Khuyến công Bạc Liêu: Hỗ trợ thiết thực cho các cơ sở CNNT phát triển

Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bạc Liêu đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ để góp phần giúp các cơ sở CNNT trong tỉnh phục hồi sản xuất kinh doanh trong bối cảnh hậu Covid-19.

Đại dịch Covid-19 kéo dài đã làm ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Trước tình hình khó khăn đó Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bạc Liêu đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ để góp phần giúp các cơ sở CNNT trong tỉnh phục hồi sản xuất kinh doanh trong bối cảnh hậu Covid-19.

Các hoạt động khuyến công tỉnh Bạc Liêu tập trung triển khai trong thời gian qua gồm: Tập huấn khởi sự doanh nghiệp, tổ chức hội thảo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào các khâu sản xuất, hỗ trợ các các cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm hàng hóa, tham gia hội nghị kết nối cung cầu,...

Hoạt động khuyến công của tỉnh đã hỗ trợ rất thiết thực cho các cơ sở CNNT phát triển nguồn nhân lực, hiện đại hóa máy móc thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, … Nhờ vào hoạt động khuyến công tình hình sản xuất kinh doanh của các cơ sở CNNT đã có nhiều khởi sắc.

khuyến công tỉnh Bạc Liêu
Sở Công Thương Bạc Liêu nghiệm thu Đề án khuyến công quốc gia

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn và tồn tại như: Đa phần các cơ sở CNNT chủ yếu là hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế nên rất khó đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Trình độ quản lý của chủ các cơ sở CNNT còn hạn chế, thiếu chủ động tiếp cận hoạt động khuyến công; nhận thức của các cơ sở, doanh nghiệp về hoạt động khuyến công còn chưa đầy đủ dẫn tới sự hưởng ứng và cộng tác của các đơn vị còn hạn chế.

Công tác thông tin, tuyên truyền về các chính sách, hỗ trợ của Chương trình khuyến công đối với cơ sở CNNT trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố chưa được quan tâm đúng mức; nhiều cơ sở CNNT, nhất là các hộ kinh doanh, hợp tác xã quy mô nhỏ và vừa chưa nắm bắt được nội dung và định mức hỗ trợ, một số cơ sở vẫn hiểu lầm là Chương trình khuyến công sẽ hỗ trợ 100% tổng kinh phí thực hiện hoặc giải ngân trước để mua sắm máy móc, thiết bị…

Nhiều nội dung khuyến công chưa được các cơ sở CNNT tham gia hưởng ứng như: Tham gia Hội chợ triển lãm, xây dựng thương hiệu, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm... vì hầu hết các cơ sở sản xuất CNNT còn nhỏ lẻ, chưa thực sự có nhu cầu. Quy định về hồ sơ, thủ tục còn phức tạp so với trình độ chung của nhiều cơ sở CNNT.

Các cơ sở CNNT đầu tư máy móc thiết bị mới nhằm tăng năng suất sản xuất, nhưng sản phẩm còn đơn điệu, khả năng cạnh tranh kém, công tác quản lý còn hạn chế, không tăng cường mở rộng thị trường nên khả năng tiêu thụ thấp, vì vậy nhiều cơ sở sau khi đầu tư chưa khai thác hết công suất của máy móc thiết bị.

Đội ngũ khuyến công đều là cán bộ của phòng Kinh tế thị xã, thành phố; phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện phải kiêm nhiệm nhiều công việc nên công tác khuyến công chưa đạt hiệu quả cao, công tác khảo sát nhu cầu và hướng dẫn doanh nghiệp về các chính sách khuyến công chưa được quan tâm đúng mức; nguồn kinh phí được cấp hàng năm cho hoạt động khuyến công còn hạn chế, mức hỗ trợ thấp, nhất là với các dự án có mức đầu tư cao nên việc thu hút đối tượng thụ hưởng còn nhiều hạn chế.

hoạt động khuyến công
Bạc Liêu tham gia Trưng bày và Hội nghị Kết nối cung cầu Hàng hóa Việt Nam tại tỉnh Bình Định năm 2022

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động khuyến công trong thời gian tới, các đơn vị hoạt động khuyến công trên địa bàn cần triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp như:

Nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ về vị trí, tầm quan trọng của hoạt động khuyến công trong hỗ trợ phát triển CN - TTCN. Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến đến các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT, người lao động và đội ngũ cộng tác viên kiến thức về hoạt động khuyến công, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trong hoạt động khuyến công.

Tập trung cho đào tạo nghề, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về thực hiện công tác khuyến công. Chú trọng công tác đào tạo nghề, ưu tiên cho các ngành, nghề truyền thống nhằm phát triển các sản phẩm có chất lượng mang tính đặc trưng của tỉnh. Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nghiệp vụ làm công tác khuyến công, cán bộ quản lý CNNT.

Đẩy mạnh triển khai các nội dung hoạt động khuyến công. Tăng cường tư vấn, có biện pháp hỗ trợ, khuyến khích giúp đỡ kịp thờicho các cơ sở CNNT trong quá trình lựa chọn hướng đầu tư phù hợp, triển khai đầu tư sản xuất; lựa chọn và tổ chức thực hiện chương trình, đề án Khuyến công sát với thực tế và hiệu quả.

Hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp, cơ sở CNNT trong công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công

Hoàng Dương