Rau xanh, thủy sản đắt hàng
Theo báo cáo nhanh về thị trường của Bộ Công Thương, ngày 13/2/2021 tức Mùng Ngày mùng 2 Tết, thị trường đã sôi động hơn ngày mùng 1 Tết, tuy nhiên hoạt động mua bán hàng hóa vẫn còn rất ít do đầu năm người dân chủ yếu đi lễ chùa và đi chơi Tết. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên người dân cũng hạn chế hơn việc đi đền chùa và thăm hỏi.
Một số siêu thị mở cửa xuyên Tết như Aeonmall, Circle K… và một số siêu thị khai trương sáng ngày mùng 2 Tết như Big C, Saigon Co.op… nên đã phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân. Giá các mặt hàng tại các siêu thị nhìn chung ổn định so với thời điểm trước Tết.
Tại các chợ truyền thống, một số tiểu thương đã bày bán các mặt hàng hoa, quả phục vụ cho việc dâng lễ đầu năm và bắt đầu bán rau xanh, thực phẩm tươi sống trở lại (chủ yếu là cá, thịt lợn, thịt bò...). Nhìn chung, các mặt hàng được tiêu thụ trong ngày hôm nay chủ yếu là các mặt hàng như rau xanh, thủy sản, hoa, quả tươi, giá các mặt hàng này tương đương mức giá những ngày cận Tết.
Giá một số hàng hoá thiết yếu trong ngày mùng 2 Tết tại các siêu thị ổn định so với ngày mùng 1 Tết, cụ thể, giá các loại gạo tẻ thường từ 14.000-16.000đ/kg; gạo chất lượng cao (tám xoan, tám Hải Hậu) từ 18.000 - 27.000 đ/kg; giá thịt lợn loại ngon (sườn non, ba chỉ, nạc vai đầu giòn) ở mức 170.000 – 200.000 đồng/kg; thịt loại 2 như sấn, nạc vai, thăn dao động ở mức 130.000 - 160.000 đồng/kg; giá gà ta làm sẵn của CP dao động phổ biến từ: 90.000-100.000đ/kg; giá gà công nghiệp (làm sẵn) dao động khoảng 60.000-70.000 đ/kg; thịt bò thăn dao động từ 310.000-330.000đ/kg.
Giá giò lụa phổ biến 180.000-200.000 đ/kg; giò bò 300.000-320.000 đ/kg; lạp xưởng vissan 3 Bông mai: 160.000-170.000 đ/kg; giá đường bán lẻ ở mức 20.000-22.000 đ/kg; dầu ăn: 42.000-44.000 đ/lít, bia lon Heineken từ 380.000-400.000đ/thùng; Cocacola 170.000-185.000đ/thùng; bia lon Hà Nội giá 220.000-240.000 đ/thùng…
Bộ Công Thương dự báo, trong ngày mùng 3 Tết hoạt động mua bán hàng hóa sẽ sôi động hơn ngày mùng 2 Tết, các chợ dân sinh đã bắt đầu bán hàng trở lại phục vụ người dân, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau xanh, thịt, cá, giá bán nhích nhẹ so với dịp sát Tết.
Trước đó, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên Đán, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu hàng, các doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất và dự trữ một lượng hàng hóa lớn. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh các chương trình khuyến mại và truyền thông để người tiêu dùng biết và mua sắm, đảm bảo ổn định nguồn cung và giá cả hợp lý trong dịp Tết.
Bên cạnh nguồn hàng phân phối tại các kênh siêu thị, các sản phẩm thực phẩm và đồ uống cũng được bày bán khá phổ biến ở các cửa hàng, chợ truyền thống và kênh thương mại điện tử với nhiều chủng loại và giá cả đa dạng.
Báo cáo nhanh của Bộ Công Thương cũng cho biết, tại một số tỉnh thành đang xảy ra dịch bệnh Covid-19, thị trường không mấy sôi động, đa phần người dân thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh.
