Vai trò của các loại hình tín dụng đối với thu nhập của nông hộ sản xuất lúa: Trường hợp các nông hộ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

TS. LÊ LONG HẬU (Khoa Kinh tế - Trường Đại học Cần Thơ) và HUỲNH MINH THÔNG (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Chi nhánh Gò Quao, tỉnh Kiên Giang)

TÓM TẮT:

Sử dụng số liệu thu thập trực tiếp từ 233 nông hộ sản xuất lúa ở Kiên Giang, nghiên cứu ước lượng tác động của vốn tín dụng đến thu nhập của các nông hộ. Kết quả cho thấy, vốn tín dụng là yếu tố quan trọng giúp làm tăng thu nhập từ sản xuất lúa của các nông hộ, bên cạnh những yếu tố khác bao gồm diện tích đất, học vấn, thành viên, dân tộc, giới tính, công nghệ. So sánh mức độ tác động giữa hai loại hình tín dụng, chính thức và phi chính thức, kết quả cho thấy cả hai đều có tác động làm tăng thu nhập của các nông hộ, trong đó loại hình tín dụng chính thức có tác động lớn hơn so với tín dụng phi chính thức. Kiểm tra tác động của các nguồn vốn tín dụng phi chính thức, kết quả cho thấy chỉ có hình thức bao tiêu sản phẩm lúa là thực sự góp phần làm tăng thu nhập cho nông dân, trong khi các hình thức khác đều không thể hiện vai trò này. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, chúng tôi có một số kiến nghị đối với nông hộ, Nhà nước và các tổ chức tín dụng.

Từ khóa: Nông hộ, tín dụng, sản xuất lúa, tỉnh Kiên Giang.

1. Giới thiệu

Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất nông nghiệp, qua đó góp phần nâng cao thu nhập của nông hộ. Nhiều nghiên cứu thực nghiệm về những yếu tố tác động đến thu nhập của nông hộ đã được thực hiện ở Việt Nam nói chung, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Theo Shrestha và Eiumnoh (2000), nhân tố có tác động đến tổng thu nhập của nông hộ ở lưu vực sông Sakae Krang của Thái Lan là số thành viên nằm trong độ tuổi lao động. Nguyễn Quốc Nghi, Trần Quế Anh và Bùi Văn Trịnh (2011) cho thấy số nhân khẩu và số thành viên trong độ tuổi lao động là một trong những nhân tố tác động đến thu nhập của hộ nông dân ở khu vực nông thôn huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Trong một nghiên cứu khác đối với các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh An Giang, Lê Nguyễn Đoan Khôi và Nguyễn Ngọc Vàng (2012) tìm thấy rằng hiệu quả sản xuất lúa chịu ảnh hưởng bởi các nhân tố diện tích, kinh nghiệm và trình độ của các thành viên của nông hộ.

Tín dụng, bên cạnh các yếu tố khác, cũng được cho thấy có vai trò quan trọng đối với việc nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung và đối với hoạt động sản xuất lúa nói riêng. Chính vì vậy, có nhiều nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận và lượng vốn vay của các nông hộ, cũng như ảnh hưởng của tiếp cận tín dụng đến hiệu quả sản xuất ở Việt Nam và đồng bằng sông Cửu Long (Yochi Izumida and Pham Bao Duong, 2002; Trương Đông Lộc và Trần Bá Duy, 2008; v.v..). Một số nghiên cứu khác đã kiểm tra sự ảnh hưởng của việc tiếp cận tín dụng đến hiệu quả sản xuất lúa của các nông hộ. Ví dụ: Vương Quốc Duy (2013) nghiên cứu vai trò của tiếp cận tín dụng trong hiệu quả sản xuất lúa của nông hộ ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả chỉ ra rằng, việc tiếp cận tín dụng (cả chính thức và phi chính thức) của nông hộ sẽ làm tăng hiệu quả từ sản xuất lúa. Đo lường thu nhập của nông hộ dưới tác động của tín dụng vi mô, Trương Đông Lộc và Đặng Thị Thu Thảo (2011) đã cho thấy sự ảnh hưởng của tín dụng nhỏ đến thu nhập của nông hộ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ngoài ra, Huỳnh Thị Đan Xuân và Mai Văn Nam (2011) cũng chỉ ra rằng những hộ vay vốn có khả năng thoát nghèo tốt hơn hộ không vay vốn.

