Giải pháp cho doanh nghiệp FDI khi bắt buộc áp dụng IFRS vào năm 2025

Bài báo Giải pháp cho doanh nghiệp FDI khi bắt buộc áp dụng IFRS vào năm 2025 do Trần Thị Quyên (Khoa Kế toán Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Việc bắt buộc áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) từ năm 2025 được xem là một bước tiến quan trọng trong hành trình hội nhập kinh tế quốc tế. IFRS giúp nâng cao tính minh bạch, tính so sánh và tăng cơ hội tiếp cận vốn đầu tư. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp FDI, đề xuất bắt buộc áp dụng IFRS gây ra nhiều thách thức, từ việc thiếu nhân lực chuyên môn, chi phí tuân thủ cao đến khó khăn trong thay đổi hệ thống và đồng bộ văn hóa kế toán. Bài báo đề xuất một số giải pháp nhằm giúp các doanh nghiệp FDI có sự chuẩn bị tốt hơn khi bắt buộc áp dụng IFRS vào năm 2025.

Từ khóa: doanh nghiệp FDI, IFRS, chuẩn mực.

1. Đặt vấn đề 

Với “Đề án áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại Việt Nam”, Bộ Tài chính đưa ra lộ trình áp dụng này gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị từ năm 2019 đến hết năm 2021; Giai đoạn áp dụng tự nguyện từ năm 2022 đến hết năm 2025; Giai đoạn bắt buộc áp dụng từ năm 2025 trở đi. Điều này thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong lộ trình hội nhập tài chính quốc tế, với kế hoạch bắt buộc áp dụng (IFRS) từ năm 2025 đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và một số doanh nghiệp lớn. Việc chuyển đổi từ Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS) sang IFRS mang lại nhiều lợi ích như tăng tính minh bạch, nâng cao khả năng so sánh báo cáo tài chính và thu hút vốn đầu tư. Tuy nhiên, quá trình này cũng đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Những khó khăn chủ yếu bao gồm sự khác biệt giữa IFRS và VAS, yêu cầu về đào tạo nhân sự, chi phí tuân thủ, sự khác biệt về văn hóa và hệ thống pháp luật và thay đổi hệ thống quản trị tài chính. Đặc biệt, một số doanh nghiệp vẫn chưa có sự chuẩn bị đầy đủ để thích ứng với yêu cầu mới này. Vì vậy, việc phân tích khó khăn và tìm kiếm các giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp FDI trong quá trình chuyển đổi là vấn đề cấp thiết.

2. Khó khăn của doanh nghiệp FDI khi bắt buộc áp dụng IFRS

Khi các doanh nghiệp FDI áp dụng IFRS sẽ bộc lộ một số khó khăn chủ yếu được nêu dưới đây.

Thiếu nhân lực chuyên môn cao.

Doanh nghiệp FDI thường yêu cầu đội ngũ kế toán và tài chính có chuyên môn vững và hiểu biết sâu rộng về IFRS. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia đang phát triển, bao gồm Việt Nam, đội ngũ nhân lực đáp ứng các yêu cầu này còn rất hạn chế. Theo báo cáo từ Hiệp hội Kế toán Quốc tế (IFAC), tại Đông Nam Á, chỉ khoảng 20% nhân sự trong ngành kế toán được đào tạo đầy đủ về IFRS. Việc thiếu hút chuyên gia dẫn đến việc các doanh nghiệp FDI phải chi trả mức lương cao hoặc sử dụng tư vấn bên ngoài, làm gia tăng chi phí vận hành.

Ngoài ra, vấn đề đào tạo nhân lực cũng gây khó khăn đối với doanh nghiệp. Theo báo cáo minh bạch từ PwC Việt Nam (2024), 70% doanh nghiệp FDI cho biết hóa đơn chi phí đào tạo IFRS đã vượt ngân sách dự kiến. Trong ngành sản xuất, nhiều doanh nghiệp buộc phải đình chỉ hoạt động một số bộ phận để tham gia đào tạo, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh.

Tăng chi phí tuân thủ.

