Hoàn thiện các quy định pháp luật về tài nguyên nước ở Việt Nam

ThS. NGUYỄN THỊ HẠNH (Trường Đại học Luật, Đại học Huế)

TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu thực trạng quy định pháp luật Việt Nam về tài nguyên nước ở Việt Nam. Tác giả tập trung đưa ra các quan điểm, kiến nghị giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật và nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về tài nguyên nước ở Việt Nam.

Từ khóa: pháp luật, tài nguyên nước.

1. Đặt vấn đề

Nước là tài nguyên vô cùng quý báu mà thiên nhiên đã ban cho trái đất, nếu không có nó thì sinh vật nói chung và con người nói riêng không thể tồn tại. Nhưng thực trạng hiện nay lại cho thấy tài nguyên nước ngày càng cạn kiện, rất nhiều nơi thiếu nước sạch để dùng. Sự phát triển kinh tế - xã hội và khoa học công nghệ đang làm nảy sinh những yếu tố mới tác động đến nhiều nội dung của quyền sở hữu và bảo vệ quyền sở hữu đối với tài nguyên nước. . Quá trình đô thị hóa làm thay đổi hẳn lớp phù và mặt đệm, hệ tiêu nước tự nhiên… Nhà cửa, mặt đường nhựa là các diện tích không thấm nước, cống rãnh nhiều hơn và tiêu nước nhanh hơn, mặt nước tự nhiên như hồ, ao bị lấp dần… Do vậy, tại những khu vực đô thị phát triển thì dòng chảy mặt tăng nhanh, đỉnh lũ lớn hơn, tần số lũ mùa hè lớn hơn, lưu lượng cạn giảm, mực nước ngầm xuống thấp. Việc xây dựng các công trình dẫn đến làm tăng mạnh lượng bùn cát trong sông. Chất lượng nước sông, kênh bị thay đổi do nước thải sinh hoạt và công nghiệp… Chính những yếu tố này đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền sử dụng nước. Người dân có quyền được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh nhưng chính điều này đang xâm hại tới một trong những nội dung quan trọng của quyền sở hữu đó là quyền sử dụng tài nguyên nước. Mặc dù nhà nước đã ban hành khung pháp lý về tài nguyên nước nhưng các quy định này đang còn chồng chéo, có nhiều lỗ hổng chưa quy định đầy đủ, nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ. Vì vậy, vấn đề quản lý, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến tài nguyên nước được đặt ra cấp bách trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng.

2. Pháp luật Việt Nam về tài nguyên nước

Hiện nay 2/3 lượng nước cung cấp cho Việt Nam là từ các dòng sông bắt nguồn tư nước ngoài và các quốc gia ở thượng nguồn đang tăng cường hoạt động khai thác, sử dụng nước đang làm giảm dần nguồn cung về nước. Ngoài ra, các hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng tác động làm giảm lượng nước ngọt phục vụ cho sản xuất và đời sống. Thêm vào đó về phía cầu, việc sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả, công tác bảo vệ nguồn nước chưa được quan tâm thỏa đángdẫn đến tình trạng khan hiếm nước, thiếu nước, ô nhiễm nguồn nước ngày càng gia tăng, là nguy cơ lớn trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia. Chính vì những lý do này đặt ra tính cấp thiết của việc sửa đổi, bổ sung toàn diện và ban hành Luật Tài nguyên nước. Từ đó mở đường cho các hoạt động hướng đến mục tiêu bảo vệ, khai thác hiệu quả, phát triển bền vững tài nguyên nước quốc gia, tạo động lực phát triển bền vững ngành kinh tế nước nhiều thành phần phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Luật sẽ phát huy tác dụng điều chỉnh và phù hợp với thực tiễn của cuộc sống và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp và thống nhất tài nguyên nước, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước bền vững, hiệu quả hơn; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về tài nguyên nước; nâng cao hiệu quả hợp tác, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các nước có chung nguồn nước với nước ta.... Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về tài nguyên nước như: Luật Tài nguyên nước 2012; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Nghị định số 201/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước, các công ước quốc tế về khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, các văn bản luật, dưới luật có liên quan[1].

