TÓM TẮT:
Thạch Thất là một huyện ngoại thành ở phía Tây thành phố Hà Nội, là một trong những huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, có tiềm năng, cơ hội lớn trong phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, công tác quản lý giao đất và cho thuê đất thời gian qua còn nhiều tồn tại về đền bù, giải phóng mặt bằng, quản lý đất sau khi giao và cho thuê, công tác thu hồi đất của các dự án “treo” còn chậm. Do áp lực đô thị hóa tăng nhanh, nhiều dự án trọng điểm của quốc gia đã được quy hoạch và đang triển khai chậm trên địa bàn dẫn đến nhiều hệ lụy trong công tác quản lý giao đất và cho thuê đất trên địa bàn huyện. Vì vậy, bài viết này sẽ đưa ra những giải pháp tăng cường công tác quản lý giao đất và cho thuê đất trên địa bàn huyện Thạch Thất trong thời gian tới.
Từ khóa: Quản lý, giao đất, cho thuê đất, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội.
1. Những kết quả đạt được
Công tác quy hoạch xây dựng của huyện Thạch Thất có sự chỉ đạo thống nhất và nhất quán từ trên xuống dưới cùng với sự kết hợp giữa các ban ngành chuyên môn có liên quan. Huyện đã từng bước tổ chức cải tạo lại không gian đô thị của huyện, đẩy mạnh tốc độ cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới cơ sở hạ tầng theo hướng đô thị văn minh.
Huyện đã và đang đẩy nhanh tiến độ công tác giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Quyết định số 23/2005/QĐ-UBND ngày 18/2/2005 của UBND thành phố Hà Nội và giấy chứng nhận cho các hộ gia đình theo Quy định của Nghị định 61/CP của Chính phủ, chỉnh lý bản đồ địa chính, bước đầu thiết lập hồ sơ địa chính đối với các xã, thị trấn đã hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Công tác giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện Thạch Thất thời gian qua đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực, tính đến nay đã gần hoàn thành cấp cho các hộ dân về đất nông nghiệp. Các chính sách ưu đãi về giao và cho thuê đất đối với các dự án đầu tư của Nhà nước ta cũng như của các địa phương đã tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tiếp cận với đất đai dễ dàng hơn.
Các chủ đầu tư có thể tiếp cận thông tin và lựa chọn địa điểm xây dựng phù hợp nhất với dự án của mình. Đây cũng là một trong những điều kiện đảm bảo cho các chủ dự án thực hiện tốt dự án, qua đó có thể nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Thủ tục và quy trình giao và cho thuê đất đã được cải tiến, góp phần rút ngắn thời gian giao đất cho chủ dự án. So với trước đây, thủ tục giao và cho thuê đất đã được đơn giản hơn rất nhiều theo cơ chế “một cửa”. Sở Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối tiếp nhận và trả hồ sơ, các chủ dự án xin giao đất, cho thuê đất không cần phải ôm hồ sơ chạy đi chạy lại giữa các sở ngành như trước đây. Điều này góp phần tiết kiệm thời gian cho cơ quan quản lý cũng như cho chủ dự án, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư, do đó cũng làm cho đất đai được đưa vào sử dụng sớm hơn, tránh được hiện tượng đất đai bỏ hoang, gây lãng phí đất. Vì vậy, có thể nói, đất đai được sử dụng có hiệu quả hơn.
2. Những tồn tại và nguyên nhân
2.1. Những tồn tại
- Thủ tục hành chính liên quan đến đất còn phức tạp: Mặc dù theo quy định của Luật Đất đai 2013, thời gian giải quyết một hồ sơ xin giao đất, cho thuê đất kéo dài không quá 20 ngày đối với đất trống và không quá 40 ngày đối với đất chưa qua giải phóng mặt bằng, nhưng trên thực tế, chỉ có một nửa các hồ sơ xin giao đất, cho thuê đất được giải quyết đúng theo thời hạn này. Số còn lại mất trung bình 120 ngày và trải qua nhiều cơ quan có liên quan để được giải quyết việc xin giao đất, cho thuê.
- Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng là vấn đề nan giải nhất hiện nay đối với cả các nhà quản lý đất đai và các chủ dự án. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc chủ yếu là do khó khăn trong việc thỏa thuận giá đền bù. Vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến công tác giao và cho thuê đất đối với các dự án, làm chậm tiến độ giao đất cho các dự án.
