Nguồn cung dồi dào, không khan hàng, tăng giá
Báo cáo nhanh thị trường ngày 29 Tết Nguyên đán Tân Sửu, Bộ Công Thương cho biết, nhu cầu mua sắm Tết tại hầu hết các tỉnh, thành phố khá nhộn nhịp và tăng so với ngày thường do đây là ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ.
So với Tết năm trước, giá cả và nhu cầu mua sắm của người dân có xu hướng thấp hơn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt tại các địa phương có ổ dịch bùng phát.
Trong ngày 29 Tết, nguồn cung các mặt hàng phục vụ Tết tại siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích khá phong phú, đa dạng kết hợp với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá nên giá cả hàng hoá tương đối ổn định, thu hút khá đông người mua hàng do phát huy lợi thế vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hóa và giá cả bình ổn.
Riêng tại các chợ dân sinh, hàng hóa tương đối dồi dào để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Nhu cầu mua sắm trong những ngày cận Tết chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, đồ uống, hoa, quả tươi... Mặt hàng cây cảnh, đào, quất, hoa các loại đa dạng, phong phú về chủng loại, đủ đáp ứng nhu cầu chơi Tết của nhân dân. Các địa phương chủ động triển khai song song với việc áp dụng các biện pháp phòng dịch để bảo đảm an toàn phục vụ nhu cầu mua sắm, thăm quan của người dân.
Tới thời điểm hiện nay, giá hầu hết các mặt hàng phục vụ Tết không có hiện tượng tăng đột biến. So với ngày trước Tết: giá thịt lợn có xu hướng ổn định, giá tôm sú loại to tăng khoảng 5%, giá gạo tẻ thường ổn định, giá gạo nếp tăng nhẹ từ 5-7% tùy từng địa phương. Một số mặt hàng khác như thịt gà, thịt bò, giá tăng nhẹ từ 5-10%. Giá các loại hoa, trái cây phục vụ cúng lễ tăng từ 5-15%, giá rau, củ ổn định.
Dịp trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, Bộ Công Thương nhận định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn trong việc mua sắm vào dịp Tết.
Bên cạnh đó, việc các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích mở cửa phục vụ người dân tới ngày 30 Tết và mở cửa trở lại phục vụ sau Tết sớm góp phần hạn chế tâm lý mua trữ hàng của người dân, do vậy giá cả hàng hóa trên thị trường nhìn chung sẽ không biến động nhiều. Dự kiến, nhu cầu và giá một số mặt hàng thực phẩm tươi sống tại các chợ dân sinh giá có thể tăng nhẹ vào buổi sáng ngày 30 Tết, giá các mặt khác ổn định, giá cây cảnh bắt đầu giảm.
Đảm bảo nguồn cung trong cao điểm chống dịch Covid-19
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên Đán, các doanh nghiệp sản xuất ngành công nghiệp thực phẩm đã có kế hoạch sản xuất và hệ thống các nhà phân phối đã chuẩn bị dự trữ một lượng hàng hóa lớn. Đồng thời các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh các chương trình khuyến mại và truyền thông để người tiêu dùng biết và mua sắm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có phương án vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh vừa đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nguồn cung hàng hóa dồi dào và được phân phối tại các kênh siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống và kênh thương mại điện tử với nhiều chủng loại sản phẩm thực phẩm và đồ uống phong phú, giá cả ổn định.
Tại các siêu thị lớn như Vinmart, Big C, Lotte Mart, Co.op mart… lượng hàng hóa bánh kẹo được sản xuất trong nước bởi các Công ty như Kinh Đô, Orion, Hải Hà, Bibica... chiếm trên 80%, phần còn lại được nhập khẩu từ các nước trên thế giới.
Đáng chú ý, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên Đán, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu hàng, các doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất và dự trữ một lượng hàng hóa lớn.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh các chương trình khuyến mại và truyền thông để người tiêu dùng biết và mua sắm, đảm bảo ổn định nguồn cung và giá cả hợp lý trong dịp Tết. Bên cạnh nguồn hàng phân phối tại các kênh siêu thị, các sản phẩm thực phẩm và đồ uống cũng được bày bán khá phổ biến ở các cửa hàng, chợ truyền thống và kênh thương mại điện tử với nhiều chủng loại và giá cả đa dạng.
Theo dự báo, lượng khách hàng dịp trước tết tăng từ 35-40%, doanh thu tăng trên 30% so với ngày thường. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn nên xu hướng mua sắm đã thay đổi so trước. Người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm được sản xuất trong nước, có chất lượng bởi các doanh nghiệp có thương hiệu. Trong các siêu thị lớn, bánh kẹo sản xuất trong nước chiếm đến hơn 80%.
Ngoài ra, cơ sở sản xuất kinh doanh đã chuẩn bị các kịch bản ứng phó với các tình huống có thể xảy ra để luôn đảm bảo nguồn cung hàng hóa vừa bảo đảm phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Kiểm tra, kiểm soát và bình ổn thị trường
Trước tình hình diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện biện pháp chủ động phòng chống dịch Covid-19, Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường (QLTT) chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết.
Cùng với đó, lực lượng QLTT cả nước cũng tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu đặc biệt là trang thiết bị, vật tư y tế,... dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh Covid-19.
Trong ngày 10/2/2021 (tính đến 11h), qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường không phát hiện những diễn biến bất thường nổi cộm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; chưa phát hiện việc buôn bán, sử dụng pháo nổ các loại.
Tại Hải Dương, công tác khoanh vùng để dập dịch trên địa bàn huyện Cẩm Giàng và Thành phố Hải Dương và Thành phố Chí Linh vẫn được kiểm soát hết sức chặt chẽ. Tình hình kinh doanh, dịch vụ hạn chế, các siêu thị lượng mua hàng giảm đi nhiều so với những ngày thường, một số cửa hàng hộ kinh doanh đã đóng cửa, một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm vẫn được bán tại các cửa hàng và trung tâm thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, không có hiện tượng găm hàng và tăng giá đột biến.
Mặt hàng thiết yếu vẫn cung ứng đủ cho thị trường, giá cả đa số không tăng so với trước thời điểm công bố dịch. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ tết lưu thông chậm do dịch bệnh, sức mua giảm.
Tình hình thị trường tính đến ngày 10/2/2021 vẫn bình ổn, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá các mặt hàng phòng chống dịch và mặt hàng phục vụ Tết, không có hiện tượng khan hiếm, giá cả ổn định như khi không có dịch.
Theo báo cáo của lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhìn chung các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh tương đối đầy đủ (một số vụ việc kiểm tra, xử lý vi phạm tại phụ lục gửi đính kèm).
Cung ứng điện ổn định cho sản xuất và sinh hoạt
Về tình hình cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt cho ngày 28 Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021 của cả nước: Tình hình cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia được đảm bảo, không xảy ra sự cố về nguồn điện và lưới điện.
Về cung cấp điện cho các TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong ngày 28 Tết: được thực hiện tốt.