Cơ chế tài chính, chủ trương kinh tế hóa trong lĩnh vực tài nguyên nước đã được

thể chế hóa trong Luật Tài nguyên nước, Nghị định về thu tiền cấp quyền khai thác TNN và thông qua các văn bản đã được Bộ Tài chính ban hành như quy định về quản lý nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế trong quản lý TNN, quy định tăng thuế khai thác sử dụng TNN, tiền cấp quyền khai thác TNN và quy định về phí thẩm định hồ sơ cấp phép. Bên cạnh đó, để bảo đảm quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ TNN theo phương thức tổng hợp, toàn diện và hiệu quả cao nhằm giữ vững an ninh nguồn nước quốc gia cho trước mắt và lâu dài, góp phần phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh trước diễn biến của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sự suy giảm nguồn nước, ngày 23/1/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp TNN giai đoạn 2014 - 2020. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông lớn, quan trọng và đang phát huy tác dụng của cơ chế phối hợp vận hành liên hồ, điều tiết nước (bao gồm các lưu vực sông: Ba, Vu Gia - Thu Bồn, Sê San, Srepok, Mã, Cả, Kôn - Hà Thanh, Trà Khúc, sông Hồng, Đồng Nai và lưu vực sông Hương) nhằm giảm lũ cho hạ du, tăng hiệu quả sử dụng nước và đảm bảo nguồn nước cho sản xuất ở khu vực hạ du trong mùa cạn.

Các quy định của pháp luật về tài nguyên nước đã tạo ra được một khung pháp lý cho các hoạt động khai thác, sử dụng cũng như bảo vệ tài nguyên nước. Tuy nhiên thực tế qua quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về tài nguyên nước cũng bộc lộ ra nhiều điểm hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung.

3. Những tồn tại và vấn đề đặt ra trong hệ thống pháp luật về tài nguyên nước ở Việt Nam

Nhận thức được tầm quan trọng đó, từ nhiều thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm bảo vệ tài nguyên nước và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này. Các chiến lược, chương trình, đề án, dự án liên quan đến bảo đảm nguồn nước, an ninh nguồn nước và sử dụng hiệu quả nguồn nước đã được thực thi nghiêm túc và tương đối bài bản và hiệu quả, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì hệ thống văn bản pháp luật vẫn còn những tồn tại cơ bản sau đây:.

Thứ nhất, việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước. Hiện nay các quy hoạch, kế hoạch, các dự án có liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không quy định có sự tham gia của cơ quan quản lý tài nguyên nước. Thực tế, đến giai đoạn này các nội dung liên quan đến vị trí, quy mô khai thác nước và các thông số kỹ thuật về thiết kế, vận hành công trình liên quan đến nguồn nước đã được quyết định, phê duyệt bởi cấp có thẩm quyền. Vì vậy, việc cấp giấy phép khó có thể đưa ra các điều kiện khả thi để bảo đảm thực hiện khai thác, sử dụng tổng hợp, hiệu quả nguồn nước. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều công trình đã đưa vào khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước mà chưa được cấp phép.

Số lượng công trình khai thác tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước lớn, phạm vi phân bố rộng, trong khi lực lượng cán bộ quản lý còn mỏng nên việc kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước sau cấp phép còn hạn chế. Vì vậy chưa phát huy được hiệu lực của công cụ giấy phép trong việc kiểm soát việc thực hiện các yêu cầu về khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo quy định. Cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước chưa thực sự được xem là công cụ phục vụ quản lý, chia sẻ và bảo vệ tài nguyên nước. Việc cấp phép còn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu sử dụng nước của tổ chức, cá nhân mà chưa có quy hoạch, kế hoạch cụ thể về khai thác, sử dụng. Việc thực hiện các quy định trong giấy phép chưa được các tổ chức, cá nhân quan tâm như: chế độ báo cáo về kết quả khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; lắp đặt thiết bị đo lưu lượng nước khai thác; trám lấp các giếng khoan không sử dụng;…

