Tại vùng đất Phú Yên “hoa vàng cỏ xanh”- nơi được mệnh danh là xứ sở du lịch, trong năm 2022, hoạt động thương mại, dịch vụ của tỉnh ổn định và tăng trưởng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thực hiện đạt gần 43.900 tỷ đồng, vượt 17,6% kế hoạch. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thực hiện hơn 23.600 tỷ đồng, đạt 51,4% kế hoạch, tăng 12,7% so với cùng kỳ. Có được kết quả này không thể không kể đến sự lan tỏa của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tại thành phố Tuy Hòa, hàng hóa Việt Nam chiếm 90% số lượng hàng hóa của siêu thị Co.opmart Tuy Hòa. Siêu Thị Mini V’mart là điểm giới thiệu, bán các mặt hàng sản phẩm OCOP của địa phương, trong 6 tháng đầu năm 2023, đã có 48 sản phẩm được đánh giá và công nhận là sản phẩm OCOP, đến nay có 115 sản phẩm OCOP trên toàn tỉnh, trong đó có 9 sản phẩm 4 sao và 106 sản phẩm 3 sao.
Tỉnh Phú Yên đã hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng, miền tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Việc đưa hàng Việt về nông thôn là một trong những hoạt động chính của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Việc tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong thời gian qua được Sở Công Thương tỉnh Phú Yên và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Năm 2022, tổ chức 02 phiên đưa hàng Việt về miền núi tại xã Ea Chà Rang và xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa với 9 doanh nghiệp tham gia, thu hút 5.800 lượt khách tham quan mua sắm với doanh thu bán hàng đạt 169,2 triệu đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Phú Yên đã tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi trên địa bàn huyện Sông Hinh và huyện Sơn Hòa với 8 doanh nghiệp tham gia cung cấp hàng hóa, thu hút được 4.350 khách tham quan, mua sắm, doanh số đạt 275 triệu đồng; tổ chức đưa hàng Việt về tại thành phố Tuy Hòa thu hút hơn 26 doanh nghiệp tham gia với 18 gian hàng, hơn 2.000 lượt khách tham quan, mua sắm, doanh thu 551 triệu đồng; đợt tháng 6/2023, đã tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi trên địa bàn huyện Sông Hinh với 10 doanh nghiệp tham gia cung cấp hàng hóa, thu hút được 4.500 khách tham quan, mua sắm, doanh số đạt 157,5 triệu đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh Phú Yên cũng đã tập trung phát triển các điểm bán hàng Việt cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, trong đó có nhiều hỗ trợ đối với các cửa hàng tiện lợi. Trong năm 2022, đã hỗ trợ xây dựng 08 điểm bán hàng Việt tại tại các huyện, thị xã, thành phố: Sơn Hòa, Tuy An, Sông Cầu, Tuy Hòa; xây dựng 45 điểm bán hàng Việt Nam cố định tại các huyện, thị xã, thành phố từ nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương; xây dựng 47 cửa hàng tiện lợi để qua đó tạo kênh bán lẻ hàng Việt đến người tiêu dùng đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý.
Người dân Phú Yên ai cũng thừa nhận: Hiện nay mặt hàng phục vụ tiêu dùng của người dân khá nhiều từ nhiều thương hiệu trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hàng hóa thương hiệu Việt luôn được ưu ái bày bán ở các cửa hàng tiện lợi vị trí ở trung tâm xã, thị trấn, tại các vị trí trung tâm của cửa hàng. Đa số mặt hàng có giá cả hợp lý, chất lượng tốt, hình thức cũng được cải tiến nên càng ngày càng hấp dẫn.
Tận dụng thế mạnh du lịch, Phú Yên cũng đã có những hướng đi khá thú vị cho hàng Việt Nam. Đó là thông qua chương trình OCOP để tăng cường đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch cộng đồng trải nghiệm để vừa kích cầu du lịch, vừa tạo công ăn việc làm cho bà con Phú Yên cũng như xây dựng một hình ảnh về du lịch Việt Nam rất chuyên nghiệp, hấp dẫn khách du lịch khắp nơi. Bây giờ, khách du lịch quốc tế đến xứ hoa vàng cỏ xanh ngoài câu chuyện về Gềnh Đá Đĩa, còn là sự tò mò muốn trải nghiệm tại nông trại xinh xắn có tên Mộc Miên Rocky Garden - sứ giả của cộng đồng làng quê, được xếp hạng OCOP 4 sao.
Đây là mô hình homestay tập hợp nhiều loại hình trải nghiệm về văn hóa, du lịch, nông nghiệp, học tập… được xây dựng theo lối kiến trúc cổ, nằm lồng ghép trong các xóm nhỏ, kết nối trực tiếp với các ngõ làng. Nhờ vậy, du khách có thể đến trải nghiệm, tiếp xúc với người dân bản địa để tìm hiểu nét văn hóa độc đáo ở đây, như: tìm hiểu kiến trúc xây làng bằng đá của người xưa; trải nghiệm canh tác lúa nước; trồng rau, nông sản hữu cơ để bán cho HTX…
Trong cuộc làm việc với Phú Yên hồi tháng 7, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban chỉ đạo Hoàng Công Thủy cũng đã ghi nhận và đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và vai trò của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tỉnh Phú Yên trong những năm qua đã có nhiều cố gắng trong tổ chức triển khai thực hiện Cuộc vận động một cách chủ động, đúng hướng, kịp thời, phù hợp với tình hình của địa phương. Hàng năm, tỉnh đã tổ chức phiên chợ hàng Việt để giới thiệu hàng Việt về nông thôn, miền núi, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, phát triển các điểm bán hàng Việt cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh.
Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có đủ điều kiện để bước sang giai đoạn “chinh phục người Việt Nam”, Phú Yên còn rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, mục tiêu thì chỉ có một, đó là: khi nhận thức của người dân đã ưu tiên mua sắm hàng Việt Nam, đã coi trọng hàng Việt là ưu tiên hàng đầu cho việc lựa chọn, thì toàn bộ hệ thống chính trị, từ nhỏ nhất là các cửa hàng, siêu thị đến các cấp, các ngành dịch vụ của Phú Yên cũng cần nâng cao trách nhiệm về quản lý đảm bảo chất lượng, mẫu mã cũng như nguồn gốc hàng hóa. Để người tiêu dùng ngày càng tin tưởng và lựa chọn mua hàng Việt Nam ngày một nhiều hơn!