Việc chuyển sang IFRS đòi hỏi đầu tư đáng kể về cơ sở hạ tầng, hệ thống CNTT và dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp. Theo Ernst & Young (2020), tại Hội thảo IFRS - Ngôn ngữ kế toán toàn cầu, các doanh nghiệp FDI ước tính phải chi từ 2-4% doanh thu trong năm đầu để chuyển đổi hệ thống và báo cáo theo IFRS, bao gồm chi phí cập nhật phần mềm kế toán, tích hợp dữ liệu và thiết lập quy trình kiểm soát mới. Ngoài ra, chi phí đào tạo nhân sự để nắm vững IFRS cũng là một khoản đầu tư không nhỏ, đặc biệt đối với những doanh nghiệp chưa có nền tảng kế toán theo chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, việc thuê chuyên gia tư vấn, kiểm toán để hỗ trợ quá trình chuyển đổi cũng làm gia tăng đáng kể gánh nặng tài chính, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Sự gia tăng chi phí này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận, dòng tiền và chiến lược phát triển của doanh nghiệp trong giai đoạn đầu áp dụng IFRS.

Khác biệt văn hóa và hệ thống pháp luật.

Khác biệt trong nguyên tắc kế toán giữa IFRS và VAS gây nhiều rắc rối cho doanh nghiệp FDI khi chuyển đổi. IFRS là chuẩn mực "hướng tới cái đúng", tập trung vào tính minh bạch và trung thực trong báo cáo tài chính. Trong khi đó, VAS theo nguyên tắc "tuân thủ quy định", nhấn mạnh sự phù hợp với các quy định địa phương. Ví dụ, trong việc đánh giá tài sản, IFRS cho phép ghi nhận tài sản theo giá trị hợp lý, dựa trên biến động thị trường, trong khi VAS yêu cầu ghi nhận theo giá gốc. Sự khác biệt này đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi tư duy và hệ thống báo cáo. Theo bản tin cập nhật nhanh về đầu tư nước ngoài “Định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 của Việt Nam từ Deloitte (2019), 65% doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cho biết hệ thống kế toán hiện tại không phù hợp với yêu cầu IFRS, gây khó khăn trong việc chuyển đổi.

Thiếu cơ sở hạ tầng CNTT hỗ trợ.

Hệ thống CNTT là yếu tố quan trọng để đảm bảo tính minh bạch và tính chính xác trong áp dụng IFRS. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp FDI đang đối mặt với tình trạng hệ thống CNTT hiện tại không đầy đủ tính năng hoặc không tương thích với các yêu cầu IFRS. Theo báo cáo minh bạch từ Deloitte vào năm 2023, hơn 60% doanh nghiệp FDI ở các nước đang phát triển báo cáo rằng hệ thống CNTT của họ không đầy đủ tính tích hợp để hỗ trợ báo cáo tài chính theo IFRS.

Hạn chế này dẫn đến việc doanh nghiệp phải chi trả một khoản đầu tư lớn cho việc nâng cấp hoặc thay thế hệ thống CNTT. Ví dụ, tại khu vực Đông Nam Á, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất đã phải dành hàng triệu USD để tối ưu hóa hệ thống ERP (Enterprise Resource Planning) nhằm đảm bảo sự phù hợp với yêu cầu IFRS.

Thêm vào đó, việc thiếu hạ tầng CNTT hiện đại còn gây trở ngại trong việc xử lý dữ liệu phức tạp. IFRS đòi hỏi một hệ thống có khả năng xử lý và tích hợp các báo cáo tài chính từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, tại nhiều doanh nghiệp FDI quy mô nhỏ ở Việt Nam, hệ thống CNTT vẫn còn lạc hậu, dựa nhiều vào hệ thống thủ công hoặc tự xây dựng mà không đầy đủ khả năng tích hợp. Theo Khảo sát doanh nghiệp 2023 của VCCI, có đến 40% doanh nghiệp ở khu vực này cho biết việc nâng cấp hệ thống là thách thức lớn nhất khi chuyển sang áp dụng IFRS.

Rủi ro mất cân đối quản trị.

