TÓM TẮT:
Các khu công nghệ cao quốc gia ở nước ta đã hình thành và phát triển hơn 20 năm, nhưng kết quả hoạt động không được như mong đợi của nền kinh tế. Một trong số các nguyên nhân chính là những bất cập trong xây dựng quy chế hoạt động đặc thù cho các khu công nghệ cao quốc gia. Điển hình nhất, các vấn đề pháp lý về quản lý đất đai chưa được giải quyết triệt để. Trên cơ sở phân tích thực trạng quản lý, nội dung bất cập trong quy định của pháp luật, bài viết đưa ra đề xuất cụ thể để giải quyết các bất cập của pháp luật về vấn đề trên.
Từ khóa: Khu công nghệ cao, quy chế pháp lý, quyền sử dụng đất, môi trường.
1. Mở đầu
Năm 1998, Chính phủ quyết định thành lập Khu công nghệ cao (CNC) quốc gia đầu tiên, khu CNC Hòa Lạc. Sau đó, Khu CNC TP. Hồ Chí Minh và Khu CNC Đà Nẵng tiếp tục được thành lập để cùng với Hòa Lạc tạo thành 3 Khu CNC hạt nhân của quốc gia. Đương nhiên, hoạt động khoa học công nghệ của nước ta thời gian qua còn có sự tham gia của nhiều khu CNC khác, nhưng với tính chất "quốc gia", 3 Khu CNC nói trên hoạt động theo một định hướng đặc biệt trên cơ sở những quy định đặc thù nhất định. Điều đáng nói là mặc dù có thay đổi tích cực và đóng góp nhất định đối với quá trình phát triển của nền kinh tế quốc gia, hoạt động của các Khu CNC quốc gia vẫn gặp phải nhiều trở ngại đến từ chính những bất cập trong quy chế hoạt động và quy định của pháp luật. Vấn đề nổi cộm nhất chính là các quy định bất nhất về quyền sử dụng đất giữa Quy chế hoạt động của Khu CNC quốc gia và pháp luật đất đai nói chung. Bài viết sẽ phân tích các điểm chú ý của vấn đề này. Sau khi phân tích thực trạng và những vướng mắc đang tồn tại, nội dung trình bày sẽ đề cập một số hướng xử lý để giải quyết các vấn đề còn vướng mắc đó.
2. Thực trạng áp dụng pháp luật
Có hai khía cạnh pháp lý về quy chế sử dụng đất trong Khu CNC. Một là, quyền sử dụng đất của Khu CNC, cụ thể là đối với diện tích đất để xây dựng cơ sở hạ tầng cho Khu CNC và đặt dưới sự quản lý của BQL Khu CNC. Hai là, quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp hoạt động trong Khu CNC. Có thể nói, Quy chế Khu CNC được Chính phủ ban hành theo Nghị định số 99/2003/NĐ-CP ngày 28/8/2003 quy định các nội dung theo Luật Đất đai năm 2003.
Cụ thể, đối với trường hợp sử dụng đất thứ nhất, khoản 1 Điều 7 Quy chế Khu CNC quy định: “Ban Quản lý Khu CNC được giao đất một lần để tổ chức xây dựng và phát triển Khu CNC theo quy hoạch và mục đích sử dụng đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”. Đây cũng là nội dung được đề cập trong Luật Đất đai năm 2003: “Ban quản lý khu CNC được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao đất một lần cho toàn khu CNC” [1]. Và quan trọng là ở thời điểm hiện tại, quy định này tiếp tục được khẳng định tại khoản 2 Điều 150 Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên, quy chế sử dụng đất cho trường hợp thứ hai có sự thay đổi, do thay đổi nói chung về quy chế sử dụng đất đối với nhà đầu tư trong quá trình cải cách và phát triển chính sách và phát luật đất đai ở Việt Nam.
Trước hết, Khoản 1 Điều 7 Quy chế Khu CNC quy định: “Ban Quản lý Khu CNC được giao đất, cho thuê đất cho các nhà đầu tư theo trình tự quy định của pháp luật về đất đai.”. Có nghĩa, nhà đầu tư khi đầu tư vào Khu CNC và có nhu cầu sử dụng đất để thực hiện các hoạt động khoa học công nghệ, sản xuất, dịch vụ và phát triển kinh doanh… được BQL chuyển giao đất thông qua một trong hai hình thức: (i) giao (lại) đất, hoặc (ii) cho thuê đất. Quy định này cũng đã được thể hiện trong Luật Đất đai năm 2003, thậm chí chi tiết hơn khi nội dung quy định đã xác định rõ phương thức giao đất thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm hay thu tiền thuê đất một lần. Cụ thể nội dung quy định tại khoản 2 Điều 91 là: “Ban quản lý khu CNC… được giao lại đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm đối với tổ chức, cá nhân; giao lại đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê hoặc thu tiền thuê đất hàng năm đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê hoặc thu tiền thuê đất hàng năm đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất trong khu CNC”.
Như vậy, sự cải tiến trong chính sách đất đai được phản ánh ở chỗ, pháp luật đã có sự phân loại các nhóm chủ thể sử dụng đất và phân biệt quy chế sử dụng đất cho từng nhóm chủ thể đó. Đặc biệt, sự khác biệt này thể hiện khá rõ giữa nhóm nhà đầu tư là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đối với nhóm chủ thể là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, họ được sử dụng đất dưới hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, ngoài hai phương thức sử dụng đất thuê là trả tiền thuê đất hàng năm hay một lần như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đáng nói hơn, quy chế sử dụng đất cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn có nhiều ưu đãi hơn cả tổ chức, cá nhân trong nước, vì nhóm chủ thể trong nước chỉ được thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm mà không được lựa chọn phương thức trả tiền thuê đất một lần như người Việt Nam định cư ở nước ngoài và cả tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Dù vậy, sự phân biệt trong quy chế sử dụng đất giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài vừa nêu không còn được duy trì ở thời điểm hiện tại. Hay nói cách khác, quy định tại Luật Đất đai năm 2013 đã chấm dứt tình trạng phân hóa giữa hai nhóm chủ thể này, thay vào đó, Luật Đất đai năm 2013 đã đưa ra một quy chế pháp lý về sử dụng đất thống nhất áp dụng chung cho cả nhà đầu tư trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài: “Ban quản lý khu CNC được cho thuê đất đối với tổ chức, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất trong khu CNC theo quy định của Luật này.”[2]. Có thể thấy, “Đây là một trong những minh chứng nhằm giải quyết triệt để các rào cản của chính sách, pháp luật đất đai trong thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đầu tư nước ngoài trong các khu công nghiệp, khu kinh tế và khu CNC được bàn luận nhiều trong khoảng thời gian trước đây” [3]. Kết quả, từ thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, tất cả các nhà đầu tư đều chỉ có một hình thức sử đụng đất chung đối với đất trong Khu CNC là thuê đất. Theo đó, việc trả tiền thuê đất hàng năm hay một lần là tùy thuộc vào sự lựa chọn của nhà đầu tư. Đương nhiên, Luật Đất đai năm 2013 cũng đã có quy định về việc xử lý tình huống đối với các trường hợp sử dụng đất mà nhà đầu tư đã được giao trước khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành và việc xử lý để điều chỉnh lại hình thức sử dụng đất đó cần được thể hiện trong quy chế hoạt động của Ban quản lý Khu CNC. Ngoài ra, bản quy chế hoạt động này cũng cần phải tiếp nhận và bổ sung thêm các quy định mới khác được đề cập trong Luật Đất đai năm 2013.
