Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Hội nghị đã thu hút gần 400 đại biểu các bộ, ngành, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, các Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh (Quảng Tây) và Thượng Hải, các Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài, các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên cả nước.
Thời gian qua, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đã khiến tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa quý I/2023 vừa qua chỉ đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu giảm 11,9%; nhập khẩu giảm 14,7%. Nửa đầu tháng 4/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 26 tỷ USD, giảm 15% so với nửa cuối tháng 3/2023 và giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu, trong đó đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại khai thác các thị trường có FTA, khai mở thị trường mới, có tiềm năng để xuất khẩu hàng hóa và thúc đẩy sản xuất trong nước.
Với chủ đề “Triển vọng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong bối cảnh mới”, Hội nghị tập trung bàn thảo về các cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc; thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất - nhập khẩu, qua đó hướng tới mục tiêu phát triển xuất - nhập khẩu bền vững với thị trường Trung Quốc.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, trong thời gian tới, thị trường Trung Quốc với gần 1,5 tỷ dân là thị trường còn nhiều dư địa đón nhận hàng hoá nhập khẩu với nhu cầu tiêu thụ, sức mua được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng, nhất là khi nguồn cung và các chuỗi cung ứng của nước này vẫn bị ảnh hưởng hoặc chưa phục hồi hoàn toàn. Trung Quốc sẽ tiếp tục là điểm đến tiềm năng cho xuất khẩu Việt Nam do lợi thế về vị trí địa lý, chi phí logistics và rủi ro thấp hơn so với các thị trường khác.
Bên cạnh đó, hoạt động thông quan hàng hoá tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục đi vào ổn định, hiệu suất thông quan được nâng cao, nhu cầu thị trường gia tăng, nhiều lợi thế từ các thoả thuận hợp tác song phương giữa Việt Nam - Trung Quốc, cũng như các hiệp định đa phương Việt Nam, Trung quốc tham gia (như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP); giai đoạn tới, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh việc tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và xuyên Thái Bình Dương (CTCPP).
Tuy nhiên, thực tế quý I/2023 vừa qua cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt 11,9 tỷ USD, sụt giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Trung Quốc đã ban hành kế hoạch đạt tăng trưởng chất lượng cao, phủ rộng hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế và đặt ra những yêu cầu đối với nhập khẩu hàng hóa có chất lượng cao và quy chuẩn hóa hoạt động xuất nhập khẩu để phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Điều này tiếp tục đặt ra yêu cầu lớn cho nhà sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam để có thể đáp ứng các yêu cầu và quy định ngày càng khắt khe của thị trường Trung Quốc đối với hàng hóa nhập khẩu.
Nông sản Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh của nhiều thị trường khác như Philippines, Campuchia, Lào,… và cả thị trường sản xuất nội địa của nước này.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định đây vừa là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam thay đổi, khai thác thị trường ở phẩm cấp cao hơn. Việc chuyển đổi này ban đầu có thể có nhiều khó khăn và đòi hỏi chi phí đầu tư cao, nhưng về lâu dài sẽ tốt hơn khi xuất khẩu chuyển sang chính ngạch nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường Trung Quốc một cách bền vững, ổn định, giảm thiểu rủi ro trong xuất khẩu và còn từng bước khẳng định vững chắc vị thế sản phẩm, thương hiệu sản phẩm Việt Nam.
Trong số các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, Trung Quốc đang giữ vị thế là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Trong 3 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt trên 45 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 11,5 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt trên 23,5 tỷ USD, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Dù vậy, xét trong bối cảnh thương mại chung và so sánh với nhiều thị trường khác, trong quý I/2023 vừa qua, khi nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm sâu nhưng Trung Quốc - thị trường tiêu thụ chủ lực đa dạng mặt hàng của Việt Nam, gần gũi về địa lý, thuận tiện trong thông thương, vẫn là thị trường còn nhiều điểm sáng, nhiều dư địa, dự báo với nhiều kỳ vọng cho các đơn hàng trong những quý tiếp theo.
Tuy nhiên, với nhiều chủ trương, chính sách mới trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ chính sách “Zero-covid” sau một thời gian dài hạn chế giao thương và mở cửa trở lại từ hồi đầu năm nay, thị trường gần 1,5 tỷ dân này không còn “dễ tính” trong nhập khẩu đối với đa dạng các mặt hàng, trong đó có các mặt hàng nông sản, thực phẩm.
Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc cũng rất lớn vì các nhà xuất khẩu và các thương gia nhiều nước cũng tập trung vào thị trường này sau mở cửa. Điều này đòi hỏi các cơ quan, lực lượng chức năng của Việt Nam và các doanh nghiệp cần nắm bắt rõ thông tin, triển khai đồng bộ các giải pháp để hàng hóa xuất khẩu thuận lợi vào thị trường này.
Tại Hội nghị, ông Đinh Thành Công - Công sứ, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cũng thông tin, trong quý I/2023 tình hình hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc có nhiều khó khăn, suy giảm 5%. Tuy nhiên, so với các đối tác khác, suy giảm của Việt Nam ở mức nhẹ. Tiềm năng phục hồi và thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc còn nhiều tiềm năng khi thị trường này mở cửa trở lại, nhu cầu nội địa cao, dư địa ở khu vực miền Tây và miền Đông của Trung Quốc chưa được khai thác hết.
Hội nghị cũng đã cập nhật thông tin về tình hình thị trường Trung Quốc, một số quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam và có những khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.
Đồng thời, Hội nghị đã thảo luận về những khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa với thị trường Trung Quốc của các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.
Thông qua Hội nghị lần này, Bộ Công Thương kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin thị trường, cập nhật các quy định về tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu, tìm kiếm các cơ hội xúc tiến thương mại mới và hướng dẫn doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất theo tín hiệu thị trường, chuẩn hóa quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm và chuyển dần sang xuất khẩu chính ngạch nhằm khai thác hiệu quả hơn nữa thị trường Trung Quốc, góp phần cải thiện tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.