Giá phân ure thế giới lên đỉnh 3 tháng, liệu Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ có hưởng lợi?

Sau khi chạm đáy vào đầu tháng 6, giá phân ure thế giới đã liên tục tăng trong 5 tuần qua và vừa lập đỉnh 3 tháng do nguồn cung bất ngờ bị siết chặt. Qua đó, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp phân bón tại Việt Nam cải thiện kết quả kinh doanh trong nửa cuối năm nay.

Giá phân ure thế giới lên mức cao nhất 3 tháng

Giá phân ure thế giới đã liên tục tăng trong 5 tuần qua khi thị trường lo ngại nguồn cung có thể bị siết chặt trở lại. Thậm chí, tại những thị trường trọng điểm như Trung Quốc và Trung Đông, giá phân Ure đã lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng trở lại đây

Cụ thể, tại Trung Quốc, trong tuần cuối cùng của tháng 7/2023, một số thông tin cho thấy nước này có thể tái áp dụng các biện pháp siết chặt hoạt động xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo vấn đề an ninh lương thực, nhất là trong bối cảnh giá gạo cũng như các loại nông sản khác trên toàn cầu đang tăng vọt trở lại.

Giá phân ure Trung Quốc
Diễn biến giá phân ure tại thị trường Trung Quốc kể từ cuối tháng 5/2023 đến nay. (Nguồn: SunSirs)

Chốt phiên giao dịch cuối tháng 7/2023, giá phân ure xuất khẩu của Trung Quốc đạt quanh ngưỡng 365 USD/tấn, tăng vọt so với mức 310 – 320 USD/tấn hồi cuối tháng 6/2023. Tại các địa phương của nước này, giá ure đều có xu hướng tăng đáng kể so với mặt bằng giá 3 tháng gần nhất. Trong đó, tại tỉnh Sơn Đông, giá ure đã đạt mức 343 USD/tấn; và lên tới 398 USD/tấn tại tỉnh Giang Tô.

Đáng chú ý, theo hãng nghiên cứu thị trường Argus Nitrogen, Tập đoàn Than Quốc gia Trung Quốc - một trong những đơn vị sản xuất phân bón lớn đã ngưng vận chuyển các đơn hàng xuất khẩu ure mới.

Tại khu vực Trung Đông, giá phân ure xuất khẩu đã vượt ngưỡng 380 USD/tấn vào cuối tháng 7/2023. Tại châu Phi, giá phân ure cũng tăng vọt sau khi Nigeria cắt giảm sản lượng xuất khẩu do thiếu hụt trầm trọng nguồn cung khí cho sản xuất phân bón. Nigeria hiện là một trong những nước khai thác và xuất khẩu dầu lớn nhất châu Phi. Tương tự, trước những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung, giá phân ure tại Hoa Kỳ trong tuần cuối cùng của tháng 7/2023 đã tăng tới 18% so với một tuần trước đó.

Giá phân ure Trung Đông
Diễn biến giá phân ure giao tương lai tại thị trường Trung Đông kể từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: investing.com)

Tại khu vực Đông Nam Á, nguồn cung phân ure được dự báo sẽ tiếp tục suy yếu trong thời gian tới, trong bối cảnh 3 nhà máy sản xuất lớn tại Malaysia, Brunei và Indonesia tiếp tục phải tạm ngưng hoạt động để bảo dưỡng kéo dài từ tháng 4 đến nay. Điều này khiến tổng nguồn cung phân ure trong khu vực giảm khoảng 380.000 tấn. Đồng thời, Indonesia cũng áp dụng hạn chế xuất khẩu phân bón để đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.

Xem thêm: "Giá Ure đang phục hồi nhẹ, liệu kết quả kinh doanh của Đạm Cà Mau được cải thiện?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Doanh nghiệp nào hưởng lợi nhiều nhất?

Về giá phân bón, sau khi đã xác lập đáy vào đầu tháng 6 vừa qua, dự báo giá phân ure thế giới trong nửa cuối năm nay sẽ tiếp tục phục hồi nhẹ theo xu hướng biến động của giá than và giá khí đầu vào cho sản xuất phân bón. Bên cạnh đó, việc Nga đã áp đặt hạn ngạch xuất khẩu phân bón mới từ ngày 1/6 đến ngày 30/11/2023, sẽ giúp nguồn cung được kiểm soát chặt chẽ hơn; qua đó, củng cố đà phục hồi của giá phân bón trong thời gian tới.

Hãng Argus Nitrogen cho biết trước diễn biến giá thế giới phục hồi tốt trở lại và nhu cầu sử dụng có thể tăng lên khi nhiều nước tăng cường đảm bảo an ninh lương thực, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM – sàn HoSE) và Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã cổ phiếu DPM – sàn HoSE) đã tăng giá chào bán phân ure xuất khẩu lên mức 380 – 390 USD/tấn.

