Dư địa lớn tại thị trường Trung Quốc
Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng thời là thị trường nhập khẩu, tiêu dùng hàng hóa lớn hàng đầu phục vụ nhu cầu của gần 1,5 tỷ dân.
Năm 2022, GDP của Trung Quốc đạt đến mức trên 135.000 tỷ Nhân dân tệ; tương đương với 19.605 tỷ USD, chỉ sau Hoa Kỳ đạt 23.000 tỷ USD. Riêng trong quan hệ với Việt Nam, Trung Quốc luôn là thị trường truyền thống, là một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Hiện Trung Quốc đang giữ vị thế là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ.
So với các đối tác khác, thị trường Trung Quốc có nhiều lợi thế cho doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam khai thác với đường biên giới cả đường bộ, đường biển và đường hàng không.
Việt Nam nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN với Trung Quốc và là đối tác thương mại thứ 6 của đất nước tỷ dân. Có nhiều yếu tố khiến cho mối quan hệ kinh tế ngày càng phát triển, đó không chỉ là láng giềng, mà quan trọng là môi trường đầu tư tại 2 nước đang có nhiều thuận lợi. Trung Quốc đã có thỏa thuận hợp tác song phương với Việt Nam, cũng như các hiệp định đa phương Việt Nam, Trung Quốc (như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP).
Giai đoạn tới, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh việc tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và xuyên Thái Bình Dương (CTCPP)…. Quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc là 1 trong những mục tiêu ưu tiên trong chính sách kinh tế đối ngoại nước ta.
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ là yếu tố thuận lợi để xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang thị trường này. Bởi đây là thị trường có nội nhu cao và dư địa ở khu vực miền Tây và miền Đông của Trung Quốc chưa được khai thác hết, vì vậy, cần triển khai các biện pháp để củng cố, mở rộng hơn nữa thị trường, duy trì đà phát triển ổn định của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Nhận diện thách thức
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, 3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 11,9 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2022. So với hai tháng đầu năm 2023, tốc độ giảm đã chậm lại (tháng 01/2023 giảm 24,33%, tháng 02/2023 giảm 18,72%).
Điều này cho thấy tín hiệu tích cực trong tình hình xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Dự báo, trong quý II/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ có sự cải thiện nhất định. Trong nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Trung Quốc bao gồm: Nhóm hàng chế biến, chế tạo, đạt 9,5 tỷ USD, giảm 11,26% và nhóm hàng nông, thủy sản đạt 1,8 tỷ USD, tăng 2,39%.
Bên cạnh đó, mặc dù tốc độ tăng trưởng quý 1/2023 của Trung Quốc cao hơn dự báo, tuy nhiên, sự khôi phục của nền kinh tế Trung Quốc hiện vẫn chưa đồng đều. Nước này cũng đang phải giải quyết những vấn đề lớn khác của nền kinh tế, như sự suy thoái của thị trường bất động sản; lạm phát tăng cao; ngành dịch vụ, du lịch và tiêu dùng suy giảm sau thời gian dài khó khăn và cách li phòng dịch...
Nền kinh tế Trung Quốc đang đặt ra kế hoạch và đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng chất lượng cao, phủ rộng hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với tiêu chuẩn hàng hóa cả xuất khẩu và nhập khẩu.
Đây là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược và đòi hỏi các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng hoá trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng phải thay đổi và thích ứng.
Thời gian qua, vẫn còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong một số lĩnh vực, ngành hàng bị cảnh cáo hoặc tạm dừng tư cách xuất khẩu do vi phạm các tiêu chuẩn theo quy định, tiêu chuẩn nhập khẩu của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nắm được các quy định cụ thể về việc đăng kí trước khi xuất khẩu hoặc gặp một số vướng mắc trong việc đăng kí trên hệ thống CIFER của Hải quan Trung Quốc. Đồng thời, một số doanh nghiệp cũng chưa đáp ứng đủ tất cả các điều kiện về đăng kí mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, vẫn cần cung cấp bổ sung các tài liệu hoàn chỉnh.
Việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản, như: thủy sản tươi sống chưa được xuất khẩu chính ngạch; việc xử lý, phê duyệt hồ sơ đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc trên Hệ thống thương mại một cửa của phía Trung Quốc còn chậm…
Với nông sản Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh của nhiều thị trường khác như Philippines, Campuchia, Lào,… và cả thị trường sản xuất nội địa của nước này.
“Đây rõ ràng là thách thức rất lớn nhưng đồng thời cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam thay đổi, khai thác thị trường ở phẩm cấp cao hơn. Việc chuyển đổi này ban đầu có thể có nhiều khó khăn và đòi hỏi chi phí đầu tư cao, nhưng về lâu dài sẽ tốt hơn khi xuất khẩu chuyển sang chính ngạch nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường Trung Quốc một cách bền vững, ổn định, giảm thiểu rủi ro trong xuất khẩu và còn từng bước khẳng định vững chắc vị thế sản phẩm, thương hiệu sản phẩm Việt Nam.” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hữu Quân, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc cho biết, hiện nay hạ tầng kết nối giao thông đến cửa khẩu và hạ tầng cửa khẩu biên giới phía Việt Nam vẫn đang trong quá trình đầu tư, hoàn thiện. Do vậy, rủi ro về việc ùn ứ hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, đặc biệt là tại khu vực cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn vẫn luôn hiện hữu khi nông sản, trái cây Việt Nam bước vào cao điểm vụ thu hoạch.
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu cần cập nhật thông tin về tình hình cửa khẩu, chủ động dự báo các tình huống để có thỏa thuận với đối tác nhập khẩu trong việc phân luồng hàng hóa hợp lý, hạn chế tối đa thiệt hại do vấn đề ách tắc hàng hóa gây ra.
Khôi phục và phát triển bền vững hoạt động xuất khẩu
Thời gian tới, để hoạt động xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc khôi phục và phát triển bền vững, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) đề nghị các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản, thực phẩm cần chú trọng nghiên cứu và khẩn trương hoàn tất thủ tục đăng kí trước khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường Trung Quốc.
Tiếp tục phối hợp với đối tác Trung Quốc đa dạng hoá tuyến xuất khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu biên giới, tránh tập trung vào một vài cửa khẩu biên giới nhất định hoặc tận dụng tuyến vận tải biển, vận tải đường sắt liên vận Việt Nam - Trung Quốc, hạn chế tối thiểu nguy cơ gây ùn tắc tại các cửa khẩu trong mùa cao điểm.
Nghiên cứu kĩ thông tin, tín hiệu và các quy định, tiêu chuẩn của thị trường, tuân thủ đầy đủ các điều kiện về đăng kí doanh nghiệp, các tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc,…
Bên cạnh đó, tăng cường tham dự các chương trình hội chợ, triển lãm quốc tế do các địa phương, cơ quan trung ương hai nước phối hợp tổ chức nhằm tăng cường kết nối trực tiếp sau thời gian hạn chế kéo dài của dịch bệnh.
“Tới đây, Bộ Công Thương cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại quy mô tại thị trường Trung Quốc, trong đó, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi sẽ có một số hoạt động hướng tới cả thị trường truyền thống (cụ thể là Quảng Tây) và thị trường mới nằm sâu trong nội địa Trung Quốc (Sơn Đông, Hà Bắc). Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng thị trường, xuất khẩu sang Trung Quốc” - ông Trần Quang Huy thông tin.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến việc nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản hàng hoá; đặc biệt chú trọng xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu.