Giải ngân đầu tư công 9 tháng lần đầu vượt mốc 50%

Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 9/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt trên 51% kế hoạch. Đây là lần đầu tiên cả nước vượt mốc giải ngân đầu tư công 50% trong 9 tháng.
Dù kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 rất nhiều, cả nước vẫn ghi nhận giải ngân tăng 110.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022
Dù kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 rất nhiều, cả nước vẫn ghi nhận giải ngân tăng 110.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022

Cụ thể, tính đến hết tháng 9/2023, giải ngân đầu tư công ước đạt trên 363.000 tỷ đồng, bằng 51,38% kế hoạch, cao hơn khoảng 110.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022, tương ứng tăng 46,7%.

Đây là thông tin tích cực đối với 1 trong 3 động lực tăng trưởng của nền kinh tế nước ta, bên cạnh tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trước đó, tính đến hết 30/6/2023, cả nước mới chỉ giải ngân được gần 216.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt khoảng 30,49% kế hoạch, cao hơn khoảng 65.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022, tương ứng tăng 27,75%.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, khác với những năm trước, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 năm nay “cực nhiều”, khoảng 711.000 tỷ đồng, bao gồm cả vốn kế hoạch năm 2023 và bổ sung từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

“Đây là nhiệm vụ khá nặng nề, đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp đã triển khai từ đầu năm và triển khai mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn trong những tháng cuối năm, để đáp ứng mục tiêu giải ngân được tối thiểu 95% tổng kế hoạch vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Về khả năng giải ngân kế hoạch vốn được giao, ông Trần Quốc Phương cho biết, từ năm 2021 đến nay, hầu hết tiến độ giải ngân của các năm cơ bản đạt hơn 90%. Đây là cơ sở đặt niềm tin để đạt mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ đề ra. Đồng thời, dưới sự đôn đốc của Thủ tướng Chính phủ, rất nhiều dự án lớn, dự án trọng điểm về giao thông đã được khởi công.

“Đây là tín hiệu rất tốt”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.

Bên cạnh đó, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV đã quyết nghị tháo gỡ cho giải ngân vốn đầu tư công cũng như cho phép tiếp tục giao nguồn vốn trung hạn vào các dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó sẽ tạo điều kiện có thêm dự án để có thể triển khai từ giờ đến cuối năm. Quốc hội đã cho phép điều hòa linh hoạt giữa nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các dự án kế hoạch đầu tư trung hạn, để đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu giải ngân hết trong năm 2023 đúng theo yêu cầu của Quốc hội.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 9/2023, Vĩnh Phúc đứng đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân đầu tư công, với 73,62%. Tiếp sau là Quảng Ngãi (63,32%), Bộ Giao thông vận tải (62,32%), Bến Tre (58,39%), Tây Ninh (54,76).

Ngày 18/8/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 749/CĐ-TTg gửi các Bộ, ngành, địa phương yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023.

Trong đó, yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đẩy mạnh phân bổ, triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, công trình trọng điểm, liên vùng, dự án có tác động lan tỏa,...; xác định đây là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Xem nội dung Công điện trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Nhìn chung, vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục được cải thiện trong 9 tháng, quý III tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 3,7%, quý II tăng 5,5%). Tổng vốn FDI đăng ký 09 tháng đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ, trong đó FDI đăng ký mới tăng 43,6%; FDI thực hiện đạt hơn 15,9 tỷ USD, tăng 2,2%.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục chuyển biến. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường tháng 9 đạt gần 18,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Ở bức tranh rộng hơn, tốc độ tăng trưởng kinh tế đang phục hồi tích cực. GDP quý III ước tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%) trong bối cảnh nhiều nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng thấp. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Trên cơ sở kết quả 9 tháng, dự báo bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật kịch bản tăng trưởng quý IV và cả năm 2023.

Kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,0%, quý IV cần tăng 7,0% (quý IV năm 2022 tăng 5,92%).

Kịch bản 2: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%.

Kịch bản 3: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tăng trưởng quý IV phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam, hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước trong dịp cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán 2024, là cơ sở để xuất khẩu, thị trường trong nước tăng trưởng nhanh hơn.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu lựa chọn kịch bản tăng trưởng GDP cả năm khoảng 6% để tiếp tục phấn đấu đạt kết quả cao nhất có thể cho năm 2023.

Phương Chi