Hiện thực hóa cơ hội của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực

ThS. PHAN THỊ NGỌC UYÊN (Khoa Chính trị - Luật, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

EVFTA là hiệp định thế hệ mới đã được ký kết giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Đây là cơ hội to lớn đối với Việt Nam trong việc đưa hàng hóa vào thị trường rộng lớn nhưng cũng rất khắt khe này. Việc nghiên cứu và tìm hiểu những vấn đề liên quan đến EVFTA có ý nghĩa to lớn, song cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Mục đích bài viết nhằm tìm kiếm các giải pháp để hiện thực hóa cơ hội cho các DNVVN sau khi EVFTA có hiệu lực, dự kiến vào tháng 7/2020.

Từ khóa: Doanh nghiệp vừa và nhỏ, EVFTA, thỏa thuận, thách thức, cơ hội.

1. Đặt vấn đề

EVFTA là hiệp định thương mại tự do thứ 13 Việt Nam tham gia. Những nội dung chính của hiệp định này là thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ,… EVFTA mang lại nhiều cơ hội trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp (DN) trong nước, tạo việc làm cho người lao động, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước. Đồng thời, EVFTA cũng mang đến cho người tiêu dùng trong nước những hàng hóa chất lượng từ các nước đối tác với giá cả cạnh tranh, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống. Song, tự do hóa thương mại đã đặt ra cho DN trong nước trước nhiều thách thức về năng lực cạnh tranh, những áp lực về hàng rào phi thuế quan khi muốn tiến sâu hơn nữa vào thị trường EU.

Để tận dụng tối đa những cơ hội, chinh phục những thách thức, mang lại lợi ích lớn nhất về cho mình thì DN và các cơ quan ban ngành của Nhà nước cần có quá trình chuẩn bị chu đáo về tất cả những vấn đề có liên quan. Đầu tiên, là phải tìm hiểu về đặc điểm của thị trường EU và những quy định cơ bản của hiệp định. Tiếp theo, là chuẩn bị đầy đủ nguồn lực để chủ động hội nhập tốt vào thị trường EU.

2. Những cơ hội và thách thức sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực

2.1. Cơ hội

EU với dân số trên 450 triệu người, là liên minh của những nước có nền kinh tế phát triển, là thị trường tiêu thụ rộng lớn với sức mua cao, là mục tiêu của rất nhiều DN xuất khẩu hàng hóa. EU luôn đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sản phẩm hàng đầu trên thế giới. Người dân EU rất thích hàng hóa nông sản của Việt Nam, đặc biệt là các loại rau củ quả nhiệt đới như: vải, nhãn, thanh long, cà phê...

Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Và gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay. [7]

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nước ta, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng khoảng 20% vào năm 2022, hơn 42% vào năm 2025 và hơn 44% vào năm 2030. Các ngành như dệt may, giày dép là ngành được hưởng lợi nhiều nhất với tăng trưởng xuất khẩu đến năm 2035 có thể đạt thêm 13,49 tỷ Euro. Ngay sau khi hiệp định này có hiệu lực, các mặt hàng cà phê, sản phẩm rau củ quả, nước hoa quả, hoa tươi được xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu. Với mặt hàng thủy sản, một nửa dòng thuế sẽ được xóa ngay. Các mặt hàng như máy tính, sản phẩm điện tử, 74% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu. Các mặt hàng như dệt may, giày dép lần lượt có hơn 42% và 37% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ. EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033) [5]. Thị trường EU hiện đang chiếm tỷ trọng 17% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản [6]. Tiếp cận thị trường EU giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường truyền thống, mở “cánh cửa khác” cho hàng hóa Việt Nam khi thị trường truyền thống gặp rủi ro.

Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, sản xuất nông nghiệp, dệt may, giày da hiện nay vẫn là lợi thế của Việt Nam. EVFTA mở ra cơ hội tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu rất lớn cho các DN, trong đó có DNVVN. Với thị trường EU, sau khi EVFTA có hiệu lực, tất cả các loại hàng hóa đáp ứng yêu cầu thì tự động sẽ được vào. Thị trường nông sản EU mặc dù khó tính nhưng cũng rất minh bạch. Nếu DN tiếp cận được thì cần phải chủ động chuẩn bị các vấn đề về kỹ thuật trong quy trình xuất khẩu hàng hóa.

