Giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ, công chức của thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang

NGUYỄN TRUNG THÀNH (Học viên cao học Trường Đại học Cửu Long) - NGUYỄN HOÀNG PHƯƠNG (Giảng viên Học viện Chính trị khu vực 2)

TÓM TẮT:

Sự phát triển của một quốc gia, một tỉnh, một thành phố cần dựa trên nhiều yếu tố như điều kiện kinh tế - xã hội, tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, nguồn nhân lực,... trong đó nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng. Trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ đang diễn ra sự cạnh tranh quyết liệt trên nhiều lĩnh vực giữa các quốc gia, trong đó có sự cạnh tranh về nguồn nhân lực. Do vậy, việc chú trọng thu hút và phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ là một vấn đề thiết yếu. Trong thời gian qua, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại thành phố Châu Đốc còn nhiều hạn chế, như: chưa phân tích được điểm mạnh, điểm yếu; công tác bố trí nhân sự bất hợp lý, việc đánh giá năng lực cán bộ, công chức các phòng ban chuyên môn còn thiếu tính khách quan và khoa học,… điều này làm mất động lực cạnh tranh lành mạnh của đội ngũ cán bộ, công chức. Vì vậy, đánh giá đúng thực trạng và đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cán bộ, công chức các phòng ban chuyên môn của thành phố Châu Đốc là vấn đề cần thiết để có thể đáp ứng được sự phát triển của thành phố trong thời gian tới.

Từ khóa: giải pháp, nâng cao chất lượng, cán bộ, công chức các phòng ban chuyên môn, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.

1. Đặt vấn đề

Châu Đốc được hình thành cách đây gần 300 năm, không chỉ người Việt và Khmer, mà cả người Hoa, Chăm, Ấn, Malaysia đã cùng hội tụ sinh sống, tạo nên sắc thái văn hóa độc đáo của vùng đất này. Thành phố Châu Đốc hiện nay có diện tích tự nhiên trên 10.500 ha, với hơn 127.000 nhân khẩu, được chia thành 7 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 5 phường và 2 xã. Trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, đồng nghĩa với việc Châu Đốc trở thành một trong hai trung tâm kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc của tỉnh An Giang (sau thành phố Long Xuyên); đồng thời là trung tâm du lịch lớn nhất tỉnh nhờ vào tiềm năng và vị trí địa lý đặc biệt “Tiền tam giang, hậu thất lĩnh”, nơi giao nhau giữa sông Hậu và sông Châu Đốc. Thành phố Châu Đốc ưu tiên đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung thu hút và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công và lĩnh vực dân doanh (tập trung ngành Du lịch), nhằm đáp ứng nhân sự cho nhu cầu của phát triển thành phố. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân. Sau nhiều năm xây dựng, thành phố Châu Đốc ngày nay thật sự chuyển biến, xanh - sạch - đẹp hơn; người dân Châu Đốc hiền hòa, vui tính thân thiện, luôn chào đón mọi người. Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian qua, thành phố Châu Đốc luôn quan tâm triển khai thực hiện một cách đồng bộ công tác đào tạo, xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức các phòng ban chuyên môn, từ đó tạo động lực, góp phần tăng cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế.

2. Thực trạng chất lượng cán bộ, công chức các phòng ban chuyên môn của thành phố Châu Đốc

2.1. Về công tác đào tạo nguồn nhân lực

Những năm gần đây, thành phố Châu Đốc rất quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng cho cán bộ, công chức các phòng ban chuyên môn. Thành phố đã xây dựng được quy trình hướng dẫn công tác đào tạo bằng văn bản và thực hiện đào tạo theo đúng quy trình đã đưa ra. Cụ thể quy trình đào tạo nguồn nhân lực của tổ chức bao gồm 5 bước: xác định nhu cầu đào tạo, lập kế hoạch đào tạo, phê duyệt kế hoạch đào tạo, triển khai đào tạo và đánh giá kết qủa đào tạo.

