Hơn 20 năm qua, mô hình tổ chức của NHCSXH tỉnh An Giang được tổ chức và hoàn thiện, phù hợp với nhu cầu thực tiễn tại địa phương và phát huy hiệu quả, huy động được sự tham gia của toàn xã hội.
Với phương châm hoat động “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” NHCSXH tỉnh An Giang đã gắn kết tín dụng chính sách xã hội với các hoạt động chuyển giao khoa học, công nghệ, các chương trình khuyến nông, lâm, ngư nghiệp, đào tạo nghề, các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Để giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ thuận lợi, hệ thống NHCSXH trên địa bàn tỉnh An Giang đã tổ chức điểm giao dịch ở tất cả 156 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với sự quan tâm, hỗ trợ của Cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp của của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại tất cả các khóm, ấp trên địa bàn tỉnh.
Tại các điểm giao dịch xã, NHCSXH đã công khai các chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi Nhà nước, các quy trình thủ tục, danh sách hộ vay vốn, các thông tin liên quan về tính dụng chính sách để chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân được biết, cùng giám sát hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, đảm bảo công khai, dân chủ và đúng quy định.
Doanh số cho vay năm 2022 của NHCSXH tỉnh An Giang ước đạt 1.257 tỷ đồng, với 35.984 lượt hộ được vay vốn, tăng 326,1 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 35,3% so với năm 2021; doanh số thu nợ năm 2022 ước đạt 800,6 tỷ đồng, tăng 189,2 tỷ đồng, tỷ lệ tăng là 30,1%% so với năm 2021. Đến 31/12/2022 ước tổng dư nợ đạt 4.130,5 tỷ đồng, tăng 455 tỷ đồng so với năm 2021, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ đạt 12,05%, với khoảng147 ngàn hộ còn dư nợ, bình quân một hộ có dư nợ 28,7 triệu đồng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội phần lớn được tập trung đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; chú trọng ưu tiên, tập trung vốn cho vay hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện cuộc sống từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững. Vốn vay trong năm 2022 đã góp phần giúp hơn 5.287 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 7.340 lao động từ Quỹ Quốc gia về việc làm; giúp 5.161 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 2.775 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây dựng, cải tạo và mua 65 căn nhà ở xã hội; giúp 135 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; giúp 29 doanh nghiệp, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid 19 vay vốn để trả lương cho 7.159 người lao động; giải ngân cho 13 cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập phải dừng hoạt động ít nhất 01 tháng theo yêu cầu phòng chống dịch để sửa chữa cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị dạy học;...
Ông Trần Thế Loan - Giám đốc NHCSXH tỉnh An Giang cho biết: Với mục tiêu tập trung các nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách, thời gian tới NHCSXH tỉnh An Giang tiếp tục phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chương trình tín dụng chính sách xã hội để người dân nắm bắt, tiếp cận và sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích. Tập trung tổ chức triển khai nhanh, kịp thời, đúng quy định các chương trình tín dụng mới được ban hành, nhất là triển khai nhanh và hiệu quả công tác giải ngân vốn vay theo Nghị quyết 11NQ/CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.