2.2. Thách thức

Cơ hội lớn nhưng chỉ trở thành lợi ích thực sự khi DN chuẩn bị đủ nội lực để tham gia. EVFTA được ví như “đường cao tốc”, để nhanh đến đích, DN phải chuẩn bị tốt năng lực cạnh tranh, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của Nhà nước. Theo nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về hiểu biết của DNVVN đối với Hiệp định EVFTA năm 2019, có khoảng 2.500 DN phản hồi về cuộc điều tra này - chỉ có 1% DN đã tìm hiểu kĩ những cam kết liên quan đến DN của mình, 21% đã tìm hiểu một số, còn lại chỉ nghe nói đến. Điều này chứng tỏ DN còn rất mơ hồ về Hiệp định EVFTA cũng như các quy định, điều khoản liên quan đến mình.

Một trong những hạn chế lớn của DNVVN là không có hoặc có rất ít khả năng nghiên cứu thị trường. DNVVN bán hàng hóa ra thị trường căn cứ vào quan sát thực tiễn, nhưng với thị trường nước ngoài, đặc biệt là các thị trường cao cấp như EU, việc khảo sát thị trường để xây dựng chiến lược sản phẩm là điều bất khả thi. DN không tự trả lời cho các câu hỏi: EU chuộng loại hàng hóa gì? Cách thức xuất khẩu hàng hóa qua thị trường đó như thế nào? Những thủ tục pháp lý liên quan?…

Hiệp định EVFTA là những thỏa thuận về tự do hóa thương mại giữa EU và Việt Nam. Do vậy, những hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam mới được hưởng những ưu đãi thuế quan từ Liên minh châu Âu, đặc biệt là hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy hải sản, nông sản… Nghĩa là, tỷ lệ nội địa hóa hàng hóa Việt Nam phải đạt từ 40-45%. Tuy nhiên, việc sản xuất những hàng hóa này ở Việt Nam phần lớn sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài như: sợi vải, phân bón, thuốc trừ sâu, hạt giống, bột gỗ nguyên liệu… Nếu tỷ lệ nội địa hóa không đạt như yêu cầu, sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan. EVFTA có những điều kiện chặt chẽ về các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi thâm nhập vào thị trường, như là: nguyên tắc xuất xứ, tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường.

Đặc điểm nổi bật của thị trường EU đối với hàng hóa nông sản, thực phẩm là tiêu chuẩn cao về an toàn vệ sinh thực phẩm. Hàng rào thuế quan dần gỡ bỏ nhưng thay vào đó là hàng rào phi thuế như các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, nguyên tắc xuất xứ, sử dụng lao động… lại là thách thức rất lớn đối với DNVVN của Việt Nam.

DNVVN của nước ta phần lớn chưa chú trọng đúng mức đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó, điều này lại là tiêu chuẩn quan trọng hàng đầu ở thị trường EU. Trước đây, hàng hóa nông sản của Việt Nam thường có tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng kháng sinh vượt chuẩn cho phép. Hiện thực này lặp lại nhiều lần đã trở thành cảnh báo của người tiêu dùng EU về hàng hóa nông sản Việt Nam. Bên cạnh đó, có nhiều DN thực hiện một số hành vi gian lận như tiêm rau câu nhằm tăng trọng lượng tôm, trộn các loại hạt tương tự có giá trị kinh tế thấp hơn và hạt tiêu… Những việc làm này của một số ít DN đã làm ảnh hưởng lớn đến toàn bộ các DN Việt Nam khác xuất khẩu hàng hóa sang EU.

Thị trường EU cũng rất chú trọng đến tính đồng nhất của nông sản, trong đó có rau củ quả, nghĩa là phải có sự tương đồng về kích thước, màu sắc, kiểu dáng với cùng loại nông sản. Người tiêu dùng EU không quan tâm đến vùng miền, địa phương sản xuất sản phẩm mà chỉ quan tâm sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam. Điều này là thách thức lớn đối với DNVVN, vì quy mô sản xuất của loại hình DN này nhỏ, phân tán, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác từng vùng miền nên sản phẩm khó có thể đồng nhất. Hàng Việt không đủ tiêu chuẩn sẽ không vào được thị trường EU. Trong khi đó, hàng hóa rau quả chất lượng cao từ khu vực này sẽ tràn vào thị trường Việt Nam. Thách thức cạnh tranh tồn tại ngay trên “sân nhà”.

Theo bà Võ Thị Thu Trang - Giám đốc văn phòng VCCI, không chỉ có những vấn đề an toàn thực phẩm mà các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, vấn đề lao động, bình đẳng giới, kiểm soát gian lận thương mại là những thách thức trong khi tham gia EVFTA. Hiệp định EVFTA còn đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến quá trình sản xuất, như: DN sản xuất hàng hóa phải đảm bảo xử lý chất thải, nước thải theo những quy định, hạn chế gây ô nhiễm môi trường, quy định về nhiệt độ, tỷ lệ bụi trong không khí, không sử dụng lao động trẻ em, không để xảy ra sự bất bình đẳng giới trong DN… Để tận dụng cơ hội, vượt qua những thách thức nói trên, ngoài việc nỗ lực nâng cao nội lực cạnh tranh, cần phải có sự đồng hành của các cơ quan Nhà nước liên quan đến vấn đề kí kết và tham gia Hiệp định.

3. Những vấn đề mang tính giải pháp nhằm hiện thực hóa cơ hội của các DNVVN

3.1. Về phía DNVVN

DNVVN muốn tận dụng cơ hội cần phải thực hiện tốt hai việc: tìm hiểu những thông tin về các quy định, điều khoản của hiệp định liên quan đến mình và chuẩn bị thật tốt năng lực cạnh tranh.

Một là, tìm hiểu những thông tin về các quy định, điều khoản của hiệp định. DN phải chủ động tìm hiểu kĩ những quy định, điều khoản về xuất xứ hàng hóa và về xin chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Trong quá trình xin chứng nhận xuất xứ, có những vướng mắc thì DN phải chủ động liên hệ với cơ quan chức năng địa phương để được hướng dẫn, tháo gỡ. Về lâu dài, DN chủ động tự làm chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Trong giai đoạn đầu, những DNVVN tham gia thành lập hiệp hội DN sản xuất và xuất khẩu để hỗ trợ nhau về thủ tục pháp lý hoặc tham gia và chuỗi cung ứng hàng hóa. DN chỉ tập trung sản xuất, vấn đề thủ tục xuất khẩu đã có một DN lớn hơn trực tiếp đảm nhận. Về lâu dài, khi đã chuẩn bị đủ lực, DN có thể tách ra kinh doanh độc lập.

Hai là, chuẩn bị nội lực tốt để hội nhập tốt. Bên cạnh việc tìm hiểu các điều luật, quy tắc về EVFTA, chất lượng hàng hóa là yếu tố quyết định sự thành công khi tham gia vào sân chơi này. DNVVN phải thay đổi tập quán kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát sang tư duy kinh doanh chuyên nghiệp, chuẩn bị mọi mặt để nâng cao chất lượng hàng hóa, hiện đại hóa công nghệ sản xuất, nâng cao trình độ lao động, chuyên nghiệp hóa công tác quản trị DN, chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước để đảm bảo nguyên tắc xuất xứ.

Chủ động nguồn nguyên liệu, nhất là nguồn nguyên liệu trong nước đối với mặt hàng gỗ, dệt may, giày da. DN cần liên kết lại và liên kết lâu dài với bên cung cấp nguồn nguyên liệu - như bột gỗ, thuộc da, sợi vải. Hơn nữa, DN không mua nguyên liệu theo thời vụ để hạn chế sự bấp bênh về giá và sự bất đồng về chất lượng. Các DNVVN nên tham gia Hiệp hội để hỗ trợ nhau trong công tác pháp lý, thực hiện đúng các cam kết với đối tác. Tham gia hiệp hội còn giúp DNVVN chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, xây dựng chuẩn sản phẩm, đảm bảo được tính đồng nhất của sản phẩm theo sở thích, yêu cầu của người tiêu dùng EU. Đối với hàng hóa thủy hải sản nuôi trồng, DN phải tuyệt đối tuân thủ những quy định an toàn vệ sinh thực phẩm như không dư lượng kháng sinh, không thuốc kích thích tăng trưởng. Đối với các hải sản đánh bắt, cần nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng của EU đối với hàng hóa thủy hải sản Việt Nam.