Việc chuyển sang áp dụng IFRS mang lại rất nhiều rủi ro trong quản trị doanh nghiệp. IFRS yêu cầu ghi nhận tài sản và nợ theo giá trị hợp lý thay vì giá gốc, tạo ra biến động lớn trong báo cáo tài chính. Khi giá trị thị trường thay đổi đột ngột, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc duy trì cân đối tài chính. Ví dụ, trong giai đoạn suy thoái kinh tế, giá trị tài sản như bất động sản hoặc chứng khoán có thể giảm mạnh, khiến doanh nghiệp ghi nhận lỗ trên báo cáo tài chính, điều này gây ảnh hưởng đến uy tín và khả năng vay vốn.

Ngoài ra, việc thay đổi giá trị hợp lý trong IFRS còn tạo ra nguy cơ lệ thuộc quá nhiều vào biến động ngắn hạn của thị trường. Chẳng hạn, trong lĩnh vực tài chính, IFRS 9 đòi hỏi doanh nghiệp phải dự phòng rủi ro tín dụng theo mô hình tổn thất kỳ vọng (Expected Credit Loss - ECL), khiến nhiều ngân hàng ghi nhận lỗ khi thị trường biến động mạnh.

Hệ lụy quản trị tài chính do việc đánh giá lại tài sản và nợ dựa trên giá trị thị trường có thể làm mất cân đối trong báo cáo tài chính, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có danh mục đầu tư phức tạp. Theo báo cáo Ernst & Young (2023), 45% doanh nghiệp FDI ở châu Á cho biết đã gặp khó khăn đối với việc đồng bộ cân đối tài chính sau khi áp dụng IFRS.

Tóm lại, thiếu cơ sở hạ tầng CNTT hỗ trợ và nguy cơ mất cân đối quản trị đặt ra những thách thức lớn lao cho doanh nghiệp FDI khi bắt buộc áp dụng IFRS. Những thách thức này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng tuân thủ mà còn gây nguy cơ đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

3. Giải pháp cho doanh nghiệp FDI khi bắt buộc áp dụng IFRS vào năm 2025

Bài viết đề xuất một số giải pháp cho các doanh nghiệp FDI khi bắt buộc áp dụng IFRS vào năm 2025 như sau:

Một là, tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Nhân lực là yếu tố quan trọng để đảm bảo doanh nghiệp thực hiện thành công IFRS. Do đó, các doanh nghiệp cần đầu tư vào việc đào tạo và phát triển đội ngũ kế toán, tài chính. Các chương trình đào tạo nên tập trung vào việc hiểu và áp dụng các chuẩn mực IFRS, từ việc ghi nhận tài sản, nợ phải trả đến lập báo cáo tài chính.

Các doanh nghiệp cũng nên khuyến khích nhân viên tham gia các khóa học và chương trình cấp chứng chỉ IFRS do các tổ chức uy tín như ACCA, ICAEW hoặc CPA Australia cung cấp. Điều này không chỉ giúp cải thiện kỹ năng mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Hai là tận dụng sự hỗ trợ từ các chuyên gia tư vấn.

Với những doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm trong áp dụng IFRS, việc thuê các chuyên gia tư vấn có thể là giải pháp hiệu quả. Các công ty tư vấn lớn như Deloitte, PwC, Ernst & Young và KPMG có thể cung cấp các dịch vụ từ đánh giá hiện trạng, xây dựng lộ trình triển khai đến hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nhân sự.

Các chuyên gia tư vấn không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quá trình chuyển đổi mà còn đảm bảo tuân thủ các quy định mới một cách hiệu quả. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn có nguồn lực hạn chế để tự thực hiện toàn bộ quy trình.

Ba là đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT.

Để đảm bảo khả năng áp dụng IFRS, các doanh nghiệp FDI cần ưu tiên đầu tư và nâng cấp hệ thống CNTT, bao gồm phần mềm kế toán và hệ thống ERP (Enterprise Resource Planning). Hệ thống mới phải có khả năng tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn, xử lý tự động và cung cấp các báo cáo phù hợp với chuẩn mực IFRS. Ví dụ, các doanh nghiệp có thể sử dụng phần mềm chuyên dụng như SAP, Oracle Financials hoặc Microsoft Dynamics 365, vốn đã được thiết kế để hỗ trợ IFRS.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần xây dựng lộ trình cụ thể cho việc triển khai hệ thống CNTT mới, bao gồm các giai đoạn đánh giá, lựa chọn nhà cung cấp và triển khai từng bước. Điều này giúp tối ưu hóa chi phí và giảm thiểu rủi ro gián đoạn hoạt động kinh doanh.

