Hiệu quả sản xuất của mô hình trồng lúa nếp ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang

THS. BÙI THỊ MỸ HẠNH (Bộ môn Kinh tế Tổng hợp, Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học An Giang - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu được tiến hành tại vùng trồng lúa nếp thuộc 3 xã ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Đề tài sử dụng các chỉ tiêu tài chính, như: Lợi nhuận/chi phí, lợi nhuận/thu nhập, lợi nhuận/tổng lao động để đánh giá hiệu quả sản xuất của nông hộ trồng lúa nếp. Thông qua các chỉ tiêu trên cho thấy, mô hình trồng lúa nếp mang lại hiệu quả cho nông hộ. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, nông hộ còn làm theo kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chưa hiệu quả. Nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất lúa nếp trên địa bàn nghiên cứu.

Từ khóa: Hiệu quả sản xuất, thu nhập, vùng trồng lúa nếp, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.

1. Đặt vấn đề

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nền tảng vững chắc trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. An Giang là một tỉnh có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn ở đồng bằng sông Cửu Long. Theo Quyết định số 1351/QĐ-UBND năm 2014 quy hoạch huyện Phú Tân là vùng chuyên canh lúa nếp. Việc hình thành vùng chuyên canh cây lúa nếp là do nông dân có nhiều năm canh tác, nông hộ được tiếp thu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hơn nữa, Phú Tân có đất phù sa hàng năm bồi đắp nên phù hợp canh tác lúa nếp, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo cho nông dân. 

Theo Quyết định số 915/QĐ-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô. Việc chuyển đổi theo hướng có thị trường tiêu thụ, phù hợp với điều kiện canh tác. Huyện Phú Tân thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khuyến khích nông dân trồng cây ăn trái, rau màu trên nền đất lúa nếp kém hiệu quả, vì vậy, diện tích trồng nếp giảm dần nhằm đảm bảo thu nhập và tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân. Diện tích lúa nếp chưa chuyển đổi đòi hỏi nông dân phải nâng cao chất lượng, năng suất và hiệu quả. Vì vậy, nghiên cứu đề tài “Hiệu quả sản xuất của nông hộ trồng lúa nếp ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang” là rất cần thiết.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Thời gian và địa điểm nghiên cứu

Nghiên cứu được tiến hành ở những xã trồng nhiều lúa nếp: xã Phú Thạnh, Hiệp Xương, Hòa Lạc. Thời gian được khảo sát từ tháng 7 đến tháng 10 năm 2019.

2.2. Mục tiêu nghiên cứu

Đề tài nghiên cứu nhằm phân tích hiệu quả sản xuất của nông hộ trồng lúa nếp ở huyện Phú Tân tỉnh An Giang:

(1) Thực trạng sản xuất của của nông hộ trồng lúa nếp ở huyện Phú Tân;

(2) Hiệu quả sản xuất của nông hộ trồng lúa nếp ở huyện Phú Tân;

(3) Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất lúa nếp của nông hộ ở huyện Phú Tân.

2.3. Phương pháp nghiên cứu

2.3.1. Cơ sở lý thuyết:

Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp:

- Chi phí sản xuất lúa nếp: là tất cả những chi phí mà nông hộ đã bỏ ra để sản xuất lúa nếp. Những loại chi phí như: chi phí làm đất, chi phí giống, chi phí phân, thuốc; chi phí tưới tiêu; chi phí thu hoạch và các loại chi phí khác.

- Thu nhập: là toàn bộ số tiền sẽ thu được do tiêu thụ sản phẩm, tức là tổng số tiền mà các hộ sản xuất lúa nếp nhận được khi bán lúa nếp.

- Lợi nhuận: là chỉ tiêu phản ánh kết quả cuối cùng của hoạt động sản xuất lúa nếp.

+ Lợi nhuận chưa tính công lao động nhà = Tổng doanh thu - Tổng chi phí (chưa tính công lao động nhà).

+ Lợi nhuận đã tính công lao động nhà = Tổng doanh thu - Tổng chi phí (đã tính công lao động nhà).

2.3.2. Phương pháp thu thập số liệu

Số liệu thứ cấp: Thu thập số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân, niên giám thống kê, cán bộ nông nghiệp 3 xã  (Phú Thạnh, Hiệp Xương, Hòa Lạc), hợp tác xã.

