Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển - Thực trạng ở Việt Nam và kinh nghiệm của một số nước

THS. MAI THỊ LỤA (Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Đảng và Nhà nước ta thời gian qua đã ban hành rất nhiều chính sách có tác động tích cực tới việc phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (DN VVN), tạo môi trường thông thoáng, bình đẳng cho các loại hình doanh nghiệp. Song, trong quá trình hoạt động, các DN VVN cũng gặp không ít những khó khăn. Điều này đòi hỏi cần phải có một cơ chế chính sách cụ thể để hỗ trợ các DN VVN ở Việt Nam phát triển, vượt qua được những cơn bão của thị trường thế giới, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Bài viết phân tích thực trạng hỗ trợ DN VVN của Việt Nam và một số nước, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ nhằm giúp DN VVN phát triển trong thời gian tới.

Từ khóa: Doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp.

1. Thực trạng về hỗ trợ phát triển DN VVN ở Việt Nam hiện nay

Theo số liệu thống kê năm 2018, số lượng DN VVN đều có xu hướng tăng lên, điều này cho thấy sự phát triển không ngừng của các doanh nghiệp - trong đó, DN vừa tăng 24,7%, DN nhỏ tăng 22,3% và tỷ trọng bộ phận DN này tăng 6% so với năm 2012. Nhận thức được điều này, Nhà nước cũng đã chú trọng tới việc hỗ trợ phát triển nhóm DN VVN với một số kết quả đáng khích lệ. Theo điều tra, khảo sát 305 DN VVN trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố - Nam Định; Hà Nội; Thái Bình; Hưng Yên, đã cho thấy những thành tựu thể hiện rất rõ nét:

Có 87,54% doanh nghiệp (DN) được hỏi cho rằng khung pháp lý liên quan đến khâu đăng ký kinh doanh và gia nhập thị trường đã thuận tiện hơn, thời gian rút ngắn hơn. Điều này được minh chứng bằng việc năm 2018 có 131,3 nghìn DN thành lập mới, tăng 3,5% so với tổng số vốn đăng ký là 1478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% so với năm 2017.

80,33% các DN cho rằng việc tiếp cận vốn đã ngày càng trở nên dễ dàng hơn thông qua các chính sách vay vốn linh hoạt, rộng mở của các ngân hàng. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước thì cuối năm 2018, dư nợ cho vay của nền kinh tế tăng 18,36% so với cùng kỳ năm 2017, với tổng số doanh nghiệp còn quan hệ tín dụng với ngân hàng chiếm 50% DN VVN.

Nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: Chương trình và chính sách hỗ trợ DN VVN, hỗ trợ lệ phí môn bài, hỗ trợ tư vấn, hỗ trợ phát triển nhân lực… theo Nghị định số 39/2018/NĐ-CP mà 69,84% các DN tự thấy rằng năng lực cạnh tranh của DN mình đã dần được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi tích cực trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển cũng vẫn còn tồn tại không ít những vấn đề đòi hỏi Chính phủ phải có biện pháp giải quyết triệt để:

Hầu hết các DNđược hỏi cho rằng Luật Kinh doanh hiện nay vẫn còn tồn tại kẽ hở (96,72% DN). Ví dụ như, việc các DN đóng cửa song vẫn tồn tại những DN chỉ đi vào trạng thái tạm ngừng hoạt động khiến việc tái sử dụng tài sản của DN không đạt hiệu quả…

66,89% DN cho rằng, chính sách thuế còn phức tạp, thiếu ổn định với nhiều mức thuế và tốn thời gian để thực hiện các quy định về thuế.

70,82% DN cho rằng, việc tiếp cận đất đai còn khó khăn, điều này là bởi nguồn lực khan hiếm trong điều kiện dân số nước ta khá đông. 72,46% DN thấy vướng mắc trong các thủ tục về quyền sử dụng đất, điều này gây cản trở rất lớn tới sự tồn tại và phát triển của DN do liên quan đến vấn đề về mặt bằng, việc tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng…

Nhà nước chưa có được chính sách thương mại hỗ trợ phát triển DN VVN hiệu quả. Trong đó, 32,13% DN cho rằng chưa thực hiện tốt chính sách hỗ trợ sản xuất, 37,05% cho rằng chính sách thị trường chưa tốt, đặc biệt là đối với thị trường nước ngoài.