Bốn là xây dựng chiến lược quản trị rủi ro tài chính.

Với sự biến động do IFRS mang lại, doanh nghiệp cần xây dựng một chiến lược quản trị rủi ro tài chính toàn diện. Điều này bao gồm việc phân tích và dự đoán các biến động tài chính có thể xảy ra khi áp dụng IFRS, từ đó chuẩn bị các kịch bản ứng phó. Ví dụ, trong lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp có thể chuẩn bị các báo cáo dự phòng cho các tình huống giá trị thị trường giảm mạnh.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần thiết lập các chính sách dự phòng tài chính dựa trên mô hình tổn thất kỳ vọng (Expected Credit Loss - ECL) để đảm bảo khả năng đối phó với các rủi ro tín dụng. Việc sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu và dự báo tài chính hiện đại cũng sẽ giúp doanh nghiệp dự đoán và quản lý rủi ro tốt hơn.

Năm là tăng cường hợp tác và học hỏi từ các doanh nghiệp khác.

Cuối cùng, các doanh nghiệp FDI có thể tận dụng kinh nghiệm từ các doanh nghiệp đã áp dụng IFRS thành công. Tham gia vào các hiệp hội ngành nghề, hội thảo chuyên đề hoặc nhóm làm việc liên quan đến IFRS sẽ giúp doanh nghiệp học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm thực tế. Ví dụ, các hội thảo do ACCA hoặc CPA tổ chức thường mang lại nhiều giá trị thiết thực cho các doanh nghiệp đang trong giai đoạn chuyển đổi. Ngoài ra, việc hợp tác với các đối tác chiến lược, bao gồm ngân hàng, tổ chức tài chính và nhà cung cấp phần mềm, cũng giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa nguồn lực bên ngoài để hỗ trợ quá trình chuyển đổi.

4. Kết luận

Việc bắt buộc áp dụng IFRS vào năm 2025 là thách thức lớn nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp FDI. Bằng cách đầu tư vào công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, quản trị rủi ro hiệu quả, tận dụng sự hỗ trợ từ chuyên gia và học hỏi từ các doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp FDI có thể vượt qua các khó khăn và đạt được sự chuyển đổi thành công theo IFRS.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. IMA và IFAC (2022), Báo cáo về nguồn nhân lực kế toán khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
  2. Bộ Tài chính (2020), Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam. 
  3. PwC Việt Nam (2024), Báo cáo minh bạch.
  4. Deloitte (2019), Bản tin cập nhật nhanh về đầu tư nước ngoài.“Định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 của Việt Nam”.
  5. T. T. N. (2021). Giải pháp thúc đẩy vận dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại các doanh nghiệp Việt Nam. Tạp chí Tài chính, truy cập tại: https://tapchitaichinh.vn/giai-phap-thuc-day-van-dung-chuan-muc-bao-cao-tai-chinh-quoc-te-tai-cac-doanh-nghiep-viet-nam.html.
  6. IFRS (2018). Use of IFRS Standards around the world. IFRS Foundation. Truy cập tại: https://www.ifrs.org/content/dam/ifrs/around-the-world/adoption/use-of-ifrs-around-the-world-overview-sept-2018.pdf.
  7. VCCI (2023), Khảo sát doanh nghiệp 2023.
  8. Ernst & Young (2020), Hội thảo IFRS - Ngôn ngữ kế toán toàn cầu.

Solutions for FDI Enterprises to IFRS adoption in 2025

Tran Thi Quyen

Faculty of Accounting - Auditing

University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

The mandatory adoption of International Financial Reporting Standards (IFRS) from 2025 marks a significant milestone in Vietnam’s international economic integration. IFRS enhances financial transparency, improves comparability, and facilitates greater access to investment capital. However, for foreign direct investment (FDI) enterprises, this transition presents considerable challenges, including a shortage of specialized human resources, high compliance costs, and difficulties in system transformation and accounting culture alignment. This study examines these challenges and proposes strategic solutions to support FDI enterprises in effectively preparing for the mandatory implementation of IFRS in 2025.

Keywords: FDI enterprises, IFRS, standards.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6 tháng 2 năm 2025]

Tạp chí Công Thương