Những nghiên cứu trong thời gian qua đã cho ta thấy được vai trò của tín dụng nói chung đến hiệu quả sản xuất lúa và làm tăng thu nhập của người nông dân. Ngoài ra, các nghiên cứu thực nghiệm cũng cho thấy rằng tác động của tín dụng chính thức đến hiệu quả sản xuất lúa có thể khác biệt so với tác động của nguồn vốn tín dụng không chính thức. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các nông hộ tiếp cận với nhiều nguồn tín dụng khác nhau (chính thức hay phi chính thức) và mục đích sử dụng các nguồn vốn này cũng có thể khác nhau (phục vụ sản xuất hay tiêu dùng). Những vấn đề này có khả năng làm sai lệch kết luận về vai trò của các nguồn vốn tín dụng khác nhau đối với nông hộ. Chính vì vậy, việc nghiên cứu vai trò của các nguồn vốn tín dụng nói chung, mức độ ảnh hưởng của mỗi phương thức tín dụng nói riêng đối với thu nhập của nông hộ là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.

2. Phương pháp nghiên cứu và dữ liệu

2.1. Mô hình nghiên cứu

Dựa vào các nghiên cứu thực nghiệm trước đây, mô hình hồi qui đa biến được sử dụng để ước lượng các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập từ sản xuất lúa của nông hộ. Mô hình nghiên cứu có dạng:

Y = α0 + α1X1 + α2X2 + … + αkXk + µ

Trong đó: Y: biến phụ thuộc, là biến được giải thích; X1, …, Xk: các biến độc lập; α1, …,αk: các tham số hồi qui, µ: Sai số ngẫu nhiên.

Trong nghiên cứu này, ba mô hình hồi qui riêng biệt sẽ được ước lượng. Cụ thể, mô hình thứ nhất ước lượng tác động của tổng lượng vốn vay đến thu nhập, mô hình thứ hai ước lượng tác động riêng lẻ của số tiền vay từ nguồn tín dụng chính thức và phi chính thức đến thu nhập và mô hình thứ 3 ước lượng tác động của ba nguồn vốn thành phần trong tổng nguồn vốn tín dụng phi chính thức đến thu nhập của nông hộ.

Biến phụ thuộc:

Thu nhập (THUNHAP) (triệu đồng): Thu nhập từ hoạt động sản xuất lúa được xác định bằng tổng doanh thu trung bình từ lúa trừ đi tổng chi phí sản xuất trung bình trên 1000 m2, trong 1 vụ sản xuất lúa.

Các biến độc lập:

Tổng lượng vốn vay (TONGVONVAY) (triệu đồng): Tổng lượng vốn vay từ tất cả các nguồn vốn tín dụng của nông hộ (triệu đồng), bởi vì vốn vay có khả năng góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất của nông hộ (Vương Quốc Duy, 2013).

Số tiền vay từ nguồn tín dụng chính thức (VAYNH) (triệu đồng): Lượng vốn vay chỉ từ các nguồn vốn tín dụng chính thức của nông hộ. Lượng vốn này có ý nghĩa đối với sự gia tăng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của nông hộ, bởi chi phí lãi của nguồn vốn này không cao (Vương Quốc Duy, 2013; Barslund, M. và Tarp, F., 2007).

Lượng vốn vay chỉ từ các nguồn vốn tín dụng phi chính thức (VAYPNH) (triệu đồng): Cũng là một nhân tố tác động đến thu nhập của hộ nông dân nói chung và thu nhập từ hoạt động sản xuất lúa nói riêng (Vương Quốc Duy, 2013; Guirkinger, C. và Boucher, S., 2007). Vốn vay tín dụng phi chính thức có thể chia thành ba nguồn cơ bản như sau:

+ Lượng vốn tín dụng từ nguồn mua thiếu vật tư nông nghiệp (VAYPNHVTNN) (triệu đồng): Giá trị phần vật tư nông nghiệp mà nông hộ mua thiếu đến cuối vụ. Đây được xem như một khoản cho vay của cửa hàng vật tư nông nghiệp bởi vì giá bán sản phẩm sẽ cao hơn so với giá bán khi thanh toán bằng tiền mặt.

