Tiềm năng phát triển du lịch nông thôn tại tỉnh An Giang

ĐƯỜNG HUYỀN TRANG (Khoa Nông nghiệp - Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Ngày nay, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa tăng lên mạnh mẽ đang thúc đẩy du khách tìm về vẻ đẹp bình dị, thiên nhiên và những giá trị văn hoá truyền thống ở nông thôn. Vì vậy, du lịch nông thôn đã trở thành xu thế phát triển ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tỉnh An Giang có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là phát triển du lịch cộng đồng nông thôn. Qua nghiên cứu tài liệu và thực địa, tác giả nhận thấy, ngoài vai trò không thể thiếu của tài nguyên du lịch địa phương, như: các danh lam thắng cảnh, phong tục tập quán, việc đảm bảo sinh kế của người dân bản địa vô cùng quan trọng. Thông qua bài viết này, tác giả muốn tham gia góp ý kiến về việc xây dựng một cộng đồng địa phương đủ năng lực để bảo tồn, phát huy các tài nguyên của địa phương, đồng thời đủ kiến thức, năng lực, kỹ năng để phát triển sinh kế trong khi cung cấp các dịch vụ cho nhu cầu của khách du lịch và mang lại nhiều nguồn thu cho người dân địa phương, cũng như đảm bảo sinh kế của cộng đồng trong mối quan hệ bền vững về môi trường, văn hóa và xã hội.

Từ khóa: tỉnh An Giang, cộng đồng, tiềm năng, phát triển du lịch nông thôn.

1. Đặt vấn đề

Đất nước ngày càng phát triển, nhu cầu của con người cũng dần được nâng cao hơn, trong đó nhu cầu được đi du lịch, trải nghiệm cảnh quan, cũng như hòa nhập vào đời sống động đồng tại vùng đất nơi họ đến du lịch ngày càng được chú trọng hơn. Ngày nay, phát triển cộng đồng đã trở thành tâm điểm của phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng như ở Việt Nam và được đẩy mạnh trong nhiều lĩnh vực hơn.

Khái niệm du lịch cộng đồng được Murphy đề cập nghiên cứu từ năm 1985 cho đến nay có rất nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến việc khai thác, phát triển loại hình du lịch này. Tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, du lịch cộng đồng ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm từ phía khách du lịch, chính quyền địa phương, người dân địa phương, cũng như các bên liên quan. Du lịch cộng đồng đã và đang được biết đến như những quan điểm, giải pháp, nguyên tắc phát triển du lịch bền vững (Bùi Thị Yến, 2012). Mô hình du lịch này cũng góp phần thúc đẩy các chiến lược xóa đói giảm nghèo, tạo ra sinh kế, đồng thời khuyến khích vai trò của người dân bản địa trong việc hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng và bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa cũng như các di sản thiên nhiên tại địa phương (Phạm Hồng Long, 2019).

Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được cho là vùng đất màu mỡ để phát triển du lịch cộng đồng với những điều kiện thuận lợi về cảnh quan tự nhiên cũng như các giá trị văn hóa đa dạng, đặc sắc tại các tỉnh, thành phố như: An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang. An Giang là một nơi hội tụ đủ những yếu tố làm nên sự hấp dẫn, thu hút để phát triển du lịch cộng đồng.

Tuy nhiên, những giá trị của du lịch nông thôn tại An Giang vẫn chưa thực sự được quan tâm nhìn nhận và phát triển xứng đáng với tiềm năng của vùng đất này. Vì vậy, tác giả mong muốn thông qua bài viết sẽ góp phần cung cấp một cái nhìn hoàn thiện hơn về tiềm năng, những khó khăn hạn chế trong việc phát du lịch cộng đồng tại đây, từ đó có những giải pháp thiết thực đưa An Giang trở thành tỉnh phát triển du lịch nông thôn bền vững.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Khái niệm du lịch cộng đồng nông thôn

Theo Nguyễn Ngọc Linh (2020), trích từ Nguyễn Văn Thanh (2005), “Du lịch dựa vào cộng đồng là phương thức phát triển du lịch, trong đó cộng đồng dân cư là chủ thể trực tiếp tham gia phát triển du lịch, bảo vệ tài nguyên môi trường cả về tự nhiên và nhân văn tại các điểm khi du lịch và đồng thời được hưởng quyền lợi từ hoạt động du lịch mang lại”.

