Giao thông Đèo Cả (HHV): Dự kiến tham gia loạt dự án cao tốc quy mô 100.000 tỷ đồng

Vừa qua, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã cổ phiếu HHV - sàn HoSE) đã tổ chức chương trình “Kết nối đầu tư - Vươn tầm quốc tế” nhằm trao đổi thông tin giữa các nhà đầu tư và công ty.

Lãi ròng cả năm 2023 dự kiến đạt 118% mục tiêu đề ra

Giao thông Đèo Cả
Giao thông Đèo Cả dự kiến sẽ hoàn thành 118% mục tiêu lợi nhuận năm nay.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Quang Huy - Tổng Giám đốc Giao thông Đèo Cả cho biết, dự kiến doanh thu hợp nhất cả năm nay của công ty sẽ đạt 2.511 tỷ đồng và lãi ròng dự kiến đạt 385 tỷ đồng.

Mức dự phóng trên cũng phù hợp với dự báo của một số hãng chứng khoán công bố gần đây. Như vậy, so với kế hoạch đề ra hồi đầu năm nay, Giao thông Đèo Cả dự phóng sẽ hoàn thành 102% mục tiêu doanh thu và 118% mục tiêu lãi ròng cả năm. Luỹ kế 9 tháng đầu năm vừa qua, doanh nghiệp này đã hoàn thành 74% mục tiêu doanh thu (tương đương 1.825 tỷ đồng) và 91% mục tiêu lãi ròng (tương đương 268 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Quang Huy cho biết, trong giai đoạn 2024 - 2025, Giao thông Đèo Cả đặt kế hoạch doanh thu lần lượt 2.915 tỷ đồng và 3.326 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 448 tỷ đồng và 532 tỷ đồng. Biên lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2023 - 2025 dự kiến ổn định ở mức 14 - 18%.

Hiện Giao thông Đèo Cả đang tập trung vào 3 mảng hoạt động chính là đầu tư, thi công xây lắp và quản lý vận hành các công trình hạ tầng giao thông.

Đề xuất đầu tư loạt dự án cao tốc với tổng quy mô 100.000 tỷ đồng

Đối với hoạt động đầu tư, với tư cách độc lập và liên danh, Giao thông Đèo Cả đã và đang tham gia loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm với tổng mức đầu tư vượt hơn 50.000 tỷ đồng, gồm: chuỗi hầm Đèo Cả – Cổ Mã – Cù Mông – Hải Vân, dự án hầm đường bộ Phước Tượng – Phú Gia, dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hoà, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo.

Ban lãnh đạo Giao thông Đèo Cả cho biết, trong giai đoạn 2023 - 2025, doanh nghiệp đang đề xuất đầu tư gần 400km đường cao tốc là các dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Cao Bằng), Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn), Tân Phú - Bảo Lộc (Lâm Đồng), TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương … với tổng mức đầu tư gần 100.000 tỷ đồng.

Dự án cao tốc
Loạt dự án cao tốc mà Giao thông Đèo Cả đang theo đuổi có tổng mức đầu tư gần 100.000 tỷ đồng.

Trong đó, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng đã được UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt, dự kiến khởi công trong tháng 12/2023.

Theo nhận định gần đây của VNDirect Research, các dự án trên đều được Giao thông Đèo Cả và công ty mẹ - Tập đoàn Đèo Cả theo đuổi trong thời gian dài và có nhiều cơ hội trở thành chủ đầu tư chính thức.

Nhóm các dự án này được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng cho Giao thông Đèo Cả trong dài hạn nhờ (1) tiềm năng tăng doanh thu thu phí BOT và (2) tăng giá trị ký mới cho mảng xây lắp và mảng bảo trì, duy tu, sửa chữa.

Trả lời lo ngại của nhà đầu tư về việc đòn bẩy tài chính cao, ông Nguyễn Quang Huy khẳng định, điều này không có ảnh hưởng đến dòng tiền, hoạt động sản xuất kinh doanh của Giao thông Đèo Cả, cũng như lợi ích của cổ đông.