Nhưng trên thực tế, Quy chế hoạt động của các khu CNC hiện nay vẫn tiếp tục quy định cũ. Đơn cử, Quy chế hoạt động của Ban quản lý Khu CNC TP.HCM được ban hành theo Quyết định số 07/2017/QĐ-UBND của UBND TP.HCM ngày 17/2/2017 vẫn tiếp tục giao Ban quản lý quyền được “quyết định giao lại đất không thu tiền sử dụng đất…” tại điểm d mục 9. Đối với Khu CNC Hòa Lạc, nội dung này được thể hiện cả trong Quy chế ban hành kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 9/12/2014 (điểm c mục 11) và Quy chế thay thế được ban hành kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/2/2019 (điểm c mục 11). Từ các quy định này, phát sinh những trường hợp đặc thù trong thực tế về sử dụng đất trong Khu CNC.
Thứ nhất, vai trò của BQL trong hoạt động điều phối đất đai. Cụ thể, trong quá trình chuyển giao đất cho các nhà đầu tư, BQL đóng vai trò của một cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, hoạt động của BQL mang tính chất của một hoạt động điều phối đất đai của Nhà nước. Vì vậy, nhà đầu tư khi được BQL chuyển giao đất để sử dụng được xem là đã tiếp nhận và có quyền sử dụng đất, nên họ trở thành chủ thể sử dụng đất, có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của một chủ thể sử dụng đất. Tiêu biểu nhất, họ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được thực hiện các quyền giao dịch về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định hiện nay, thẩm quyền thuộc về một trong hai cơ quan: UBND cấp tỉnh hoặc UBND cấp huyện. Đương nhiên, trong trường hợp thấy cần thiết, UBND cấp tỉnh có thể ủy quyền cho cơ quan Tài nguyên và Môi trường cùng cấp thực hiện chức năng này theo như quy định của pháp luật [4]. Việc tiến hành các giao dịch về quyền sử dụng đất của nhà đầu tư có thể làm phát sinh quyền khai thác hay sử dụng đất của chủ thể sử dụng đất mới tùy theo hình thức giao dịch là chuyển quyền (như chuyển nhượng) hay không mang tính chuyển quyền (như cho thuê lại). Điều quan trọng ở đây là hoạt động chuyển giao đất của nhà đầu tư trong trường hợp này không phải là hoạt động điều phối đất đai, mà mang bản chất của một giao dịch dân sự thông thường.
Thứ hai, việc cho thuê đất trong Khu CNC không phải thực hiện theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; mặc dù, hình thức đấu giá quyền sử dụng là cơ chế áp dụng phổ biến đối với quá trình điều phối đất đai đối với đất ngoài Khu CNC (cũng như ngoài một số khu khác). Tuy nhiên, trong trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định để được đầu tư vào Khu CNC cùng đăng ký lựa chọn một địa điểm để thực hiện dự án đầu tư, BQL Khu CNC phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để cho thuê đất theo quy định của pháp luật [5]. Vì vậy, “Đây là quy định nhằm bảo đảm cơ chế tận dụng lợi thế kinh tế của phương thức đấu giá quyền sử dụng đất, đặc biệt là tạo ra giá trị thị trường của quyền sử dụng đất một cách công khai, minh bạch” [6].