Khái niệm về du lịch cộng đồng trên mới chú ý đến vai trò của cộng đồng trong du lịch, thu hút cộng đồng địa phương tham gia vào du lịch và quyền lợi họ được hưởng từ hoạt động du lịch, chưa quan tâm đến cộng đồng địa phương trong vai trò cầu du lịch, quyền lợi và đặc điểm của khách du lịch sử dụng các sản phẩm du lịch của cộng đồng địa phương.

2.2. Vai trò của cộng đồng địa phương trong du lịch cộng đồng

Theo Nguyễn Ngọc Linh (2020): Cộng đồng địa phương tại nơi diễn ra hoạt động du lịch là thành viên tham gia quan trọng hàng đầu, với vai trò là chủ thể của các hoạt động bảo tồn và phát triển du lịch. Cụ thể: cộng đồng tham gia vào các hoạt động kinh doanh du lịch, như: kinh doanh lưu trú, ăn uống, tham quan làng nghề sản xuất các sản phẩm truyền thống đặc sản tại địa phương (làng nghề nấu đường thốt nốt, dệt thổ cẩm của người Chăm và các đặc sản của người Khmer tại 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên), các cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có được người dân địa phương cải tạo và phát triển thành các homestay như nhà ở, phòng cho thuê được tu sửa, trang bị lại phù hợp với nhu cầu lưu trú của khách du lịch. Như vậy, để phát triển du lịch địa phương hiệu quả, vai trò của cộng đồng trong địa phương đó rất quan trọng. Cộng đồng sẽ tham gia vào việc lấy ý kiến, ra quyết định trong việc xây dựng quy hoạch du lịch, cũng như tham gia sản xuất các loại hàng hóa cung cấp cho hoạt động kinh doanh du lịch, tham gia quản lý xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch. Sự phối hợp của cộng đồng góp phần tạo nên tính đa dạng và hấp dẫn cho sản phẩm của địa phương diễn ra hoạt động du lịch cộng đồng, đồng thời thể hiện bản sắc của vùng miền.

3. Tình hình phát triển du lịch nông thôn tại An Giang

3.1. Du lịch Homestay

Homestay là loại hình du lịch mà khách du lịch sẽ nghỉ, ngủ tại nhà người dân địa phương, nơi mà họ đặt chân đến, nhằm giúp du khách khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu phong tục tập quán, đời sống văn hóa của từng vùng miền tại địa phương đó. Đây là một hình thức du lịch cộng đồng được ưa chuộng bởi những người thích trải nghiệm khám phá văn hóa, con người, muốn thâm nhập sâu vào văn hóa, sinh hoạt, mưu sinh của người dân địa phương (cảm nhận, hóa thân). Tại đây họ sẽ tham gia đạp xe, đi bộ xem cảnh sinh hoạt của người dân, được tự tay trải nghiệm một số hoạt động như làm bánh, trồng rau, cắt lúa, được xem người dân làm các nghề truyền thống. Như vậy, với khách du lịch, đây là một trải nghiệm thú vị và mới lạ.

Theo Việt Anh (2016), xã Mỹ Hòa Hưng được biết đến với thế mạnh sẵn có là những vườn cây ăn quả và những ngôi nhà sàn dựng trên cọc trong một không gian đậm chất miền Tây Nam Bộ. Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng (Long Xuyên - An Giang) được sự hỗ trợ của các chuyên gia Dự án EU-USRT (Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có trách nhiệm với Môi trường và Xã hội do Liên hiệp Châu Âu tài trợ) đã mạnh dạn phát triển nhiều tour du lịch nông nghiệp theo kiểu homestay, mang lại những trải nghiệm thú vị cho du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Tuy nhiên, hạn chế trong mô hình này là người dân địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc học tiếng Anh để giao tiếp với khách nước ngoài, trong trường hợp không có hướng dẫn viên theo đoàn, người dân sẽ khó khăn trong ngôn ngữ giao tiếp với du khách. Đây cũng là một trở ngại lớn để du lịch tại địa phương được phát triển vươn tầm quốc tế, tương xứng với tiềm năng tại đây.

3.2. Du lịch làng nghề

Du lịch làng nghề là loại hình du lịch khai thác các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng nghề địa phương và các sản phẩm do nghề thủ công của làng nghề tạo ra như một đối tượng tài nguyên du lịch. Chúng được khai thác để phục vụ cho tham quan du lịch, vui chơi, giải trí, nghiên cứu tìm hiểu văn hóa, thậm chí du khách có thể tham gia vào một số công đoạn sản xuất sản phẩm đặc trưng của làng nghề, mang lại lợi ích kinh tế địa phương và đất nước, góp phần tôn vinh, bảo tồn giá trị truyền thống văn hóa và tăng cường vai trò kinh tế của làng nghề.