Việc đào tạo nguồn nhân lực cho các DN VVN đã được quan tâm, song lại chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Cụ thể là 68,52% DN cho rằng nội dung đào tạo chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu của DN, 36,72% ý kiến về chất lượng đào tạo chưa thật sự tốt.

2. Bài học kinh nghiệm về hỗ trợ phát triển DN VVN của một số nước

2.1. Nhật Bản

Nhật Bản đã xác định được những mục tiêu đúng đắn, rõ ràng đó là: Thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của các DN VVN, từng bước khắc phục những khó khăn mà các DN gặp phải, cố gắng hỗ trợ tối đa tính tự lực của bản thân DN. Để làm được những mục tiêu này, Nhật Bản đã triển khai những biện pháp cụ thể như sau:

Xây dựng hệ thống Luật, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các DN trong việc thành lập, đổi mới kinh doanh, trợ giúp về công nghệ, hạn chế rủi ro, hỗ trợ DN tránh tình trạng phá sản.

Hỗ trợ về vốn thông qua các khoản vay với lãi suất ưu đãi, các khoản vay nhỏ không đòi hỏi thế chấp. Đồng thời, thành lập các hệ thống bảo lãnh, các hiệp hội bảo lãnh tín dụng, các công ty tư vấn, đầu tư nhằm giúp DN VVN giải quyết vấn đề tài chính và giảm các vụ phá sản. Bên cạnh đó, Chính phủ còn tích cực hỗ trợ đổi mới về công nghệ nhằm giúp tăng sức cạnh tranh cho DN.

Đẩy mạnh hoạt động tư vấn quản lý, phát huy vai trò của Viện Quản lý kinh doanh nhỏ và Công nghệ thông qua các chương trình đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ quản lý, chuyên viên.

Hỗ trợ việc xuất khẩu thông qua việc cung cấp thông tin, hướng dẫn và các chính sách tạo điều kiện cho các hoạt động kinh doanh ở nước ngoài.

2.2. Hàn Quốc

Hàn Quốc cũng xây dựng cho mình những chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ linh hoạt, hiệu quả qua từng thời kỳ phát triển của nền kinh tế. Một số biện pháp mà Hàn Quốc đã thực hiện là:

Xác định được tầm nhìn để từ đó xây dựng được chiến lược phát triển DN phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội.

Xây dựng các chính sách hỗ trợ phù hợp với từng giai đoạn phát triển của DN: Khởi nghiệp - Nuôi dưỡng, thúc đẩy tăng trưởng - Tăng trưởng, toàn cầu hóa.

Đề ra các biện pháp nhằm giúp cân bằng sự phát triển của 2 bộ phận DN VVN và các tập đoàn lớn trong cả nước.

2.3. Thái Lan

Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Thái Lan đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, chính vì vậy, nhiều năm trở lại đây, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra các chính sách hỗ trợ chủ yếu như sau:

Tạo cơ sở pháp lý vững chắc minh bạch cho các DN VVN hoạt động.

Hỗ trợ về tài chính thông qua hệ thống ngân hàng.

Hỗ trợ bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các DN, đặc biệt là các sản phẩm mang tính truyền thống, giúp các DN nâng cao khả năng cạnh tranh trước các đối thủ đến từ nước ngoài.

 Trợ giúp các DN về mặt khoa học - kỹ thuật, đào tạo nguồn lực và cung cấp kịp thời đầy đủ các thông tin về thị trường giúp các DN nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Xây dựng và đẩy mạnh mối quan hệ giữa các DN VVN và các tập đoàn lớn trong nước.

Thành lập các cơ quan quản lý, đại diện hỗ trợ cho các DN VVN để giúp tư vấn, xử lý các rủi ro, khó khăn mà các DN gặp phải.