+ Lượng vốn tín dụng từ nguồn bao tiêu sản phẩm (VAYPNHBTSX) (triệu đồng): Giá trị toàn bộ khoản vốn mà đơn vị bao tiêu sản phẩm đã ứng ra phục vụ cho sản xuất và sẽ được trừ vào tiền bán sản phẩm sau khi thu hoạch của nông hộ.

+ Lượng vốn tín dụng từ các nguồn khác (VAYPNHKHAC) (triệu đồng): Giá trị toàn bộ khoản vốn vay dưới các hình thức phi chính thức còn lại như vay người thân, tham gia hụi,…

Các biến kiểm soát:

Diện tích đất trồng lúa (DIENTICH) (1.000 m2): Được đo lường bằng diện tích thực tế nông hộ đang sản xuất. Diện tích đất nông nghiệp có ảnh hưởng tích cực đến thu nhập của nông hộ, bởi vì đất đai là yếu tố rất quan trọng để tiến hành sản xuất nông nghiệp. Hộ có diện tích đất càng nhiều thì sản lượng nông sản tạo ra cũng càng nhiều nên thu nhập nhận được cũng tăng lên (Vương Quốc Duy, 2013; Trương Đông Lộc và Đặng Thị Thảo, 2012). Tuy nhiên, diện tích đất trồng lúa là một biến phi tuyến tính theo nghiên cứu của (Trương Hồng Võ Tuấn Kiệt và Hứa Tấn Tài, 2013), với một mức quy mô diện tích tương đối nhỏ thì sự ảnh hưởng đến thu nhập của nông hộ không thật sự rõ ràng. Do đó, trong mô hình bình phương biến này được ước lượng để có thể đánh giá rõ tác động đến thu nhập từ sản xuất lúa của nông hộ.

Trình độ học vấn (HOCVAN) (số năm đi học): Được xác định dựa trên bậc học cao nhất mà chủ hộ có tham gia và phân cấp bậc dựa trên phân cấp bậc giáo dục của Việt Nam hiện nay. Trình độ học vấn của nông hộ càng cao thì càng giúp nâng cao hiệu quả sản xuất lúa (Vương Quốc Duy, 2013; Dong, F., Lu, J. và Featherstore, A. M., 2010).

Tuổi chủ hộ (TUOI) (tuổi): Được đo lường bằng số tuổi của chủ hộ. Chủ hộ lớn tuổi hơn sẽ có nhiều kinh nghiệm nên có nâng cao hiệu quả sản xuất lúa của nông hộ (Vương Quốc Duy, 2013; Trương Đông Lộc và Đặng Thị Thảo, 2012).

Dân tộc (DANTOC): Biến giả, nhận giá trị 1 nếu hộ là dân tộc Kinh và 0 nếu là các dân tộc khác (Vương Quốc Duy, 2013; Trương Đông Lộc và Đặng Thị Thảo, 2012).

Số thành viên (THANHVIEN) (người): Được đo lường bằng số người trong gia đình trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất lúa. Số thành viên lao động trực tiếp nhiều sẽ giảm thiểu thuê mướn lao động góp phần làm giảm chi phí và tạo thêm thu nhập cho nông hộ sản xuất lúa (Nguyễn Lan Duyên, 2014; Barslund, M. và Tarp, F., 2007).

Giới tính (GIOITINH): Biến giả thể hiện giới tính của chủ hộ, nhận giá trị 1 nếu hộ là nam và 0 nếu là nữ. Theo Trương Đông Lộc và Đặng Thị Thảo (2011), những hộ có chủ hộ là nam thì sử dụng vốn kém hiệu quả hơn hộ có chủ hộ là nữ, vì những chủ hộ là nữ thường tính toán rất kỹ đối với việc sử dụng các khoản vay sao cho đem lại hiệu quả cao nhất nên thu nhập tăng thêm đối với những hộ có chủ hộ là nữ sẽ cao hơn.