Thứ ba, theo quy định, mô hình tổ chức hoạt động của các BQL, Khu CNC có thể có đơn vị trực thuộc là doanh nghiệp nhà nước (Công ty Phát triển Khu CNC) hoặc đơn vị sự nghiệp là BQL các dự án Khu CNC (như trường hợp Khu CNC TP.HCM) để thực hiện xây dựng phát triển hạ tầng kỹ thuật Khu CNC và đương nhiên cũng có chức năng xây dựng và kinh doanh các dịch vụ Khu CNC. Ở đây, cần phân biệt Công ty Phát triển Khu CNC với doanh nghiệp phát triển hạ tầng. Đây là doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật, nhà ở, nhà xưởng và các công trình khác trong Khu CNC. Doanh nghiệp này có thể được thành lập bởi một nhà đầu tư đến từ bất kỳ một thành phần kinh tế nào, do vậy, không phải là doanh nghiệp do Nhà nước thành lập và trực thuộc BQL như Công ty phát triển Khu CNC. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 150 Luật Đất đai năm 2013, cả hai loại đơn vị này trong hai trường hợp sử dụng đất của mình đều sẽ được BQL Khu CNC cho thuê đất. Sau đó, các đơn vị này được cho các nhà đầu tư thuê lại cơ sở hạ tầng kỹ thuật gắn với quyền sử dụng đất. Có hai điểm cần lưu ý. Một là, quy định pháp luật hiện nay chỉ ghi nhận hình thức cho thuê (lại) đất của đơn vị nói trên với các nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng đất và hạ tầng kỹ thuật. Hai là, hoạt động cho thuê (lại) đất đối với đất được cho thuê mang bản chất của một giao dịch dân sự; vì vậy, nhà đầu tư trong trường hợp này không có quyền sử dụng đất và không thể trở thành chủ thể sử dụng đất.
3. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật
Việc sử dụng đất và nguồn thu từ sử dụng đất trong khu CNC là một trong những hoạt động sử dụng cơ sở hạ tầng chủ yếu và là nguồn thu ngân sách hiện nay trong các khu CNC ở Việt Nam. Cho nên, việc giải quyết vấn đề trao quyền sử dụng đất cho các nhà đầu tư khu CNC là cần thiết để tránh tình trạng xung đột pháp luật, có thể dẫn đến tình trạng vô hiệu quả một số quyết định quản lý và ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp là đối tượng có liên quan. Thậm chí, việc thu hồi các quyết định giao đất sai thầm quyền sẽ dẫn đến hậu quả gây ra các vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại và Nhà nước có thể phải chi trả một khoản tiền rất lớn để bồi thường nếu bị thua kiện. Song rõ ràng, việc áp dụng khung pháp luật đất đai chung cho môi trường đặc thù của khu CNC là không phù hợp, có thể ảnh hưởng việc tiệm cận các mục tiêu khác về tạo dựng môi trường kích hoạt phát triển nhanh về khoa học công nghệ của khu CNC. Vì vậy, Nhà nước ta cần thiết xây dựng và ban hành một quy chế đặc thù cho các khu CNC quốc gia, trong đó có đề cập đến quy chế pháp lý đặc thù về sử dụng đất trong khu CNC.
Thực ra, quy chế đặc thù và cơ chế pháp lý đặc biệt áp dụng riêng được sử dụng trong chính sách phát triển các khu CNC ở nhiều nước. Và chuyển giao đất đai hay quyền sử dụng đất cho các nhà đầu tư là một trong số các nội dung trọng tâm của chính sách đó. Tuy nhiên, việc chuyển giao quy chế đặc thù không phải diễn ra ở mức độ quá lớn, có nghĩa, khu CNC có thể được hưởng một quy chế pháp lý hoàn toàn khác biệt với khung pháp lý chung của cả nước. Ngược lại, tùy điều kiện thực tiễn, quá trình phân cấp có thể chỉ áp dụng đối với một số nội dung. Khi đó, các nội dung quản lý còn lại buộc các Ban quản lý phải tuân thủ đúng các quy định pháp luật có liên quan như thường lệ. Do đó, cần có những giải pháp cụ thể để giải quyết những bất cập vừa nêu ở trên.
Một là, không cho phép hoạt động giao đất của BQL Khu CNC đối với các nhà đầu tư. Điều này bảo đảm tính thống nhất và toàn vẹn của kết quả pháp điển hóa pháp luật đất đai ở nước ta. Một trong những lý do đó chính là việc ghi nhận giá trị kinh tế của đất đai và việc tính kinh tế trong quá trình chuyển giao quyền sử dụng đất, nhất là đối với các đối tượng là nhà đầu tư, kinh doanh. Dù rằng, sử dụng đất để tiến hành các hoạt động nghiên cứu sáng tạo và thương mại hóa công nghệ là các hoạt động được khuyến khích, nhưng giải pháp cho mục đích khuyến khích đó sẽ được giải quyết bằng các biện pháp mang tính kinh tế khác, như miễn giảm tiền thuê đất hay miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp… Còn lại, đặc tính và đặc thù của phương thức thuê đất cần được duy trì đối với hoạt động điều phối đất đai, ngay cả trong trường hợp này.