Tỉnh An Giang có một số tuyến du lịch làng nghề nổi tiếng đang dần hoàn thiện và phát triển để đáp ứng nhu cầu khách du lịch, như: dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm Châu Giang - Châu Phong (Tân Châu), nghề rèn và bánh phồng (Thị trấn Phú Mỹ - Phú Tân), nghề mộc ở Chợ Mới, làng bè nuôi cá ở Long Xuyên, nghề làm nhang ở Bình Đức - Long Xuyên. Ngoài ra, còn có một số làng nghề đang được vực dậy đưa vào du lịch như nghề làm đường thốt nốt của người Khmer, nghề tráng bánh phồng mì của người Kinh (Tri Tôn).

3.3. Du lịch sinh thái

Với thế mạnh là vùng đất màu mỡ, tốt tươi, cùng cảnh quan hấp dẫn nên loại hình du lịch cộng đồng ngày càng khẳng định được vị thế của mình thông qua việc được đầu tư rất nhiều để phát triển từ chính quyền địa phương. Đến An Giang, du khách sẽ được tận mắt nhìn thấy những vườn trái cây đa dạng và xanh tốt và được tận tay hái quả, thưởng thức,hay chứng kiến hàng ngàn con cò trắng bay lượn trên bầu trời, cũng như những hệ sinh thái độc đáo tại cách rừng tràm Trà Sư tạo nét độc đáo riêng. Chắc chắn đây sẽ là một trải nghiệm thú vị, khó quên đối với khách du lịch khi đến tham quan du lịch sinh thái An Giang.

Các địa điểm du lịch sinh thái nổi tiếng ở An Giang là: rừng tràm Trà Sư thuộc xã Văn Giáo (Tịnh Biên), khu du lịch sinh thái Mỹ Hòa Hưng - Long Xuyên, du lịch sinh thái lòng hồ Tân Trung (Tân Trung - Phú Tân), vườn dâu tằm Mỹ Khánh (Mỹ Khánh - Long Xuyên) và nhiều điểm tham quan tiềm năng chưa thể khai thác thành du lịch do nhiều yếu tố, như: cơ sở hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh, tập quán canh tác nông nghiệp của người dân khi làm du lịch chưa sẵn sàng và vốn đầu tư tự thân của người dân phần lớn chưa đáp ứng được quy mô đầu tư vào mô hình du lịch cộng đồng.

3.4. Du lịch chợ nổi

Nếu như chợ nổi Cái Răng tại Cần Thơ mang nét đẹp đô thị hoành tráng, thu hút và nổi tiếng, thì tại An Giang, chợ nổi lại có một nét thu hút rất đặc biệt, phản ánh một cách rõ nét cuộc sống mưu sinh của người dân trên miền sông nước bình dị và dân dã. Chợ nổi thường họp từ rất sớm, khoảng từ 5h30 sáng và kết thúc khoảng 8, 9 giờ sáng. Vì thế, du khách sẽ có cơ hội ăn sáng ngay trên xuồng với những món ăn rất dân dã, như: bún cá, bún cua, phở,… Tất cả sẽ làm nên một trải nghiệm ấn tượng cho du khách khi đến nơi đây.

4. Khó khăn và hạn chế trong phát triển du lịch cộng đồng tại An Giang

An Giang là vùng đất hội tụ đầy đủ những yếu tố từ cảnh quan đến văn hóa cực kỳ hấp dẫn và độc đáo. Do vậy, cần tạo ra nhiều cơ hội để đưa du lịch An Giang nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng trở nên phát triển và vươn xa để trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong khu vực và cả nước. Tuy nhiên,  một thực tế hiện nay dễ dàng nhận thấy đó là việc khai thác loại hình du lịch cộng đồng vẫn chưa được quan tâm khai thác và đầu tư đúng mức. Cùng với đó vẫn còn tồn tại những khó khăn, thử thách nên chưa thể thai khác hết giá trị du lịch cộng đồng, cũng như mong muốn của du khách khi tham gia loại hình này. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, nguồn nhân lực dành cho phát triển cộng đồng nhìn chung vẫn còn thiếu về số lượng cũng như chất lượng, nguồn lực chất lượng cao vẫn còn hạn chế. Người nông dân chưa được đào tạo về du lịch và kỹ năng cơ bản trong kinh doanh, tổ chức du lịch cộng đồng. Vì thế, sẽ dễ dàng nhận ra sự rời rạc, sự thiếu chuyên nghiệp trong việc tổ chức, phục vụ khách du lịch.

