Giao thương với thị trường Trung Quốc: Nhiều hoạt động kết nối doanh nghiệp tận dụng các cơ hội mới

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại sau khi Trung Quốc chính thức nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 từ ngày 08/01/2023, nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong nước tận dụng tối đa các cơ hội mới tại thị trường quan trọng này.

Tận dụng dư địa các thị trường truyền thống

Quảng Tây là một địa phương nằm ở phía Nam Trung Quốc, có dân số gần 50 triệu người, tiếp giáp với các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh của Việt Nam, với nhiều cửa khẩu đường bộ có hoạt động xuất nhập khẩu sôi động như cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan, cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng, cửa khẩu phụ Tân Thanh - Pò Chài...

Ngay sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, ngày 12/01/2023, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương và Sở Thương mại Quảng Tây, Trung Quốc đã đồng chủ trì Hội nghị giao thương hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây). Hội nghị đã thu hút được sự quan tâm của hơn 100 đại biểu doanh nghiệp hai bên, các lĩnh vực được trao đổi tại Hội nghị bao gồm xuất nhập khẩu nông sản, hoa quả, sản xuất máy móc công trình, xây dựng và quản lý khu công nghiệp.

Quảng Tây Trung Quốc
Hội nghị kết nối hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Tây) trong thời kỳ mới chứng kiến các doanh nghiệp hai bên ký kết nhiều Thỏa thuận hợp tác

Cuối tháng 3/2023, nhân dịp Bí thư Quảng Tây Lưu Ninh thăm và làm việc tại Việt Nam, Bộ Công Thương và Chính quyền nhân dân Quảng Tây, Trung Quốc tổ chức Hội nghị kết nối hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Tây) trong thời kỳ mới.

Hội nghị có sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bí thư tỉnh Quảng Tây Lưu Ninh, đã thu hút được sự quan tâm của gần 300 đại biểu đại diện cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp hai bên. Nhân dịp này, đại diện các doanh nghiệp hai bên đã ký kết 08 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực như xuất nhập khẩu, thương mại qua biên giới, hợp tác đầu tư cơ sở hạ tầng logistics...

Tỉnh Vân Nam của Trung Quốc cũng là một địa phương có quy mô thị trường tương đối lớn với dân số gần 50 triệu người, có nhiều tiềm năng trong hợp tác với Việt Nam, là thị trường cửa ngõ kết nối phía Tây Nam Trung Quốc với Việt Nam và các nước ASEAN. Tuy nhiên, kết quả thương mại song phương giữa Vân Nam và các địa phương của Việt Nam thời gian qua chưa phản ánh đúng tiềm năng, nhu cầu hợp tác của hai bên, đồng thời cũng chưa đáp ứng được kỳ vọng của Lãnh đạo cấp cao hai nước. Năm 2022, theo thống kê của Việt Nam, quy mô thương mại giữa các địa phương Việt Nam với tỉnh Vân Nam qua các cửa khẩu biên giới 04 tỉnh phía Bắc chỉ chiếm khoảng 5% kim ngạch thương mại biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc.

Trước tình hình đó, Lãnh đạo Chính phủ và Lãnh đạo Bộ Công Thương hết sức quan tâm đến việc tăng cường hợp tác hơn nữa trong việc thúc đẩy các hoạt động về kinh tế thương mại giữa hai bên. Đầu tháng 3/2023, Bộ Công Thương đã tổ chức Đoàn công tác làm việc tại tỉnh Vân Nam để tìm hiểu nguyên nhân và tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy thương mại giữa hai bên, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông sản, thủy sản.

Phản hồi những đề xuất của Bộ Công Thương Việt Nam, các Sở, ngành liên quan của tỉnh Vân Nam bày tỏ nhất trí đối với những nhận định, đánh giá về tình hình thương mại giữa hai bên, đồng thời đồng ý phối hợp sẽ triển khai các biện pháp tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại song phương.

Hiện nay, Bộ Công Thương và Chính quyền nhân dân tỉnh Vân Nam đã cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Kế hoạch hành động giai đoạn 2023 - 2026 triển khai Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế thương mại giữa hai bên, sau khi được ký kết sẽ tạo ra khuôn khổ hợp tác chặt chẽ, cùng nhiều hơn nữa các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hai bên.