Cụ thể, tại Hà Nội, người dân đã hạn chế hầu hết các hoạt động vui chơi ngày tết, các điểm lễ hội, danh lam thắng cảnh, đình chùa, các điểm vui chơi không sôi động bằng các năm trước, các cơ sở kinh doanh hầu như đóng cửa.
Sở Công Thương Hà Nội đánh giá, toàn bộ hệ thống thương mại trên địa bàn Hà Nội đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp với diễn biến mới. Việc kinh doanh trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh. 100% hệ thống phân phối và siêu thị trên địa bàn đã báo cáo về việc triển khai công tác phòng, chống dịch; bố trí nhân viên ở các cửa ra vào để đo thân nhiệt, kiểm soát 100% khách ra vào phải đeo khẩu trang…
Tuy nhiên, tại các chợ dân sinh vẫn còn trường hợp không đeo khẩu trang, hoặc đeo không đúng cách; không có cảnh báo khuyến cáo người dân quy định phòng dịch.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, tình hình mua sắm trên địa bàn thành phố không sôi động như các năm trước, người dân hiện nay hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người và chuyển sang hình thức mua sắm thực phẩm trực tuyến của các siêu thị và cửa hàng tiện lợi như Coop Mart, Bách hóa xanh… Trên địa bàn thành phố nhu cầu mua khẩu trang y tế vẫn ổn định, không có biến động, chưa phát hiện có dấu hiệu vi phạm găm hàng, bán nâng giá.
Tương tự, tại Quảng Ninh, tính đến 15h00 ngày 12/2/2021, trên địa bàn tỉnh đã có 59 ca dương tính với Covid-19 biến thể mới. Tình hình giá cả các mặt hàng vật tư y tế, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn cơ bản không biến động, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá. Tình hình giá cả lương thực, thực phẩm ổn định, không có hiện tượng người dân tích trữ lương thực. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hảng giả trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, không có điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại chưa hoạt động.
Tại Hải Dương, tính đến thời điểm 16 giờ ngày 12/02/2021 tình hình kinh doanh, dịch vụ hạn chế; tại các siêu thị, lượng người mua hàng giảm đi nhiều so với những ngày thường, một số cửa hàng hộ kinh doanh đã đóng cửa, một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm vẫn được bán tại các cửa hàng và trung tâm thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, không có hiện tượng găm hàng và tăng giá đột biến. Tình hình thị trường tính đến ngày 12/2/2021 vẫn bình ổn, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá các mặt hàng phòng chống dịch và mặt hàng phục vụ Tết, không có hiện tượng khan hiếm, giá cả ổn định như khi không có dịch.
Còn tại Điện Biên, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như khẩu trang vải, khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang y tế, nước sát khuẩn, lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas,... cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh.
Nguồn cung ổn định, không khan hàng, tăng giá
Trong những ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu, công tác trực Tết của lực lượng quản lý thị trường (QLTT) được thực hiện nghiêm túc theo Chỉ thị số 15/CT-BCT ngày 30/10/2020 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021; Công văn số 430/BCT-VP ngày 25/01/2021 của Bộ Công Thương và chỉ đạo của Tổng cục QLTT .
Các đơn vị khối cơ quan Tổng cục và Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện phân công công tác bảo đảm đủ số lượng công chức trực 24/24, duy trì công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, quản lý tốt địa bàn để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra.
Tính đến thời điểm ngày Mùng 2 Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021, hàng hóa trên thị trường dồi dào về nguồn cung, đa dạng phong phú về mẫu mã, chủng loại, hàng sản xuất trong nước đã chiếm được thị phần trên thị trường. Các cửa hàng, siêu thị thuộc chi nhánh trực thuộc và các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn cả nước đã chủ động dự trữ hàng hóa chuẩn bị phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021.
Báo cáo nhanh của lực lượng QLTT cũng cho biết, nhìn chung các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh tương đối đầy đủ; không phát hiện những diễn biến bất thường nổi cộm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.