            Thứ hai, xử lý vi phạm hành chính về tài nguyên nước. Từ sau khi Luật Tài nguyên nước được ban hành, đặc biệt, sau khi Nghị định số 33/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản có hiệu lực, đã có 17 văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực tài nguyên nước được ban hành, trong đó, bao gồm 2 Nghị định và 15 Thông tư, dẫn đến một số quy định mới vẫn chưa có chế tài xử lý vi phạm hành chính; một số quy định tại Nghị định số 33/2017/NĐ-CP đã trở nên không còn phù hợp. Áp dụng Nghị định số 33/2017/NĐ-CP vào công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tài nguyên nước cũng đã ghi nhận được một số bất cập, vướng mắc khi một số hành vi trái quy định pháp luật chưa có chế tài xử phạt, một số chế tài quy định tại Nghị định số 33 chưa mang tính khả thi cao. Ngoài ra, các địa phương đã phản ánh những khó khăn trong quá trình áp dụng Nghị định số 33/2017/NĐ-CP, đề nghị hướng dẫn và sửa đổi một số quy định cho phù hợp, tăng sức răn đe và tính khả thi của quy định.  Nghị định số 36/2020/NĐ-CP được xây dựng trên cơ sở kế thừa, giữ lại những quy định còn phù hợp, khắc phục những nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những vấn đề vướng mắc phát sinh về mặt pháp lý trong thực tiễn áp dụng các quy định của Nghị định số 33/2017/NĐ-CP, đồng thời, tăng cường xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, nhất là hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là cát, sỏi lòng sông nhằm ngăn chặn có hiệu quả đối với hoạt động này, tăng cường trách nhiệm trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, khoáng sản, bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Nghị định số 36 đã quy định rõ thêm các hành vi cần xử phạt để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, nhất là đối với các tổ chức, cá nhân có ý thức chấp hành pháp luật về khoáng sản, về tài nguyên nước[2].

Thứ ba, giải quyết có hiệu quả các vấn đề về mất cân đối nguồn nước giữa các mùa, các vùng và các lưu vực sông, vấn đề suy kiệt dòng chảy, khai thác quá mức. Theo đó, cần phải tập trung điều tra cơ bản, quy hoạch, thông tin dữ liệu và dự báo, cảnh báo tài nguyên nước đồng thời với việc xây dựng các cơ chế điều tiết, điều hòa, phân bổ nguồn nước, thực hiện các biện pháp khai thác sử dụng tổng hợp nguồn nước, nhất là việc vận hành điều tiết của các hồ chứa nước lớn, quan trọng. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là các hoạt động xả nước thải vào nguồn nước. Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp kiểm soát xả nước thải của các cơ sở ngay từ khâu chuẩn bị dự án, xây dựng đến giai đoạn vận hành, cần tập trung xây dựng cơ chế để giám sát chặt chẽ, liên tục chất lượng nước thải trước khi xả vào nguồn nước, nhất là các cơ sở xả nước thải với quy mô lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước. Thúc đẩy sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Cùng với việc triển khai thực hiện các cơ chế khuyến khích đối với các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, cần sớm triển khai việc thu tiền khai thác tài nguyên nước đối với một số hoạt động khai thác, sử dụng nước có lợi thế như thủy điện, sử dụng nước phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khai thác nước dưới đất[3].

4. Một số kiến nghị giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về tài nguyên nước ở Việt Nam

4.1. Hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam về tài nguyên nước

Thứ nhất, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về phân công trách nhiệm về quản lý nhà nước về quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước. Hiện nay các quy định về phân công trách nhiệm này còn nhiều bất cập. Mặc dù theo quy định của Luật Tài nguyên nước 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước chính phủ trong việc quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước nhưng các quy định đó không làm rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc giúp chính phủ. Mặt khác không quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành khác, Ủy ban nhân dân các cấp cần phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường khi thực hiện các hoạt động. Vì vậy, cần phải sửa đổi luật theo hướng quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm chính của Bộ Tài nguyên và mMi trường. Đồng thời quy định trách nhiệm của các cơ quan, Bộ, ngành khác trong quá trình phối hợp thực hiện theo hướng cụ thể hơn[4].

 Thứ hai, cần bổ sung văn bản pháp luật đối với những vấn đề đang còn chồng chéo, bỏ ngỏ. Chẳng hạn như hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào của Nhà nước hướng dẫn và quản lý việc thực hiện các dự án chuyển nước lưu vực sông. Luật Tài nguyên nước có quy định việc khai thác sử dụng nguồn nước phải xin phép quy định tại Khoản 3 Điều 43 và Điều 44 Luật Tài nguyên nước 2012, tuy nhiên lại không quy định rõ thời điểm xin cấp giấy phép. Điềy này dẫn đến tình trạng hiện nay khi công trình xây dựng xong hoặc đã vận hành rồi thì chủ đầu tư mới lập hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác sử dụng nước mặt của công trình. Việc này phải làm ngay trong giai đoạn nghiên cứu khả thi, nếu đểkhi công trình đã xây dựng xong rồi mới quyết định thì hoàn toàn bất lợi cho cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp. Chính vì thế, cần có những quy định cụ thể theo hướng các công trình dự án cần phải xem xét kĩ các phương án về khai thác, sử dụng nguồn nước, đánh giá tác động môi trường, lấy ý kiến của địa phương và của cộng đồng dân cư có chấp thuận với phương án hay không. Trước khi phê duyệt các dự án đầu tư thì phải trình hồ sơ cấp giấy phép khai thác sử dụng nước trước...  Ngoài ra, cũng cần sửa đổi, bổ sung các quy định trong các lĩnh vực xây dựng, ban hành, hướng dẫn thực hiện quuy hoạch môi trường lưu vực sông; phân vùng xả thải; cấp giấy phép xả thải vào các lưu vực sông; ban hành kiểm tra giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu bảo vệ môi trường lưu vực sông gắn với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương[5].

