Hà Giang: Những thương hiệu hàng Việt cất cánh

Những năm gần đây, nhờ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tại nhiều địa phương đã có nhiều thương hiệu Việt “cất cánh”, giành được niềm tin của người tiêu dùng, trở thành sự lựa chọn hàng đầu và cũng là niềm tự hào của người Việt. Qua đó, góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng của người dân, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển. Và Hà Giang cũng vậy.

Nhận thức mới về hàng Việt

Một Hà Giang nhiều đổi khác kể từ khi bắt đầu Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho đến ngày hôm nay, khi hành trình đó đã chuẩn bị bước sang năm thứ 15. 

Tại các cửa hàng bán lẻ, siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Giang, có thể dễ dàng nhận thấy các mặt hàng sản xuất trong nước được bày bán đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã. Theo quản lý siêu thị WinMart tại tổ 16, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang, cửa hàng đã ưu tiên nhập các sản phẩm hàng Việt, đặc biệt là thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gà, thịt bò, rau, củ, quả. Bên cạnh đó, các mặt hàng thực phẩm khô, bơ sữa, bánh kẹo, đồ uống, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng cũng chủ yếu được sản xuất trong nước. Tỷ trọng các mặt hàng có nguồn gốc nội địa chiếm đến 85% cơ cấu hàng hóa, nhằm cung cấp cho khách hàng những sản phẩm Việt phù hợp nhất với chất lượng tốt nhất.

ha giang yeu hang viet
Người dân Hà Giang đã nhận thấy càng ngày hàng Việt Nam càng có nhiều ưu điểm như nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; đa dạng về mẫu mã, chủng loại, chất lượng tốt, giá thành hợp lý…

Người dân Hà Giang đã trở thành người tiêu dùng thông minh khi bắt được tín hiệu thay đổi của hàng Việt Nam. Trước đây, khi Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mới đi được những bước đầu tiên, tín hiệu này còn mới mẻ, nhưng dần dần, người dân Hà Giang đã nhận thấy càng ngày hàng Việt Nam càng có nhiều ưu điểm như nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; đa dạng về mẫu mã, chủng loại, chất lượng tốt, giá thành hợp lý… Do vậy, những năm gần đây, người  tiêu dùng Hà Giang thường xuyên mua sắm, tiêu dùng các mặt hàng sản xuất trong nước, từ các loại lương thực, thực phẩm, quần áo, đến đồ điện tử, điện lạnh như quạt điện, nồi cơm điện, tủ lạnh, bình nước nóng... Dùng thấy tốt, thấy rất thích, mỗi người dân Hà Giang đã trở thành một đại sứ của thương hiệu Việt khi mà rất tích cực tuyên truyền, vận động người thân, bạn bè ưu tiên sử dụng hàng Việt, góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo nên nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt.

Hàng Việt giờ đã chiếm tỷ lệ từ 60% đến 90% thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Tại các chợ, cửa hàng tiện lợi, hàng Việt chiếm từ 60% trở lên. Còn ở hệ thống các siêu thị Vinmart thì hàng Việt chiếm đến 90%. Các chủ cửa hàng bán lẻ, siêu thị tại hà Giang đều thừa nhận nhân dân bây giờ dùng nhiều hàng Việt nên cửa hàng họ cũng nhập nhiều hàng Việt. Những nguồn hàng khác cũng được nhập nhưng với số lượng có hạn.

ha giang hang viet nhan dan
Những sắc mầu ăn uống của người dân tộc Hà Giang

Một trong những giải pháp quan trọng góp phần làm nên thành công chung của Cuộc vận động đó là ngành Công Thương đã tổ chức những phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi. Tham dự những phiên chợ này ở Hà Giang sẽ là những trải nghiệm khó quên không chỉ đối với nhân dân địa phương, tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi cho đồng bào các dân tộc nơi diễn ra phiên chợ; họ gặp gỡ, giao lưu, thưởng thức các tiết mục văn nghệ và quan trọng hơn họ được tiếp cận và mua sắm những mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày do Việt Nam sản xuất với giá cả hợp lý so với thu nhập của bà con; mà đối với khách du lịch ở nơi xa đến với Hà Giang đây sẽ là trải nghiệm đặc biệt. Những phiên chợ như khoác thêm một vẻ mới mẻ, năng động cho bức tranh đầy mầu sắc nơi vùng cao nguyên đá kỳ vĩ!

Đại diện Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến Công Thương tỉnh Hà Giang cho biết từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm đã tổ chức 4 phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi tại xã Lũng Cú (Đồng Văn), Niêm Tòng (Mèo Vạc), Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) và Nà Chì (Xín Mần). Mỗi phiên chợ được tổ chức từ 3-4 ngày, với 24 gian hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hàng hóa trưng bày, giới thiệu bán tại các phiên chợ được sản xuất trong nước; đa dạng, phong phú về mẫu mã, chủng loại đã giúp bà con các địa phương nơi tổ chức phiên chợ và vùng lân cận tiếp cận với hàng hóa Việt Nam có giá cả phù hợp.