Đặc thù của công ty là đầu tư các công trình công với tổng mức đầu tư rất lớn, theo quy định vốn chủ sở hữu tham gia các dự án công thường chỉ 10 – 15%, trong khi vốn chủ sở hữu/tổng tài sản của công ty hiện là 24%. Bên cạnh đó, các khoản vay của Công ty là vay dài hạn để đầu tư BOT, các dự án cũng đã đi vào vận hành khai thác, nguồn thu phí ổn định, phương án trả nợ cũng được thực hiện trên cơ sở doanh thu thực tế, do đó, điều này không ảnh hưởng đến dòng tiền của Giao thông Đèo Cả.

Sẽ đổi mới công nghệ, đón đầu các dự án đường sắt, metro…

Đối với hoạt động thi công xây lắp, ban lãnh đạo Giao thông Đèo Cả đã cập nhật tiến độ triển khai tại loạt dự án mà doanh nghiệp đang tổ chức thi công, gồm: Dự án Cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn; Dự án Đường ven biển Bình Định (đoạn Cát Tiến – Diêm Vân); Dự án Đường ven biển nối cảng Liên Chiểu – Đà Nẵng, Dự án nâng cấp mở rộng Đèo Prenn; và Dự án Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Các dự án này có tổng giá trị hợp đồng liên danh gần 20.000 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, lượng công việc còn tồn đọng (backlog) của Giao thông Đèo Cả trong 3 năm tới là khoảng 4.000 tỷ đồng; trong đó có khoảng 500-600 tỷ đồng dự kiến sẽ được ghi nhận trong nửa cuối năm 2023.

Trong đó, Giao thông Đèo Cả đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành Dự án nâng cấp mở rộng đèo Prenn vào cuối năm nay và Dự án Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày 30/4/2024.

Theo đánh giá gần nhất của SSI Research, với lượng backlog lớn cùng với việc công ty chuẩn bị tận dụng làn sóng của giai đoạn phục hồi xây dựng cơ sở hạ tầng, biên lợi nhuận gộp mảng xây lắp sẽ được duy trì ở mức 15%, so với mức 5% - 17% của các doanh nghiệp cùng ngành.

Ban lãnh đạo Giao thông Đèo Cả chia sẻ, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đổi mới công nghệ, chủ động hợp tác với các doanh nghiệp lớn ở châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,… để tiếp cận các công nghệ xây dựng mới.

Giá cổ phiếu HHV Giao thông Đèo Cả
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu HHV của Giao thông Đèo Cả từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Lọc hoá dầu Bình Sơn: Lãi ròng tăng gấp 7 lần, cổ phiếu BSR có thể lỡ hẹn chuyển sàn" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Đồng thời, công ty đang chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực tham gia vào các lĩnh vực mới như đường sắt tốc độ cao, metro line,... mà Chính phủ đang định hướng triển khai, đặc biệt là đào tạo nhân sự do cả hai loại hình đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị Việt Nam đang hướng đến ít doanh nghiệp đáp ứng được. Sự chuẩn bị công nghệ và nhân sự này còn nhằm sẵn sàng cho chiến lược vươn ra thị trường quốc tế của công ty.

Đối với hoạt động quản lý vận hành, Giao thông Đèo Cả tự tin khẳng định đây sẽ là thế mạnh chuyên biệt của doanh nghiệp. Hiện doanh nghiệp đang quản lý vận hành, bảo dưỡng thường xuyên, đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt cho hơn 300km đường cao tốc và quốc lộ, 25km hầm đường bộ và đang quản lý 15 trạm thu phí BOT trên cả nước.

Với kinh nghiệm của đội ngũ hơn 1.400 chuyên gia, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề… thời gian tới Giao thông Đèo Cả tự tin sẽ là đơn vị quản lý vận hành hơn 550km đường và các hầm xuyên núi trên tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.

Về kế hoạch huy động vốn, bên cạnh kế hoạch chào bán hơn 82,3 triệu cổ phiếu HHV cho cổ đông hiện hữu để huy động thêm hơn 823 tỷ đồng vừa qua, ông Nguyễn Quang Huy cho biết, trong năm 2024, công ty có kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ với giá trị 741 tỷ đồng để đầu tư loạt dự án cao tốc và bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 02/11, cổ phiếu HHV đạt 14.400 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 55% so với thời điểm đầu năm nay.

Duy Quang