Hoa tươi, rau xanh đắt hàng sau 3 ngày Tết

Trong ngày mùng 3 Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tình hình thị trường vẫn ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, không biến động găm hàng, tăng giá. Mùng 3 Tết năm nay trùng với ngày lễ Valentine, nên hoa tươi rất đắt hàng.

Trên cả nước, một số siêu thị mở cửa trở lại như Big C, Saigon Co.opMart, Aeon, MM Mega Market...Bên cạnh đó, tiểu thương tại một số chợ lớn cũng bắt đầu bán hàng trở lại, chủ yếu tập trung vào mặt hàng rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống.

Mùng 3 Tết Nguyên đán năm nay trùng với ngày lễ Valentine, nên nhiều cửa hàng hoa tươi đã mở bán, các sạp bán hoa di động cũng nhiều hơn so với ngày hôm trước.

Theo khảo sát của phóng viên, tại chợ hoa Quảng An sáng sớm ngày mùng 3 Tết Tân Sửu, lượng hoa bán tại đây ít hơn khá nhiều so với ngày thường, số lượng người đi buôn hoa về bán lẻ lại cũng ít. Giá hoa tại chợ tương đương với thời điểm trước Tết. Hoa lay ơn trắng ở mức 100.000 - 180.000 đồng/chục, lay ơn màu có giá rẻ hơn và từ 60.000 - 100.000 đồng/chục; hoa cúc 100.000 - 110.000 đồng/bó 50 bông (giá bán buôn) và 40.000 - 50.000 đồng/chục (bán lẻ); hoa thược dược 50.000 đồng/bó (20 bông); hoa hồng dài có lộc 120.000 - 150.000 đồng/bó 50 bông (bán buôn), hoa hồng ngắn có giá rẻ hơn; hoa ly giá khá mềm, 100.000 đồng/bó 10 cành. Tại chợ hoa hàng lược, sáng sớm nay cũng ghi nhận tiểu thương kinh doanh và bán buôn.

Tại các chợ dân sinh như: Gốc Đề, Kim Liên, Phương Mai, Hoàng Mai…, hoa tươi đắt khách. Giá hoa tươi cũng tương đương với mức giá trước Tết. Hoa hồng lộc 15.000 đồng/bông, trong khi hoa hồng loại thường giá 3.000 - 5.000 đồng/bông; hoa cúc 5.000 đồng/bông; hoa ly 100.000 đồng/bó 10 cành;…

thị trường hàng hóa ngày mùng 3 tết
Ngày mùng 3 Tết, nhiều chợ dân sinh mở cửa trở lại, hàng hóa phong phú, giá cả ổn định. Hôm nay, rau xanh và hoa tươi đắt hàng

Một số ít cửa hàng tiện ích đã mở cửa phục vụ nhu cầu của người dân mua sắm đi lễ chùa, chúc Tết như rượu bia, bánh kẹo...giá các mặt hàng này nhìn chung ổn định so với ngày cuối năm và lượng cung đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng, không có sự tăng giá đột biến ở các hàng hóa dịch vụ thiết yếu.

Tại một số chợ dân sinh, số lượng sạp bán rau xanh nhiều hơn do nhu cầu tiêu thụ rau xanh nhiều hơn so với thịt, thực phẩm tươi sống.

Giá lợn hơi hôm nay 14/2/2021 (mùng 3 Tết Tân Sửu) giữ ổn định, giao dịch dưới ngưỡng 80.000 đồng/kg ở nhiều nơi. Tại thị trường miền Bắc, giá lợn hơi dao động quanh mức 74.000 - 78.000 đồng/kg, tại miền Trung và Tây Nguyên đang duy trì dưới ngưỡng 80.000 đồng/kg.  Còn toàn miền Nam dao động quanh ngưỡng 77.000 - 80.000 đồng/kg.

Báo cáo nhanh về thị trường hàng hóa ngày mùng 3 Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương cho biết, hàng hóa trên thị trường dồi dào về nguồn cung, đa dạng phong phú về mẫu mã, chủng loại, hàng sản xuất trong nước đã chiếm được thị phần trên thị trường. Các cửa hàng, siêu thị thuộc chi nhánh trực thuộc và các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn cả nước đã chủ động dự trữ hàng hóa chuẩn bị phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021.

Ngoài ra, báo cáo nhanh của lực lượng quản lý thị trường cũng thông tin, nhìn chung các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh tương đối đầy đủ; không phát hiện những diễn biến bất thường nổi cộm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Tại Hà Nội, trong ngày mùng 3 Tết, người dân đã hạn chế hầu hết các hoạt động vui chơi ngày tết, các điểm lễ hội, danh lam thắng cảnh, đình, chùa hoặc một số tâm linh và các điểm vui chơi không sôi động bằng các năm trước.

