Trong phiên giao dịch hôm qua (10/5), giá quặng sắt loại hàm lượng 62% sắt giao tại khu vực Phía Bắc Trung Quốc (giá CFR Thanh Đảo) đã chạm mức cao kỷ lục 230,56 USD/tấn, tăng 8,62% so với mức giá cuối phiên giao dịch tuần trước. Giá của quặng sắt loại hàm lượng 65% sắt cũng đạt mức cao kỷ lục 263 USD/tấn.
Để giảm nhiệt thị trường, trong ngày 10/5, các sàn giao dịch hàng hoá tại Trung Quốc đã nâng mức giới hạn giao dịch cũng như siết chặt các yêu cầu ký quỹ đối với các hợp đồng giao dịch quặng sắt tương lai cũng như khôi phục lại mức phí đối với hợp đồng giao dịch thép tương lai.
Cụ thể, Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE), một trong những sàn giao dịch quặng sắt lớn nhất Trung Quốc, cho biết sẽ nâng mức giới hạn giao dịch cũng như siết chặt các yêu cầu ký quỹ đối với các hợp đồng giao dịch quặng sắt giao tháng 6, 9, 10 và 12/2021 cũng như từ tháng 1 đến tháng 4/2022 kể từ phiên giao dịch ngày 11/5.
Sàn DCE cũng cảnh báo những người tham gia giao dịch cần có động thái kiểm soát rủi ro trong bối cảnh giá quặng sắt cũng như các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép như than luyện cốc và than cốc liên tục tăng cao trong thời gian gần đây.
Trong tuần trước, nhằm đối phó với tình trạng giá thép và quặng sắt trên thị trường nội địa tăng mạnh, Chính phủ Trung Quốc đã huỷ bỏ việc hoàn thuế VAT 13% đối với nhiều sản phẩm thép xuất khẩu. Đồng thời, thuế nhập khẩu đối với sắt thép phế liệu, thép thô, gang thỏi, phôi thép được hạ xuống còn 0%.
Giá quặng sắt trên thị trường quốc tế đạt mức cao kỷ lục trong phiên giao dịch ngày hôm qua được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố hội tụ về cả phía cầu và phía cung.
Đối với phía cầu, giới đầu tư lạc quan rằng các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ tiếp tục duy trì các chính sách kích thích kinh tế mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu phục hồi tốt, qua đó kích thích nhu cầu sử dụng thép tăng lên.
Tại Trung Quốc, các doanh nghiệp sản xuất thép đang tăng cường mua tích trữ do lo ngại Chính phủ Trung Quốc sắp siết chặt các biện pháp bảo vệ môi trường, bao gồm việc buộc các hãng sản xuất phải sử dụng các loại quặng sắt chất lượng cao. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, việc Chính phủ Trung Quốc siết chặt hoạt động sản xuất thép đã khiến giá thép càng bị đẩy lên cao hơn khi nhu cầu sử dụng thép trên thị trường ở mức tốt. Giá thép tăng cao giúp nới thêm biên lợi nhuận của các hãng sản xuất và càng khuyến khích sản lượng thép tăng lên, đi kèm theo đó là nhu cầu về quặng sắt.
Các hãng sản xuất thép trên toàn cầu cũng đang ghi nhận nhu cầu sử dụng thép tăng cao trở lại khi các nền kinh tế dần phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Đối với phía cung, việc Trung Quốc mới đây quyết định đình chỉ toàn bộ đối thoại kinh tế cấp cao với Australia khiến thị trường Trung Quốc lo ngại nguồn cung quặng sắt từ Australia sẽ bị đứt gãy và có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Australia hiện là quốc gia cung ứng quặng sắt lớn nhất cho Trung Quốc và cũng là nước xuất khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới.
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã dần chuyển hướng sang nhập khẩu quặng sắt từ Brazil - quốc gia xuất khẩu quặng sắt lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu quặng sắt của Brazil đã gặp nhiều khó khăn trong quý 1 vừa qua do thời tiết bất lợi và các tác động của dịch Covid-19.
Trong khi đó, các dữ liệu mới nhất cho thấy sản lượng quặng sắt của hai tập đoàn khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới là Rio Tinto và Vale trong quý 1 vừa qua đã giảm xuống. Cụ thể, trong quý 1/2021, sản lượng của Rio Tinto đã giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng của Vale giảm tới 19,5% so với hồi quý 4/2020. Những điều này đã khiến nguồn cung quặng sắt trên thị trường rơi vào trạng thái căng thẳng.
Chuyên gia phân tích thị trường hàng hoá Vivek Dhar thuộc tập đoàn ngân hàng Commonwealth (Australia) nhận định giá quặng sắt hiện ở mức “rất nóng” và “nguồn cung vẫn chưa thể đáp ứng được việc nhu cầu tăng mạnh như hiện nay”.