng 100 USD/thùng khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát. Báo cáo của IEA dự báo phải đến năm 2023 thì nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu mới phục hồi trở lại ngang bằng mức trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
IEA nhấn mạnh dữ liệu cho thấy mặc dù lượng dầu thô dư thừa khổng lồ tích luỹ trong nửa sau năm 2020 đang giảm dần đều nhưng tổng lượng dầu thô tồn kho toàn cầu vẫn cao hơn nhiều so mức trung bình trong lịch sử. Lượng dầu thô tồn trữ còn quá nhiều để siêu chu kỳ tăng giá mới hình thành, theo IEA.
Đà tăng mạnh của giá dầu thô trong giai đoạn vừa qua chủ yếu từ việc liên minh OPEC+ cắt giảm sản lượng khai thác ở mức chưa từng có, lên đến 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu nhằm đối phó với các tác động của đại dịch Covid-19.
Liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, liên minh này nắm giữ hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Đầu tháng 3/2021, liên minh OPEC+ quyết định kéo dài cắt giảm sản lượng đến tháng tới đây và cho thấy các dấu hiệu sẽ không vội vã nâng sản lượng khai thác trở lại vì các rủi ro nhu cầu sử dụng.
IEA nhận định việc liên minh OPEC+ cắt giảm sản lượng khai thác ở mức kỷ lục khiến một lượng lớn công suất khai thác dầu thô dư thừa và nguồn cung dầu thô có thể tăng mạnh trở lại khi phần công suất này được đưa vào hoạt động trở lại.
Nhận định về triển vọng thị trường, Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út Hoàng tử Abdulaziz Bin Salman cho biết hiện vẫn còn quá sớm để nhận định đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát ổn thoả và các nhà sản xuất dầu thô vẫn phải cần “cực kỳ thận trọng”.
“Khi phải đối mặt với sự khó lường và bấp bênh như thế này, bạn có thể có những lựa chọn khác nhau. Tôi thuộc về trường phái thận trọng và giải quyết mọi thứ theo hướng cảnh giác. Tôi chỉ tin vào sự phục hồi của thị trường khi tôi tận mắt chứng kiến", Hoàng tử Abdulaziz Bin Salman cho biết.
Trong phiên giao dịch ngày 18/3, giá dầu thô Brent được giao dịch quanh mức 67,69 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày 17/3, giá dầu thô Brent đã giảm phiên giao dịch thứ 4 liên tiếp trong bối cảnh lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần trước tăng 2,4 triệu thùng.
Lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ đã tăng tuần thứ 4 liên tiếp kể từ khi các nhà máy lọc hoá dầu lớn tại tiểu bang Texas phải ngưng hoạt động vì giá rét sâu bất thường hồi giữa tháng 2 vừa qua.
Triển vọng phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu cũng trở nên kém lạc quan hơn khi việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tại khu vực Châu Âu gặp nhiều khó khăn và Trung Quốc tìm cách kiểm soát tăng trưởng quá nóng.
Cụ thể, ba nền kinh tế lớn nhất khu vực các quốc gia sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) là Đức, Pháp và Italy tạm ngưng sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của hãng Oxford/AstraZeneca sau các báo cáo về biến chứng sau tiêm.
Tuy nhiên, với số ca nhiễm bệnh mới tăng cao hàng ngày, Đức đang đối mặt nguy cơ xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ ba với các biến chủng virus Covid-19 mới có tốc độ lây lan nhanh.
Với số ca nhiễm mới trong tuần này tăng 10% so với tuần trước, Italy đã phải ra lệnh phong toả toàn quốc dịp Lễ Phục sinh tới đây nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Pháp cũng sẽ thắt chặt các biện pháp phòng chống dịch và có thể sẽ phong toả vùng thủ đô Paris – khu vực chiếm đến 30% các hoạt động kinh tế của Pháp. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch tái mở cửa của các nền kinh tế trên.