Hai là, ngược lại, pháp luật cần tiếp tục duy trì quy chế đặc thù hiện nay là cho phép Ban quản lý khu CNC cho nhà đầu tư thuê đất không thông qua phương thức đấu giá quyền sử dụng đất. Hiện tại, Luật Đất đai năm 2013 đặt ra yêu cầu về việc tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất để chuyển giao đất cho nhà đầu tư. Với quy định đó, phương thức đấu giá quyền sử dụng đất đương nhiên sẽ được áp dụng trong trường hợp có nhiều nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng trên cùng một thửa đất. Tuy nhiên, cơ chế để ban quản lý bhu CNC cần được mở ra trong trường hợp không có hơn một nhà đầu tư tham gia đầu tư xin thuê đất. Việc duy trì phương thức cho thuê trực tiếp này sẽ góp phần giải quyết nhanh chóng nhu cầu của nhà đầu tư, vì đặc biệt là sẽ rất phi lý khi bắt họ phải chờ đợi cuộc đấu giá mà có thể không có ai tham gia. Và những lo ngại về sự thông đồng giữa ban quản lý khu CNC và nhà đầu tư cần được giải quyết bằng các cơ chế pháp lý khác, thay vì sử dụng cơ chế trì hoãn vô lý. Đặc biệt, theo kinh nghiệm từ các khu CNC thành công trên thế giới, chính đơn vị quản trị hoạt động kinh doanh độc lập của khu, nếu được tiếp nhận và vận dụng ở Việt Nam, là đơn vị có thể đảm bảo được tính chính xác trong các quyết định kinh doanh này.
Ba là, ban quản lý khu CNC cần được trao quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất trong khu CNC. Chắc chắn, đây không phải là thẩm quyền đương nhiên, mà đó là thẩm quyền được thực hiện theo ủy quyền, đó là sự ủy quyền của UBND cấp tỉnh. Trước đây, Sở Tài nguyên và Môi trường có thể nhận được sự ủy quyền, thì nay ban quản lý khu CNC cũng có thể tiếp nhận sự ủy quyền này. Đương nhiên, ban quản lý khu CNC chỉ được ủy quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất trong phạm vi diện tích đất của khu CNC. Giải pháp này được tiếp nhận chắc chắc sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho quá trình sử dụng đất của các doanh nghiệp trong khu CNC. Đặc biệt nó có thể nhanh chóng thu hút nhiều nhà đầu tư mới tham gia, cho dù vòng đời của một sản phẩm công nghệ mà họ có ý định đầu tư là rất ngắn. Điều này xảy ra khi quy trình và thời gian tiến hành các giao dịch về quyền sử dụng đất diễn ra nhanh chóng và đơn giản. Trên thực tế, Sở TNMT khi tiến hành các thao tác của quy trình cấp giấy chứng nhận QSĐ đất mà mình thực hiện đều không bỏ qua khâu thẩm tra thông tin từ ban quản lý khu CNC. Thay vì đi đường vòng, việc giải quyết tại chỗ để nhà đầu tư mới nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới tại chỗ là một trong những giải pháp rút ngắn quy trình đó và đó cũng là cách để tiết kiệm thời gian (đồng nghĩa với chi phí và cơ hội) cho nhà đầu tư.