3.2. Về phía Nhà nước

Trong giai đoạn đầu tham gia EVFTA, Nhà nước cần hỗ trợ theo hướng đồng hành cùng DN, đặc biệt là hỗ trợ về thủ tục pháp lý liên quan đến xuất khẩu. Trước hết, các cơ quan chức năng cần xây dựng trung tâm cung cấp thông tin và tư vấn đến DN. Nếu có xảy ra vướng mắc hay phát sinh vấn đề DN không tự giải quyết được, trung tâm sẽ hỗ trợ DN giải quyết. Cụ thể là, giúp DN khảo sát thị trường để DN chủ động xây dựng chiến lược các mặt hàng xuất khẩu (quy mô sản xuất và xuất khẩu, quy cách đóng gói sản phẩm, các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến sản phẩm…). Nhà nước cần đồng hành với DN trong chứng nhận xuất xứ hàng hóa ở thời gian đầu, khi họ mới bất đầu đưa sản phẩm vào thị trường EU. Đồng thời, Nhà nước hướng dẫn để DN chủ động tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Ngoài ra, cần thường xuyên tổ chức các hội chợ, triễn lãm hàng hóa Việt Nam tại thị trường EU để quảng bá cho thương hiệu Việt, giúp người tiêu dùng châu Âu nhanh chóng nắm bắt những thông tin chính xác, kịp thời, tạo lòng tin của họ về hàng hóa Việt Nam.

Nhà nước cũng cần hoàn thiện thể chế kinh tế để tạo môi trường pháp lý đầy đủ, phù hợp với những quy định, thể lệ chung của thế giới cũng như của các hiệp định về thương mại tự do, giúp các DN có cơ sở pháp lý xây dựng chiến lược kinh doanh của mình.

4. Kết luận

Hiệp định EVFTA là một bước tiến mới trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Sự phát triển trong tiến trình tự do hóa thương mại đem lại nhiều lợi ích to lớn cho tất cả các nước tham gia. Trong bài viết này, phân tích, bình luận những thách thức và cơ hội đối với các DNVVN của Việt Nam từ việc kí kết Hiệp định EVFTA, từ đó, đề xuất những giải pháp để các DNVVN vượt qua những thách thức, hiện thực hóa cơ hội, tiến sâu vào thị trường EU, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006). Giáo trình Kinh tế chính trị Mác - Lênin (Dùng cho các khối ngành Kinh tế, Quản trị kinh doanh trong các trường đại học, cao đẳng), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  2. TS. Hoàng Thị Chỉnh, PGS.TS. Nguyễn Phú Tụ, ThS. Nguyễn Hữu Lộc (2005). Giáo trình Kinh tế quốc tế, NXB Thống kê.
  3. Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, Ủy ban thương mại quốc gia Thụy Điển (2005). Tác động của các Hiệp định WTO đối với các nước đang phát triển, Hà Nội.
  4. Wikipedia, Liên minh EU,

<https://vi.wikipedia.org/wiki/Li%C3%AAn_minh_ch%C3%A2u_%C3%82u> truy cập ngày 5/3/2020.

  1. Trang thông tin điện tử Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh EU - EVFTA,

<http://evfta.moit.gov.vn/?page=overview&category_id=fb203c7b-54d6-4af7-85ca-c51f227881dd>, truy cập ngày 21/02/2020

  1. Tạp chí Thông tin đối ngoại online, EVFTA: Doanh nghiệp Việt cần làm gì để bước vào ‘sân chơi lớn’?, <http://tapchithongtindoingoai.vn/kinh-te-dau-tu/evfta-doanh-nghiep-viet-can-lam-gi-de-buoc-vao-san-choi-lon-24443> truy cập ngày 02/3/2020.
  2. Tạp chí Tài chính online, Những nội dung chính trong Hiệp định EVFTA, <http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/nhung-noi-dung-chinh-trong-hiep-dinh-evfta-319017.html.> truy cập ngày 05/3/2020.

 

HELPING VIETNAMESE SMALL AND MEDIUM-SIZED ENTERPRISES ACTUALIZE OPPORTUNITIES BROUGHT BY THE EVFTA

Master. PHAN THI NGOC UYEN

Faculty of Politics and Law, Ho Chi Minh City University of Food Industry

ABSTRACT:

EU - Vietnam Free Trade Agreement (EVFTA) is a new generation agreement signed between Vietnam and the EU. This is a great opportunity for Vietnam to export goods to the EU which is a large but strict market. It is necessary for Vietnamese exporters, especially small and medium-sized ones, to study and understanding issues related to the EVFTA which is going to take effect from July, 2020 in order to boost their exports to the EU. This article proposes some solutions for small and medium-sized enterprises of Vietnam to exploit opportunities brought by the EVFTA.

Keywords: Small and medium-sized enterprises, EVFTA, agreement, challenges, opportunities.