Số liệu sơ cấp: Số liệu được thu thập bằng bảng câu hỏi soạn sẵn, phỏng vấn trực tiếp 150 nông hộ trồng lúa nếp tại 3 xã bằng phương pháp phân tầng ngẫu nhiên. Các thông tin được thu thập bao gồm tình hình sản xuất lúa nếp trên địa bàn, chi phí sản xuất, thu nhập của nông hộ, những thuận lợi và khó khăn.

2.3.3. Phương pháp phân tích

Mục tiêu 1 sử dụng phương pháp thống kê mô tả.

Sử dụng công cụ excel và phần mềm SPSS để phân tích những số liệu điều tra, phỏng vấn.

Phân tích nguồn lực nông hộ:

- Các thông tin chung về chủ hộ (tuổi, trình độ học vấn,…).

- Các thông tin chung về tình hình sản xuất của nông hộ (diện tích đất, sản lượng, năng suất...).

- Vốn của nông hộ đầu tư cho các hệ thống canh tác.

Cơ cấu thu nhập của nông hộ:

- Thu nhập từ nông nghiệp, thuê mướn nông nghiệp, phi nông nghiệp và các khoản thu nhập khác.

- Đầu tư cho sản xuất và tiêu dùng của nông hộ.

Mục tiêu 2 sử dụng phương pháp so sánh, phân tích các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả tài chính.

- Chi phí sản xuất bình quân trên 1 ha của mô hình.

- Tổng thu/1 ha: Tổng giá trị sản lượng thu được trên 1 ha của mô hình.

- Lợi nhuận bình quân trên 1 ha của mô hình.

- Tỷ số lợi nhuận/chi phí (vốn đầu tư) = Tổng lợi nhuận/Tổng chi phí: cho biết với 1 đồng chi phí bỏ ra hộ gia đình sẽ thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận.

- Tỷ số lợi nhuận/thu nhập = Tổng lợi nhuận/Tổng thu nhập: cho biết với 1 đồng thu nhập nông hộ có được bao nhiêu đồng thu nhập ròng.

- Tỷ số lợi nhuận/lao động = Tổng lợi nhuận/Tổng lao động: cho biết với 1 ngày công lao động đầu tư nông hộ có được bao nhiêu đồng lợi nhuận.

Mục tiêu 3: Trên cơ sở các kết quả đã nghiên cứu được ở mục tiêu 1 và 2 làm cơ sở để đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất ở của nông hộ.

3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

3.1. Thực trạng sản xuất lúa nếp của nông hộ điều tra

3.1.1. Tổng quan về hộ sản xuất 

Qua số liệu từ Bảng 1 cho thấy, tuổi trung bình của các chủ hộ canh tác lúa nếp tại địa bàn nghiên cứu là tương đối cao, giữa 3 xã nghiên cứu không có sự chênh lệch lớn, chỉ dao động trong khoảng 45 tuổi, với độ tuổi trung bình này cho thấy hộ có nhiều kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp.

Bảng 1. Tình hình cơ bản của nông hộ canh tác lúa nếp

Tổng mẫu

Tuổi TB chủ hộ

Trình độ học vấn

ĐH CĐ

THPT

THCS

Tiểu học

Mù chữ

Phú Thạnh

50

45,43

0,00

6,66

16,67

60,00

16,67

Hiệp Xương

50

44,67

0,00

0,00

6,66

86,68

6,66

Hòa Lạc

50

45,05

0,00

10,00

5,00

75,00

5,00

Tổng

150

45,05

0,00

5,55

9,44

73,89

9,44

Nguồn: Số liệu điều tra trực tiếp nông hộ năm 2019

Tuy nhiên, qua điều tra cho thấy, trình độ học vấn của nông hộ chưa cao mặc dù có nhiều kinh nghiệm trong canh tác lúa nếp. Trình độ học vấn của chủ hộ phần lớn tiểu học chiếm 73,89%, kế đến là trung học cơ sở chiếm 9,44% và trung học phổ thông là 5,55%. Tỷ lệ mù chữ không cao chiếm 9,44%, không có nông hộ trình độ cao đẳng đại học. Từ bảng số liệu cho thấy trình độ học vấn chưa cao nên rất khó khăn trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đa phần nông hộ làm theo kinh nghiệm.

