Ngày 6/4 tại Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sự kiện "Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa kết nối với thị trường thế giới qua thương mại điện tử".
Bà Trần Thị Thanh Tâm – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI) cho biết, Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã trở thành động lực quan trọng cho thương mại điện tử (TMĐT) của thế giới cũng như Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ. TMĐT đang trở thành xu hướng tất yếu, là cơ hội lớn để mỗi quốc gia mang sản phẩm của mình đến với toàn thế giới.
Những năm gần đây, TMĐT Việt Nam ngày càng được mở rộng và phát triển, là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế. Nhiều chính sách phát triển TMĐT, trong đó Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 đã xác định một số mục tiêu như: “Hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng; Thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển TMĐT; Xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; Mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng TMĐT; đẩy mạnh giao dịch, TMĐT xuyên biên giới…”.
Với những chính sách đó, giai đoạn 2017-2022, TMĐT Việt Nam luôn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định từ 16-30%. Theo Báo cáo Kinh tế khu vực Đông Nam Á đánh giá, tốc độ tăng trưởng kinh tế Internet Việt Nam nhanh nhất trong khu vực, từ 18 tỷ USD năm 2021 lên quy mô 23 tỷ USD trong năm 2022. Trong đó, 14 tỷ USD là từ lĩnh vực TMĐT, dự báo kinh tế Internet Việt Nam sẽ đạt mức 49 tỷ USD vào năm 2025, trong đó TMĐT chiếm tới 32 tỷ USD.
Thông tin tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Cục TMĐT & Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, xu hướng phát triển TMĐT hiện nay là tiến tới thương mại số (dịch chuyển dữ liệu xuyên biên giới) và phát triển Hệ sinh thái với Xúc tiến thưởng mại trên nền tảng số, Phát triển TMĐT bền vững, Thương mại không giấy tờ, Thanh toán, Xử lý tranh chấp thương mại trực tuyến... Trong đó, phát triển TMĐT bền vững chính là Phát triển kinh doanh bền vững; Phát triển Cơ sở hạ tầng bền vững; Phát triển nguồn nhận lực số chất lượng cao; Phát triển và ứng dụng công nghệ để năng cao trải nghiệm khách hàng…
Hướng tới kinh doanh có trách nhiệm trên TMĐT, ông Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh, đây là nội dung đang được ưu tiên phát triển, nhất là khi số lượng người tiêu dùng khiếu nại khi mua hàng trên các sàn, website TMĐT, mạng xã hội… tăng lên nhanh chóng trong thời gian qua.
Đề cập đến một trong những giải pháp cho vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thành thông tin, Bộ Quy tắc Kinh doanh có trách nhiệm vì người tiêu dùng được ban hành sẽ giúp người bán hàng kinh doanh bền vững và hiệu quả hơn, đồng thời, giúp người tiêu dùng đánh giá và lựa chọn hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thông minh.
Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT đề xuất, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển TMĐT thông qua hạ tầng, nhân lực; Khuyến khích khu vực tư nhân đổi mới sáng tạo và tích cực tham gia ứng dụng TMĐT; Minh bạch thị trường, chuẩn hóa thông tin; Ban hành quy chế về bảo vệ người tiêu dùng…
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, chuyên gia Lê Trung Dũng đến từ Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Cục TMĐT & Kinh tế số, Bộ Công Thương cũng chia sẻ một số thông tin về yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp Việt Nam triển khai hiệu quả các hoạt động xuất khẩu thông qua TMĐT; đồng thời, cập nhật một số xu hướng mới trong hoạt động xuất khẩu thông qua TMĐT.