3. Một số giải pháp hỗ trợ DN VVN Việt Nam phát triển trong thời gian tới

3.1. Nhóm giải pháp tăng cường quản lý Nhà nước đối với DN VVN

Xây dựng chiến lược phát triển các DN VVN phù hợp với từng thời kỳ và phải gắn chặt với các quy hoạch tổng thể, cụ thể của nền kinh tế quốc dân.

Tiếp tục ban hành và triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN VVN.

 Hoàn thiện các chính sách hỗ trợ đã thực hiện, tháo gỡ khó khăn trong các quy định về vốn, đất đai, thuế…

Tích cực tạo mối quan hệ liên kết giữa các DN trong cả nước.

Xây dựng cơ chế, chính sách theo dõi hoạt động và ứng phó kịp thời trước các khó khăn của DN.

3.2. Nhóm giải pháp tăng cường tiếp cận vốn vay cho các DN VVN

Thường xuyên cung cấp thông tin về các điều kiện vay vốn, thời gian, thủ tục vay vốn của các tổ chức cho vay tới DN.

Trợ giúp DN trong các khâu: lập dự án kinh doanh, huy động và sử dụng vốn có hiệu quả

Xây dựng các chính sách cho vay ưu đãi hơn đối với các DN VVN, ví dụ như: giảm lãi suất, cơ chế thế chấp, tín chấp thuận tiện hơn…

3.3. Nhóm giải pháp cải cách hệ thống thuế

Phải hoàn thiện hệ thống thuế, đặc biệt là phải phù hợp với tình hình hội nhập như hiện nay.

Xây dựng hệ thống thuế cần đảm bảo tính khả thi, phù hợp với từng đối tượng nộp thuế.

Cần đảm bảo mọi DN hiểu và thực hiện tốt hệ thống chính sách thuế bằng việc cung cấp đầy đủ thông tin, đơn giản hóa cách tính thuế và thủ tục nộp thuế. Đặc biệt, nên phát triển hệ thống nộp thuế trực tuyến giúp DN tiết kiệm thời gian và chi phí.

Phải đảm bảo công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế đối với tất cả các DN. Tích cực tuyên truyền nâng cao tinh thần tự giác nộp thuế của DN.

Xây dựng chính sách thuế ưu đãi và cắt giảm các khoản thuế không cần thiết.

3.4. Nhóm giải pháp tăng cường xúc tiến thương mại

Tổ chức các buổi triển lãm hàng hóa trong và ngoài nước.

Hỗ trợ tư vấn thông tin qua các ấn phẩm, các buổi hội nghị, bồi dưỡng kỹ năng tìm kiếm và thích ứng với các thị trường tiềm năng mà DN có thể xâm nhập.

3.5. Nhóm giải pháp xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao

Hỗ trợ kinh phí cho các DN đào tạo nhân lực.

Tổ chức tư vấn, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với điều kiện của DN cũng như kiểm soát chất lượng, nội dung của các khóa đào tạo.

Xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các DN sử dụng lao động và các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề trên cả nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Niên giám thống kê 2018 (2018), Nhà xuất bản Thống kê.
  2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Phát triển doanh nghiệp (2017), Sách trắng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
  3. Ninh Thị Minh Tâm, Lê Ngự Bình (2017), Hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.
  4. Hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đài Loan, Tạp chí Kinh tế và Phát triển Hà Nội (2001), số 37.
  5. Nguyễn Lê Trung (2009), Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, Tạp chí Kinh tế và Dự báo kinh tế, số 2.

Solutions to support the growth of small and medium-sized enterprises – Current situation of Vietnam and lessons from some countries

Master. Mai Thi Lua

Faculty of Business Administration

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

The Communist Party of Vietnam and the Government of Vietnam have recently issued a lot of policies that have positive impacts on the development of domestic small and medium-sized enterprises (SMEs), creating an open and fair business environment for all types of businesses. Although these policies have taken effect, Vietnamese SMEs still face many difficulties in doing business. As a result, it is necessary to shape a specific policy mechanism to support the growth and enhance the competitiveness of Vietnamese SMEs. This article presents how SMEs are supported in Vietnam and some countries, thereby proposing solutions to support Vietnamese SMEs' development in the coming time.

Keywords: Small and medium-sized enterprise, enterprise, support enterprise.