Tết Nguyên đán đến gần khiến nhu cầu về thực phẩm của người dân ngày một tăng cao. Đây cũng là cơ hội để các loại hực phẩm “bẩn”, kém chất lượng tung ra thị trường, bán cho người tiêu dùng. Trước tình hình đó, ngành Công Thương Yên Bái đã phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Nhân dịp Xuân Tân Sửu và lễ hội mùa xuân 2021, phóng viên Tạp chí Công Thương đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Phạm Trung Lân - Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong dịp Tết trên địa bàn tỉnh.
Phóng viên: Vâng, thưa ông, Yên Bái là địa bàn miền núi, có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, vậy việc đảm bảo ATTP trên địa bàn gặp phải những khó khăn như thế nào?
Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái Phạm Trung Lân: Rõ ràng là rất khó khăn. Yên Bái là một tỉnh miền núi, giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn nhất là các địa bàn huyện vùng cao. Tỉnh gồm 9 huyện, thị xã, thành phố, với 173 xã phường, thị trấn, dân số trên 821.000 người.
Để đảm bảo công tác ATTP trên địa bàn tỉnh, ngành Công Thương tỉnh đã phân bổ, dàn mỏng lực lượng, tuy nhiên, mỗi huyện, xã của Yên Bái có diện tích rất rộng, nhiều huyện của Yên Bái rộng bằng tỉnh Bắc Ninh. Thêm vào đó, địa hình miền núi bị chia cắt, giao thông đã được đầu tư nhưng còn nhiều khó khăn, huyện xa nhất cách trung tâm thành phố 180km. Những xã, bản xa đã có đường giao thông đến nhưng mùa mưa là giao thông bị chia cắt.
Chính vì vậy, việc kiểm tra, kiểm soát mở rộng về ATTP rất khó khăn, đặc biệt khu vực vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, trình độ nhận thức của bà con còn hạn chế, tư tưởng của bà con chủ yếu là dùng hàng hóa rẻ tiền, vì vậy, những khu vực vùng sâu, vùng xa luôn tiềm ẩn, và có nhiều cơ hội lưu hành hàng giả, hàng kém chất lượng.
Thời gian qua, với sự phối hợp liên ngành giữa ngành Công Thương, ngành Y tế, ngành Nông nghiệp... cùng sự phối hợp giữa chính quyền các địa phương, ngành Công Thương Yên Bái đã thực hiện tốt việc kiểm tra, kiểm soát về ATTP nên tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng ở khu vực vùng cao đã giảm rất mạnh, có thể nói giờ đây đã đẩy lùi được tình trạng đó.
Phóng viên:Ông đánh giá về công tác triển khai đảm bảo ATTP của ngành Công Thương Yên Bái trong năm 2020, đặc biệt là những giải pháp mà ngành triển khai trong dịp Tết Nguyên đán Tân sửu và mùa lễ hội năm 2021?
Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái Phạm Trung Lân: Trong năm 2020, ngành Công Thương Yên Bái đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh.
Nhiệm vụ đầu tiên là tăng cường công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật nhất là Luật ATTP và Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn. Nội dung tuyên truyền này được các cấp, các ngành phối hợp đồng bộ nên đã được triển khai sâu rộng đến tất cả các địa phương, doanh nghiệp và người dân.
Đặc biệt, qua khảo sát người dân đều nắm bắt được các nội dung về ATTP và tự biết bảo vệ mình trong việc sử dụng thực phẩm an toàn.
Ông Phạm Trung Lân - Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái chia sẻ công tác triển khai đảm bảo ATTP của ngành Công Thương Yên Bái trong năm 2020 và những giải pháp mà ngành triển khai trong dịp Tết Nguyên đán Tân sửu và mùa lễ hội năm 2021
Bên cạnh đó, ngành Công Thương Yên Bái cũng triển khai, thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát về ATTP. Đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quản lý thị trường để kiểm tra những mặt hàng đang được lưu thông trên thị trường.
Ngoài ra, ngành Công Thương còn phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, Nông nghiệp... kiểm tra tất cả các mặt hàng thực phẩm trên địa bàn, nội dung kiểm tra tập trung vào các vi phạm về truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm…
Có thể nói, năm 2020 và những năm trước nữa, tỉnh Yên Bái không xảy ra bất kỳ trường hợp ngộ độc nghiêm trọng về ATTP.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bản tỉnh, ngành Công Thương Yên Bái tập trung hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp xây dựng các vùng sản xuất nguyên liệu nông sản thực phẩm an toàn; hướng dẫn các cơ sở sản xuất áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, hỗ trợ thúc đẩy áp dụng rộng rãi Viet GAP, GMP, OCOP, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và các mô hình sản xuất an toàn khác trong sản xuất; ứng dụng rộng rãi công nghệ 4.0 vào truy xuất nguồn gốc điện tử và xúc tiến thương mại tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh.
Phóng viên: Thực hiện công tác đảm bảo ATTP dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa lễ hội 2021 trên địa bàn, ngành Công Thương tỉnh đã tập trung vào những khía cạnh nào, thưa ông?
Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái Phạm Trung Lân: Trọng tâm là công tác phối hợp liên ngành để kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên thị trường.
Đi cùng với việc kiểm tra, kiểm soát là vận động các doanh nghiệp những nhà phân phối lớn trên địa bàn thực hiện bán hàng đến tận tay người dân, đặc biệt là người dân tại khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Cùng với đó, ngành Công Thương tỉnh cũng tổ chức các phiên chợ hàng Việt tại các huyện, xã miền núi; tổ chức các chuyến xe đưa hàng Việt về miền núi… nhằm mang đến cho bà con những hàng hóa chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ, giá cả phù hợp. Đây là biện pháp quyết định đến việc hạn chế thấp nhất việc hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường khu vực vùng cao.
Phóng viên: Vậy, Sở Công Thương tỉnh Yên Bái có kiến nghị gì với Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng ở Trung ương trong việc hỗ trợ địa phương trong vấn đề ATTP và nâng cao công tác này trong thời gian tới?
Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái Phạm Trung Lân: Chúng tôi đề nghị tăng cường tập huấn cho cán bộ làm công tác ATTP, vì hiện nay lực lượng này hoạt động chủ yếu là kiêm nhiệm.
Hiện nay ở Yên Bái, chúng tôi phải phân công cho cán bộ văn hóa xã để thực hiện việc kiểm soát ATTP nên có nhiều bất cập, chính vì vậy chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra, kiểm soát về ATTP chưa đạt hiệu quả cao, mặc dù đã phối hợp các ngành, các cấp nhưng hiệu quả không thể bằng cán bộ chuyên trách.
Thứ hai là vấn đề về kinh phí, chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành Trung ương quan tâm hơn về mặt kinh phí và có những chương trình liên quan đến các điểm bán hàng bình ổn giá, các chợ ATTP. Cũng đề nghị, ưu tiên kinh phí cho các địa phương, các huyện vùng sâu, vùng xa để đảm bảo hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực ATTP.
Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn ông!.