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, đã có nhiều sự quan tâm của Tỉnh, của Sở Du lịch trong việc cử người đến đào tạo cho người dân làm du lịch, cho họ biết thế nào là du lịch cộng đồng, quy trình, phong cách phục vụ, cũng như những dịch vụ cần có. Tuy nhiên, người nông dân vẫn khó tiếp thu để thực hiện được và việc đó cần có thời gian, có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan du lịch, cũng như chưa có nguồn kinh phí đầu tư cho người dân trải nghiệm và tham quan học hỏi các cách làm du lịch cộng đồng từ các địa phương khác.

Thứ hai, văn hóa tại các dân tộc tại nơi đây chưa được khai thác đúng giá trị của nó và ngày càng có nguy cơ bị mai một và sẽ mất dần theo thời gian. Cụ thể là, số lượng các làng nghề truyền thống của người Chăm ngày càng giảm dần và số lượng người Chăm tham gia vào sản xuất tại các làng nghề truyền thống ngày càng ít hơn. Những cư dân người Chăm dần chuyển sang nghề khác, không còn tham gia sản xuất trong các làng nghề truyền thống nữa, những người thợ dệt đang chuyển sang buôn bán, hoặc làm nông nghiệp. Cũng như người Khmer, một số làng nghề của họ cũng dần mai một và biến mất, họ không còn tha thiết với nghề truyền thống vì không có thu nhập cao, dẫn đến việc họ kéo nhau đi làm các doanh nghiệp trên thành phố, bỏ lại làng quê với những phum sóc và các căn nhà trống dần xuống cấp.

Thứ ba, vấn đề vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch còn tồn tại nhiều bất cập, như vệ sinh lương thực, thực phẩm và rác trong sinh hoạt vẫn chưa được xử lý tốt. Hiện nay, người dân vẫn còn thói quen bỏ rác sinh hoạt xuống sông chứ không mang đi xử lý, cũng như chưa có phương pháp xử lý triệt để nào; từ đó dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, cũng như tạo một hình ảnh không đẹp trong mắt khách du lịch khi họ đến tham quan, trải nghiệm.

5. Giải pháp phát triển du lịch nông thôn tại tỉnh An Giang

5.1. Phát triển du lịch cộng đồng nông thôn gắn với phát triển kinh tế

Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tại các địa phương, khai thác tiềm năng nguồn nhân lực địa phương để tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Cần tăng cường pháp huy nguồn lực con người, khuyến khích người dân tham gia vào du lịch cộng đồng, đồng thời hướng dẫn họ đầu tư, kinh doanh các dịch vụ du lịch theo tiêu chuẩn để nâng cao hiệu quả đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng có trách nhiệm và bền vững.

Phát huy nguồn vốn xã hội bằng cách thiết lập và tăng cường sự liên kết giữa các chủ thể tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng, liên kết các dịch vụ cung ứng để hình thành sản phẩm du lịch, liên kết các điểm đến với nhau, giữa các điểm đến và thị trường, như: liên kết giữa các nhà quản lý du lịch các địa phương lại với nhau, giữa các nhà quản lý du lịch với doanh nghiêp, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với cộng đồng, giữa doanh nghiệp với du khách, giữa cộng đồng với nhau và giữa cộng đồng với du khách.

5.2. Phát triển du lịch cộng đồng nông thôn gắn với môi trường

Quy hoạch du lịch cộng đồng hợp lý, khuyến khích các hoạt động du lịch hạn chế ảnh hưởng đến môi trường, nguồn tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan cộng đồng.

Tuyên truyền vận động người dân làm du lịch và người tham gia du lịch giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan, cũng như cùng nhau tôn tạo vẻ đẹp cộng đồng.

Có sự giám sát chặt chẽ và khắc phục các sự cố nhanh chóng và triệt để - từ đó tạo được cảnh quan cộng đồng sạch đẹp, không khí trong lành, tạo ra sự thoải mái và hài lòng nhất cho du khách khi họ tham gia vào du lịch cộng đồng.