Thứ ba, hoàn thiện các quy định về đánh giá công nghệ môi trường, công nghệ thân thiện với môi trường. Theo quy định hiện nay việc thẩm định đánh giá công nghệ môi trường, công nghệ thân thiện với môi trường được giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đều có trách nhiệm thẩm định đánh giá. Tuy nhiên ta thấy các Bộ được giao ở trên khó có thể có chuyên môn sâu về môi trường và quản lý môi trường có tính chuyên môn cao thậm chí có tính kĩ thuật đặc biệt như xây dựng các bộ tiêu chuẩn về môi trường, tiêu chuẩn về xả thải ra môi trường... Chính vì vậy, cần có một tổ chức quản lý đủ mạnh, thay vì sự phân tán của các cơ quan nghiên cứu hiện nay.

Thứ tư, đúc kết thực tiễn, học hỏi các hệ thống chính sách tiên tiến, tiến bộ trên thế giới về quản lý sử dụng, khai thác tài nguyên nước (ví dụ chính sách của Nhật Bản) để từ đó có thể xây dựng một hệ thống chính sách về khai thác, sử dụng và quản lý tài nguyên nước có tính khoa học và hiệu quả., Chuẩn hóa các tiêu chuẩn về nước thải, nhất là trong lĩnh tiêu chuẩn về nước thải công nghiệp. Các tiêu chuẩn về nước thải công nghiệp đang áp dụng ở nước ta hiện nay trên thực tế chưa thực sự hợp lý, chưa có quy định về tổng lượng thải, tiêu chuẩn áp dụng cho ngành công nghiệp đặc thù. Ví dụ như ở ngành công nghiệp dệt may, ngành công nghiệp giấy và bột giấy, nước thải thường có độ pH trung bình từ 9-11; chỉ số nhu cầu ô xy sinh hóa (BOD), nhu cầu ô xy hóa học (COD) có thể lên đến 700mg/1 và 2.500mg/1; hàm lượng chất rắn lơ lửng... cao gấp nhiều lần giới hạn cho phép; Hàm lượng nước thải của các ngành này có chứa xyanua (CN-) vượt đến 84 lần, H2S vượt 4,2 lần, hàm lượng NH3 vượt 84 lần tiêu chuẩn cho phép nên đã gây ô nhiễm nặng nề các nguồn nước mặt trong vùng dân cư. Kết quả là khi nghiên cứu đánh giá, dự báo mức độ ô nhiễm và khả năng gây ô nhiễm chưa hoàn toàn chính xác. Chính vì vậy, cần áp dụng khoa học hiện đại để có thể đưa ra một bảng quy chuẩn chính xác về nước thải công nghiệp.

 Thứ năm, phải quy định rõ trách nhiệm giám sát nước thải tại nguồn của cá nhân, tổ chức và cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm pháp lý của tổ chức cá nhân trong việc bảo vệ nguồn nước. Việc giám sát, kiểm tra nước thải tại nguồn sẽ ngăn ngừa những vi phạm pháp luật về môi trường, qua đó có những biện pháp cụ thể kịp thời để xử lý. Nếu như các cá nhân người dân sống ở gần khu vực có xả thải ra môi trường giám sát được sự xả thải đó thì sẽ không có tình trạng xả thải ra môi trường gây ô nhiễm bởi vì nếu như có vấn đề gì đã kịp thời báo cáo lên cơ quan quản lý. Hiện nay chưa có quy định rõ quyền và nghĩa vụ giám sát xả thải của cá nhân, cơ quan, tổ chức... nên hầu hết các vụ xả thải gây ô nhiễm môi trường đều để đến khi nghiêm trọng gây hậu quả lớn mới được phát giác. Chính vì vậy mà hiện tượng dòng sông chết, làng ung thư ngày càng phổ biến. Một điều đặt ra nữa là khi phát hiện các doanh nghiệp, công ty gây ô nhiễm nước thì hình phạt còn nhẹ so với hậu quả gây ra. Thông thường các doanh nghiệp nếu xây dựng hệ thống xả thải tiên tiến, hiện đại hợp tiêu chuẩn tốn rất nhiều kinh phí, số kinh phí này còn nhiều hơn so với số tiền mà họ bị phạt khi xả thải ra môi trường theo Nghị định số 179/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính bảo vệ môi trường. Điều này chứng tỏa các quy định hình phạt không đủ răn đe đối với loại tội phạm về môi trường này. Vì vậy, cần sửa đổi các quy định về trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi vi phạm để đảm bảo tính răn đe của pháp luật.