2.2. Về công tác phát triển nguồn nhân lực

Dựa trên nguồn nhân lực sẵn có của tổ chức, đơn vị cần phát triển nguồn nhân lực đảm bảo về số lượng, cơ cấu hợp lý, tổ chức thường xuyên đánh giá trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức các phòng ban chuyên môn, nhằm nâng cao trình độ cho họ để thực hiện tốt công việc; đồng thời, tăng cường phối hợp làm việc nhóm giữa các phòng ban trong việc thực thi nhiệm vụ mà cấp trên giao phó. Qua đó, nâng cao nhân cách đạo đức cho cán bộ, công chức các phòng ban chuyên môn trong việc phục vụ nhân dân.

Nhìn chung, quy trình đào tạo có đầy đủ các bước cơ bản so với lý thuyết của đào tạo và được sắp xếp theo trình tự hợp lý. Tuy nhiên, để đánh giá được hệ thống đào tạo của tổ chức, cần phải đánh giá nhu cầu đào tạo, cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo, đội ngũ giáo viên đào tạo, lựa chọn phương pháp đào tạo, hỗ trợ ứng dụng kiến thức đã học vào công việc và đánh giá kết quả đào tạo.

2.3. Thực trạng chất lượng cán bộ, công chức các phòng ban chuyên môn của thành phố Châu Đốc

Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đội ngũ cán bộ TP. Châu Đốc đã không ngừng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng; có những bước trưởng thành, tiến bộ về nhiều mặt, góp phần tích cực vào sự phát triển của địa phương và cung cấp nguồn cán bộ chất lượng cho tỉnh.

Thời gian qua, cùng với công tác triển khai, nghiên cứu, học tập Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”, Ban Thường vụ Thành ủy Châu Đốc đã chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng cụ thể hóa nghị quyết thành chỉ tiêu, kế hoạch và chương trình hành động phù hợp, sát đúng với tình hình thực tiễn. Theo đó, công tác cán bộ luôn bám sát nhiệm vụ chính trị và yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ mới. Nội dung, phương pháp, cách làm có nhiều đổi mới, phù hợp với từng giai đoạn. Từ đó, góp phần quan trọng làm tăng sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp.  

Trong công tác cán bộ đã gắn kết các khâu nhằm thực hiện việc đổi mới đồng bộ theo chủ trương chung của Trung ương và Tỉnh ủy. Chủ trương, quan điểm, giải pháp lớn về công tác cán bộ được thể chế hóa, cụ thể hóa thành các quy định, quy chế, hướng dẫn, mang lại nhiều chuyển biến tích cực và có hiệu quả trong thực tiễn. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp ủy các cấp ổn định, đủ về số lượng, đảm bảo đạt chuẩn theo quy định; đạo đức tác phong gương mẫu, hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao. Ban Thường vụ Thành ủy thường xuyên rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt và đội ngũ cán bộ cấp trưởng, phó ngành, mặt trận tổ quốc, đoàn thể các xã, phường, để có cơ sở sắp xếp, bố trí lại công tác, giải quyết chế độ chính sách cũng như xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng; nội dung, phương thức từng bước được đổi mới, kết hợp giữa học lý luận với nâng cao kỹ năng thực hành. Việc quản lý, bố trí, sử dụng cán bộ được thực hiện nghiêm túc theo hướng công khai, minh bạch, từng bước khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, thiếu khách quan khi xem xét, quyết định về công tác cán bộ. Việc bổ nhiệm cán bộ được xem xét, quyết định một cách dân chủ. Đa số cán bộ sau khi được bổ nhiệm đều giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống, tích cực nỗ lực phấn đấu thực hiện chương trình hành động đã đề ra và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Từ năm 2010 đến nay, đã điều động, bổ nhiệm và giới thiệu ứng cử 277 lượt cán bộ. Công tác quy hoạch cán bộ thực hiện theo hướng phát huy dân chủ, kết hợp từ dưới lên với việc tổ chức chỉ đạo từ trên xuống một cách khoa học. Việc quy hoạch cán bộ lãnh đạo và quản lý theo phương châm “động” và “mở” trên cơ sở những tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn riêng của từng loại cán bộ.

