Giá dầu thô tiếp tục tăng, kỳ vọng nhu cầu sử dụng dầu của Trung Quốc sẽ được cải thiện

Giá dầu thô thế giới tiếp tục xu hướng tăng trong phiên giao dịch sáng nay ngày 17/5, tiệm cận mức 115 USD/thùng khi thị trường kỳ vọng nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc sẽ được cải thiện trong thời gian tới và EU có thể đạt đồng thuận về việc cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga.
giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI trong vòng 1 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: Oil Price)

Cụ thể, vào lúc 9h30 sáng nay, giá dầu thô Brent giao tháng 7/2022 tăng 0,61% lên 114,94 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 6/2022 cũng tăng 0,43% lên 114,76 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày 16/5, giá dầu thô Brent bật tăng 2,4% và giá dầu thô WTI tăng tới 3,4%.

Đà tăng của giá dầu thô trong hai phiên giao dịch đầu tuần này chủ yếu nhờ thông tin trung tâm kinh tế lớn nhất của Trung Quốc là thành phố Thượng Hải đặt mục tiêu mở cửa trở lại trên diện rộng từ ngày 1/6 tới đây sau nhiều tuần bị phong toả nhằm kiểm soát đại dịch Covid-19. Thượng Hải cũng là thành phố đông dân nhất Trung Quốc với gần 26 triệu cư dân, nhu cầu sử dụng nhiên liệu của thành phố này chiếm khoảng 4% tổng nhu cầu sử dụng nhiên liệu của Trung Quốc. Do đó, thị trường kỳ vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu và nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc sẽ tăng trở lại khi nước này dần kiểm soát được dịch bệnh.  

Hiện tại, ước tính có 46 thành phố ở Trung Quốc vẫn đang bị phong tỏa xã hội nhằm kiểm soát làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 hiện nay, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng nhiên liệu của nước này. Trong những phiên giao dịch đầu tuần trước, triển vọng kinh tế u ám của Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến giá dầu thô.  

Giá dầu thô cũng được hỗ trợ từ việc nhiều nhà ngoại giao và quan chức Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ sự lạc quan EU sẽ đạt được một thoả thuận cấm vận từng giai đoạn đối với dầu thô từ Nga, bất chấp những lo ngại về an ninh năng lượng của một số quốc gia Đông Âu.

Áo kỳ vọng EU sẽ đạt sự đồng thuận về các lệnh trừng phạt nhắm vào dầu thô của Nga trong những ngày tới. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock cho biết EU sẽ cần thêm vài ngày nữa để đạt được thỏa thuận.

Ông Naohiro Niimura, quản lý cấp cao tại hãng tư vấn thị trường Market Risk Advisory (Hoa Kỳ), nhận định: “Với việc EU cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga và sản lượng khai thác của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng chậm, giá dầu thô dự kiến sẽ duy trì ở mức hiện tại, gần 110 USD/thùng”.

Bên cạnh đó, giá dầu thô WTI của Hoa Kỳ còn được hỗ trợ bởi thông tin kho dự trữ dầu thô chiến lược của Hoa Kỳ đã giảm xuống còn 538 triệu thùng, chạm mức thấp nhất kể từ năm 1987. Điều này khiến giá xăng kỳ hạn tại Hoa Kỳ đã chạm mức cao kỷ lục trong phiên 16/5 do lo ngại về vấn đề nguồn cung.

Tường Vy