Tiếp cận khoa học kỹ thuật mới (KHKT): Biến giả, nhận giá trị 1 nếu nông hộ tham gia vào các chương trình tập huấn công nghệ mới, các dự án nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, và ngược lại 0. Biến tiếp cận công nghệ mới được kỳ vọng có tác động dương (+) lên thu nhập từ sản xuất lúa (Vương Quốc Duy, 2013; Barslund, M. và Tarp, F., 2007).

2.2. Dữ liệu nghiên cứu và phương pháp ước lượng

Dữ liệu nghiên cứu sơ cấp được thu thập từ phỏng vấn trực tiếp 233 hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Cơ cấu mẫu bao phủ tất cả các huyện, thị xã, thành phố Rạch Giá của tỉnh Kiên Giang (trừ huyện đảo Kiên Hải). Mẫu nghiên cứu được chọn theo phương pháp ngẫu nhiên thuận tiện.

Mô hình hồi qui đa biến được ước lượng theo phương pháp bình phương bé nhất (OLS). Đồng thời, các kiểm định liên quan đến mức độ tin cậy của mô hình hồi qui cũng được thực hiện một cách thích hợp như: kiểm định đa cộng tuyến (VIF) và kiểm định phương sai sai số thay đổi (Wald).

3. Kết quả và thảo luận

Kết quả ước lượng các mô hình hồi qui được trình bày trong bảng phía dưới, trong đó có ba mô hình được ước lượng lần lượt: Mô hình 1 ước lượng tác động của tổng lượng vốn vay (TONGVONVAY) đến thu nhập, mô hình 2 ước lượng tác động riêng lẻ của số tiền vay từ nguồn tín dụng chính thức (VAYNH) và phi chính thức (VAYPNH) đến thu nhập và mô hình 3 ước lượng tác động của ba nguồn vốn thành phần trong tổng nguồn vốn tín dụng phi chính thức đến thu nhập của nông hộ (VAYPNHVTNN, VAYPNHBTSX, VAYPNHKHAC). Ngoài ra, do các kết quả kiểm định cho thấy có sự tồn tại của hiện tượng phương sai sai số thay đổi khi ước lượng mô hình nên ước lượng với sai số chuẩn có điều chỉnh (robust s.e).

Kết quả phân tích mô hình 1 cho thấy biến tổng lượng vốn vay (TONGVONVAY) có ý nghĩa thống kê ở mức 5%, điều này cho thấy vốn tín dụng nói chung có vai trò góp phần tăng thêm thu nhập cho nông hộ. Ở mô hình 2, cả hai biến vay từ nguồn tín dụng chính thức (VAYNH) và phi chính thức (VAYPNH) đều có ý nghĩa thống kê ở mức 5% và 10% tương ứng. Độ lớn hệ số ước lượng của hai biến số cho thấy tác động của nguồn vốn tín dụng chính thức (0,0245) đến thu nhập lớn hơn khá nhiều so với mức độ ảnh hưởng của vốn tín dụng phi chính thức (0,0013). Điều này phù hợp với kỳ vọng, việc vay vốn ngân hàng với chi phí thấp hơn nguồn vốn vay phi chính thức khác, đồng thời tạo động lực tâm lý cho nông hộ tham gia sản xuất, quản lý có hiệu quả hơn để tạo thu nhập cao hơn. Việc sử dụng hiệu quả vốn vay sẽ tạo nên đòn bẩy tạo thu nhập nhiều thêm cho người nông dân, để có thể sử dụng tối đa nguồn lực này mang ý nghĩa quan trọng trong sản xuất lúa và phải kết hợp hài hòa các yếu tố khác của nông hộ. Tác động của từng nguồn vốn tín dụng thành phần đến thu nhập của nông hộ có thể quan sát được qua kết quả ước lượng của mô hình 3. Kết quả ước lượng cho thấy, biến lượng vốn vay phi ngân hàng từ cửa hàng vật tư nông nghiệp (VAYPNHVTNN) không có ý nghĩa thống kê. Biến lượng vốn vay phi ngân hàng từ bao tiêu sản xuất (VAYPNHBTSX) có mức ý nghĩa thống kê là 5% và cuối cùng là biến lượng vốn vay phi ngân hàng từ nguồn khác (VAYPNHKHAC) không có ý nghĩa thống kê. Như vậy, kết quả ước lượng của ba biến số thành phần của tín dụng từ nguồn phi chính thức cho thấy chỉ có nguồn vốn tín dụng phi chính thức từ đơn vị bao tiêu sản phẩm là thực sự góp phần làm tăng thu nhập của nông hộ, trong khi đó hai nguồn tín dụng phi chính thức khác không cho thấy tác động này. Kết quả này có thể được lý giải từ thực tế là trong hoạt động sản xuất lúa, hình thức đầu tư và bao tiêu sản phẩm (cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua lúa) đã đảm bảo việc vốn sử dụng vốn hiệu quả và đúng mục đích, góp phần làm tăng thu nhập từ sản xuất lúa cho nông hộ.