2.4. Thành tựu, hạn chế

Thành tựu:

- Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp trong Thành phố hiện nay đủ về số lượng, đạt tiêu chuẩn trình độ, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hiện tại và chuẩn bị được nguồn cán bộ kế thừa cho các giai đoạn tiếp theo.

- Công tác quy hoạch cán bộ được thực hiện nền nếp theo đúng quy định, khắc phục tình trạng bị đọng, lúng túng. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, cấp cơ sở có 11.922 lượt cán bộ được quy hoạch cấp ủy viên; cấp huyện và tương đương có 2.063 lượt cán bộ được quy hoạch cấp ủy viên; quy hoạch Tỉnh ủy viên có 178 đồng chí, trong đó cán bộ trẻ chiếm 40%, cán bộ nữ chiếm 20%.

- Gắn với quy hoạch cán bộ, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ được các cấp ủy đảng đặc biệt quan tâm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Trường Chính trị Tôn Đức Thắng phối hợp các Ban Đảng tỉnh xây dựng chương trình và tổ chức các lớp bồi dưỡng chức danh lãnh đạo Đảng, chính quyền cấp cơ sở phù hợp.

-  Đội ngũ cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện đều đạt chuẩn về chuyên môn. Đối với cấp xã, phường, thị trấn, tỷ lệ đạt chuẩn đối với cán bộ là 87%, đối với công chức là 95%, một ít cán bộ cấp xã có trình độ thạc sỹ, một ít trưởng ấp, khóm có trình độ đại học. 

Hạn chế:

Tuy đạt được một số thành quả quan trọng, nhưng so với yêu cầu, việc xây dựng và nâng chất đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp trong Thành phố còn những hạn chế đó là:

- Thiếu cán bộ lãnh đạo giỏi về kinh tế, quản lý hành chính, khoa học kỹ thuật, pháp luật; một bộ phận cán bộ chưa tích lũy được kinh nghiệm, kỹ năng lãnh đạo quản lý.

- Tuyển dụng, bố trí cán bộ chưa thật sự thu hút, phát huy nguồn nhân lực, tài năng qua đào tạo; một số trường hợp bố trí chưa đúng ngành nghề đào tạo.

- Tạo nguồn và quy hoạch cán bộ trẻ, cán bộ nữ rất tích cực, nhưng kết quả được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ cấp huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 chưa đạt tỷ lệ quy định.

- Công tác tổ chức cán bộ ở một số mặt còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

- Việc quản lý, đánh giá cán bộ ở một số nơi thiếu sâu sát và chưa đúng thực chất, có khi còn nể nang, dễ dãi.

3. Giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ, công chức các phòng ban chuyên môn của thành phố Châu Đốc trong thời gian tới

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, nghị quyết của Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; đặc biệt là những nội dung mới, làm cho các cấp ủy, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nhận thức thật sâu sắc vai trò “then chốt” của công tác cán bộ trong lĩnh vực xây dựng Đảng. 

Hai là, triển khai tổ chức thực hiện tốt các quy định về tiêu chí chức danh, xây dựng danh mục vị trí việc làm và cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức để làm cơ sở cho việc sắp xếp bộ máy, tuyển dụng người có tài năng vào bộ máy. Thực hiện Đề án của Bộ Chính trị về thí điểm đổi mới cách tuyển chọn thông qua thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng.  

Ba là, tiếp tục cụ thể hóa, tổ chức thực hiện sâu rộng, đầy đủ các nội dung, chương trình theo Đề án 01 của Tỉnh ủy, làm tốt việc xét chọn đối tượng nguồn cán bộ trẻ, có triển vọng phát triển để đưa vào quy hoạch dài hạn; nâng chất lượng và hiệu quả đào tạo, tích cực rèn luyện, thử thách trong thực tiễn để tiến bộ nhanh cả về nhận thức chính trị, chuyên môn và kỹ năng lãnh đạo, quản lý.