Thúc đẩy khai thác thị trường mới tiềm năng

Tháng 2/2023, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Nam (Trung Quốc) đã có buổi hội đàm với Bộ trưởng Bộ Công Thương. Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Công Thương và đồng chí Bí thư Hải Nam đã thống nhất triển khai nhiều nội dung hợp tác nhằm tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa các địa phương Việt Nam và tỉnh Hải Nam, Trung Quốc như nâng cấp Bản ghi nhớ tăng cường hợp tác giữa Bộ Công Thương và Chính quyền tỉnh Hải Nam, thúc đẩy thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hải Nam, thúc đẩy các cơ quan liên quan hai nước đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường Trung Quốc cho các loại nông sản, trái cây của Việt Nam (trước mắt là quả dừa tươi), thúc đẩy chia sẻ thông tin về các ưu đãi đầu tư, thương mại của Hải Nam, triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hai nước kết nối thương mại và đầu tư.

Sau chuyến thăm của Bí thư Tỉnh ủy Hải Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã dẫn đầu Đoàn đại biểu thăm và làm việc tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc từ ngày 9 đến ngày 11/4/2023. Trong khuôn khổ chuyến công tác, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tham dự và phát biểu tại Lễ Khai mạc Hội chợ quốc tế hàng tiêu dùng Trung Quốc (Hainan Expo 2023), khai trương Khu gian hàng Việt Nam tại Hội chợ, hội đàm với Bí thư Hải Nam và chủ trì Hội nghị xúc tiến thương mại đầu tư và hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc (Hải Nam).

xúc tiến thương mại Hải Nam
Các thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam được quảng bá và giới thiệu tại Hội chợ nhận được sự quan tâm lớn của khách hàng

Đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham dự các hoạt động này có quy mô hơn 30 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ngành hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như nông sản, thực phẩm chế biến và hàng tiêu dùng. Một số các thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam được quảng bá và giới thiệu tại Hội chợ nhận được sự quan tâm lớn của khách hàng như: sản phẩm dừa Bến Tre, gốm sứ Minh Long, cà phê Trung Nguyên, thực phẩm Sao Thái Dương…

Từ ngày 14 đến ngày 18/5/2023, Bộ Công Thương đã tổ chức Đoàn công tác làm việc tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc với sự tham gia của một số doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông thủy sản, sữa và sản phẩm từ sữa, đồ uống, thực phẩm chế biến…

Sơn Đông là một tỉnh ven biển phía Đông Trung Quốc, có vị trí và vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc (GRDP xếp thứ ba, dân số xếp thứ hai Trung Quốc (101,62 triệu dân năm 2022), đồng thời là địa phương giữ vai trò nền tảng về công nghiệp (có 41 ngành công nghiệp lớn) và là điểm kết nối quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực phía Bắc của Trung Quốc.

Sơn Đông Trung Quốc
Bộ Công Thương tổ chức Đoàn công tác làm việc tại với các cơ quan xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

Trong khuôn khổ chuyến công tác, Đoàn đã có các buổi làm việc với Sở Thương mại tỉnh Sơn Đông, Ủy ban Xúc tiến thương mại tỉnh Sơn Đông, Hiệp hội Chế biến và phân phối thủy sản Sơn Đông và đồng chủ trì Hội nghị giao thương và hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc (Sơn Đông) ngày 16/5/2023.

Hội nghị đã thu hút được sự quan tâm của gần 100 đại biểu đại diện các cơ quan, Hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thương mại, chế biến nông thủy sản, logistics của phía Sơn Đông. 

xúc tiến thương mại Sơn Đông
Các hoạt động mở ra cơ hội hợp tác mới giữa các doanh nghiệp phía Việt Nam với thị trường Sơn Đông nhiều tiềm năng và dư địa.

Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi cho biết, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức các đoàn công tác tới các địa phương của Trung Quốc nhằm thúc đẩy thương mại song phương phát triển theo hướng lành mạnh, cân bằng, thuận lợi theo nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước tại Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc năm 2022.

Việt Hằng