- Công tác quản lý đất sau khi giao và cho thuê còn lỏng lẻo: Có thể nói việc thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất đai sau khi giao và cho thuê chưa được quan tâm đúng mức. Rất nhiều những sai phạm trong sử dụng đất của các dự án đầu tư không được phát hiện như sử dụng đất sai mục đích, nhiều dự án được giao và cho thuê đất nhưng không đi vào triển khai thực hiện dự án, tình trạng “dự án treo”, đất đã giao bị bỏ hoang không sử dụng.
- Công tác thu hồi đất của các dự án “treo vẫn còn chậm: Luật Đất đai 2013 và các nghị định của Chính phủ đã có quy định về việc thu hồi đất đối với các dự án đầu tư không sử dụng sau 12 tháng nhận đất ngoài thực địa hoặc chậm tiến độ 24 tháng. Tuy nhiên, việc quản lý đối với việc thực hiện và tiến độ các dự án còn gặp nhiều khó khăn, mặt khác huyện cũng chưa có chế tài đủ mạnh để thu hồi số đất đã giao hoặc cho thuê này. Vì vậy, tình trạng “dự án treo”, đất dự án bỏ hoang đang diễn ra vẫn là bài toán chưa có lời giải.
2.2. Nguyên nhân của những tồn tại
- Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai đối với các cấp chính quyền địa phương và nhân dân chưa được thực hiện một cách sâu rộng và liên tục. Vì vậy, nhận thức về pháp luật đất đai của các tổ chức kinh tế và ngay cả đối với cán bộ địa chính ở các cấp trong huyện còn hạn chế, ảnh hưởng tới công tác giao và cho thuê đất.
- Hệ thống các quy định về giao và cho thuê đất không ổn định. Điều này thể hiện trong việc các chính sách, các quy định pháp luật về giao và cho thuê đất thường xuyên thay đổi. Các văn bản luật, nghị định, thông tư, chỉ thị về quản lý đất đai thiếu tính đồng bộ, có sự mâu thuẫn và chồng chéo gây khó khăn trong công tác triển khai thực hiện các văn bản này, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác giao và cho thuê đất trên địa bàn huyện.
- Sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành trong huyện vẫn còn rất hạn chế. Công tác giao và cho thuê đất là công tác có liên quan đến nhiều cơ quan và ban ngành có liên quan khác. Một cơ quan thực hiện không tốt công việc sẽ làm ảnh hưởng tới tiến độ chung của tất cả các cơ quan và ban ngành liên quan, do đó ảnh hưởng đến kết quả của công tác giao và cho thuê đất của huyện.
- Trình độ nghiệp vụ của cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Việc giám sát, việc thực hiện các thủ tục hành chính, cũng như năng lực cán bộ quản lý chưa cao còn xảy ra nhiều sai phạm trong quản lý của các cán bộ địa chính. Nhiều cán bộ cố tình làm sai hoặc có những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu trong thực hiện các thủ tục hành chính.
3. Một số giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý
3.1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai phải được tiến hành một cách thường xuyên và liên tục với nội dung thiết thực và hình thức phù hợp với từng đối tượng. Để thực hiện tốt giải pháp này, các cơ quan thông tin đại chúng cần tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai rộng rãi trong nhân dân ở khắp các vùng của huyện.