Bốn là, đẩy mạnh thực hiện theo chiều sâu giai đoạn 2 của Đề án 02 về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn; trên cơ sở vừa nâng cao trình độ, đảm bảo việc chuẩn hóa đi đôi với nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động thực tiễn, nhất là các chức danh chủ chốt và cán bộ trẻ, cán bộ nữ ở cấp xã.

Năm là, chăm lo tốt hơn việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ gắn với các đề án, chương trình công tác trọng tâm ở địa phương, kể cả cán bộ đương chức và cán bộ quy hoạch. Tăng cường công tác luân chuyển cán bộ.

Sáu là, tiếp tục rà soát, đề xuất về điều chỉnh, bổ sung các chính sách cán bộ nhằm thu hút được nhiều người có tâm, có tài, có đức vào các tổ chức trong hệ thống chính trị để làm nhân tố khuyến khích sự phấn đấu, cống hiến nhiều hơn cho Đảng, đất nước và địa phương.

4. Kết luận

Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chính trị tư tưởng đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và tạo sự thống nhất trong Đảng, phát huy nội lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Thành phố Châu Đốc cần tăng cường thanh, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong cơ quan nhà nước; đặc biệt là xây dựng chính quyền các cấp thật sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Với mục tiêu đặt ra cho nhiệm kỳ XII (2020 - 2025), thành phố Châu Đốc xây dựng và từng bước phát triển đô thị du lịch, văn hóa, giáo dục thông minh; nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; phấn đấu đến năm 2025, xây dựng thành phố Châu Đốc trở thành trung tâm văn hóa, thương mại, dịch vụ, du lịch của khu vực và cả nước. Đây là nhiệm vụ khá nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang, trong đó đòi hỏi rất lớn vai trò của công tác dân vận và phát huy tốt dân chủ ở cơ sở; đây cũng chính là động lực để các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể thành phố ra sức xây dựng TP. Châu Đốc ngày càng phát triển.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trần Kim Dung (2011), Quản trị nguồn nhân lực, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
  2. Phan Văn Kha (2007), Đào tạo và sử dụng nhân lực trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Nhà xuất bản Giáo dục.
  3. Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008), Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, NXB Hồng Đức.
  4. Thu Thảo (2022). An Giang xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Báo An Giang, truy cập tại https://baoangiang.com.vn/an-giang-xay-dung-doi-ngu-can-bo-dap-ung-yeu-cau-nhiem-vu-a328957.htmlBan Tổ chức tỉnh ủy (2016). Giải pháp chủ yếu nâng chất lượng đội ngũ cán bộ, Cổng thông tin điện tử Ban Tuyên giáo An Giang, truy cập tại http://tuyengiaoangiang.vn/index.php/xay-dung-dang/to-chuc/2133-giai-phap-chu-yeu-nang-chat-doi-ngu-can-bo-
  5. Châu Đốc xây dựng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo thời kỳ mới, Báo An Giang, https://baoangiang.com.vn/.

Solutions for improving the quality of cadres and civil servants in Chau Doc city, An Giang province

Master’s student Nguyen Trung Thanh1

Lecturers Nguyen Hoang Phuong2

1Mekong University

2Academy of Politics Region II

Abstract:

The are many shortcomings in the human resource training and development activities of Chau Doc city, An Giang province. For example, the strengths and weaknesses of the city’s human resources have not been analyzed, the employment arrangement is unreasonable, the assessment of the capacity of cadres and civil servants working at specialized departments still lacks scientific objectivity, etc. With these shortcomings, the city has failed to motivate its cadres and civil servants to work. As a result, it is necessary for Chau Doc city to properly assess the situation and have solutions to improve the quality of cadres and civil servants woking at specialized departments of the city to meet the requirement development of the city in the near future.

Keywords: solutions, quality improvement, officials and civil servants of specialized departments, Chau Doc city, An Giang province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23 tháng 10  năm 2022]