5.3. Phát triển du lịch cộng đồng nông thôn gắn với văn hóa, xã hội

Để phát triển du lịch cộng đồng nông thôn gắn với văn hóa, xã hội, cần tăng cường bảo vệ, duy trì và phát triển các nét đẹp văn hóa, giữ gìn tôn tạo các giá trị văn hóa đặc biệt của các dân tộc Chăm, Hoa, Khmer, góp phần mang các giá trị đó, quảng bá thu hút, tạo điểm nhấn cho vùng đất An Giang.

Thực tế cho thấy, phát triển du lịch cộng đồng sẽ mang mang giá trị văn hóa bản sắc dân tộc, giá trị tự nhiên, tạo sức hấp dẫn với khách du lịch. Song trong quá trình phát triển không làm mất đi các giá trị vốn có, mà cần ra sức phát huy đưa các giá trị đó về đúng với bản chất văn hóa của nó. Như thế mới tạo được sự khác biệt, tạo được nét riêng trong cộng đồng dân tộc An Giang, tạo tiền đề đưa du lịch cộng đồng An Giang phát triển với một vị trí nhất định trong khu vực ĐBSCL và cả nước.

6. Kết luận

Tóm lại, du lịch nông thôn giúp xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, cải tạo và bảo vệ được môi trường, bảo tồn tôn tạo các di tích của địa phương. Đây chính là sự phát triển có tính bền vững, vì đảm bảo được an sinh của xã hội cũng như tính bền vững của môi trường. Khi sinh kế của người dân cộng đồng được đảm bảo, người dân mới yên tâm làm việc, cống hiến và sáng tạo, trong lao động - hoạt động đón tiếp khách du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến việc mang lại nguồn thu cho người dân địa phương, cũng như đảm bảo sinh kế của cộng đồng trong mối quan hệ bền vững về môi trường, văn hóa và xã hội, theo đó vai trò và đời sống của cộng đồng phải thực sự được quan tâm hàng đầu. Khi sinh kế được đảm bảo, mỗi người dân khi tham gia du lịch sẽ trở thành những “sứ giả” du lịch thực sự, để lại ấn tượng đẹp đẽ trong lòng du khách quốc tế. Sự hài lòng của khách du lịch chính là thước đo về sự phát triển của hoạt động du lịch tại mỗi địa phương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bùi Thị Hải Yến. (2012). Du lịch cộng đồng. Hà Nội: NXB Giáo dục Việt Nam.
  2. Nguyễn Ngọc Linh. (2020). Đảm bảo sinh kế cộng đồng địa phương trong hoạt động du lịch cộng đồng. Truy cập tại http://itdr.org.vn/nghien_cuu/dam-bao-sinh-ke-cua-cong-dong-dia-phuong-trong-hoat-dong-du-lich-cong-dong/
  3. Việt Anh. (2016). Nông dân An Giang phát triển du lịch homestay. Báo Nhân dân. Truy cập tại https://nhandan.com.vn/du-lich/nong-dan-an-giang-phat-trien-du-lich-homestay-267085
  4. Phạm Hồng Long và Nguyễn Thị Thanh Kiều. (2019). Du lịch cộng đồng: Hướng tạo và chuyển đổi kinh tế cho người dân. Tạp chí Khoa học VNU Journal of Science: Policy and Management Studies, 35(2), 53-63.

THE RURAL TOURISM DEVELOPMENT POTENTIAL

OF AN GIANG PROVINCE

• DUONG HUYEN TRANG

Faculty of Agriculture - Natural Resources

An Giang University, Vietnam National University - Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

The rapid urbanization and industrialization processes have fueled more and more visitors to seek simple, natural places and traditional cultural values in the countryside. Rural tourism has become a development trend in many countries including Vietnam. An Giang provice, Vietnam has great potential for the development of rural tourism products, especially the rural community - based tourism. By reviewing documents and conducting field researches, this study finds out that besides the indispensable role of local tourism resources such as landscapes, customs, and practices, ensuring the livelihood of local people plays an important role in the development of rural tourism. This study presents some ideas about a competent local community to conserve and promote local resources. This local community model also have sufficient knowledge, capacity, and skills to develop the livelihood for local people and provide services to meet the needs of tourists. This model creates sources of income for local people and ensure the community livelihood in the environmental, cultural, and social relationships. 

Keywords: An Giang province, community, potential, rural tourism developmment.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9, tháng 5 năm 2022]