Khuyến công Hòa Bình đồng hành cùng các cơ sở công nghiệp nông thôn

Trong năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023 tổng nguồn vốn nguồn vốn huy động được cho chính sách khuyến công tỉnh Hòa Bình là hơn 8,386 tỷ đồng (Ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp 4,68 tỷ đồng).

Thời gian qua, công tác khuyến công tỉnh Hòa Bình đã bám sát nội dung quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về Khuyến công và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác khuyến công để chỉ đạo tổ chức các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh bảo đảm mục tiêu và hiệu quả.

Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 19/02/2021 của Bộ Công Thương về đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp nông thôn giai đoạn 2021 - 2025. Ngày 10/8/2021, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Kế hoạch số 156/KH-UBND về việc đẩy mạnh các hoạt động khuyến công tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, trong đó quy định rõ trách nhiệm phối hợp của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đối với hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh, bảo đảm thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Chỉ thị của Bộ Công Thương.

Bám sát các quy định của Trung ương và địa phương, trong năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023 tổng nguồn vốn nguồn vốn huy động được cho chính sách khuyến công tỉnh Hòa Bình là hơn 8,386 tỷ đồng (Ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp 4,68 tỷ đồng). Số lượng cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh thụ hưởng chính sách khuyến công là 27 cơ sở (Trong đó: Doanh nghiệp nhỏ và vừa 13 cơ sở; Hợp tác xã, Tổ hợp tác 12 cơ sở; Hộ kinh doanh 2 cơ sở).

Có thể nói, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã và đang là “bệ đỡ” và người bạn đồng hành của các cơ sở công nghiệp nông thôn. Nhiều mô hình công nghiệp nông thôn ở các địa phương được hình thành và đang sản xuất kinh doanh hiệu quả. Các cơ sở này là những mô hình thực tế, gần gũi, thuyết phục về việc đầu tư khởi nghiệp sản xuất công nghiệp, có ý nghĩa lan tỏa, dẫn dắt về hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh ở địa phương.

Đây cũng là những minh chứng sinh động để đội ngũ cán bộ khuyến công tiếp tục tuyên truyền, động viên, khích lệ, tư vấn với các cơ sở công nghiệp nông thôn, giúp mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp nông thôn, gia tăng giá trị và tỉ trọng công nghiệp, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

khuyến công
Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất tấm lợp tôn” với nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ cho Hộ kinh doanh Nguyễn Quốc Huy là 248,3 triệu đồng

Đáng chú ý, số lượng các cơ sở CNNT hàng năm được hưởng chính sách khuyến công có tăng lên và đã mang lại lợi ích cho việc khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đó các cơ sở CNNT mạnh dạn đầu tư mở rộng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững.

Thông qua hoạt động khuyến công một số địa phương đã khôi phục nghề truyền thống và mở thêm ngành nghề mới góp phần đáng kể vào đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh, thu hút ngày càng nhiều lao động nông thôn. Chính vì vậy, mức độ ảnh hưởng, sức lan tỏa của chính sách khuyến công đến các cơ sở công nghiệp nông thôn, các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh Hòa Bình ngày càng nâng cao.

Ngoài ra, qua các chương trình khuyến công quốc gia và địa phương đã được thực hiện, nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đã đầu tư thêm dây chuyền máy móc, nhà xưởng mở rộng sản xuất sử dụng tốt nguồn vốn hỗ trợ để nâng cao chất lượng sản xuất hàng hóa, gia tăng thị trường tiêu thụ sản phẩm, giúp nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động khu vực nông thôn.

Đồng thời, khuyến khích được các cơ sở CNNT mở rộng sản xuất kinh doanh và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường và tham gia hội nhập kinh tế quốc tế góp phần đẩy mạnh xuất khẩu của tỉnh tăng cao và bền vững. Chính sách khuyến công đã tạo cơ hội tốt cho lao động nông thôn có thu nhập ổn định, tự cải thiện, nâng cao điều kiện sống mà không phải xa quê hương. Bước đầu hình thành và phát triển một số điểm nghề, làm cơ sở để phát triển thành làng nghề sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Hoàng Dương