Giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam

THS. NGÔ THANH LOAN (Khoa Tài chính Ngân hàng và Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Thế giới đã có nhiều thay đổi sau đại dịch Covid-19 và những xung đột chính trị leo thang và biến đổi khí hậu. Bối cảnh hiện nay đang đặt ra những khó khăn, thách thức chưa từng có đối với việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030. Vì vậy, yêu cầu đặt cần có nhóm giải pháp nhằm góp phần để Việt Nam thực hiện và hoàn thành mục tiêu đặt ra năm 2030 trong điều kiện tình hình mới.

Từ khóa: phát triển bền vững, mục tiêu, chương trình nghị sự.

1. Đặt vấn đề

Việt Nam là quốc gia cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc ban hành Định hướng Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam năm 2004, Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và gần đây nhất là Kế hoạch Hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự (CTNS) 2030 vì sự phát triển bền vững. Việt Nam đã quốc gia hóa Chương trình Nghị sự 2030 của toàn cầu thành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia. Mục tiêu tổng quát là duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đối với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, dân chủ, công bằng, văn minh và bền vững.

Để hoàn thành các mục tiêu trên, cần có nhiệm vụ và giải pháp chung, yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục nghiêm túc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được ban hành tại Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017 và Kế hoạch hành động của bộ, ngành, địa phương thực hiện Chương trình nghị sự 2030.

2. Đánh giá quá trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam

2.1. Những kết quả thực hiện mục tiêu phát triển bền vững cơ bản

Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong việc tăng mức độ bao phủ của các dịch vụ xã hội nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm mạnh từ 21% năm 2010 xuống còn 5% năm 2020 (Ngân hàng Thế giới, 2022). Tuy nhiên, có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, các dân tộc, giữa khu vực nông thôn và thành thị. Việt Nam vẫn cần tiếp tục nỗ lực để đảm bảo kịp thời đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của quốc gia vào năm 2030. Tuy nhiên, trong khi tỷ lệ nghèo liên tục giảm, đại dịch Covid-19 bùng phát từ năm 2020 đã làm chậm lại công cuộc giảm nghèo và gia tăng bất bình đẳng trên cả phương diện kinh tế và phi kinh tế, với những tác động bất lợi đối với phúc lợi của trẻ em và ảnh hưởng đến tiến độ đạt được các mục tiêu SDG liên quan đến trẻ em.

Về mục tiêu SDG3 - Sức khỏe và có cuộc sống tốt hơn có kết quả như sau: tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi (22,3/1000 trẻ đẻ sống ); tỷ lệ tử vong trẻ dưới 1 tuổi (13,9/1000 trẻ đẻ sống); tỷ lệ ca sinh có hỗ trợ của nhân viên y tế có kỹ năng (96,1%); sử dụng biện pháp tránh thai (72,8%). (Hình 1)

Phát triển bền vững

Về mục tiêu SDG4 - Giáo dục có chất lượng có kết quả đã đạt được đúng hướng Nghị quyết để ra như sau: Tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học (98,3%); Tỷ lệ hoàn thành chương trình trung học cơ sở (86,8%); Tỷ lệ đi học mẫu giáo (80,5%. Bên cạnh đó, chỉ số phát triển trẻ thơ (78,2%).

Về mục tiêu SDG5 - Bình đẳng giới có kết quả được đánh giá là còn nhiều thách thức cụ thể với tỷ lệ tảo hôn trước 18 tuổi (14,6%).

Về mục tiêu SDG 6 - Nước sạch và vệ sinh có kết quả đạt tỷ lệ nước uống được quản lý an toàn (57.9%); Công trình vệ sinh được quản lý an toàn (43.9%). Mục tiêu này còn nhiều thách thức đáng kể.

Về mục tiêu SDG 7 - Năng lượng sạch với giá thành hợp lý đạt được mục tiêu đề ra với tỷ lệ chủ yếu dựa vào nhiên liệu sạch (86%).

Về mục tiêu SDG 8 - Công việc tốt và tăng trưởng kinh tế vẫn còn nhiều thách thức với tỷ lệ trẻ bị người chăm sóc xử phạt bằng bạo lực (72,4%).

Phát triển bền vững

Hình 2 cho thấy có một khoảng cách lớn giữa tiến độ hiện tại trong việc giảm tỷ lệ trẻ em bị người chăm sóc xử phạt bằng bạo lực và đạt được mục tiêu SDG 16. Ngay cả với những nỗ lực đáng kể từ Chính phủ, vẫn khó có thể giảm tỷ lệ này từ 72,4% vào năm 2020 xuống gần bằng 0% trong vòng chưa đầy 10 năm.

2.2. Những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức

Một là, nhiều mục tiêu rất khó đạt được vào năm 2030, trong khi đó thực trạng phát triển kinh tế-xã hội còn bộc lộ nhiều vấn đề chưa bền vững.

Mặc dù, Việt Nam được đánh giá đứng thứ 49 trên tổng số 166 quốc gia về chỉ số PTBV năm 2020, tăng 5 bậc so với xếp hạng năm 2019 và đạt điểm đánh giá cao hơn mức trung bình của Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Song, có tới 10 mục tiêu PTBV sẽ còn gặp khó khăn, thách thức để hoàn thành và 2 mục tiêu sẽ

Ngoài ra, thực trạng phát triển kinh tế - xã hội còn bộc lộ nhiều vấn đề chưa bền vững. Tăng trưởng kinh tế chưa dẫn đến thu hẹp được khoảng cách và bắt kịp các nước trong khu vực. Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, chưa thực sự dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mô hình tăng trưởng vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài, chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi giá trị và cung ứng trong nước. Quản lý, phát triển xã hội còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Một số biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử và những vụ việc bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em gây bức xúc xã hội. Chênh lệch giàu - nghèo có xu hướng gia tăng, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai; khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền còn khá lớn.

Hai là, hệ thống chính sách còn tồn tại một số bất cập trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện, hiệu lực thực thi của chính sách chưa cao.

Hệ thống văn bản chính sách còn cồng kềnh, phức tạp; cơ chế chính sách còn thiếu đồng bộ, thậm chí còn chồng chéo; năng lực quản trị của các cơ quan nhà nước còn yếu, nhất là ở cấp cơ sở; công tác quản lý, điều hành của Nhà nước và quản trị doanh nghiệp tuy đã có sự cải thiện nhưng chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Một số chính sách chưa đi vào thực tiễn do mục tiêu chính sách thiếu cụ thể, thiếu tính khả thi, mục tiêu chính sách quá cao trong khi nguồn lực để thực hiện chính sách là hạn chế. Quá trình xây dựng và thực hiện chính sách hiện tại vẫn chủ yếu là từ trên xuống. Việc tham gia của các bên liên quan, những người trực tiếp chịu tác động của chính sách trong quá trình xây dựng và thực
hiện chính sách vẫn còn hạn chế. Một số phương án chính sách chưa xuất phát từ quyền và lợi ích của đối tượng chính sách; công tác tuyên truyền chính sách còn một số bất cập, chưa coi trọng đúng mức sự tham gia của đối tượng chính sách trong quá trình thực thi cũng như xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện... Sự tham gia của các tổ chức ngoài nhà nước và xã hội vào quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách và giám sát thực hiện chính sách chưa được khơi dậy và phát huy.

3. Giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam

Một là, nâng cao nhận thức và hành động của toàn xã hội về phát triển bền vững và các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Hai là, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể xã hội, cộng đồng dân cư, các đối tác phát triển trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Phát huy vai trò của Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Năng lực cạnh tranh và các cơ chế liên ngành khác trong việc kết nối và thúc đẩy sự phối hợp trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu; Đảm bảo sự nhất quán, thống nhất trong hành động giữa trung ương và địa phương trong thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế-xã hội; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, xây dựng và thực hiện chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số.

Ba là, tăng cường và huy động các nguồn tài chính trong và ngoài nước để triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia, đó là:

a) Tăng cường nguồn lực tài chính công thông qua việc nâng cao hiệu quả hệ thống thuế, chính sách thuế; tiết kiệm chi tiêu công; đổi mới quản lý tài chính công theo hướng công khai, minh bạch.

b) Huy động các nguồn lực xã hội cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Trong xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của các cấp, bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, chú ý huy động các nguồn lực xã hội khác, đặc biệt từ khu vực doanh nghiệp, khu vực tư nhân cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

c) Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể để huy động các nguồn tài chính, đặc biệt là nguồn tài chính từ khu vực tư nhân để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Bốn là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự phối hợp giữa các cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp, các tổ chức chính trị, xã hội, các hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và sự phối hợp giữa cơ quan trung ương và cơ quan địa phương trong triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững để bảo đảm tính tích hợp và lồng ghép của các mục tiêu.

Năm là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách. Rà soát, nghiên cứu các khoảng trống về chính sách hiện hành và hoàn thiện hệ thống chính sách theo hướng đảm bảo hành lang pháp lý để thực hiện các mục tiêu, trong đó cần nghiên cứu, ban hành các chính sách đảm bảo sự đóng góp và hưởng lợi công bằng cho tất cả mọi người, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương.

Nâng cao hiệu quả thực thi chính sách theo hướng: (i) Tăng cường năng lực của cơ quan hoạch định chính sách và tăng cường sự tham gia của các đối tượng bị tác động bởi chính sách trong quá trình hoạch định chính sách; (ii) Thực hiện sự ưu tiên trong phân bổ nguồn lực để thực thi một số chính sách liên quan đến lợi ích và cuộc sống của nhiều người dân và có tác động lan tỏa hoặc là động lực cho sự phát triển bền vững; (iii) Tăng cường sự tương tác và phối hợp giữa các cơ quan liên quan và giữa cơ quan thực thi chính sách và đối tượng chính sách.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020.
  2. Nghị quyết số 622/QĐ-TTg về ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
  3. Quyết định số 681/QĐ-TTg về việc ban hành Lộ trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững Việt Nam đến năm 2030.
  4. Tổng cục Thống kê (2021). Niên giám Thống kê Việt Nam năm 2020. Tổng cục Thống kê, Hà Nội, Việt Nam.
  5. UNICEF Việt Nam (2022), Báo cáo đánh giá thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

Solutions for Vietnam to realize the Sustainable

Developer Goals by 2030

Master. Ngo Thanh Loan

Faculty of Finance, Banking and Insurance, University of Economic and Technical Industries

Abstract:

The world has experienced many changes after the COVID-19 pandemic, including the escalation of political conflicts and climate change. The current context is posing unprecedented difficulties and challenges to the expectation of completing the Sustainable Development Goals (SDGs) by 2030. Therefore, it is required to have solutions to help Vietnam realize the SDGs by 20230 in the new normal.

Keywords: sustainable development, goals, agenda.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10 tháng 4 năm 2023]

Tạp chí Công Thương