4.2. Hoàn thiện, đổi mới cơ chế quản lý của cơ quan nhà nước về lĩnh vực khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước

Cơ chế quản lý của nhà nước ta về lĩnh vực tài nguyên nước còn nhiều hạn chế. Thực tế hiện nay ngay một dòng sông đã có quá nhiều cơ quan quản lý chẳng hạn như: Trên một dòng sông, ngành Tài nguyên và Môi trường quản lý chất lượng sông, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sử dụng nước sông trong tưới tiêu, ngành Công Thương quản lý các công trình thủy điện trên sông, ngành Giao thông Vận tải phủ trách quản lý vận tải sông và hệ thống cảng... Thế nhưng lại thiếu đi một cơ chế quản lý thống nhất. Chính vì vậy, cần đổi mới cơ chế quản lý tài nguyên nước nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu có nhiều mối quan hệ tương quan khá phức tạp tới tài nguyên nước. Cụ thể:

Thứ nhất, Nhà nước phải tổng điều tra cơ bản về tài nguyên nước, kiểm kê tài nguyên nước, dự báo tác động của biến đổi khí hậu đối với tài nguyên nước. Từ các công tác điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, giá trị kinh tế, hạch toán, sẽ thiết lập cơ sở dữ liệu, tài khoản các nguồn tài nguyên của đất nước rồi sau đó hoàn thiện hệ thống quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên bảo đảm phân bổ nguồn lực tài nguyên hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội để đảm bảo việc khai thác sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, cũng đồng thời đảm bảo kiểm soát được mức giảm lượng nước ngầm, nước mặt, hạn chế ô nhiễm, suy thoái cạn kiệt nguồn nước.

Thứ hai, nhà nước các cấp từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng giải pháp quản lý tài nguyên nước tổng hợp cùng với kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu qua việc đầu tư kinh phí, hợp tác với các nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật, các tổ chức chính phủ quốc tế, các tổ chức phi chính phủ để cùng nhau chung tay xây dựng và triển khai các hoạt động cụ thể.

Thứ ba, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, ứng dụng thông tin trong quản lý, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ nhà nước về quản lý tài nguyên ở Trung ương và địa phương; Khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, phân công, phân cấp không phù hợp; Hình thành cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả trên cơ sở phân công trách nhiệm rõ ràng và hợp lý giữa các Bộ, ngành trong hoạt động điều tra cơ bản, quản lý, sử dụng tài nguyên; Tăng cường đào tạo, phát triển nhân lực, đặc biệt là nhân lực có chất lượng cao về quản lý tài nguyên góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội và người dân trong giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên; Xây dựng hệ thống quản lý ngành ở các cấp theo hướng tối ưu hóa, để các hoạt động thông suốt có hiệu quả; Đẩy mạnh cải cánh hành chính, tích cực phân cấp quản lý, đồng thời cũng nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp.

Thứ tư, cơ quan quản lý về tài nguyên nước phải tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên nước và xả thải vào nguồn nước, theo dõi biến động về nguồn nước. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra giúp các cá nhân, tổ chức hoạt động đúng pháp luật, đồng thời nếu có hành vi vi phạm gây ô nhiễm nguồn nước cũng được phát hiện và xử lý kịp thời.

Thứ năm, một điều quan trọng trong quản lý nhà nước về tài nguyên nước đó là minh bạch các thông tin về khai thác, sử dụng và quản lý tài nguyên nước cho các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân được biết, được đóng góp ý kiến, được thanh tra, kiểm tra, giám sát. Đây là một điều hết sức quan trọng, hiện nay những vụ ô nhiễm môi trường chủ yếu được phát hiện nhờ phản ánh của quần chúng nhân dân. Cá nhân là người hàng ngày sống và sinh hoạt nên khi có một vấn đề gì thì cá nhân cũng là người đầu tiên phát hiện. Hơn nữa cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp là người trực tiếp khai thác, sử dụng tài nguyên nước, vì vậy những ý kiến đóng góp của họ rất hữu ích đối với các cấp quản lý.