3.1.2 Tình hình sản xuất

Diện tích đất canh tác của nông hộ

Theo kết quả điều tra, diện tích trung bình/ha đối với vụ đông xuân là 2,2, vụ hè thu là 2 và thu đông là 1,8. Diện tích trung bình cả năm là 3,2, diện tích lớn nhất là 14,5 và nhỏ nhất là 0,4. Điều này cho thấy diện tích ở vùng chuyên canh nếp Phú Tân manh mún nhỏ lẻ. (Bảng 2)

Bảng 2. Tình hình canh tác của nông hộ

Đơn vị: ha

Diện tích

Đông xuân

Hè thu

Thu đông

Cả năm

Diện tích TB

2,2

2,0

1,8

3,2

Diện tích min

0,2

0,1

0,1

0,4

Diện tích max

8,5

6,4

4,3

14,5

Nguồn: Số liệu điều tra trực tiếp nông hộ năm 2019

Hòa với xu thế chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với tiềm năng của vùng, một số nông hộ đã chuyển đổi sang cây trồng khác nên diện tích bị thu hẹp.

3.2. Phân tích hiệu quả sản xuất của nông hộ canh tác lúa nếp ở huyện Phú Tân

3.2.1. Phân tích hiệu quả sản xuất lúa nếp theo các khoản mục chi phí
3.2.1.1. Phân tích chi phí sản xuất

Tổng chi phí sản xuất lúa nếp cả năm là 43.962.860 đồng/ha/năm do năm 2019 sâu, bệnh phức tạp khiến chi phí sản xuất cũng tăng cao. Trong đó, chi phí phân chiếm 30,06%, chi phí thuốc chiếm 21,17%, chi phí giống chiếm 5,69%, chi phí làm đất là 8,49%, chi phí thuê lao động chiếm 4,92%, chi phí tưới tiêu chiếm 3,91% và chi phí thu hoạch chiếm 25,76%. (Bảng 3)

Bảng 3. Chi phí và thu nhập của hộ sản xuất 3 vụ nếp/năm

ĐVT: 1000đ

Chỉ tiêu

Trung bình

%

Độ lệch chuẩn

Chi phí phân

13.213,12

30,06

4.215,78

Chi phí thuốc

9.305,41

21,17

3.825,54

Chi phí giống

2.500,33

5,69

597,41

Chi phí làm đất

3.735,92

8,49

783,69

Chi phí thuê lao động

2.164,66

4,92

1.627,75

Chi phí tưới tiêu

1.720,59

3,91

451,33

Chi phí thu hoạch

11.322,83

25,76

1.657,91

Tổng chi phí

43.962,86

100,00

4.108,56

Lao động gia đình (ngày công)

39,44

 

15,85

Giá

4.437,67

 

700,66

Năng suất (tấn)

15,4

 

1,7

Thu nhập

86.475,84

 

18.683,62

Lợi nhuận

42.512,98

 

13.577,26

Nguồn: Số điều tra trực tiếp nông hộ năm 2019

Ngày công lao động trung bình một năm là 39,44 ngày/năm. Năng suất lúa nếp cả năm là 15,4 tấn/ha/năm là do Phú Tân sản xuất lúa nếp theo hệ thống đê bao khép kín nên huyện sản xuất 3 năm 8 vụ. Ngay tại thời điểm vụ thu đông năm 2019 có khoảng 20% nông hộ đã cho biết sản xuất 3 vụ, còn lại sản xuất 2 vụ do tới thời điểm xả đê. Năng suất vụ đông xuân và thu đông thường cao hơn vụ hè thu, vì ảnh hưởng của thời tiết và dịch bệnh. Nếu trừ đi hết các chi phí thì lợi nhuận của nông hộ trồng lúa nếp là 42.512.980 đồng/ha/năm.

3.2.1.2. Phân tích các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế trồng lúa nếp

Từ kết quả phân tích chi phí sản xuất lúa nếp là cơ sở cho việc tính toán hiệu quả của hoạt động trồng lúa nếp.