Giá phân ure của Đạm Cà Mau
Diễn biến giá phân ure của Đạm Cà Mau và giá phân ure xuất khẩu của Trung Quốc kể từ cuối tháng 9/2022 đến cuối tháng 7/2023. (Nguồn: SSI Research)

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, nhu cầu về phân ure tạo thị trường nội địa Việt Nam chỉ đạt khoảng 1,6 - 1,8 triệu tấn. Trong khi đó, năng lực cung ứng phân ure của 4 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam đã đạt khoảng 3 triệu tấn. Trong đó, tổng sản lượng của Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau đã chiếm khoảng 60% tổng sản lượng cả nước.

Trong thời gian, bên cạnh việc khai thác thị trường nội địa, hai doanh nghiệp này cũng đã đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu để tận dụng hết công suất hoạt động. Điển hình, trong năm 2022, cùng với đà tăng cao kỷ lục của giá phân bón thế giới, quy mô xuất khẩu phân bón của Đạm Cà Mau đã tăng gấp 3 lần và của Đạm Phú Mỹ đã tăng gấp 4 lần so với năm 2021.

Do đó, việc giá phân ure thế giới tăng trở lại trong thời gian gần đây sẽ hỗ trợ tích cực đến hoạt động kinh doanh của Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ, cũng như đến các doanh nghiệp sản xuất phân bón khác như Phân lân Ninh Bình (mã cổ phiếu NFC – sàn HNX), Đạm Hà Bắc (mã cổ phiếu DHB – sàn UPCoM), Hoá chất Lâm Thao (mã cổ phiếu LAS – sàn HNX)…

Bên cạnh đó, tại thị trường trong nước, giá các loại phân bón được kỳ vọng sẽ phục hồi nhẹ trở lại từ cuối quý 3 đến đầu quý 4/2023 khi thị trường bước vào cao điểm tiêu thụ, đặc biệt là vụ Đông và Chiêm Xuân tại phía Bắc.

Đáng chú ý, việc giá gạo xuất khẩu Việt Nam đã lên mức cao kỷ lục 15 năm qua và dự báo còn tăng tiếp có thể sẽ kích thích nông dân mở rộng canh tác, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng phân bón tăng lên. Dự báo nhu cầu sử dụng phân bón tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa của Việt Nam sẽ được cải thiện đáng kể trong thời gian tới.

Xem thêm: "Cổ phiếu gạo này đã “trần” 7 phiên liên tục khi giá gạo xuất khẩu Việt Nam lên cao nhất 15 năm" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Giá cổ phiếu DCM Đạm Cà Mau
Tương quan cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau và cổ phiếu DPM của Đạm Phú Mỹ kể từ đầu năm 2023 đến nay.

Về chi phí đầu vào, nguyên liệu đầu vào chính của sản xuất phân ure là than đá (đối với Phân lân Ninh Bình và Đạm Hà Bắc) và khí thiên nhiên (đối với Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ) trong 6 tháng đầu năm nay duy trì ở mức ổn định. Mặt bằng giá các loại nguyên liệu này trong nửa đầu năm nay đã về ngang mức như trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Cụ thể, giá khí thiên nhiên duy trì ổn định ở mức 2 – 2,6 USD/Mmbtu. Giá than đá liên tục giảm kể từ đầu năm từ mức 262 USD/tấn về mức 134 USD/tấn.

Giá nguyên vật liệu đầu vào ổn định, trong khi giá bán phân bón thành phẩm có xu hướng phục hồi. Qua đó, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp phân bón kỳ vọng sẽ được cải thiện, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu phân bón cao như Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau.

Đáng chú ý, theo báo cáo tài chính quý 2/2023, tính đến cuối tháng 6/2023, Đạm Cà Mau có lượng hàng tồn kho đạt hơn 2.300 tỷ đồng, bao gồm gần 1.400 tỷ đồng là thành phẩm sẵn sàng để bán. Đạm Phú Mỹ hiện có hơn 2.400 tỷ đồng hàng tồn kho, bao gồm gần 1.500 tỷ giá trị thành phẩm sẵn sàng để bán. Với lượng hàng tồn kho khá lớn cùng với đó là giá bán phục hồi sẽ giúp cải thiện tích cực kết quả kinh doanh của hai doanh nghiệp này trong thời gian tới.

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 3/8, cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau có giá tham chiếu tại 32.400 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu DPM của Đạm Phú Mỹ có giá tham chiếu tại 38.900 đồng/cổ phiếu.

So với thời điểm đầu tháng 6 - mức đáy của giá phân bón thế giới, cổ phiếu DCM và cổ phiếu DPM đã xác lập nhịp tăng trở lại theo sự phục hồi của giá phân ure thế giới với mức tăng tính đến hiện nay lần lượt là 39% và 23%.

Duy Quang