Huyện Tri Tôn phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội

Tri Tôn là huyện rộng nhất của tỉnh An Giang, là vùng đất giàu tiềm năng với diện tích đất nông nghiệp lớn, có nhiều di tích văn hóa lịch sử và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Huyện trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều doanh nghiệp khi triển khai đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, xây dựng, khai thác khoáng sản, du lịch và kinh tế biên giới.

Kinh tế - xã hội phục hồi và tăng trưởng

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, kinh tế - xã hội(KT – XH) của huyện Tri Tôn đã dần phục và tăng trưởng. Huyện đã tập trung chỉ đạo điều hành các lĩnh vực KT - XH năm 2022 đạt và vượt 16/16 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND huyện đề ra. Trong đó, có một số chỉ tiêu quan trọng góp phần vào phát triển KT -XH của huyện như: Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 52,11 triệu đồng; thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn được gần 134,6 tỷ đồng, đạt 183,22%; duy trì 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và 01 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2022 giảm 2,2%; công nhận thêm 03 trường đạt chuẩn quốc gia...

Toàn cảnh trung tâm huyện Tri Tôn

Đặc biệt, trong định hướng phát triển huyện xác định 03 khâu đột phá là: Huy động mọi nguồn lực, trong đó coi trọng sự đóng góp của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang nâng cấp và phát triển đô thị; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư phát triển hiệu quả, bền vững; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo quản lý, phát triển kinh tế nông nghiệp và du lịch; tập trung mời gọi, tạo môi trường tốt để thu hút đầu tư, nhất là vào lĩnh vực nông nghiệp, du lịch và công nghiệp chế biến; đồng thời đa dạng hóa hình thức đầu tư, thực hiện giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa, huy động vốn, nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực như văn hóa giáo dục thể thao và y tế…

Thực hiện chủ trương chú trọng liên kết với các địa phương, liên kết vùng nhằm phát huy tối đa lợi thế của huyện, hướng tới phát triển bền vững, Tri Tôn luôn tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất để thu hút đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển. Với diện tích đất nông nghiệp lớn, khá tập trung, huyện tạo điều kiện thuận lợi trong công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, có điều kiện hình thành vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao, rau màu, cây ăn trái, cây dược liệu, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao.

Quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng

Trong những năm qua, huyện Tri Tôn đã đặc biệt quan tâm kết hợp từ nhiều nguồn vốn tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, thực hiện mở rộng các tuyến đường, cầu nông thôn, công viên… Qua đó, tạo diện mạo mới cho huyện, góp phần thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ du lịch tăng trưởng, thu hút được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Trong năm 2022, huyện tiếp tục tạo điều kiện thu hút các nguồn lực đầu tư, đặc biệt là đầu tư phục vụ kết cấu hạ tầng, căn cứ vào nhu cầu và khả năng cân đối vốn đầu tư. Huyện đẩy mạnh huy động các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, tạo môi trường thuận lợi huy động các nguồn xã hội hóa để đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng thời làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, xử lý vướng mắc để các dự án được triển khai, phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Nhà Thiếu Nhi huyện Tri Tôn

Tổng kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2021 kéo dài sang năm 2022 là 55.059 triệu đồng, bố trí cho 12 công trình, trong đó giải ngân 48.691 triệu đồng, đạt 87,48% so với tổng kế hoạch vốn. Tổng kế hoạch vốn trong năm 2022 là 168.138 triệu đồng để thực hiện 41 công trình, kết quả thanh toán đạt 75.000 triệu đồng, đạt 44,61% so với tổn kế hoạch.

Dự án mở cửa khẩu phụ và nâng cấp mở rộng đường kênh T4, tại xã biên giới Vĩnh Gia là 2 công trình trọng điểm vùng biên giới, giúp giao thương trao đổi hàng hóa với nước bạn Campuchia thuận lợi, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của 2 xã biên giới Vĩnh Gia và Lạc Quới.

Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 và một số nguyên nhân khách quan, tiến độ một số gói thầu còn chậm. UBND huyện Tri Tôn đã kịp thời phê duyệt điều chỉnh dự án cho phù hợp với tình hình thực tế. Đối với dự án nâng cấp mở rộng đường kênh T4, có tổng kinh phí trên 34 tỷ đồng. Tuyến đường dài 3.654m, chiều ngang xe chạy 7m, được láng nhựa 3 lớp, lề đường 2m; trên tuyến đường xây dựng 1 cầu bê-tông cốt thép dự ứng lực và 6 cống bằng bê-tông cốt thép.

Công trình khởi công ngày 22/12/2021, dự kiến ngày hoàn thành ngày 14/6/2023. Ngày 10/11/2022, UBND huyện Tri Tôn cũng phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình Cụm Công nghiệp Lương An Trà giai đoạn 1, xã Lương An Trà (lần 2).

Giao thông nông thôn được huyện quan tâm đầu tư

Năm 2023, huyện Tri Tôn tiếp tục tập trung các giải pháp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, tạo động lực hoàn thành mục tiêu phát triển KT - XH giai đoạn 2021-2025. Trong đó, huyện đề ra 16 chỉ tiêu chủ yếu như: Tổng giá trị sản xuất đối với một số ngành hàng đạt 8.254 tỷ đồng, tăng 6,83% so năm 2022; giá trị sản xuất bình quân gần 148,17 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người hộ gia đình đạt 56,82 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ 2.445-2.520 tỷ đồng; tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn 101,1 tỷ đồng. Tiếp tục thu hút đầu tư và phát triển hạ tầng để tạo điều kiện phát triển KT - XH.

Phấn đấu đưa tổng số trường học đạt chuẩn quốc gia lên 27/57 trường; tỷ lệ lao động qua đào tạo 44,55%; giảm thêm 2% số hộ nghèo theo chuẩn mới (riêng hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%); đạt 6 bác sĩ/10.000 dân, 15 giường bệnh/10.000 dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế 98,06%.

Phấn đấu có thêm 1 xã đạt chuẩn NTM và 1 xã đạt NTM nâng cao; quy mô dân số 117.698 người; tỷ lệ dân số nông thôn và thành thị được cung cấp nước sạch đạt 88,57%; tỷ lệ che phủ rừng 37%; tỷ lệ cơ quan nhà nước các cấp trên địa bàn huyện Tri Tôn hoàn thiện chính quyền điện tử đạt 90%.

Cảnh Hưng