Sở Công Thương đánh giá, toàn bộ hệ thống thương mại trên địa bàn Hà Nội đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp với diễn biến mới. Việc kinh doanh trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh. 100% hệ thống phân phối và siêu thị trên địa bàn đã báo cáo về việc triển khai công tác phòng, chống dịch; bố trí nhân viên ở các cửa ra vào để đo thân nhiệt, kiểm soát 100% khách ra vào phải đeo khẩu trang…

Tuy nhiên, tại các chợ dân sinh vẫn còn trường hợp không đeo khẩu trang, hoặc đeo không đúng cách; không có cảnh báo khuyến cáo người dân quy định phòng dịch. Ngành Công Thương cũng đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh tổ chức các điểm bán hàng phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Bên cạnh tổ chức mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, các cấp, ngành của thành phố Hà Nội cũng đẩy mạnh kiểm tra, giám sát nguồn gốc hàng hóa trên thị trường. Trong đó, Cục QLTT thành phố Hà Nội cùng các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều đợt kiểm tra cao điểm dịp Tết, tập trung vào việc phòng, chống buôn bán hàng cấm, thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, thuốc lá, quần áo.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố Hà Nội chỉ đạo các Phòng, Đội QLTT tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát trong hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố trong tình hình diễn biến mới của dịch bệnh.

Trọng tâm là các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh; các loại lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. Chú trọng để phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả là hàng hóa dùng để phòng, chữa bệnh; bán hàng hóa không niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết.

thị trường hàng hóa ngày mùng 3 tết
Dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, tuy nhiên, giá cả các mặt hàng vật tư y tế, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn cơ bản không biến động, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá

Tại thành phố Hồ Chí Minh, tình hình mua sắm trên địa bàn thành phố không sôi động như các năm trước, người dân hiện nay hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người và chuyển sang hình thức mua sắm thực phẩm trực tuyến của các siêu thị và cửa hàng tiện lợi như Coop Mart, Bách hóa xanh,…

Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tất cả hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, thẩm mỹ viện, karaoke, vũ trường, quán nhậu, quán bar, pub, beer club, massage, xông hơi, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử được đề nghị tạm dừng.

Ngoài ra các trung tâm tiệc cưới, phòng trà, sân khấu kịch, rạp chiếu phim, cơ sở kinh doanh thể thao cũng ngừng mở cửa. Các nghi lễ tôn giáo và hoạt động 20 người trở lên ở cơ sở thờ tự cần tạm ngừng cho đến khi có thông báo mới.

Tại Trung tâm thương mại dược phẩm và trang thiết bị y tế Quận 10, các điểm kinh doanh trên tuyến đường Nguyễn Giản Thanh, Tam Đảo, các nhà thuốc trên địa bàn quận 10 vẫn mở cửa bán các mặt hàng thuốc, khẩu trang y tế, trang thiết bị, vật tư y tế,... nhu cầu mua khẩu trang y tế vẫn ổn định, không có biến động, chưa phát hiện có dấu hiệu vi phạm găm hàng, bán nâng giá.

Tại Quảng Ninh, tình hình giá cả các mặt hàng vật tư y tế, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn cơ bản không biến động, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá. Tình hình giá cả lương thực, thực phẩm ổn định, không có hiện tượng người dân tích trữ lương thực. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, không có điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại chưa hoạt động.

Tại tâm dịch là tỉnh Hải Dương tình hình kinh doanh, dịch vụ hạn chế, các siêu thị lượng mua hàng giảm đi nhiều so với những ngày thường, một số cửa hàng hộ kinh doanh đã đóng cửa, một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm vẫn được bán tại các cửa hàng và trung tâm thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, không có hiện tượng găm hàng và tăng giá đột biến. Mặt hàng thiết yếu vẫn cung ứng đủ cho thị trường, giá cả đa số không tăng so với trước thời điểm công bố dịch. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ tết lưu thông chậm do dịch bệnh, sức mua giảm. Tình hình thị trường tính đến ngày 14/02/2021 vẫn bình ổn, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá các mặt hàng phòng chống dịch và mặt hàng phục vụ Tết, không có hiện tượng khan hiếm, giá cả ổn định như khi không có dịch.

Tại một số tỉnh vùng biên như Điện Biên, Lai Châu và Sơn La nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như khẩu trang vải, khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang y tế, nước sát khuẩn, lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas,... cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh.

Hạ An