Bốn là, đó là những lưu ý về mặt kỹ thuật lập pháp. Cần lưu ý rằng, các quy định có liên quan đề cập ở trên đều đã được luật hóa và hiện nay được thể hiện trong Luật Đất đai 2013. Nếu quy chế đặc thù muốn “làm khác đi” thì nội dung quy chế đó cần phải được thể hiện trong một văn bản luật khác. Thực ra, nó có thể được “hạ cấp” bằng một văn bản của Chính phủ, phổ biến là hình thức Nghị định. Nhưng điều đó chỉ xảy ra nếu Quốc hội lựa chọn phương án sửa Luật Đất đai để bổ sung vào các quy định có liên quan cụm từ “trừ trường hợp có thể sử dụng quy chế đặc thù theo quy định của Chính phủ” để mở đường. Đó là cách hạn chế bớt yếu điểm của lập pháp “ủy quyền”. Ngược lại, quy định pháp luật lại tiếp tục gặp khó khăn trong thực hiện; hay nói cách khác, tính khả thi và hiệu quả - hai trong số yêu cầu trong xây dựng chính sách, pháp luật không được đảm bảo [7].
4. Kết luận
Quản lý đất đai là vấn đề nóng, đòi hỏi sự hoàn thiện của pháp luật đất đai và cơ chế thực thi hiệu quả. Quản lý và trao quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư trong khu CNC còn là vấn đề nhạy cảm hơn khi đây là không gian đặc thù để tiến hành các hoạt động khoa học và công nghệ; và kinh doanh sản phẩm khoa học, công nghệ. Việc chuyển giao quyền sử dụng đất của cơ quan quản lý đặc biệt là ban quản lý khu CNC nhất thiết phải đảm bảo tính nghiêm minh và tuân thủ pháp luật, nhưng cũng không thể tạo ra thêm gánh nặng chi phí, đặc biệt là trì hoãn thời gian và cơ hội của nhà đầu tư với các hoạt động đầu tư đặc trưng về độ nhanh và nhạy như lĩnh vực công nghệ. Ngược lại, việc áp dụng chính sách ưu đãi, đặc biệt là quy chế đặc thù, đối với nhà đầu tư cũng phải được xây dựng và triển khai đúng quy định. Các vướng mắc về trao quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư về cơ bản xuất phát từ các nội dung bất cập trong quy chế hoạt động của ban quản lý khu CNC hiện nay. Chính vì vậy, nội dung quy chế này cần được điều chỉnh theo các đề xuất mà bài viết đã chỉ ra.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Quốc hội, Khoản 2 Điều 91 Luật Đất đai năm 2003.
2. Quốc hội, Khoản 2 Điều 150 Luật Đất đai năm 2013.
3. Phương Ngọc Thạch (2007), Phải chăng chính sách đất đai đang cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta, Tạp chí Phát triển Kinh tế, số 206 - 12/2007.
4. Quốc hội, Điều 105 Luật Đất đai năm 2013.
5. Chính phủ, Khoản 3 Điều 12 Nghị định số 35/2017/NĐ-CP của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước Khu kinh tế công nghệ cao.
6. Nguyễn Tân Thịnh (2012), Đấu giá quyền sử dụng đất: Công cụ giải quyết bức xúc về đất đai, Tạp chí Tài chính số 10.
7. Đỗ Thị Kim Tiên (2016), Tiêu chí đánh giá chính sách trong xây dựng pháp luật, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 21 (325), trang 22 - 32.
PRACTICAL APPLICATION OF THE LAW ON GRANTING LAND USE RIGHTS TO INVESTORS IN NATIONAL HIGH-TECH PARKS
● LE BICH LOAN
University of Economics and Law
Viet Nam National University, Ho Chi Minh City
● NGUYEN MANH HUNG
Nguyen Tat Thanh University
ABSTRACT:
Vietnamese national hi-tech Parks have not brought enough efficiencies to economy as expected even they have more than 20 years established. One among many reasons comes from the individual legal framework to such hi-tech parks. One of the hot problems emerged from the hi-tech parks’ management Boards’ executions on land use. The paper therefore begins with its analysis on factual issues and then on progress provides some corresponding suggestiosn as adaquate resolutions.
Keywords: Hi-tech park, legal framework, land use, environment.