3.2. Nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch sử dụng đất
Nâng cao chất lượng của công tác lập quy hoạch có nghĩa là chúng ta phải xây dựng được một hệ thống quy họach và kế hoạch ổn định, chắc chắn, mang tính chiến lược lâu dài đáp ứng được yêu cầu của việc sử dụng đất và giải quyết vấn đề quy hoạch chồng chéo. Quy hoạch phải dựa trên nhu cầu sử dụng đất, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và khai thác được các lợi thế sẵn có của huyện. Cần công khai minh bạch các quy hoạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ dự án và người sử dụng đất tiếp cận với các thông tin về đất đai một cách dễ dàng nhất. Để thực hiện được giải pháp này, chúng ta cần có một đội ngũ các nhà làm quy hoạch có chuyên môn và kiến thức tốt, thêm vào đó phải chú trọng đầu tư kinh phí cho việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cụ thể của huyện. Mặt khác khuyến khích người sử dụng đất, các chủ dự án, các doanh nghiệp tham gia góp ý vào quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
3.3. Giải pháp về tổ chức thực hiện giao và cho thuê đất
- Nâng cao chất lượng công tác thẩm định dự án đầu tư có sử dụng đất: Thẩm định dự án là một bước trong quy trình giao và cho thuê đất có ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định giao và cho thuê đất. Thông qua công tác thẩm định, sẽ đánh giá được hiệu quả sử dụng đất của dự án đầu tư, đồng thời lựa chọn được dự án sử dụng nguồn lực tốt nhất và loại bỏ những dự án không hiệu quả hoặc tạo ra hiệu quả thấp. Vì kết quả của công tác thẩm định là cơ sở để ra quyết định giao, cho thuê đất nên yêu cầu của công tác thẩm định là tính trung thực và khách quan trong phân tích và đánh giá.
- Lựa chọn, đánh giá kỹ năng lực của các chủ dự án: Năng lực của chủ dự án là điều kiện để thực hiện thành công các dự án đầu tư. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu năng lực của chủ dự án tốt thì sau khi được giao và cho thuê đất, dự án sẽ nhanh chóng được triển khai và đi vào thực hiện, đất đai được sử dụng tốt hơn, do đó hiệu quả sử dụng đất tăng lên. Hiện nay chưa có một tiêu chuẩn cụ thể nào để đánh giá năng lực của các chủ dự án, chúng ta mới chỉ dựa vào nguồn vốn của chủ dự án, nhưng đây chưa phải là một giải pháp tối ưu. Cần xây dựng một hệ thống đầy đủ các tiêu chí để đánh giá năng lực của chủ dự án, như: kinh nghiệm của chủ dự án, công nghệ, con người và tiềm lực tài chính,…
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của các dự án đầu tư: Ủy ban nhân dân huyện có trách nhiệm chỉ đạo thường xuyên công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai và coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác quản lý nhà nước về đất đai của chính quyền các cấp ở địa phương. Thông qua việc thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của các dự án đầu tư, phát hiện các sai phạm trong sử dụng đất để có biện pháp xử lý kịp thời các sai phạm.
3.4. Nâng cao năng lực cán bộ
Nếu các giải pháp ở trên mang tính chính sách, nếu giải pháp về mặt con người, không có cán bộ có năng lực, có trình độ chuyên môn tốt thì dù chúng ta có thực hiện các biện pháp trên tốt đến đâu kết quả cũng không như mong muốn. Để nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác quản lý đất đai, cần tăng cường công tác đào tạo cán bộ; đồng thời phổ biến cho cán bộ quản lý các văn bản pháp luật mới để họ nắm bắt đúng tinh thần của các văn bản từ đó áp dụng các văn bản đó vào thực tiễn một cách đúng đắn nhất.
Cần quan tâm tới việc giám sát, uốn nắn cán bộ trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Có tiêu chí đánh giá năng lực cán bộ quản lý để đánh giá thường xuyên, phát hiện các sai phạm trong quản lý của các cán bộ địa chính, kịp thời kiểm điểm và chấn chỉnh họ. Kiên quyết xử lý các cán bộ cố tình làm sai hoặc có những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu trong thực hiện các thủ tục hành chính.
3.5. Tạo điều kiện để người dân tham gia giám sát các dự án đầu tư
Thanh tra, kiểm tra là một trong những công tác của giao và cho thuê đất. Tuy nhiên, nếu chỉ giao phó việc thanh tra, kiểm tra cho cơ quan quản lý đất đai thôi chưa đủ. Do đó, nếu chỉ có sự kiểm tra của cơ quan quản lý đất đai chúng ta sẽ khó phát hiện được các vi phạm trong sử dụng đất đai. Vì vậy, cần khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân tham gia vào giám sát việc sử dụng đất của các dự án đầu tư, khuyến khích họ phản ánh ý kiến, các bất cập trong sử dụng đất đai. Nhân dân là một đội ngũ đông đảo, nếu sử dụng được đội ngũ này vào công tác giám sát sẽ tạo điều kiện cho cơ quan quản lý đất đai quản lý tốt. Cần thường xuyên lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân, tuyên truyền pháp luật đất đai đến từng người dân, cho người dân thấy được quyền lợi và nghĩa vụ của họ đối với việc sử dụng đất đai và khuyến khích họ nói lên tiếng nói của mình là cách tốt nhất để người dân tham gia vào công việc quản lý đất đai.
