Khát nhân lực chất lượng cao
Theo thống kê của các kênh tuyển dụng, hiện nay nhu cầu tuyển dụng của ngành Công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam đã tăng gấp 4 lần, trong đó nhóm ngành phát triển phần mềm luôn đạt mức tăng trưởng gấp đôi, chiếm hơn 50% nhu cầu tuyển dụng của toàn ngành Công nghệ thông tin.
Đây cũng là nhóm ngành có nguồn nhân lực trí tuệ chất lượng cao, gồm tập hợp các kỹ sư về giải pháp phần mềm quản lý đa chức năng, kỹ năng lập trình, an toàn an ninh thông tin… Theo dự đoán, CNTT sẽ là một trong số những nghề phát triển nhất trong 10 năm tới. Tuy nhiên, nhu cầu nhân lực tăng nhưng thị trường lao động lĩnh vực này tại Việt Nam luôn trong tình trạng thiếu hụt về cả số lượng và chất lượng.
Cụ thể, năm 2019, số lượng nhân lực CNTT cần có là 350.000 người, nhưng thiếu khoảng 90.000 người. Năm 2020, số nhân lực ngành CNTT cần có ước tính khoảng 400.000 người và ước tính thiếu hụt 100.000 nhân sự và năm 2021 cần 500.000 người và thiếu hút 190.000 người.
Cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp
Các chuyên gia tuyển dụng lĩnh vực Công nghệ thông tin, cho biết nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành này tăng cao khi Chính phủ thúc đẩy chuyển đổi số, công nghệ 4.0, các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT ra đời ngày càng nhiều, dẫn đến cạnh tranh khốc liệt, nhu cầu về nhân lực không đáp ứng đủ.
Nhiều doanh nghiệp không tìm được người do nhiều công ty có tiềm lực về tài chính đưa ra mức lương cao để thu hút nhân lực. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc tuyển dụng của các công ty vừa và nhỏ. Mức thu nhập cũng tăng tỷ lệ thuận với công sức, chất xám, trí tuệ bỏ ra. Hiên nay do nhu cầu cao nhưng nguồn cung khan hiếm, kỹ sư Công nghệ thông tin một số đơn vị đang được săn đón với lương xấp xỉ 100 triệu mỗi tháng.
Khảo sát của các Trung tâm dịch vụ việc làm về nhu cầu tuyển dụng lao động cho thấy ngành Công nghệ thông tin dẫn đầu về nhu cầu tuyển dụng với hàng ngàn chỉ tiêu. Các chuyên gia cho rằng, "các vị trí đang thiếu hụt là lập trình viên, kỹ sư công nghệ thông tin, nhân viên thiết kế, nhân viên kỹ thuật...
Nếu trước đây, trong lĩnh vực Công nghệ thông tin thường tuyển dụng nam nhiều hơn thì gần đây, nhu cầu tuyển dụng lao động nam giới và nữ giới tương đương nhau. Điều này cho thấy do thiếu hụt nhân lực, canh tranh về nhân sự, các tiêu chí tuyển dụng, giới tính không còn quan trọng. Yêu cầu chính đối với các ứng viên là đáp ứng được về bằng cấp và đặc biệt khả năng thích ứng của từng công việc cụ thể".
Cơ chế đặc thù đào tạo khối ngành Công nghệ thông tin
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, hội nhập quốc tế và khát vọng "Việt Nam hùng cường", Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong đào tạo Công nghệ thông tin (Công văn 5444/BGDĐT-GDĐH ngày 16/11/2017), theo đó cho phép các nhà trường phối hợp sâu, rộng với các doanh nghiệp và hiệp hội nghề nghiệp trong quá trình đào tạo.
Bộ GD&ĐT cho phép các nhà trường: Hợp tác với doanh nghiệp là nơi thực hành, thực tập (thời gian đào tạo thực tế tại doanh nghiệp phải đảm bảo ít nhất 30% tổng thời gian đào tạo), sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phần mềm của doanh nghiệp để phục vụ thực hành nhằm nâng cao kỹ năng thực hành, ứng dụng thực tiễn của sinh viên; Sử dụng chuyên gia của các doanh nghiệp tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thực tập, đánh giá kết quả học tập của sinh viên và tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp...
Để giải bài toán khát nhân lực CNTT gắn với thực tế của doanh nghiệp, các nhà trường đã xây dựng đề án áp dụng cơ chế đặc thù trong đào tạo nhân lực khối ngành Công nghệ thông tin như trường Đại học FPT, Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị….
Trao đổi về đề án đào tạo Cử nhân Công nghệ thông tin theo cơ chế đặc thù, PGS.TS Nguyễn Xuân Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị cho biết, mục tiêu chương trình đào tạo các ngành CNTT là đào tạo những cử nhân có phẩm chất chính trị, đạo đức, và sức khỏe tốt; có đủ năng lực để vận hành, quản lý, và phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin; đáp ứng nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin trong các lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
Ngoài ra PGS.TS Nguyễn Xuân Sơn cũng cho biết thêm "do việc khát nhân lực hiện nay nên các sinh viên tốt nghiệp khối ngành Công nghệ thông tin đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp có thể nhận mức lương hậu hĩnh có thể lên tới 2.000UDS/tháng". Đồng thời thầy cũng có lời khuyên với sinh viên: "Thay vì nghĩ rằng mình đạt được mức lương như thế nào thì bạn hãy hoạch định mình là ai trong vòng 2-3 năm tới. Khi bạn khẳng định được vị trí của mình thì thu nhập tức khắc sẽ đến".