Trong cả ba mô hình, kết quả cho thấy tất cả các biến kiểm soát đều có dấu phù hợp với các nguyên cứu trước và có ý nghĩa thống kê từ 1% đến 5%, ngoại trừ biến tuổi chủ hộ là ngược với kỳ vọng nhưng không có ý nghĩa thống kê. Đáng chú ý, biến diện tích đất sản xuất cho thấy tác động phi tuyến tính (theo hình chữ U ngược) đến thu nhập của nông hộ. Cụ thể, với các yếu tố khác không đổi, nếu diện tích đất sản xuất lúa của nông hộ tăng thêm thì thu nhập từ sản xuất lúa sẽ tăng thêm, tuy nhiên khi diện tích vượt mức 3,15 ha gia tăng diện tích sẽ làm thu nhập trung bình càng giảm. Ngoài ra, giá trị R2 của cả ba mô hình 3 là khá cao, lần lượt là 86,59%, 79,51% và 80,14%, đã cho thấy khả năng giải thích của các mô hình là khá tốt và phù hợp với các nghiên cứu trước. Cuối cùng, do hệ số nhân tử phóng đại phương sai (VIF) của tất cả các biến số đều nhỏ hơn 10, nên ảnh hưởng của đa cộng tuyến là không đáng kể.

4. Kết luận và khuyến nghị

Qua phân tích ta thấy rằng, vốn tín dụng thực sự có tác động đến thu nhập từ sản xuất lúa của các nông hộ, bên cạnh những yếu tố khác bao gồm diện tích đất, học vấn, thành viên, dân tộc, giới tính, công nghệ. So sánh mức độ tác động giữa hai loại hình tín dụng, chính thức và phi chính thức, kết quả cho thấy cả hai đều có tác động làm tăng thu nhập của các nông hộ, trong đó mức độ tác động của loại hình tín dụng chính thức khá lớn hơn so với tín dụng phi chính thức. Tuy nhiên, khi kiểm tra tác động của các từng nguồn vốn tín dụng phi chính thức, kết quả cho thấy chỉ có nguồn tín dụng từ hình thức bao tiêu sản phẩm lúa là thực sự góp phần làm tăng thu nhập cho nông dân, trong khi các hình thức khác đều không thể hiện vai trò này.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, chúng tôi có một số khuyến nghị như sau: Đối với nông hộ, cần thường xuyên học tập, nghiên cứu, trao đổi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác, tham gia các lớp đào tạo, tập huấn để có thể tiếp cận kiến thức mới, công nghệ mới để áp dụng vào sản xuất hiệu quản hơn. Đối với Nhà nước, cần thực hiện quy hoạch tổng thể diện tích đất trên địa bàn tỉnh, chuyển dịch cơ cấu nhưng vẫn phải dựa trên sản xuất nông nghiệp làm nền tảng. Thêm vào đó, Nhà nước cần có những biện pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của hộ gia đình nông thôn, đồng thời có những kế hoạch khắc phục các vấn đề của nông dân nông hộ nhỏ và những người thiếu tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức tín dụng và sự thành lập của các tổ chức nông dân hiệu quả (ví dụ như các hợp tác xã hoặc Hiệp hội tín dụng), để tăng khả năng nông dân tiếp cận tín dụng cho nông dân. Nhiều khách hàng nông thôn của các chương trình tín dụng chính thức thiếu các kỹ năng đào tạo và hạn chế trong việc tiếp cận thị trường và công nghệ. Đối với các tổ chức tín dụng chính thức, cần cung cấp tín dụng đa dạng, giảm thời gian thẩm định và những thủ tục không cần thiết để người nông dân dễ dàng hơn khi tiếp cận và sử dụng vốn. Hơn nữa, tín dụng phải đáp ứng các nhu cầu của nông dân, đặc biệt cho đầu tư vào các hoạt động trang trại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tiếng Việt:

1. Huỳnh Thị Đan Xuân và Mai Văn Nam, 2011. Các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của các hộ chăn nuôi gia cầm ở đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Số 17a, trang 87-96.

2. Lê Nguyễn Đoan Khôi, Nguyễn Ngọc Vàng, 2012. Giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất lúa ở tỉnh An Giang. Tạp chí Khoa học 23b, tr.186-193.

3. Nguyễn Lan Duyên, 2014. Các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của nông hộ An Giang. Tạp chí Khoa học trường Đại học An Giang, Quyển 3 (2), trang 63-69.

4. Nguyễn Quốc Nghi, Trần Quế Anh và Bùi Văn Trịnh, 2011. Các nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập hộ gia đình ở khu vực nông thôn huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Tạp chí khoa học, số 5, tr.30-36.

5. Trương Đông Lộc và Trần Bá Duy, 2008. Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của nông hộ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Tạp chí Ngân hàng 04/2010, tr 37-40.

6. Trương Hồng Võ Tuấn Kiệt và Hứa Tấn Tài, 2013. Ảnh hưởng của sở hữu đất đai đến thu nhập của nông hộ: Trường hợp xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, số 28, tr.79-83.

7. Trương Đông Lộc và Đặng Thị Thảo, 2011. Ảnh hưỡng tín dụng nhỏ đến thu nhập của nông hộ ở tỉnh Hậu Giang. Luận văn Thạc sĩ. Trường Đại học Cần Thơ.

8. Vương Quốc Duy, 2013. Vai trò của tiếp cận tín dụng trong hiệu quả sản xuất lúa của nông hộ ở ĐBSCL, Việt Nam. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, số 26, tr.55-65.

Tiếng Anh:

1. Barslund, M. and Tarp, F., 2007. Formal and Informal Rural Credit in Four Provinces of Vietnam. Journal of Development Studies 44(4), pp. 485-503.

2. Dong, F., Lu, J. and Featherstore, A.M., 2010. Effects of Credit Constraints on Productivity and Rural Household Income in China. Working Paper 10-WP 516, pp.435-456.

3. Guirkinger, C. and Boucher, S., 2007. Credit Constraints and Productivity in Peruvian Agriculture. Working Paper No. 07-005, pp.295-308.

4. Yochi Izumida and Pham Bao Duong, 2002. Rural development finance in Viet Nam: A Microeconometric Analysis of Household Surveys. World Development, 30(2).

THE ROLE OF CREDIT TYPES IN THE INCOME OF RICE FARMERS:

THE CASE OF FARM HOUSEHOLDS IN KIEN GIANG PROVINCE

● PhD. LE LONG HAU

College of Economics – Can Tho University

● HUYNH MINH THONG

Vietnam Bank for Agriculture and Rural Development

Go Quao Branches, KienGiang Province

ABSTRACT:

Using data collected directly from 233 rice farmers in Kien Giang, the study estimated the impact of credit on household incomes. The results showed that credit capital helps to increase income from rice production of farm households, along with other factors including land area, education, membership, ethnicity, gender, technology. Comparing the level of impact between the two types of credit, formal and informal, the results show that both have a positive effect on household incomes, in which the type of official credit has biger an impact than the other one. Examining the impact of informal credit sources, the results showed that only the form of consumption of rice products actually contributed to increased incomes for farmers, while others did not. Based on the research results, we have some suggestions for farmers, the State and credit organizations.

Keywords: Agriculture, credit, rice production, Kien Giang province.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 09 tháng 08/2017 tại đây