3.6. Một số kiến nghị khác
- UBND Thành phố và các Sở, ban, ngành liên quan phải sớm ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể về công tác phân cấp lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch quản lý quy hoạch - kiến trúc, công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng, mở rộng đường giao thông theo quy hoạch, công tác thẩm định dự án đầu tư, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng. Cần phối hợp chặt chẽ các khâu trong quá trình lập, xét duyệt, thực hiện và thanh tra.
- Sở Xây dựng tham mưu UBND thành phố có quy định rõ hơn về “hướng dẫn cấp phép cho các dự án”, để tạo thuận lợi cho việc giao và cho thuê đất, cho cơ quan cấp giấy phép trong quá trình hướng dẫn cho chủ đầu tư trên địa bàn.
- Cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách pháp luật về đất đai và công tác giao và cho thuê đất: Các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể về quản lý đất đai, cũng như về công tác giao và cho thuê đất. Hoàn thiện các chính sách pháp luật trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, nhằm ổn định sản xuất, đời sống của nhân dân, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư.
- Cần tiếp tục hoàn thiện chiến lược phát triển ngành địa chính: Bất kỳ một chiến lược nào cũng cần có một chiến lược cụ thể để phát triển ngành Địa chính một cách lâu dài. Khi có chiến lược phát triển ngành sẽ có phương hướng và biện pháp cụ thể để thực hiện thành công các chiến lược đã đề ra. Công tác giao và cho thuê đất nói riêng và các công tác quản lý khác của ngành Địa chính lấy chiến lược phát triển ngành làm cơ sở để hoạch định ra các định hướng và các biện pháp để thực hiện. Vì vậy, hoàn thiện chiến lược phát triển ngành Địa chính là một trong những yêu cầu căn bản để tránh những lệch lạc trong công tác quản lý đất nói chung và công tác giao và cho thuê đất nói riêng.
4. Kết luận
Công tác giao và cho thuê đất là một trong các nội dung của quản lý nhà nước về đất đai. Công tác này có ảnh hưởng và tác động rất nhiều tới đời sống kinh tế - xã hội của huyện Thạch Thất. Trong điều kiện nước ta hiện nay, công tác giao và cho thuê đất đối với các dự án đầu tư đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế. Cơ sở cho công tác này chính là Luật Đất đai 2013 và các văn bản dưới luật. Quản lý tốt công tác giao và cho thuê đất đối với các dự án đầu tư không chỉ giúp Nhà nước quản lý tốt quỹ đất đai của mình mà còn giúp cho việc sử dụng đất có hiệu quả hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Ngô Đức Cát (2012), Giáo trình Kinh tế Tài nguyên Đất, NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
- Chính phủ (2014), Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 05 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013, Hà Nội.
- Quốc hội (2013), Luật Đất đai của Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- UBND huyện Thạch Thất (2017 - 2019), Báo cáo quy hoạch sử dụng đất của huyện Thạch Thất năm 2017, 2018 và 2019.
- UBND huyện Thạch Thất (2017 - 2019), Báo cáo công tác giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của huyện Thạch Thất năm 2017, 2018 và 2019.
SOLUTIONS TO ENHANCE THE LAND ALLOCATION
AND LAND LEASING MANAGEMENT
OF THACH THAT DISTRICT, HA NOI
● HA THI THU
Thach That District, Hanoi
● TRAN HUU DAO
Thanh Do University
ABSTRACT:
Thach That is a suburban district in the west of Hanoi with a rapid urbanization rate. This district has great potential for economic and social development.However, the district’s land allocation and land leasing management still has a lot of limitation in terms of land compensation, land clearance, management after land delivery and land leasing, land recovery of postponed projects. Due to the increasing urbanization pressure, many national key projects have been planned but implemented slowly in this district, leading to many consequences in the land allocation and land leasing management. Therefore, it is necessary to enhance the district’s land allocation and land leasing management in the coming time.
Keywords: Management, land allocation, land lease, Thach That District, Hanoi.