* Các tỷ số tài chính:

Thu nhập/chi phí =1,97: thu nhập/ chi phí của mô hình lúa nếp là 1,97 có nghĩa là 1 đồng chi phí bỏ ra sẽ thu được 1,97 đồng thu nhập.

Lợi nhuận/chi phí = 0,97: cứ 1 đồng chi phí bỏ ra để sản xuất lúa nếp nông hộ sẽ thu được 0,97 đồng lợi nhuận.

Lợi nhuận/thu nhập = 0,49: hộ sản xuất lúa nếp bỏ ra 1 đồng thu nhập sẽ mang lại 0,49 đồng lợi nhuận.

Thu nhập/ngày công = 2.192,57: cứ 1 ngày công lao động thì nông hộ sẽ thu được 2.192,57 đồng thu nhập.

Lợi nhuận/ngày công = 1.077,89: cứ 1 ngày công lao động bỏ ra nông hộ sẽ thu được 1.077,89 đồng lợi nhuận.

3.3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của nông hộ trồng lúa nếp huyện Phú Tân tỉnh An Giang

3.3.1. Đối với Nhà nước

Cần tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng năng suất cao và chất lượng, cách ứng phó kịp thời khi dịch bệnh bùng phát. Hỗ trợ vốn cho nông dân sản xuất vì chi phí sản xuất cao, giá đầu vào ổn định sẽ giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Về công tác giống, địa phương cần lập kế hoạch sản xuất và cung ứng giống theo từng vụ, từng năm và có sự kiểm soát của các cơ quan chuyên môn theo đúng các quy định pháp luật hiện hành; tổ chức sản xuất và cung ứng giống nếp cho nông dân để từng bước ổn định cơ cấu giống theo hướng tăng giống đạt năng suất cao và chất lượng.

Lựa chọn những nông dân sản xuất giỏi để tổ chức thăm quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trực tiếp.    

3.3.2. Đối với nông dân

Nông dân trồng lúa nếp còn làm theo kinh nghiệm, thiếu sự hướng dẫn kỹ thuật của nhà khoa học. Vì vậy, người trồng lúa nếp ở Phú Tân cần được sự giúp đỡ của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nâng cao năng suất và chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, hệ thống canh tác tiên tiến trong sản xuất.

4. Kết luận

Mô hình trồng lúa nếp ở huyện Phú Tân có hiệu quả kinh tế cao, mang lại thu nhập cao cho nông hộ trồng lúa nếp. Một số xã ở Phú Tân còn là mô hình điểm đón tiếp nhiều cuộc tham quan, học hỏi kinh nghiệm của nông dân trong Huyện. Qua phân tích đề tài ta thấy nông hộ có nhiều năm kinh nghiệm trong sản xuất, tuy nhiên đó không phải là yếu tố quyết định. Để đạt hiệu quả cao hơn nữa, nông hộ cần ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để giảm chi phí sản xuất, tăng nguồn thu nhập. Vì đây là mô hình chuyên canh nên chính quyền địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi để nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất hơn.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chi cục Thống kê huyện Phú Tân. (2018). Niên giám thống kê huyện Phú Tân 2018.
  2. Hoàng Trọng & Chu Mộng Ngọc. (2008). Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS. Hà Nội: Nhà xuất bản Thống kê.
  3. Quyết định số 1351/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa (lúa, rau màu, thủy sản) tỉnh An Giang năm 2020, định hướng đến năm 2030.
  4. Quyết định số 915/QĐ-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô tại vùng Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

The production efficiency of growing glutinous rice Phu Tan district, An Giang province

Master. Bui Thi My Hanh

Department of General Economics Faculty of Economics and Business Administration An Giang University - Vietnam National University - Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

This study analyses the production efficiency of farm households growing glutinous rice in three communes in Phu Tan district, An Giang province in terms of financial indicators including profit – cost ratio, profit – income ratio and profit - total labor ratio. The study finds that glutinous rice farming is profitable for farm households. However, the study also finds that farm households cultivate crops based on their experiences and the effectiveness of farming techniques training courses is still low. This study proposes major solutions to improve the efficiency of glutinous rice production in the studied area.

Keywords: Production efficiency, income, glutinous rice growing area, Phu Tan district, An Giang province.