Giá gạo xuất khẩu có thể tiếp tục đạt mức cao kỷ lục mới
Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết hết ngày 15/8/2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 5,35 triệu tấn gạo với kim ngạch đạt 2,88 tỷ USD, tăng mạnh 22% về lượng và tăng 35% về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện Philippines tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 40% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước trong 7 tháng đầu năm nay. Đáng chú ý, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc, thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai, đã tăng mạnh hơn 60% so với giai đoạn 7 tháng đầu năm 2022. Đồng thời, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang một loạt thị trường ghi nhận mức tăng “đột biến”, như Indonesia (tăng 15 lần), Senegal (tăng 7,8 lần), Thổ Nhĩ Kỳ (tăng 64,8 lần)…
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, tính đến cuối tuần này, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục cao hơn đáng kể so với gạo Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan, chạm mức cao nhất thế giới. Cụ thể, giá gạo xuất khẩu 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam lần lượt đạt 638 USD/tấn và 623 USD/tấn. Đây cũng là những mức giá cao nhất kể từ cơn sốt giá gạo lịch sử vào năm 2008 đến nay.
Tính từ đầu năm đến nay, giá gạo trên thế giới đã tăng 20% trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu lương thực toàn cầu tăng vọt nhưng nguồn cung suy giảm, nhất là khi Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - ngưng xuất khẩu gạo tẻ (chiếm 80% tổng lượng gạo xuất khẩu hàng năm của nước này).
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam nói riêng và của các nước khác nói chung được nhận định sẽ còn tiếp tục tăng cao hoặc neo ở mức cao kỷ lục khi Ấn Độ vừa quyết định áp thuế 20% đối với gạo đồ xuất khẩu. Đồng thời, thị trường xuất hiện một số đồn đoán về việc Myanmar cũng có thể sẽ tạm thời cấm xuất khẩu gạo.
Theo đánh giá mới nhất của KIS Vietnam Securities, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong quý 3 này trong bối cảnh Nga đã rút khỏi thoả thuận ngũ cốc Sáng kiến Biển Đen, khiến nguồn cung ngũ cốc và phân bón trên toàn cầu trở nên căng thẳng hơn. Sáng kiển Biển Đen vốn cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của nước này qua khu vực Biển Đen - con đường giao thương quan trọng nhất trong khu vực.
Bên cạnh đó, hiện tượng El Nino đã bắt đầu xuất hiện và có thể kéo dài từ 2 - 3 năm, gây ra nguy cơ hạn hán tại một số khu vực trồng lúa trọng điểm ở Đông Nam Á, kéo theo suy giảm nguồn cung gạo ra thị trường.
Đồng quan điểm như trên, Vietcombank Securities (VCBS) dự báo tình hình xuất khẩu gạo của Việt nam sẽ còn tích cực trong thời gian tới trong bối cảnh nguồn cung không tăng nhưng nhu cầu thế giới tiếp tục tăng. Tác động tiêu cực của hiện tượng El Nino đến hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ thúc đẩy các quốc gia tăng cường nhập khẩu lương thực trong thời gian tới.
Đáng chú ý, giới chức Thái Lan hiện dự báo nguồn cung gạo của nước này trong vụ thu hoạch tháng 11 tới đây có thể giảm đáng kể do tình trạng khô hạn. Từ giữa tháng 5/2023, giới chức Thái Lan đã khuyến cáo nông dân nước này chỉ nên canh tác một vụ lúa duy nhất trong năm nay, thay vì hai vụ như thông thường do lo ngại tình trạng khô hạn cục bộ trong những tháng cuối năm.
Do nguồn cung khan hiếm và tình trạng tích trữ, Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) hiện vẫn giữ nguyên mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2023 của Thái Lan ở mức 8,5 triệu tấn và cho rằng nước này khó có thể tận dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Thái Lan được xem là đối thủ chính của gạo Việt Nam tại nhiều thị trường.
Doanh nghiệp gạo trước rủi ro biên lợi nhuận giảm
Mặc dù giá gạo lẫn tình hình thị trường thuận lợi cho các doanh nghiệp ngành gạo Việt Nam nhưng KIS Vietnam nhận định biên lợi nhuận gộp của một số doanh nghiệp gạo niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý 3/2023 có thể giảm xuống so với quý 2/2023. Đồng thời, biên lợi nhuận gộp của cả năm nay sẽ được duy trì ổn định, chứ không có hiện tượng “tăng đột biến” khi giá gạo tăng cao, theo KIS Vietnam.
Nguyên nhân chủ yếu do giá gạo tăng cao sẽ dẫn đến nhu cầu cây giống và các nguyên vật liệu khác cho các vụ gieo trồng sắp tới tăng lên. Đặc biệt, giá phân bón trên thị trường cũng đang phục hồi từ đáy. KIS Vietnam cũng cho biết nhiều doanh nghiệp gạo đang tìm thêm nguồn tài chính để mở rộng đầu tư vụ Thu Đông; điều này có thể đẩy chi phí lãi vay lên cao bất chấp chính sách nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước.
Dữ liệu cho thấy biên lợi nhuận gộp trong quý 2/2023 của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo niêm yết đã có sự phân hoá. Cụ thể, Tập đoàn Lộc Trời (mã cổ phiếu LTG), Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (mã cổ phiếu VSF) và Angimex (mã cổ phiếu AGM) ghi nhận biên lợi nhuận gộp được cải thiện nhẹ từ 0,1 - 3,8 điểm phần trăm so với quý 2/2022.
Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp của Gạo Trung An (mã cổ phiếu TAR) và Giống cây trồng Việt Nam (mã cổ phiếu NSC) lại đi ngược chiều, giảm mạnh từ 3,7 - 7,5 điểm phần trăm so với quý 2/2022. Nguyên nhân chủ yếu do giá vốn hàng bán có tốc độ tăng nhanh hơn tốc độ tăng của doanh thu.
Đáng chú ý, Gạo Trung Án báo lỗ 8 tỷ đồng trong quý 2/2023, so với mức lãi 23 tỷ đồng của quý 2/2022. Đây cũng là quý đầu tiên doanh nghiệp này báo lỗ kể từ khi chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán hồi đầu năm 2019; nguyên nhân chủ yếu do chi phí lãi vay tăng cao.
Tình trạng chi phí lãi vay “bào mòn” lợi nhuận cũng được ghi nhận tại nhiều doanh nghiệp gạo khác. Điển hình, chi phí tài chính của Tập đoàn Lộc Trời trong quý 2/2023 cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn và ngắn hạn của một loạt doanh nghiệp gạo, bao gồm: Tập đoàn Lộc Trời, Giống cây trồng Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, Angimex… trong quý 2/2023 đều có xu hướng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp gạo, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu gạo, còn chịu rủi ro từ việc giá thu mua lúa từ nông dân tăng trong khi giá ký các hợp đồng xuất khẩu đã được thoả thuận trước đó. Cụ thể, ban lãnh đạo Gạo Trung An cho biết giá lúa của nông dân bán ra cũng tăng mạnh theo đà tăng của giá gạo xuất khẩu khiến chi phí sản xuất, giá thành tăng cao.
Vừa qua, Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp, thương lái cần tránh mua gom ồ ạt lúa gạo, gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá lúa gạo trong nước tăng bất hợp lý. Để thực hiện công tác bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung lúa gạo, kiểm soát mức tăng giá lương thực trong nước, Bộ Công Thương đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp trong công tác bình ổn thị trường.