Thứ sáu, một điều không thể thiếu đó chính là tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng và yêu cầu khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững tài nguyên nước cho cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức. Theo đó tài nguyên cần được nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò là nguồn vốn, đầu vào của nền kinh tế, là tài sản quốc gia có hạn, phải được khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững; coi việc khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên là một trong những thước đo đánh giá chất lượng tăng trưởng kinh tế... để khắc phục tình trạng chạy theo thành tích tăng trưởng bằng việc khai thác quá mức các nguồn tài nguyên. Vấn đề sở hữu, quyền khai thác, chế độ sử dụng tài nguyên cần được nhận thức một cách sâu sắc, đúng đắn, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, qua đó hình thành cơ chế tiếp cận, trách nhiệm quản lý, chế độ khai thác phù hợp nhằm phát huy tốt nhất nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời chú trọng việc bảo vệ các nguồn tài nguyên. Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc nâng cao nhận thức về sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững tài nguyên; thiết lập cơ chế thích hợp, tạo điều kiện để nhân dân tham gia hoặc hỗ trợ đắc lực cho việc giám sát, quản lý tài nguyên, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi gây suy thoái tài nguyên.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

 

[1] Lê Bắc Huỳnh (2011). Những vấn đề cấp bách cần giải quyết trước thực trạng suy giảm nghiêm trọng nguồn nước ở hạ lưu các lưu vực sông. http://nawapi.gov.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=905:nhung-van-de-cap-bach-can-giai-quyet-truoc-thuc-trang-suy-giam-nghiem-trong-nguon-nuoc-o-ha-luu-cac-luu-vuc-song-&catid=3:tin-trong-nuoc&Itemid=7&lang=vi

[2] Lê Thị Hằng (2016). Hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dien-dan/item/1454-hoan-thien-phap-luat-ve-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-trong-linh-vuc-bao-ve-moi-truong.html

[3] Hoàng Văn Bảy (2015), Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tài nguyên nước, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 5(285), tháng 3/2015.

[4] Mai Hải Đăng (2015). Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về môi trường. http://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/kien-nghi-hoan-thien-phap-luat-ve-moi-truong-362430.html

[5] Đỗ Thị Hường (2020), Pháp luật về bảo vệ môi trường nước ở một số quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Thông tin khoa học lý luận chính trị, (5), tr.54-61

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đỗ Thị Hường (2020), Pháp luật về bảo vệ môi trường nước ở một số quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Thông tin khoa học lý luận chính trị, (5), tr.54-61.
  2. Quốc hội (2012). Luật Tài nguyên nước 2012.
  3. Quốc hội (2014). Luật Bảo vệ môi trường 2014.
  4. Thu Phương (2016). Cần đổi mới cơ chế quản lý tài nguyên nước. http://baotintuc.vn/xa-hoi/can-doi-moi-co-che-quan-ly-tai-nguyen-nuoc 20160325151800291.htm.
  5. Lê Bắc Huỳnh (2011). Những vấn đề cấp bách cần giải quyết trước thực trạng suy giảm nghiêm trọng nguồn nước ở hạ lưu các lưu vực sông. http://nawapi.gov.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=905:nhung-van-de-cap-bach-can-giai-quyet-truoc-thuc-trang-suy-giam-nghiem-trong-nguon-nuoc-o-ha-luu-cac-luu-vuc-song-&catid=3:tin-trong-nuoc&Itemid=7&lang=vi.
  6. Lê Thị Hằng (2016). Hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dien-dan/item/1454-hoan-thien-phap-luat-ve-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-trong-linh-vuc-bao-ve-moi-truong.html.
  7. Mai Hải Đăng (2015). Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về môi trường. http://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/kien-nghi-hoan-thien-phap-luat-ve-moi-truong-362430.html.

 

IMPROVING THE EFFICIENCY OF PROVISIONS ON WATER RESOURCES IN VIETNAM

Master. NGUYEN THI HANH

University of Law, Hue University

ABSTRACT:

This paper analyzes the current law on water resources in Vietnam. The paper presents opinions and proposes solutions to perfect the legal mechanism and policies on water resources. The paper also proposes some solutions to improve the efficiency of provisions on water resources in Vietnam.

Keywords: complete, law, water resources.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 9, tháng 4 năm 2021]