Đi chợ phiên đưa hàng Việt về miền núi, nhân dân Hà Giang cũng khấp khởi đến chợ rất sớm để mua sắm những mặt hàng thiết yếu cho gia đình. Bà con rất vui vì được ngắm nhìn, sờ tận tay những mặt hàng do Việt Nam sản xuất vừa rẻ vừa đẹp, và khi ưng ý thì hoàn toàn có thể mang về nhà.

ha giang yeu hang viet dong
Rất nhiều sản phẩm của Hà Giang không chỉ được người Hà Giang ưu chuộng mà còn được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước

Khi thương hiệu Việt cất cánh

Trước một thị trường đa dạng như Hà Giang, các nhà sản xuất cũng không ngừng tạo ra những kỳ tích.

Là một trong số ít hợp tác xã (HTX) của tỉnh gây dựng thành công thương hiệu từ cây chè Shan tuyết cổ thụ địa phương, sản phẩm Fìn Hò Trá của HTX Chế biến chè Phìn Hồ (Hoàng Su Phì) giờ đây đã vươn ra các thị trường trong nước và quốc tế, trở thành niềm tự hào của những người yêu chè cổ thụ Hà Giang. Hiện nay, HTX có 5 dòng chè đó là: Trà xanh, Hồng trà, Trà đen, Bạch trà, Trà Tiên. Mỗi loại sản phẩm đều có hương và vị khác nhau, với giá bán từ 300 nghìn đồng đến 12 triệu đồng/kg. Với chất lượng thơm, ngon, đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, các sản phẩm chè của HTX đã chiếm trọn niềm tin của người tiêu dùng. Để tiếp cận với khách hàng tại các tỉnh, thành, HTX đã xây dựng 6 nhà phân phối với trên 200 điểm bán hàng trong cả nước; đặc biệt liên kết đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị Winmart và chuỗi cửa hàng Sài Gòn Co.opmart.

Ngoài ra, các sản phẩm của HTX đã xuất khẩu sang một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Nga, Đức… nhận được sự đánh giá cao của người tiêu dùng. Giám đốc HTX, Lý Mùi Mương cho biết: Thời gian tới, HTX tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, mẫu mã, đảm bảo phát triển bền vững thương hiệu Fìn Hò trà. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, thu hái, sơ chế chè cho nông dân, đảm bảo theo tiêu chuẩn hữu cơ để giữ vững chất lượng sản phẩm, xứng đáng với niềm tin của người tiêu dùng, góp phần khẳng định vị trí của thương hiệu Việt.

ha giang yeu hang viet nam
Hàng Việt ngày càng chiếm được niềm tin và tình cảm của người tiêu dùng.

Cùng với các nhà sản xuất, doanh nghiệp trong cả nước; các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã đồng hành cùng Cuộc vận động bằng những việc làm thiết thực như: Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm; tăng cường thông tin, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng; phát triển hệ thống mạng lưới đại lý bán buôn, bán lẻ tới tận các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Thường xuyên thực hiện các chương trình khuyến mãi; coi trọng chế độ bảo hành sản phẩm và cam kết với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm... Qua đó, giúp hàng Việt ngày càng chiếm được niềm tin và tình cảm của người tiêu dùng.

Đến nay, rất nhiều sản phẩm của Hà Giang không chỉ được người Hà Giang ưu chuộng mà còn được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như: Mật ong Bạc hà, chè Shan tuyết, bánh, bún Tam giác mạch, thịt lợn đen, thịt bò khô, thịt gà đen, cơm Lam, gạo Già Dui, bánh Khảo, quần áo, gia vị, nước rửa bát, xà phòng, kem đánh răng, dầu gội đầu, máy móc nông cụ, thiết bị điện tử...

Nhiều làng nghề cũng nhờ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà được quảng bá, giới thiệu rộng rãi như: Chạm bạc, dệt vải lanh, khèn, giấy bản, rèn…

Đặc biệt, toàn tỉnh Hà Giang hiện đã có trên 200 sản phẩm OCOP, với nhiều sản phẩm đã được xây dựng thương hiệu, có chất lượng cao, bền đẹp, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Trong ăm 2020 và 2021, trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tỉnh Hà Giang đã khai thác có hiệu quả một số sàn giao dịch điện tử như: dacsanhagiang.net, Sendo, PostMart, AutoAgri.vn, Voso.vn… và gian hàng thực tế ảo 3D để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của Hà Giang như: cam; chè, mật ong… Đồng thời xây dựng được nhiều điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm; mở rộng điểm bán hàng Việt ở các siêu thị, cửa hàng như: Vinmart, Phoenix center, HT…

Với rất nhiều cố gắng và sự vào cuộc đồng bộ, đến nay, hàng hóa các doanh nghiệp trong nước sản xuất chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, cũng như các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Hà Giang đã trở thành ưu tiên lựa chọn của đại đa số người tiêu dùng ở tỉnh Hà Giang.

Ngô Minh